
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (Ảnh: Reuters).
"Mỹ và Israel luôn ôm hận thù với chúng ta. Họ đã đe dọa tấn công, nhưng sẽ không dám làm thật. Nếu họ có bất cứ hành động sai lầm nào, chắc chắn chúng ta sẽ giáng đòn đáp trả mạnh mẽ", lãnh tụ tối cao Khamenei tuyên bố trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 31/3, nhân dịp kết thúc tháng lễ Ramadan.
Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh thêm rằng, "nếu kẻ thù nghĩ rằng họ có thể xúi giục phản loạn trên đất nước chúng ta, dân tộc Iran thừa sức đáp trả".
Hôm 30/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc lại lời đe dọa rằng Iran sẽ bị ném bom nếu không chấp nhận lời đề nghị đàm phán về hạt nhân được nêu trong bức thư gửi cho giới lãnh đạo Iran hồi đầu tháng 3, đồng thời tuyên bố "cho Tehran thời hạn 2 tháng để đưa ra quyết định".
Hồi đầu tháng này, ông Trump gửi thư cho giới lãnh đạo Iran đề xuất các bên nối lại đối thoại và ra thời hạn 2 tháng để Tehran quyết định.
Iran đổ lỗi cho phương Tây về tình trạng bất ổn gần đây ở nước này bao gồm các cuộc biểu tình năm 2022-2023 về cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ bị giam giữ vì bị cáo buộc vi phạm các quy tắc về khăn trùm đầu, và các cuộc biểu tình trên toàn quốc năm 2019 về việc tăng giá nhiên liệu.
Hồi tuần trước, Iran thông báo đã phản hồi bức thư của Mỹ, trong đó Tổng thống Masoud Pezeshkian nhấn mạnh Tehran sẽ không đàm phán trực tiếp với Washington, nhưng sẵn sàng tiếp tục đối thoại qua trung gian theo lệnh của lãnh tụ tối cao Khamenei.
"Một lời đe dọa công khai về cuộc ném bom từ một nguyên thủ quốc gia chống lại Iran là một sự xúc phạm gây sốc đối với bản chất của hòa bình và an ninh quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Esmaeil Baghaei nêu rõ trong tuyên bố hôm 31/3.
Theo người phát ngôn này, "bạo lực chỉ càng sinh ra bạo lực, hòa bình mới mang lại hòa bình. Mỹ có thể lựa chọn con đường đúng đắn hoặc chấp nhận hậu quả".
Sau lời đe dọa ném bom từ ông Trump, Bộ Ngoại giao Iran cũng đã triệu tập đại sứ Thụy Sĩ, phái đoàn được ủy nhiệm đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Iran, để truyền đạt lập trường "đáp trả quyết liệt và ngay lập tức" trước mọi mối đe dọa.
Chỉ huy Không gian vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, tướng Amirali Hajizadeh cũng đe dọa các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, với lời phát biểu trước giới truyền thông rằng: "Mỹ có ít nhất 10 căn cứ trong khu vực với 50.000 quân. Họ đang ở trong một ngôi nhà kính và không nên ném đá".
Trong nhiệm kỳ đầu tiên 2017-2021, Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) vào năm 2018.
Iran sau đó dần từ bỏ tuân thủ nhiều cam kết về kiểm soát hạt nhân. Các cường quốc phương Tây cáo buộc Iran có chương trình nghị sự bí mật là phát triển năng lực vũ khí hạt nhân bằng cách làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết phân hạch cao, cao hơn mức mà họ cho là hợp lý đối với một chương trình năng lượng nguyên tử dân sự.
Đáp lại, Tehran cho biết chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích năng lượng dân sự.
Sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã chỉ đạo phái bộ Mỹ tại Liên hợp quốc phối hợp với đồng minh để khôi phục các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran.