
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Thuế quan trung bình cao nhất hơn 100 năm qua
Tại Vườn hồng trong Nhà Trắng ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump đã công bố áp thuế cơ sở 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 5/4.
Ngoài ra, Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất, bắt đầu từ 9/4. Thuế đối ứng này bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp lên hàng hóa Mỹ.
Washington cũng áp thuế 25% đối với toàn bộ ô tô nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 3/4.
Sắc lệnh do Tổng thống Trump ban hành nêu rõ, các mức thuế có thể tăng, giảm tùy thuộc vào việc các nước giải quyết những lo ngại của Mỹ.
Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ của Fitch Ratings cho biết, theo chính sách mới, mức thuế quan trung bình có hiệu lực của Mỹ đối với tất cả hàng nhập khẩu đã tăng vọt lên 22% từ mức chỉ 2,5% vào năm 2024. Đây là mức trung bình cao nhất hơn 100 năm qua.
"Lần gần đây nhất chúng ta chứng kiến mức thuế trung bình cao như vậy là khoảng năm 1910. Đây là một bước ngoặt, không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia có thể sẽ rơi vào suy thoái. Bạn có thể loại bỏ hầu hết các dự báo nếu mức thuế quan này vẫn duy trì trong một thời gian dài", Olu Sonola, giám đốc nghiên cứu kinh tế Mỹ của Fitch Ratings, nhận định.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhắn nhủ đến các quốc gia đang có ý định đáp trả thuế quan: "Hãy ngồi lại, hít thở sâu, đừng vội trả đũa. Hãy xem điều này sẽ đi đến đâu, bởi vì nếu bạn trả đũa, đó là cách chúng ta sẽ leo thang", ông nói.
Ông cũng cho rằng mức thuế quan có thể không phải là vĩnh viễn và ông tin chính quyền Tổng thống Trump sẽ "chờ xem mọi việc diễn ra như thế nào" trước khi đưa ra bước tiếp theo.
Phản ứng của quốc tế

Thủ tướng Canada Mark Carney (Ảnh: Reuters).
Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Colombia và Mexico trước đó đã tuyên bố sẽ phản ứng với các hành động thương mại của chính quyền Tổng thống Trump.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange hôm qua gọi chính sách thuế đối ứng của Mỹ là "vô lý, bất hợp pháp và không cân xứng".
Phản ứng với chính sách thuế mới của Mỹ, tân Thủ tướng Canada Mark Carney cho rằng chính sách này sẽ "thay đổi cơ bản hệ thống thương mại quốc tế".
Canada, cũng như Mexico, được miễn trừ thuế đối ứng, nhưng vẫn phải chịu mức thuế 25% đã công bố trước đó đối với những hàng hóa không thuộc phạm vi của hiệp định thương mại tự do Mỹ - Mexico - Canada (USMCA).
Thủ tướng Carney cho biết Mỹ "đã duy trì một số yếu tố quan trọng" của mối quan hệ thương mại song phương, nhưng thuế quan đối với fentanyl, thuế quan đối với thép và nhôm, và thuế quan đối với ô tô sẽ vẫn được áp dụng.
"Loạt biện pháp này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người dân Canada. Chúng tôi sẽ chống lại các mức thuế quan đó", ông nhấn mạnh.
Cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cũng bình luận trên X: "Thụy Điển sẽ tiếp tục đấu tranh cho thương mại tự do và hợp tác quốc tế".
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Na Uy Cecilie Myrseth nói: "Chúng tôi đang tính toán và xem xét những gì đã xảy ra. Nhưng rõ ràng là điều này nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới và Na Uy".
Bộ trưởng Myrseth cho biết thêm: "Thoạt nhìn, chúng ta có thể thấy mức thuế 20% đối với Liên minh châu Âu và ít nhất 10-15% với Na Uy. Điều đó rất quan trọng, vì chúng ta cũng xuất khẩu rất nhiều hàng hóa sang EU. Vì vậy, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến chúng ta".
Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter cho biết, nước này sẽ nhanh chóng xác định các bước tiếp theo để đối phó chính sách thuế của Mỹ. "Lợi ích kinh tế lâu dài của đất nước là ưu tiên hàng đầu. Tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại tự do là điều cơ bản", bà tuyên bố.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho rằng thuế quan của Mỹ không phải là điều bất ngờ, nhưng chúng "không hợp lý".
"Chính phủ của chúng tôi sẽ luôn bảo vệ nước Australia. Đây là thời điểm nhiều biến động, nhưng tất cả người Australia có thể chắc chắn về điều này: chúng tôi sẽ luôn đấu tranh cho việc làm của người Australia, ngành công nghiệp Australia, người tiêu dùng Australia và các giá trị của Australia", ông nhấn mạnh.
Thủ tướng Albanese khẳng định: "Nhiều quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định hôm nay nặng nề hơn so với Australia, và không quốc gia nào có sự chuẩn bị tốt hơn Australia".
Chính phủ Brazil cho rằng, chính sách thuế đối ứng của Mỹ "không phản ánh thực tế" và Brazil sẽ tìm cách bảo vệ lợi ích cho các nhà sản xuất của mình.
Tại châu Á, quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo đã ra lệnh áp dụng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ, bao gồm cả ô tô.
Ông Han Duck-soo yêu cầu Bộ Công nghiệp Hàn Quốc phân tích các mức thuế quan và đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động.
"Khi cuộc chiến thương mại toàn cầu đã trở thành hiện thực, chính phủ phải huy động mọi khả năng để vượt qua cuộc khủng hoảng này", ông Han phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức cấp cao.
Ông dự kiến gặp gỡ lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân để thảo luận biện pháp ứng phó.
Tại Mỹ, các nghị sĩ Dân chủ lên tiếng phản đối chính sách thuế mới, cho rằng nó sẽ tạo gánh nặng cho các gia đình Mỹ, trong khi giới tỷ phú được hưởng lợi nhờ được cắt giảm thuế.
Hạ viện có thể sớm buộc phải bỏ phiếu phản đối chính sách thuế quan của Tổng thống Trump bất chấp những nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn động thái này.
Trong khi đó, một số hiệp hội ở Mỹ, như Hiệp hội Khai thác Khoáng sản, ủng hộ quyết định thuế mới.