Từ song sắt đến mặt trận: Tù nhân Ukraine tham chiến ở Donbass

01/04/2025 00:17

() - Những tân binh này không phải là lính bình thường, bởi chỉ vài tháng trước, họ ở sau song sắt, thụ án trong hệ thống nhà tù của Ukraine.

Từ song sắt đến mặt trận: Tù nhân Ukraine tham chiến ở Donbass - 1

Các binh sĩ Ukraine là cựu tù nhân (Ảnh: Kyiv Independent).

Ngồi trên đám cỏ dài khô cằn bên ngoài một ngôi làng bỏ hoang là 20 người đàn ông trong bộ quân phục mùa hè chăm chú lắng nghe bài học buổi sáng.

Người hướng dẫn trẻ tuổi giảng giải, vạch bút lông lên bảng trắng để mô tả hỏa lực súng trường: "Chúng ta tấn công ở đây. Những người ở vị trí này vượt 20m, băng qua khu vực trống và phòng thủ ở đây. Nếu cần rút lui, đồng đội sẽ ném 2 quả lựu đạn khi di chuyển và rút về đây".

Trung sĩ Vadym "Malyi", 26 tuổi, không còn xa lạ gì với việc dạy những kiến thức cơ bản về chiến thuật bộ binh cho tân binh.

"Bây giờ, để tấn công các anh, đối phương phải ra khỏi chiến hào", anh tiếp tục. "Khu vực này, khoảng 20m, là nơi trống trải. Điều đó mang lại cho chúng ta điều gì? Chính là cơ hội để hạ gục người đó".

Những học viên của Vadym, mặc bộ đồ ngụy trang kỹ thuật số tiêu chuẩn đơn giản nhất, họ không phải là bộ binh Ukraine bình thường, bởi chỉ vài tháng trước, họ ở sau song sắt, thụ án trong hệ thống nhà tù.

Những nam giới này thuộc Đại đội tấn công số 5 thuộc Tiểu đoàn xung kích độc lập số 1 của Ukraine, được đặt theo tên cố chỉ huy Dmytro Kotsiubailo, hay còn được biết đến với biệt danh "Da Vinci".

Sau một năm rưỡi kể từ khi Nga bắt đầu bổ sung quân số bằng những người từng bị kết án, Ukraine - đối mặt với tình trạng thiếu hụt quân nhân trầm trọng và gặp khó khăn trong việc tuyển đủ binh sĩ thông qua tuyển quân và động viên - cuối cùng đã tìm đến nguồn lực từ tù nhân. Vào tháng 5/2024, Quốc hội Ukraine đã thông qua luật cho phép họ phục vụ trong quân đội.

Khác với việc tuyển quân từ dân thường, việc tuyển tù nhân chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện. Ngay cả như vậy, những người thụ án các tội nghiêm trọng như hiếp dâm, giết người hàng loạt hoặc tội chống lại an ninh quốc gia Ukraine cũng không được phép tham gia.

Chính quyền Ukraine cho biết, tính đến cuối tháng 7/2024, khoảng 3.800 cựu tù nhân đã được tuyển dụng và phân bổ vào các đơn vị chiến đấu hiện có và trong các đơn vị đặc biệt như Đại đội 5.

Kyiv Independent đã dành một ngày với đại đội này - đơn vị thứ hai thuộc Tiểu đoàn "Da Vinci" - khi họ chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên ở phía nam Donetsk, ngay lúc lực lượng Nga đẩy mạnh nỗ lực tấn công trong khu vực.

Vadym chia sẻ: "Những người được huy động hiện nay thường không biết mình sẽ đi đâu, và không nhiều người thực sự muốn tiếp tục phục vụ và bảo vệ quê hương... Vì vậy, khi họ, những người thụ án, đến với chúng tôi, một luồng năng lượng mới đã xuất hiện".

Khôi phục danh dự

Khi bài giảng kết thúc, các cựu tù nhân được nghỉ ăn trưa trước buổi huấn luyện bắn súng đã lên kế hoạch.

Bữa trưa ở đây khác hẳn so với những gì họ từng ăn trong "khu vực", tiếng lóng chỉ nhà tù thời hậu Xô Viết. Không phải chỉ vì thức ăn do chính mình nấu, mà còn vì họ đang sống trong một môi trường tự do hơn nhiều.

Đóng quân trong những ngôi nhà tại ngôi làng không quá xa tiền tuyến, giờ đây, binh sĩ thuộc đại đội này không khác biệt nhiều so với những quân nhân khác sống trong làng.

Từ song sắt đến mặt trận: Tù nhân Ukraine tham chiến ở Donbass - 2

Các cựu tù nhân Ukraine đang tham gia huấn luyện sau khi nhập ngũ (Ảnh: Kyiv Independent).

Oleksii "Blondie", 25 tuổi, vừa ăn mì gói cùng mỡ lợn muối vừa kể: "Khi họ đưa chúng tôi từ trại giam đến căn cứ, trên một chiếc xe buýt bình thường, tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi bị bắt khi còn rất trẻ và sau 5 năm ở trong tù, tôi đã được tự do".

Oleksii có mái tóc húi cua màu vàng nhạt, và như nhiều người trong đại đội, anh đang thụ án vì tội cướp và nhận bản án 7 năm khi 20 tuổi. "Tôi là trẻ mồ côi, không cha không mẹ, chỉ có bà ngoại. Tôi chưa từng được ai yêu thương, âu yếm, tôi muốn tự mua mọi thứ mình thích. Vậy tiền đâu ra? Chỉ có trộm cắp thôi", anh bộc bạch.

Mặc dù chưa cùng nhau chiến đấu tại đây, nhiều người trong số họ đã có kinh nghiệm chiến đấu chớp nhoáng khi phục vụ trong Lữ đoàn cơ giới 152 hoặc 153 của Ukraine, những đơn vị đã tuyển họ từ nhà tù trước khi họ được chuyển đến Tiểu đoàn "Da Vinci".

Oleksii chỉ tham gia vài nhiệm vụ chiến đấu, đều ở tỉnh Kharkov, trong những tháng đầu tiên khi Nga tái tấn công khu vực.

Giờ đây, quân nhân này mong mỏi chiến tranh kết thúc, để có cơ hội bắt đầu một cuộc đời mới, nơi mà anh không bị xã hội kì thị như một tên tội phạm. Oleksii nói: "Nhìn xem, tôi đã ở tù 5 năm. Tôi muốn được trả tự do không phải như một kẻ bị kết án, mà là trở về nhà như một người hùng. Không phải được thả và trở về với tư cách một kẻ tồi tệ như lúc tôi đến".

Đi sâu hơn vào con đường làng, ngôi nhà - hay đúng hơn là chiếc xe - giờ là nơi ở của Volodymyr, người có biệt danh "Champion".

Khi gặp mặt, anh vẫn cởi trần, lộ ra 2 hình xăm ngôi sao 8 cánh gần vai, một biểu tượng của quyền lực trong tù.

Giờ đây, người đàn ông 39 tuổi, gốc Kiev, cũng đang thụ án vì tội cướp có vũ trang, được trang bị một khẩu súng trường do Séc sản xuất và chịu trách nhiệm về an ninh tại căn cứ của đại đội.

Volodymyr, với thái độ tập trung và suy tư khi trò chuyện với Kyiv Independent, nhớ lại cuộc chiến toàn diện đã mang đến cho anh động lực mới để thay đổi cuộc đời.

"Vào đầu cuộc chiến, tôi đã viết một lá thư cho Tổng thống để cầu xin sự tha thứ... Có nhiều người trong trại giam thực sự muốn bảo vệ đất nước và đã viết thư từ ngày đầu tiên để được thả. Hai năm trôi qua mà không có hồi âm, nhưng đến năm 2024, quyết định cuối cùng đã được đưa ra, do tình trạng thiếu hụt nhân lực ảm đạm trên chiến trường", anh nhớ lại.

Vadym giải thích: "'Chúng ta không thể so sánh về quy mô với quốc gia đối phương. Vì vậy, chúng ta cần bảo vệ tất cả mọi người và tạo cơ hội để họ đóng góp cho đất nước. Nhưng cũng để mang lại cơ hội cho những người từng bị kết án. Họ có thể sống cuộc đời có ý nghĩa và dành thời gian đáng trân trọng trong quân đội", anh chia sẻ.

Volodymyr nói: "Đúng, tôi đã bị ngồi tù trên chính quê hương mình. Đó là lỗi của tôi. Tôi phải thay đổi cách mình đối xử với người khác. Thành thật mà nói, tôi không xem mình là anh hùng. Nhưng tôi phải thay đổi gì đó. Thay đổi chính bản thân mình".

Rũ bỏ thói quen cũ

Khi mọi người ăn trưa xong và chuẩn bị ra thao trường tập luyện, có cuộc náo động nổ ra bên ngoài một ngôi nhà.

Bất chấp lệnh cấm uống rượu nghiêm ngặt đối với binh sĩ là cựu tù nhân, một người bị bắt quả tang đang giấu rượu, và không phải lần đầu tiên.

Vadym gọi cả đại đội ra sân để nói chuyện, quyết định lấy trường hợp này làm gương, đưa người đó vào phòng biệt giam dưới hầm.

Dù mục đích của nhiều cựu tù nhân có chân thành đến đâu, kỷ luật vẫn là một vấn đề lớn trong các đơn vị như thế này. Những ngày cuối cùng trước khi họ bắt đầu nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên là vô cùng quan trọng.

Để có thể sống sót trên chiến trường, Vadym nói, họ không chỉ cần rèn luyện hết mình, mà quan trọng nhất là phải loại bỏ văn hóa và tư duy nhà tù.

Khi cả đại đội ngồi thành vòng tròn trong sân, trung sĩ bắt đầu bài phát biểu: "Chúng ta đang gặp vấn đề chung, vẫn còn những người giữ lối sống và suy nghĩ như khi ở trong tù".

"Hãy nhớ rằng, những lối sống đó phải bỏ lại sau lưng. Chúng ta bắt đầu cuộc sống mới, và giờ là lúc chứng tỏ bản thân", trung sĩ nhấn mạnh.

Hầu hết các tù nhân im lặng lắng nghe, một vài người lẩm bẩm đồng ý. Anh nói tiếp: "Có rất nhiều vấn đề về kỷ luật, về cách họ định hướng bản thân, nhiều người vẫn chưa hiểu họ đang ở đâu. Một số thực sự muốn bảo vệ đất nước, nhưng một số chỉ muốn rời khỏi nhà tù".

Oleh "Udav", 47 tuổi, từng làm việc tại một nhà hát ở Kiev, cũng đang thụ án vì tội cướp, chưa bao giờ quen với luật lệ và khái niệm nội bộ của cuộc sống trong tù.

Khi quân đội đến tuyển quân tại nhà tù, anh thấy đây là cơ hội để thoát khỏi thế giới đó và bắt đầu hành trình gian nan trở lại cuộc sống bình thường, nơi vợ và con gái đang chờ đợi.

Anh nói: "Tôi vẫn chưa thấy tự do, vì tôi không ở nhà. Tôi chưa được gặp lại bố mẹ, con gái". Giờ đây, mặc dù văn hóa nhà tù vẫn còn tồn tại trong đơn vị, Oleh tập trung vào điều lớn lao sắp phải đối mặt: chiến trường.

Oleh kể: "Tôi xem rất nhiều video trên YouTube. Tôi tìm hiểu cách tấn công chiến hào, cách tác chiến trong đô thị. Tôi xem tất cả những gì liên quan đến chiến đấu. Về mặt tâm lý, tôi đang chuẩn bị cho điều đó. Nhưng tôi không lo lắng, tôi không sợ chết... Tôi muốn sống để nhìn thấy ngày mai".

Trong sân, bài phát biểu của Vadym vẫn tiếp tục: "Chúng ta có thể nhận lệnh ngay bây giờ, ngày mai 5 người phải ra vị trí, và thế là đi. Rồi các anh lại kêu ca, "chúng tôi chưa sẵn sàng, chúng tôi thế này thế kia", vì chúng ta đã lãng phí thời gian vào những chuyện nội bộ, những lời giải thích tôi phải đưa ra lúc này. Ra ngoài kia, chúng ta sẽ gặp nguy hiểm, trong khi ở đây, chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề này".

Trước giờ xuất trận

Những tia nắng cuối cùng của mùa thu ấm áp chiếu xuống thao trường cỏ cháy bên ngoài ngôi làng.

"Tiến lên! Dạt sang trái!". Lệnh của Vadym vang lên, 5 người đàn ông di chuyển theo đội hình trên sườn đồi trước khi chuyển sang bắn đạn thật.

Dù động tác còn lúng túng và đôi khi chậm chạp trong việc nhớ những bài tập cơ bản, các cựu tù nhân vẫn còn hơi thiếu chuyên nghiệp, nhưng họ chạy hết sức và chú ý lắng nghe những điều chỉnh từ trung sĩ.

Những ngày tới, sau khi hoàn thiện kỹ năng di chuyển và bắn súng theo nhóm, họ sẽ học cách định hướng bằng la bàn, rồi thành thạo cả Kropyva, phần mềm bản đồ chiến trường Ukraine.

Trong lúc nghỉ giữa các buổi tập, Vadym tiếp tục trò chuyện với những tân binh: "Trong quân đội, binh sĩ thường bị coi nhẹ. Một người chỉ là một đơn vị. Nhưng với một số người, đó là đơn vị giá trị".

"Họ là những người hiếm có. Họ sẽ được giữ gìn, truyền đạt kiến thức, dạy cách sống sót. Còn với một số người khác, họ chỉ là một đơn vị, và sẽ bị điều động đi bất cứ đâu. Ở tiểu đoàn, chúng ta không làm vậy", anh nói.

Từ song sắt đến mặt trận: Tù nhân Ukraine tham chiến ở Donbass - 3

Các cựu tù nhân Ukraine đang tham gia huấn luyện sau khi nhập ngũ (Ảnh: Kyiv Independent).

Ẩn sau những lời nói này là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc liệu những người đàn ông này có được tự do và ân xá khi chiến sự chấm dứt hay không.

Nhóm Wagner của Nga tuyển mộ hàng nghìn tù nhân vào đội ngũ, đã nổi tiếng vì việc sử dụng những người này như lực lượng tấn công dễ dàng bị tiêu hao: Tiến lên chậm rãi theo từng nhóm nhỏ về phía phòng tuyến Ukraine, bị xử tử nếu rút lui và không nhiều người sống sót sau nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên.

Mặc dù chỉ huy Ukraine không theo kiểu của Wagner, nhưng vấn đề coi mạng sống tù nhân ít giá trị hơn vẫn có thể xảy ra: Khi các chỉ huy điều hành một đơn vị tù nhân, họ thường giao cho những "chiến binh đặc biệt" những nhiệm vụ nguy hiểm nhất để bảo vệ những người khác.

Vadym chia sẻ với Kyiv Independent: "Chúng tôi không có những nhiệm vụ riêng biệt cho cựu tù nhân và cho những binh sĩ vốn là dân thường. Tất cả chúng tôi cùng tham gia các nhiệm vụ như nhau. Chúng tôi ở đây trong điều kiện ngang bằng. Chúng tôi không còn quá khứ, chỉ có kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được tại đây".

Trong một cuộc chiến mà sự tiêu hao lực lượng nặng nề và vũ khí hạng nặng đóng vai trò chủ đạo, những tù nhân này sẽ cần mọi sự giúp đỡ có thể để sống sót đến cuối cùng.

Nhưng trước hết, để có cơ hội tốt nhất, họ phải tự giúp mình và những cựu tù nhân khác trong hàng ngũ, bằng cách huấn luyện, học hỏi và bỏ lại quá khứ phía sau.

Oleh bày tỏ: "Tôi mong được nhìn thấy con gái mình lớn lên và lập gia đình. Tôi không muốn mất mạng, nhất là vì những chuyện ngớ ngẩn, như những binh sĩ khác. Tôi không muốn chết vì sợ hãi. Nếu đã quyết định, tôi sẽ cố làm cho bằng được".

Thu Trang

Bạn đang đọc bài viết "Từ song sắt đến mặt trận: Tù nhân Ukraine tham chiến ở Donbass" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.