Từ khóa: kỷ nguyên mới, mục tiêu đến năm 2045, thu nhập trung bình cao
Summary
After nearly 40 years of Renovation, Vietnam has achieved enormous and historic achievements; it has rapidly transformed from one of the poorest countries in the world to a middle-income country and is preparing to enter the upper-middle-income group. In a rapidly changing world, Vietnam faces both new development opportunities and enormous challenges. To bring the country into a "new era" and achieve the goal of becoming a "developed, high-income country" by 2045, in addition to great aspirations and determination, Vietnam must successfully carry out significant strategic transformations.
Keywords: new era, 2045 target, upper middle income
BƯỚC TIẾN LỚN QUA GẦN BỐN THẬP KỶ
Phát triển, giàu mạnh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” luôn là khát vọng của các nhà lãnh đạo và cả dân tộc Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Trải qua 4 kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ năm 1991 đến nay, các mục tiêu chiến lược của Việt Nam đã được điều chỉnh từ “đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội” (Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000); đến “tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010); “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đặt ra mục tiêu dài hạn, tham vọng hơn là: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao... Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Nhìn lại chặng đường cải cách, mở cửa và thực hiện các mục tiêu chiến lược gần 40 năm qua có thể thấy, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu mấy năm vừa qua. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân của Việt Nam giai đoạn 2021-2025 ước khoảng 6,0%/năm, trong đó bốn năm 2021-2024 đạt 5,7%/năm, dự báo năm 2025 tăng khoảng 7,5%, thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Quy mô GDP từ 346 tỷ USD năm 2020, xếp thứ 37 trên thế giới, tăng lên 433 tỷ USD năm 2023, xếp thứ 34 thế giới, dự kiến trên 500 tỷ USD năm 2025, gấp 1,45 lần so với năm 2020, xếp thứ 32 thế giới và thứ 4 trong khu vực ASEAN. Tính theo sức mua tương đương (PPP), quy mô GDP năm 2025 của Việt Nam khoảng 1.760 tỷ USD, xếp thứ 25 thế giới. Cùng với tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng từ mức hơn 3.700 USD năm 2021 lên khoảng 4.900 USD vào năm 2025. Thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 4.650 USD vào năm 2025, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (dự kiến đến năm 2025, ngưỡng thu nhập trung bình cao của Ngân hàng Thế giới khoảng 4.600 USD/người).
Sau gần 40 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện; ta tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể, độ mở của nền kinh tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng. Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được quan tâm và cũng có sự chuyển biến tích cực…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tụt hậu còn lớn; các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực... để đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp so với yêu cầu; trình độ khoa học, công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số, xã hội số còn hạn chế. Một điểm đáng lưu ý là, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta có xu hướng chững lại. So sánh tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các kỳ chiến lược từ năm 1991 đến nay có thể thấy rõ điều này: Chiến lược lần thứ nhất 1991-2000, tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,56%; Chiến lược 2001-2010, tăng trưởng bình quân đạt 7,26%; Chiến lược 2011-2020, tăng trưởng bình quân chỉ đạt 5,9%; Chiến lược 2021-2030 xác định mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 7%/năm, nhưng giai đoạn 2021-2025 ước chỉ đạt khoảng 6,0%/năm. Theo đó, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn còn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, nước ta vẫn đối diện các thách thức lớn về phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết các vấn đề xã hội, như: chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền, địa phương, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh…
Thực tế nêu trên cho thấy, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 – nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước – Việt Nam cần thực hiện những cải cách, chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực thể chế, hạ tầng, nhân lực, khoa học – công nghệ…
BỐI CẢNH MỚI, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐAN XEN
Việt Nam bước vào năm 2025 cũng như hành trình phát triển mới trong bối cảnh quốc tế xuất hiện nhiều nhân tố mới, xu hướng mới với cả cơ hội phát triển và thách thức đan xen. Trong những năm tới, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt; cục diện đa cực ngày càng rõ nét. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều trở ngại, thách thức; chủ nghĩa dân túy, bảo hộ có xu hướng tăng lên. Tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm.
Thế giới đang đứng trước các xu hướng lớn, chuyển đổi lớn về khoa học – công nghệ, môi trường và xã hội. Theo đó, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược trong bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Kinh tế số đang trở thành động lực tăng trưởng ngày càng quan trọng. Công ty tư vấn và nghiên cứu Forrester dự báo, nền kinh tế số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 16.500 tỷ USD vào năm 2028, tăng trưởng trung bình 6,9%/năm; hai lĩnh vực đóng góp chính là thương mại điện tử và du lịch trực tuyến với mức tăng lần lượt 9% và 7% mỗi năm…
Chuyển đổi xanh tiếp tục là xu hướng lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng. Chuyển đổi xanh đang tạo ra một số xu hướng về kinh tế, xã hội, và công nghệ trên phạm vi toàn cầu, có thể kể đến sự phát triển của các công nghệ xanh, thúc đẩy các chính sách mới, và đặc biệt là giảm thiểu phát thải carbon. Thị trường Công nghệ xanh và phát triển bền vững được dự báo đạt quy mô 61.92 tỷ USD vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 20,8% trong giai đoạn 2023-2030 (theo Fortune Business Insights). Các chính sách khuyến khích chuyển đổi xanh sẽ tạo ra thị trường cho các công nghệ xanh, và đồng thời sự chuyển giao công nghệ sẽ thúc đẩy chuyển giao tri thức, từ đó tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh diễn ra mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, chuyển đổi xã hội diễn ra mạnh mẽ khi tình trạng dân số già trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh ở nhiều nền kinh tế. Dự báo trong giai đoạn 2026-2035, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của thế giới sẽ tăng từ 10,6% lên 13,1%, khu vực Đông Á tăng từ 16,5% lên 23,7%, tại Lào sẽ tăng từ 5,0% lên 6,4%. Bên cạnh dân số già, tầng lớp trung lưu cũng sẽ là một trong những nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu và khu vực. Đến năm 2030, quy mô tầng lớp trung lưu toàn cầu có thể đạt 2,7 tỷ người, tương đương khoảng 30% dân số toàn cầu, trong đó Trung Quốc sẽ chiếm phần lớn mức tăng này. Xu hướng gia tăng tầng lớp trung lưu ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam, được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những thập kỷ tiếp theo, mang lại nhiều lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển như tăng nguồn cung nhân lực có kỹ năng, tăng động lực tiêu dùng trong nước, nguồn thu thuế dồi dào hơn, sự phát triển của các dịch vụ cao cấp.
Ngoài các xu hướng nêu trên, xu hướng kết nối kinh tế khu vực tiếp tục được khẳng định trên các lĩnh vực hạ tầng, thương mại, chính sách, con người. Các sáng kiến kết nối nội khối ASEAN và kết nối ASEAN với các đối tác khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhất là kết nối ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả trong những năm tới.
Bối cảnh trong nước và quốc tế nêu trên đang đặt ra cả cơ hội và thách thức với Việt Nam. Về cơ hội, trên cơ sở những thành tựu phát triển của gần 40 năm đổi mới, Việt Nam có cơ hội tận dụng bối cảnh phát triển thuận lợi trong và ngòai nước hiện nay để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, chuyển từ nước có thu nhập trung bình thấp lên nước có thu nhập cao. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, Việt Nam có cơ hội thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương để nâng cao uy tín, vị thế đất nước trên trường quốc tế. Đồng thời, có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng thị trường thương mại, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có cơ hội tăng cường hội nhập và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; tiếp cận, học hỏi và ứng dụng các mô hình kinh tế mới để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thể chế và tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để Việt Nam tiến nhanh, bắt kịp các quốc gia phát triển trên thế giới.
Xu hướng chuyển đổi xanh tạo cơ hội, không gian mới cho Việt Nam chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, công nghệ, phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực năng lượng xanh. Chuyển đổi xanh thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng sạch hơn và còn là kênh đầu tư hiệu quả và tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện môi trường đầu tư và thu hút các nguồn công nghệ sạch để nâng cao sức cạnh tranh kinh tế. Đồng thời, chuyển đổi xanh còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp giữ vững thị trường xuất khẩu, gia tăng động lực phát triển nhanh hơn và hội nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu…
Trong khi đó, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam không chỉ mang lại cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ tăng tiêu dùng và đầu tư, mà còn góp phần tạo ra nguồn cung lao động có kỹ năng cao hơn, giải tỏa các căng thẳng xã hội do thu nhập tạo ra, cũng như thúc đẩy sự phát triển của tầng lớp doanh nhân…
Tuy nhiên, biến động địa chính trị thế giới cũng tạo ra nhiều thách thức với Việt Nam. Bất ổn gia tăng trên toàn cầu dẫn tới rủi ro đầu tư gia tăng, lạm phát và chi phí vận chuyển gia tăng trên toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước đang đẩy các quốc gia vào áp lực chọn bên đầy khó khăn. Mặt khác, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang thúc đẩy xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng mới như dịch chuyển sản xuất về phía các nước bạn bè và về gần các nền kinh tế lớn (friendshoring và nearshoring), khiến cho các chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng trở nên phân mảnh. Dòng vốn đầu tư toàn cầu vào các nước đang phát triển gặp nhiều rủi ro do tình trạng phân mảnh này, từ đó làm giảm khả năng tiếp nhận vốn, công nghệ của các nước nghèo, gây ra bất bình đẳng ngày càng tăng giữa các nền kinh tế trên thế giới.
Sự phát triển của khoa học - công nghệ và xu hướng chuyển đổi số bên cạnh cơ hội, cũng tạo ra những thách thức. Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng dẫn đến những thay đổi quan trọng trên thị trường lao động, đòi hỏi việc tái cấu trúc lực lượng lao động của Việt Nam. Mặt khác, tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ trên thế giới cũng hàm chứa nhiều rủi ro với các nước kém và đang phát triển nơi có đầu tư ít hơn vào khoa học - công nghệ. Đồng thời, nhiều vấn đề mới phát sinh cần giải quyết đang đặt ra như an ninh mạng, thể chế phát triển cho các nền tảng công nghệ mới… Trong khi đó, xu hướng dân số già đã và đang làm gia tăng áp lực về suy giảm nguồn cung lao động, suy giảm các động lực tăng trưởng, áp lực về tăng ngân sách chi cho phúc lợi xã hội và hệ thống y tế cho các nước, trong đó có Việt Nam.
NHỮNG CHUYỂN ĐỔI LỚN CHO MỤC TIÊU 2045
Trong bối cảnh quốc tế, trong nước với những biến động, cơ hội và thách thức đan xen như trên, để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045 là trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện thành công những cải cách lớn, các chuyển đổi lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi xã hội… để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức từ bối cảnh mới và các xu hướng lớn nêu trên.
Để đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào 2045, Việt Nam cần tăng trưởng GDP/người tối thiểu ở mức gần 6% mỗi năm. Đây là mức mà Việt Nam không dễ đạt được trong bối cảnh Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong mấy thập kỷ vừa qua, dư địa phát triển theo kiểu truyền thống không còn nhiều, bối cảnh quốc tế nhiều thách thức. Theo đó, nhiệm vụ then chốt đặt ra là trong những năm tới là Việt Nam cần đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi số. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP và nâng lên 30% GDP vào năm 2030. Nước ta cũng đặt mục tiêu lọt Top 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, Chỉ số cạnh tranh - đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, kinh tế số mới chỉ chiếm khoảng 16,5% GDP. Xếp hạng và điểm số về công nghệ toàn cầu cho thấy, Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ” (Government AI Readiness Index) do Oxford Insignts công bố năm 2023, Việt Nam đứng thứ 5/10 trong ASEAN. Xét trên toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ (năm 2022 con số này là 55/181); trong đó, điểm số của Việt Nam rất thấp ở các khía cạnh về Mức độ trưởng thành về công nghệ (28,38 điểm); Cơ sở hạ tầng (33,72 điểm); Vốn nhân lực (38,7 điểm) và Năng lực đổi mới sáng tạo (46,38 điểm). Điều đó phản ánh phần nào một thực tế là, mặc dù tầm nhìn, chiến lược của Chính phủ đưa ra rất tốt, nhưng việc thực hiện cũng như nguồn lực thực hiện đang còn nhiều hạn chế. Thực tế nêu trên cho thấy, muốn phát triển khoa học – công nghệ, chuyển đổi số thành công, Việt Nam cần tăng tốc đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng số, bổ sung và thử nghiệm các cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý mới cho phát triển kinh tế số.
Việt Nam đã và đang hưởng ứng mạnh mẽ xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới và nỗ lực lớn trong chuyển dịch năng lượng để đạt được mức giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại COP26. Tuy nhiên, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, các giải pháp và khung khổ pháp lý hiện nay mới chỉ đủ để đảm bảo phát thải không có xu hướng tăng thêm, nhưng không giúp giảm phát thải ròng về 0. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần có những thay đổi rất lớn mang tính đột phá, nhất là về thể chế. Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đòi hỏi huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn. Theo mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện 8, đến năm 2045, tỷ lệ năng lượng tái tạo của nước ta sẽ chiếm 2/3 tổng công suất toàn hệ thống. Để đạt mục tiêu này, ước tính Việt Nam sẽ cần trên 500 tỷ USD để đầu tư phát triển mới cho cả nguồn và lưới điện, qua đó sẽ đảm bảo thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với khí hậu và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy, chuyển đổi xanh nói chung, chuyển đổi năng lượng nói riêng cùng với xác định các mục tiêu tham vọng đang đòi hỏi hành động quyết liệt, trong đó, yếu tố then chốt vẫn là cải cách thể chế. Các trọng tâm chính sách chuyển đổi xanh cần tập trung vào: (i) Xây dựng lộ trình giảm sâu phát thải carbon trong dài hạn cho ngành năng lượng Việt Nam; (ii) Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; (iii) Hoàn thiện khung pháp lý cho chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh; (iv) Phát triển cơ sở hạ tầng cho năng lượng xanh; (v) Thúc đẩy tiêu dùng xanh…
Để hoàn thành mục tiêu phát triển đến năm 2045, Việt Nam cũng cần khai thác cơ hội và quản lý hiệu quả quá trình chuyển đổi xã hội. Trong đó, hai yếu tố quan trọng là cần khai thác tốt cơ hội từ sự gia tăng tầng lớp trung lưu và hạn chế tác động tiêu cực từ già hóa dân số. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2022), tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh và hiện chiếm khoảng 13% dân số sẽ dự kiến sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Theo dự báo của Statista (2021), dự kiến đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 50 triệu người. Trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 10,1% giai đoạn 2016-2021, mức cao nhất Đông Nam Á. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam dự kiến sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong dài hạn qua nhiều kênh khác nhau: tiêu dùng, đầu tư, năng suất lao động, chất lượng nhân lực, và đầu tư tư nhân. Chẳng hạn, với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam.
Trong khi đó, già hóa dân số được dự báo sẽ tạo lực cản lớn đối với các mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2045. Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 09/02/2023 cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nêu trên kéo dài hàng trăm năm. Dự báo đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Tình trạng già hóa dân số diễn ra nhanh khi năng suất lao động còn thấp ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Thực tế nêu trên đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó hiệu quả với vấn đề già hóa dân số, với trọng tâm là coi người cao tuổi là nguồn lực chứ không phải gánh nặng trong quá trình phát triển bền vững. Đồng thời, triển khai các giải pháp đồng bộ, như: khuyến khích các gia đình trẻ sinh con ngay từ năm 2025; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các doanh nghiệp và đào tạo nghề; thu hút lao động nước ngoài; phát triển khu vực kinh tế bạc (Silver Economy – hoạt động kinh tế liên quan đến người 50 tuổi trở lên)…
Ngoài các chuyển đổi nêu trên, Việt Nam cũng cần đặc biệt quan tâm quá trình chuyển đổi không gian phát triển trong bối cảnh các công trình hạ tầng giao thông lớn đang được triển khai hướng tới mục tiêu hoàn thiện bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia với 5.000 km đường cao tốc hoàn thành xây dựng vào năm 2030 và đường sắt cao tốc Bắc – Nam dự kiến khởi công vào năm 2028. Bên cạnh đó, đô thị hóa chuẩn bị bước vào giai đoạn bùng nổ với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50% (theo Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự phát triển hạ tầng giao thông như trên đang và sẽ tạo ra không gian phát triển mới với các cực tăng trưởng, hành lang kinh tế… góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng để Việt Nam thực hiện mục tiêu “nước phát triển, thu nhập cao” vào năm 2045./.
TS. Nguyễn Quốc Trường
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 02, tháng 01/2025)