
Ngôi nhà bị đổ sập ở Mandalay, Myanmar (Ảnh: AFP).
Vào khoảng giữa trưa ngày 28/3 theo giờ địa phương, hàng chục triệu người ở Đông Nam Á cảm nhận được mặt đất dưới chân họ rung chuyển dữ dội. Một trận động đất mạnh 7,7 độ với tâm chấn chỉ cách Mandalay, Myanmar, khoảng 19 km, đã làm rung chuyển khu vực, gây ra cảnh đường phố nứt toác, các ngôi chùa cổ sụp đổ, cầu cống vỡ vụn và nhà cửa đổ nát. Chỉ trong vài giây, toàn bộ các khu dân cư bị tàn phá.
Năng lượng giải phóng từ trận động đất này tương đương với hàng trăm vụ nổ hạt nhân, theo ước tính của tạp chí Mỹ Scientific American.
"Cường độ của sự kiện này quá lớn đến mức nó được cảm nhận ở các quốc gia láng giềng", Amilcar Carrera-Cevallos, nhà khoa học nghiên cứu động đất tại Đại học Vicente Rocafuerte ở Guayaquil, Ecuador, cho biết.
Một tòa nhà chọc trời 30 tầng đang xây dựng ở Bangkok khoảng 965 km đã sụp đổ hoàn toàn. Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), số người thiệt mạng có thể lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người, cùng với thiệt hại kinh tế lên tới hàng chục tỷ USD.
Tòa nhà đang thi công đổ sập ở Bangkok do động đất (Video: X).
Nhiều yếu tố đã góp phần biến trận động đất này thành một thảm họa, trong đó có việc thiếu các biện pháp chống động đất trong các công trình xây dựng trên khắp khu vực.
Ít tòa nhà có thể chịu được cơn địa chấn dữ dội này, một trận động đất "rất lớn và nông", nghĩa là nó xảy ra tương đối gần bề mặt Trái Đất, theo Judith Hubbard, nhà khoa học nghiên cứu động đất tại Đại học Cornell (Mỹ).
Khoảng 45 triệu năm trước, mảng kiến tạo Ấn Độ va chạm với mảng Á - Âu trước khi dần dần lún xuống bên dưới mảng này. Phần vỏ Trái Đất bị nén và đẩy lên giữa hai mảng chính là dãy Himalaya ngày nay.
Khu vực này, bao gồm cả dãy núi, chứa đầy các đứt gãy do quá trình va chạm địa chất khổng lồ đó tạo ra. Hiện tại, mảng Ấn Độ vẫn tiếp tục di chuyển chậm chạp về phía mảng Á-Âu, khiến các đứt gãy này tích tụ rất nhiều áp lực. Đôi khi, áp lực này vượt quá giới hạn và các đứt gãy bị phá vỡ.
Sự kiện ngày 28/3 chính là kết quả của một vết nứt khổng lồ dọc theo một trong những đứt gãy đó.
"Tất cả dữ liệu hiện có đều cho thấy đây là sự đứt gãy trên đới đứt gãy Sagaing", Robin Lacassin, nhà khoa học nghiên cứu động đất tại Viện Vật lý Trái Đất Paris, cho biết.
Đây là một đứt gãy theo phương Bắc-Nam thuộc loại "trượt ngang", trong đó hai khối vỏ Trái Đất trượt ngang qua nhau tương tự như đứt gãy San Andreas ở California.
Đứt gãy Sagaing là "ranh giới trượt ngang chính của mảng Ấn Độ ở khu vực này", chuyên gia Lacassin giải thích, đồng thời nhấn mạnh rằng nó "đã gây ra nhiều trận động đất mạnh và tàn khốc trong quá khứ".

Đống đổ nát ở Thái Lan sau động đất (Ảnh: AFP).
Nhà khoa học Hubbard chỉ ra rằng chỉ mới tháng 5/2023, loại đứt gãy này đã kích hoạt một trận động đất mạnh 5,8 độ, gây ra một số thiệt hại nhất định. Đây là một đứt gãy đặc biệt nguy hiểm, không chỉ vì nó có lịch sử hoạt động mạnh mà còn bởi vì thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar nằm ngay trên nó.
Trận động đất mạnh 7,7 độ ngày hôm nay có sức công phá vượt xa trận động đất năm 2023. Các trận động đất được đo theo thang cường độ Mercalli cải biên, đánh giá mức độ rung chấn dựa trên quan sát bề mặt.
Gần tâm chấn, gần một triệu người đã trải qua rung chấn ở mức IX, tức là "cực kỳ dữ dội" trên thang đo này: Nhiều tòa nhà không chỉ bị hư hại mà còn bị quăng đi, thậm chí một số bị xô lệch khỏi nền móng ban đầu.
Cách xa tâm chấn hơn một chút, cường độ rung chấn giảm xuống mức "rất mạnh" hoặc "mạnh," nhưng vẫn đủ gây sốc cho người dân Thái Lan khi chứng kiến nhiều tòa nhà ở đó bị hư hại.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy sóng địa chấn đã lan xa như vậy vì chúng được dẫn truyền dọc theo phần phía Nam của đứt gãy Sagaing.
"Điều này giải thích lý do vì sao Bangkok chịu thiệt hại và vì sao rung chấn có thể cảm nhận được ở khoảng cách xa như vậy", chuyên gia Carrera-Cevallos cho biết.
Những trận động đất như thế này là lời nhắc nhở rằng thảm họa không hoàn toàn là "tự nhiên".
"Trận động đất hôm nay có cường độ mạnh, nhưng các thành phố trong khu vực bị ảnh hưởng không có cơ hội chống đỡ vì một yếu tố mang tính con người: Nó xảy ra ở khu vực không có các tòa nhà chống động đất và các quy chuẩn xây dựng không đầy đủ", chuyên gia Carrera-Cevallos nhận xét.
Mặc dù không thể thiết kế một tòa nhà có khả năng chống chọi mọi trận động đất, người ta vẫn có thể tích hợp các bộ giảm chấn vào kết cấu để giúp tòa nhà "đong đưa" một cách an toàn khi động đất xảy ra. Ngay cả những công trình cũ cũng có thể được gia cố bằng các công nghệ chống động đất khác nhau.
Thiệt hại ở Thái Lan tuy gây sốc nhưng có lẽ không nghiêm trọng quá mức. Rung chấn tại đó yếu hơn so với Myanmar, và tòa nhà chọc trời bị sập ở Thái Lan vẫn đang trong quá trình xây dựng, nên có thể xem là một trường hợp cá biệt. "Nhưng ở Myanmar, tình hình có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều", chuyên gia Hubbard cảnh báo.