Sống sót sau 60 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát sau động đất ở Myanmar

31/03/2025 16:30

() - Sau 60 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát của một khách sạn ở Myanmar, một phụ nữ đã được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài và hiện trong tình trạng ổn định.

Sống sót sau 60 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát sau động đất ở Myanmar - 1

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát ở Mandalay, Myanmar sau trận động đất (Ảnh: Reuters).

Ngày 31/3, đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết, lực lượng cứu hộ đã giải cứu một phụ nữ khỏi đống đổ nát của khách sạn Great Wall ở thành phố Mandalay, sau gần 60 giờ kể từ khi trận động đất xảy ra. Người này hiện trong tình trạng ổn định.

Mandalay nằm gần tâm chấn của trận động đất mạnh 7,7 độ xảy ra hôm 28/3, gây thiệt hại nghiêm trọng tại Myanmar và ảnh hưởng đến Thái Lan.

Công tác tìm kiếm tại Myanmar và Thái Lan vẫn diễn ra khẩn trương nhằm tìm thêm người sống sót.

Tại Bangkok, thủ đô của Thái Lan, các đội cứu hộ ngày 31/3 tiếp tục nỗ lực tìm kiếm 76 người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa nhà bị sập khi đang được thi công. Lực lượng cứu hộ sử dụng cần cẩu và chó nghiệp vụ để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.

Thống đốc thủ đô Bangkok, ông Chadchart Sittipunt, khẳng định chiến dịch cứu hộ sẽ không dừng lại dù thời gian "vàng" để tìm người sống sót đang dần khép lại.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm vì ở Thổ Nhĩ Kỳ, có những người bị mắc kẹt đến một tuần vẫn sống sót. Việc cứu hộ chưa bị hủy bỏ", ông Chadchart nhấn mạnh.

Ông cho biết các máy quét đã phát hiện dấu hiệu sự sống yếu ớt dưới đống đổ nát và chó nghiệp vụ đang được triển khai để xác định vị trí chính xác của những người còn mắc kẹt. "Chúng tôi đã phát hiện một số dấu hiệu sự sống ở nhiều vị trí khác nhau", ông nói.

Tính đến ngày 31/3, số người thiệt mạng chính thức tại Thái Lan là 18, nhưng con số này có thể tăng mạnh nếu không tìm thấy thêm người sống sót trong đống đổ nát của tòa nhà bị sập.

Tại Myanmar, truyền thông nhà nước xác nhận ít nhất 1.700 người đã thiệt mạng, trong khi báo Wall Street Journal đưa tin con số này đã lên tới 2.028.

Sống sót sau 60 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát sau động đất ở Myanmar - 2

Myanmar đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng sau trận động đất (Ảnh: Reuters).

WHO kêu gọi viện trợ khẩn cấp

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/3 tuyên bố trận động đất tại Myanmar là tình huống khẩn cấp mức độ cao nhất, đồng thời khẩn trương kêu gọi hỗ trợ 8 triệu USD để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong 30 ngày tới.

Liên hợp quốc cho biết đang khẩn trương vận chuyển hàng cứu trợ tới khoảng 23.000 người sống sót ở khu vực trung tâm Myanmar bị ảnh hưởng bởi động đất.

"Các nhóm cứu trợ của chúng tôi tại Mandalay đang nỗ lực mở rộng hoạt động nhân đạo, dù chính họ cũng đang trải qua cú sốc tinh thần", bà Noriko Takagi, đại diện của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Myanmar, cho biết.

Bà đồng thời nhấn mạnh thời gian là yếu tố sống còn và Myanmar cần sự đoàn kết, hỗ trợ của toàn cầu để vượt qua thảm họa nghiêm trọng này.

Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan nằm trong số các quốc gia láng giềng đã gửi viện trợ và đội cứu hộ tới Myanmar, cùng với sự hỗ trợ từ Malaysia, Singapore và Nga.

Mỹ cam kết viện trợ 2 triệu USD thông qua các tổ chức nhân đạo hoạt động tại Myanmar. Trong một tuyên bố, Washington cho biết một đội phản ứng khẩn cấp của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang được triển khai đến Myanmar, mặc dù cơ quan này đang đối mặt với các đợt cắt giảm ngân sách lớn sau quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Động thái này diễn ra sau khi chính quyền quân sự Myanmar đưa ra kêu gọi hỗ trợ hiếm hoi từ cộng đồng quốc tế.

Theo truyền thông nhà nước, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, hôm 30/3 đã kêu gọi "tất cả bệnh viện quân đội, dân sự và đội ngũ y tế" phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong công tác cứu trợ.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

WHO cảnh báo số lượng lớn nạn nhân nguy cơ nhiễm trùng cao do khả năng phẫu thuật của Myanmar còn hạn chế, tình trạng di dời dân cư vào các khu trú ẩn chật chội, hệ thống nước và vệ sinh bị tàn phá là những nguyên nhân khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm tăng mạnh.

"Trận động đất này xảy ra trong bối cảnh nhân đạo vốn đã nghiêm trọng, với tình trạng di dời dân cư trên diện rộng, hệ thống y tế yếu kém và các đợt bùng phát dịch bệnh, bao gồm cả dịch tả", WHO nhận định.

Nhu cầu y tế cấp bách hiện nay bao gồm chăm sóc chấn thương, phẫu thuật, cung cấp máu, thuốc gây mê và dược phẩm thiết yếu. WHO cũng kêu gọi tăng cường giám sát dịch tễ khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch tả, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác.

Trận động đất kinh hoàng càng khiến tình hình tại Myanmar thêm hỗn loạn khi quốc gia này vẫn chìm trong xung đột kể từ năm 2021.

Các tổ chức cứu trợ cảnh báo rằng công tác ứng phó với thảm họa lần này sẽ vô cùng phức tạp do tình trạng xung đột kéo dài và mức độ khẩn cấp của cuộc khủng hoảng.

Ngay cả trước khi trận động đất xảy ra, khoảng 15 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số Myanmar, đã rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Xung đột vũ trang đã khiến 3,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời đẩy nền kinh tế và hệ thống y tế vào khủng hoảng trầm trọng.

Bạn đang đọc bài viết "Sống sót sau 60 giờ mắc kẹt dưới đống đổ nát sau động đất ở Myanmar" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.