
Một nhà máy chế tạo của Taiwan Semiconductor đang được xây dựng tại Phoenix, bang Arizona, Mỹ vào tháng 3 (Ảnh: Bloomberg).
Đợt áp thuế lớn nhất của Tổng thống Trump gửi đi thông điệp rõ ràng tới các công ty Mỹ và nước ngoài: Kỷ nguyên toàn cầu hóa đã kết thúc.
Kế hoạch "Ngày giải phóng" của ông Trump nhằm áp đặt các mức thuế mới toàn diện đối với hàng nghìn tỷ USD hàng nhập khẩu cho thấy Nhà Trắng muốn hàng hóa bán cho người tiêu dùng Mỹ được sản xuất tại các nhà máy ở nước này. Động thái này "hạ màn" sự ủng hộ của Mỹ đối với quá trình toàn cầu hóa tăng tốc đã thúc đẩy nền kinh tế thế giới trong nhiều thập kỷ.
Các mức thuế mới bao gồm thuế cơ bản là 10% đối với hàng nhập khẩu nước ngoài và mức thuế quan "có đi có lại" lớn hơn, trong đó Trung Quốc phải đối mặt với tổng mức thuế là 54% và Liên minh châu Âu (EU) là 20%.
"Việc làm và các nhà máy sẽ quay trở lại đất nước chúng ta, và bạn đã thấy điều đó xảy ra rồi", ông Trump phát biểu trong buổi lễ tại Vườn Hồng hôm 2/4. Đối với bất kỳ công ty hoặc quốc gia nào phàn nàn, ông nói: "Nếu các bạn muốn mức thuế quan của mình bằng 0, thì hãy sản xuất sản phẩm của mình ngay tại Mỹ".
Tham vọng "Made in America" của ông Trump có nghĩa là một luồng đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây đổ vào các điểm đến sản xuất chi phí thấp cũng như các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản, sắp cạn kiệt. Các công ty đang xem xét lại các lựa chọn về nơi tốt nhất để chi tiêu tiền đầu tư của họ.
"Mỹ đã ở trung tâm của toàn cầu hóa... Bây giờ, Mỹ, trung tâm, muốn rút lui", Andre Sapir, cựu quan chức EU hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Tự do Brussels, cho biết.
Trong những tuần kể từ khi ông Trump nhậm chức, một loạt các thông báo mới của các công ty bao gồm nhà sản xuất iPhone là Apple, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai và các nhà sản xuất thuốc Johnson & Johnson và Eli Lilly báo hiệu rằng các công ty đa quốc gia đang chuẩn bị mở rộng hoạt động tại các nước để đáp trả thuế quan của ông Trump.
Tuy nhiên, việc gỡ rối chuỗi cung ứng của thế giới và chuyển đến Mỹ theo cách ông Trump muốn là một nhiệm vụ khó khăn, xét đến chi phí liên quan.
Các giám đốc điều hành (CEO) cũng cho biết có nguy cơ ông Trump sẽ hạ thuế quan nếu có thể sử dụng chúng để giành được nhượng bộ về thương mại từ các quốc gia khác. Các nhà kinh tế cảnh báo, thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đầu tư làm suy yếu tăng trưởng khi các công ty ngồi ngoài cuộc cho đến khi sương mù của cuộc chiến thương mại tan biến.
"Việc thay đổi mọi thứ sẽ khá phức tạp", Derrick Kam, nhà kinh tế châu Á tại Morgan Stanley nói. Ông cho biết quá trình đó sẽ chậm, tốn kém và đầy thách thức.
Tổng thống Trump hy vọng, các bức tường thuế quan cao như vậy sẽ mở ra thời kỳ hoàng kim với nhiều việc làm, sản xuất phát triển rộng khắp khi sản xuất công nghiệp nở rộ trên khắp nước Mỹ. Ông Trump đổ lỗi cho các hoạt động thương mại săn mồi của Trung Quốc, EU và các đối tác thương mại khác của Mỹ đã hút hết việc làm và các ngành công nghiệp ở nước ngoài, mà giờ đây ông muốn đưa trở lại.
Hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Mexico và Canada, đã được miễn thuế quan mới, với bất kỳ hàng hóa nào tuân thủ thỏa thuận thương mại tự do của họ vẫn không phải chịu thuế.
Nhưng cả hai nước vẫn phải đối mặt với mức thuế 25% mà ông Trump áp dụng đối với một phần lớn hàng xuất khẩu của họ không nằm trong phạm vi của thỏa thuận, cũng như mối đe dọa liên tục rằng tổng thống có thể phá vỡ thỏa thuận vì các vấn đề không liên quan đến thương mại như ma túy và di cư.
Trong tuyên bố hôm 1/4, ông Trump đã chỉ đích danh Trung Quốc. Theo ông đây là bên hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, trong nhiều thập kỷ xây dựng các nhà máy, bắt đầu bằng các nhà máy sản xuất đồ chơi và quần áo và ngày nay là sản xuất ô tô, máy móc và thiết bị điện tử công nghệ cao.
Ngày nay, Trung Quốc thống trị ngành sản xuất toàn cầu, với thặng dư thương mại năm 2024 là 1.000 tỷ USD. Mức thuế mới 34% đối với Trung Quốc được công bố hôm 1/4 sẽ là mức bổ sung cho các mức thuế trước đây do chính quyền ông Trump áp đặt, như mức thuế 20% mà ông đã áp đặt đối với vai trò của nước này trong hoạt động buôn bán fentanyl. Điều đó có nghĩa là mức thuế cơ bản đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ là 54% sau ngày 9/4.
Nếu Tổng thống Trump áp thêm thuế 25% đối với Trung Quốc vì mua dầu của Venezuela, thì mức thuế sẽ tăng lên tới 79%.
Do căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh cùng "chấn thương" do đại dịch, các công ty đa quốc gia đã bổ sung thêm các cơ sở sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc để duy trì hoạt động diễn ra suôn sẻ trong trường hợp bị gián đoạn do chậm trễ vận chuyển, thiên tai, lệnh trừng phạt kinh tế hoặc xung đột.
Ví dụ, Apple đã bắt đầu sản xuất một số iPhone tại Ấn Độ. Đồng thời, các công ty Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở sản xuất ở nước ngoài của riêng họ, một phần để thoát khỏi sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước và một mặt cũng để tiếp tục phục vụ các khách hàng đa quốc gia và tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Mexico cũng là điểm đến phổ biến, nhờ chi phí thấp và trong trường hợp của Mexico, được miễn thuế khi tiếp cận thị trường Mỹ. Đối với Mỹ, kết quả là thị phần nhập khẩu từ Trung Quốc của nước này giảm nhưng thâm hụt ngày càng gia tăng với Mexico và các quốc gia khác.
Tổng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ, thước đo rộng về thương mại và thu nhập từ nước ngoài, vào năm 2024 đã đạt 1.100 tỷ USD, gây áp lực khiến ông Trump và các đồng minh về việc cần cải tổ thương mại toàn cầu.
Khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã đưa cuộc chiến thương mại của mình đến với cả đối thủ và đồng minh, những người mà ông cáo buộc đã lợi dụng hệ thống thương mại toàn cầu mà Mỹ đã nuôi dưỡng sau Thế chiến II bằng cách thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Một số nhà phân tích cho rằng các chính sách như vậy thực sự thúc đẩy thâm hụt thương mại Mỹ, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế chính thống đều trích dẫn thâm hụt ngân sách dai dẳng và tỷ lệ tiết kiệm thấp của Mỹ là những động lực chính của khoảng cách thương mại ngày càng lớn.
Có những dấu hiệu cho thấy chiến lược của Trump đang có hiệu quả.
Theo cuộc khảo sát vào tháng 11/2024 của Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí Đức (VDMA) - nhóm vận động hành lang - khoảng một nửa số doanh nghiệp kỹ thuật của Đức muốn thúc đẩy đầu tư vào Mỹ, cả do thuế quan lẫn quy mô thị trường. Andrew Adair, quan chức của VDMA cho biết hầu hết các thành viên "xem Mỹ là cơ hội tăng trưởng".
Hồi tháng trước, gã khổng lồ kỹ thuật Đức Siemens cho biết sẽ tăng thêm 10 tỷ USD đầu tư vào Mỹ, thị trường lớn nhất của công ty. Điều đó bao gồm các cơ sở sản xuất mới cho các sản phẩm điện tại Fort Worth, Texas và Pomona, California, tạo ra hơn 900 việc làm sản xuất lành nghề, công ty cho biết.
Cũng trong tháng trước, Taiwan Semiconductor, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới, cho biết họ có kế hoạch đầu tư thêm ít nhất 100 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip tại Mỹ trong vài năm tới.