Các nước hối hả tìm giải pháp trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực

03/04/2025 16:30

() - Hầu hết các nước, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á, đều phát tín hiệu đàm phán nhằm tránh cuộc chiến thuế quan với Mỹ.

Các nước hối hả tìm giải pháp trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực - 1

Chính sách thuế mới của Mỹ có thể tác động mạnh đến thương mại toàn cầu (Ảnh minh họa: AFP).

Chính sách thuế mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm 2/4 đang làm chấn động thị trường thế giới.

Mỹ áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại. Trong đó, khoảng một nửa chịu mức thuế chung 10% từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn chịu thuế dao động từ 15% đến gần 50% từ ngày 9/4. 

Theo chính sách mới, 6 trong 9 quốc gia Đông Nam Á bị áp mức thuế quan cao hơn nhiều so với dự kiến, từ 32% đến 49%. Trong khi đó, mức thuế với EU là 20%, Trung Quốc là 34%.

Giới chức cấp cao Mỹ cho biết, mức thuế quan này tăng, giảm linh hoạt tùy thuộc vào việc các nước đàm phán giải quyết hoặc giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại với Mỹ. Như vậy, các nước bị áp thuế cao chỉ có một tuần để đàm phán trước khi chính sách thuế của Washington có hiệu lực.

Trong tuyên bố phát đi hôm nay, chính phủ Thái Lan cho biết họ hiểu mong muốn của Mỹ về việc "tái cân bằng các mối quan hệ thương mại" và rằng Thái Lan "sẵn sàng tham gia đối thoại sớm nhất có thể để đạt được cán cân thương mại công bằng".

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết: "Chúng ta phải đàm phán và đi vào chi tiết. Chúng ta không thể để đến mức không đạt được mục tiêu GDP". Bà hy vọng có thể đàm phán để hạ mức thuế quan 36% mà Mỹ áp vào hàng hóa Thái Lan.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan cho hay nước này đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán và rất hy vọng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tốt đẹp.

Thái Lan cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của mình tìm kiếm thị trường mới. Chính phủ nước này khẳng định đã chuẩn bị "các biện pháp giảm thiểu" để hỗ trợ doanh nghiệp phụ thuộc chính vào thị trường Mỹ.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan cho các mặt hàng điện tử, máy móc và nông sản.

Bị áp thuế đối ứng 24%, Malaysia cho biết sẽ không tìm cách trả đũa thuế quan. Thay vào đó, Bộ Thương mại Malaysia sẽ hợp tác với phía Mỹ để tìm kiếm giải pháp trên cơ sở tự do và bình đẳng thương mại.

Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu Bộ Công nghiệp nước này phân tích các mức thuế quan và đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động. Quyền Tổng thống Han Duck-soo đã ra lệnh áp dụng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ, bao gồm cả ô tô.

Một quan chức Ấn Độ cho rằng, việc Mỹ áp thuế đối ứng 27% không hẳn là bước lùi đối với nước này. Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng Ấn Độ không phụ thuộc vào xuất khẩu như nhiều quốc gia châu Á khác, điều này giúp Ấn Độ hạn chế bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Thậm chí, Các nhà xuất khẩu Ấn Độ cho biết mức thuế này sẽ gia tăng áp lực lên các quan chức ở New Delhi để sớm đạt được hiệp định thương mại với Washington.

Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho biết, ông "hài lòng" với mức thuế 10% mà Mỹ sẽ áp đặt lên hàng hóa nước này. Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay loại trừ khả năng áp thuế quan qua lại. Ông nói "Thuế quan tự thân nó đẩy giá lên cao và không tốt cho thương mại".

Tại châu Âu, trong khi một số nước tỏ ra cứng rắn, số khác tuyên bố sẵn sàng đàm với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Người Mỹ nói rằng có cơ hội đàm phán, vậy chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này theo mọi cách có thể", Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cho biết.

Mong muốn đàm phán của các nước có thể giúp thế giới tránh được một cuộc chiến thuế quan căng thẳng, song hiện chưa rõ mỗi bên có thể đưa ra những nhượng bộ nào.

Bạn đang đọc bài viết "Các nước hối hả tìm giải pháp trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.