
Các bác sĩ và đội cứu thương điều trị cho một nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà ở Mandalay, Myanmar (Ảnh: AFP).
Chính quyền quân sự Myanmar xác nhận, tính đến ngày 31/3, số người thiệt mạng trong trận động đất được thống kê lên tới 2.056 trường hợp. Ngoài ra, 3.900 người bị thương và 270 người vẫn mất tích.
Con số trên tăng mạnh so với một ngày trước đó. Vào ngày 30/3, Myanmar ghi nhận 1.700 người thiệt mạng vì động đất.
Số thương vong trong trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên, khi nỗ lực cứu hộ đang diễn ra.
Trên khắp miền trung Myanmar, các đội cứu hộ đang phải vật lộn để giải cứu những người còn mắc kẹt khỏi các tòa nhà bị sập. Nhà cửa, đền chùa, nhà thờ, trường học, khách sạn và bệnh viện đều bị hư hại hoặc phá hủy.
Các hoạt động cứu hộ đang bị cản trở do thiếu thiết bị, thậm chí một số nhân viên cứu hộ phải dùng tay để tìm kiếm người mất tích bên dưới đống đổ nát.
Việc mất điện, mất liên lạc, cầu đường bị hư hỏng cũng khiến các đội cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Cơ quan Địa chất Mỹ ước tính số người chết vì động đất ở Myanmar có thể lên tới 10.000.
Thi thể được đưa ra khỏi đống đổ nát ở Myanmar (Nguồn: AP).
Các bệnh viện ở Myanmar bị quá tải do tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân sau trận động đất.
Tại bệnh viện đa khoa Mandalay, nơi có sức chứa 1.000 giường, hàng trăm bệnh nhân đã phải di chuyển ra bên ngoài để điều trị.
Dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ có thể lên tới 40⁰C, khiến nhiều bệnh nhân phải nằm trên cáng giữa bãi đỗ xe của bệnh viện.
Tại Sagaing, các tòa nhà đã sụp đổ ở hầu hết mọi nơi sau trận động đất. Trụ sở của lực lượng cứu hỏa tỉnh cũng nằm trong số những tòa nhà bị phá hủy, khiến toàn bộ máy móc và phương tiện cứu hộ bên trong bị hư hại.
Bệnh viện Sagaing cũng bị hư hại, buộc bệnh nhân phải điều trị ngoài trời nắng nóng.
Ma Ei, người tham gia hỗ trợ các hoạt động nhân đạo, chứng kiến khoảng 200 bệnh nhân đến bệnh viện Sagaing ngay sau động đất. Hầu hết đều bị gãy chân tay và chấn thương đầu.
"Có thể còn nhiều bệnh nhân hơn. Một số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính thậm chí còn đau khổ hơn", Ma Ei nói thêm.
Những bệnh nhân ở Sagaing cần điều trị phức tạp hơn thường được chuyển đến Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, nơi có bệnh viện lớn nhất trong khu vực. Tuy nhiên, đường sá và cầu cống đã bị hư hại nghiêm trọng, và ngay cả khi chúng được sửa chữa, bệnh viện đa khoa của thành phố đang trong tình trạng quá tải.
"Tôi đã ở độ tuổi trung niên và đã trải qua rất nhiều sự cố, nhưng chưa bao giờ bận rộn như thế này. Tình hình rất nghiêm trọng", một bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Mandalay cho biết.
Liên hợp quốc đã cảnh báo về "tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế" bao gồm bộ dụng cụ chấn thương, túi máu, thuốc gây mê, thiết bị hỗ trợ, các loại thuốc thiết yếu và lều cho nhân viên y tế tại Myanmar.