
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Trump gọi đó là "Ngày Giải Phóng", nhưng việc ông chủ Nhà Trắng công bố các mức thuế quan đối ứng vào ngày 2/4 có thể gây ra những "cơn gió ngược" về chính trị cho đảng Cộng hòa và với chính sự nghiệp chính trị của ông, Reuters cảnh báo.
Các chuyên gia cho rằng, sau những động thái này, Mỹ sẽ mất nhiều năm để khôi phục ngành sản xuất, thay đổi chuỗi cung ứng và đưa hoạt động sản xuất trở lại trong nước. Đây vốn là những mục tiêu mà đảng Cộng hòa và những người ủng hộ ông Trump cho rằng các mức thuế quan này sẽ đạt được trong ngắn hạn.
Trong khi đó, người tiêu dùng có thể sẽ chứng kiến giá cả tăng cao, nền kinh tế có thể rơi vào khó khăn, và các đối tác có thể sẽ áp đặt thuế quan riêng đối với hàng hóa Mỹ. Ông Trump gọi những tác động này là "xáo trộn", nhưng các cử tri có thể không sẵn lòng chấp nhận điều này khi bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm sau.
Đảng Cộng hòa của ông Trump đang kiểm soát Hạ viện và Thượng viện với tỷ lệ sít sao. Những tổn thất ngắn hạn do thuế quan gây ra có thể ảnh hưởng tới cục diện nắm quyền ở lưỡng viện sau tháng 11 năm sau (thời điểm diễn ra bầu cử giữa kỳ Mỹ), Reuters cảnh báo.
Mike Dubke, cựu giám đốc truyền thông của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu, cho biết: "Vấn đề là khi nào chúng ta mới thấy được những lợi ích mà ông ấy và các cố vấn của mình tin rằng sẽ đạt được? Vì ông ấy chỉ có 18 tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra".
Các nhà kinh tế cho rằng thuế quan thực chất là thuế đánh vào người tiêu dùng, và đa số người Mỹ, 70%, bao gồm 62% đảng viên Cộng hòa tin rằng việc tăng thuế quan sẽ đẩy giá thực phẩm và hàng tiêu dùng lên cao, theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos.
Khoảng 53% số người được hỏi đồng ý với nhận định rằng thuế quan tăng sẽ gây hại nhiều hơn lợi, trong khi 31% không đồng tình. Số còn lại không chắc chắn hoặc không đưa ra câu trả lời.
Chỉ 31% số người được hỏi đồng ý rằng công nhân Mỹ sẽ có lợi khi đất nước áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu, trong khi 48% không đồng ý.
"Rủi ro chính là nền kinh tế", Lanhee Chen, học giả tại Viện Hoover và cựu cố vấn cho các lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitt Romney và Marco Rubio, nhận xét về thuế quan.
"Một rủi ro tức thời là giá cả tăng và điều đó có ý nghĩa gì đối với một tổng thống được bầu vì lời hứa sẽ hạ giá cả", ông nói. Một rủi ro khác là khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái, ông Chen cho biết.
Ông Trump từng cam kết khi tranh cử tổng thống rằng ông sẽ làm giảm giá cả, và lo ngại của cử tri về lạm phát đã gây tổn hại cho đối thủ của ông năm 2024, cựu Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Vào ngày 2/4, ông Trump tuyên bố các mức thuế quan đối ứng sẽ làm giàu cho ngân khố Mỹ.
"Bây giờ là lúc chúng ta thịnh vượng, và nhờ đó, sử dụng hàng nghìn tỷ USD để giảm thuế của chúng ta và trả bớt nợ quốc gia, và mọi thứ sẽ diễn ra rất nhanh chóng", ông nói.
Thuế quan được trả bởi các nhà nhập khẩu, không phải các nước xuất khẩu, và họ thường chuyển chi phí tăng thêm này sang cho người tiêu dùng, theo Reuters.
Vào ngày 3/4, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick bác bỏ lo ngại về sự biến động của thị trường chứng khoán. "Chắc chắn sẽ có một số biến động ngắn hạn nhưng đây là một sự tái cấu trúc thương mại toàn cầu", ông nói với CBS.
Về lâu dài, ông tuyên bố: "Mỹ sẽ phát triển mạnh. Lãi suất sẽ giảm xuống, như chúng tôi đã nói, và Mỹ sẽ thịnh vượng".
Thông báo thuế quan của ông Trump khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc. Một đợt suy giảm trên diện rộng có thể ảnh hưởng đến các quỹ hưu trí của người Mỹ.
Nhà Trắng, vốn đổ lỗi lạm phát cho cựu Tổng thống Joe Biden, khẳng định chính quyền ông Trump đang làm mọi thứ có thể để giảm chi phí sinh hoạt và bác bỏ lo ngại về hệ lụy chính trị của chính sách thương mại.
"Mối quan tâm duy nhất của Tổng thống Trump là phúc lợi của người dân Mỹ. Hành động thương mại mang tính lịch sử của ông ấy... thể hiện cam kết khôi phục sự vĩ đại của Mỹ cho các ngành công nghiệp và người lao động của chúng ta, không phải để chạy theo những giả thuyết chính trị vô nghĩa", phát ngôn viên Nhà Trắng Kush Desai cho biết.