Một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn tại các khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam

05/02/2025 20:30

Nghiên cứu nhằm tìm hiểu và đánh giá thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại các khu công nghiệp sinh thái (KCNST) của Việt Nam, phân tích những kết quả đã đạt được và hạn chế, nguyên nhân của hạn chế trong phát triển KTTH tại các KCNST, từ đó, đề xuất một số giải pháp khả thi cho phát triển KTTH tại các KCNST của Việt Nam, xuất phát từ quan điểm nền KTTH và phát triển bền vững.

Từ khóa: kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái, phát triển bền vững

Summary

The study aims to study and evaluate the current situation of circular economic development in Vietnam's eco-industrial parks, analyze the achievements and limitations, and the causes of limitations in circular economic development in eco-industrial parks, thereby proposing some feasible solutions for circular economic development in Vietnam's eco-industrial parks from the perspective of circular economy and sustainable development.

Keywords: circular economy, eco-industrial parks, sustainable development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Với những nỗ lực trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại COP26, Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam cũng như các chương trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi các khu công nghiệp sang KCNST và xây dựng các KCNST mới trong hệ thống các khu công nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

KTTH là một mô hình kinh tế hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ được định hình để kéo dài tuổi thọ sản phẩm, giảm chất thải và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình này nổi lên nhằm khắc phục nhược điểm của mô hình kinh tế truyền thống, tập trung chỉ vào việc khai thác tài nguyên mà không quan tâm đến kiểm soát chất thải và ô nhiễm môi trường. Mô hình KTTH mang tính chủ động trong quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng lặp khép kín có quy mô từ doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị và vùng.

KCNST đem lại các lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường, đa dạng và đạt được tổng lợi ích lớn hơn lợi ích của từng doanh nghiệp, kể cả việc tạo công ăn việc làm cho người lao động. Công nghệ và mô hình kinh doanh được áp dụng trong KCNST đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy mô hình cận KTTH và thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp xanh, bền vững và đem lại lợi thế cạnh tranh cao.

MỘT SỐ CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KTTH VÀ KCNST

Kinh tế tuần hoàn

KTTH là một mô hình khép kín, từ khâu khai thác tài nguyên - sản xuất - phân phối - tiêu dùng - khôi phục... luôn có sự gắn kết với nhau. Trong đó, chất thải trong quá trình sản xuất - tiêu dùng được xử lý hoặc tái sử dụng một cách triệt để, dẫn đến việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

KTTH có thể hiểu là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Trong nền KTTH, rác thải không chỉ là phần bỏ đi, mà đó chính là nguồn tài nguyên chưa được sử dụng đúng chỗ, chất thải đầu ra của ngành này sẽ là nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hoặc quay vòng trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp.

KTTH nhằm mục đích giữ cho sản phẩm, thành phần và vật liệu ở mức tiện ích và giá trị cao nhất trong toàn bộ vòng đời, tìm cách tách rời việc tạo ra giá trị từ việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn. Mô hình phát triển bền vững dựa trên "vòng tuần hoàn đóng" này cho phép tái tích hợp nguyên vật liệu vào quá trình sản xuất thông qua các loại và mức độ thu hồi khác nhau (Yuan, Bi và Moriguchi, 2006; Yong, 2007), đảm bảo hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên và sự thân thiện hơn với môi trường.

Khu công nghiệp sinh thái

Sản xuất công nghiệp quá mức sẽ kéo theo một loạt các vấn đề sinh thái môi trường, chẳng hạn như cạn kiệt nước và năng lượng, phá hủy đất và cây trồng, giảm đa dạng sinh học, cũng như hiệu ứng nhà kính. Hậu quả mà con người đã phải chịu ảnh hưởng lớn về sự lãng phí tài nguyên và suy thoái môi trường. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã đưa ra một hình thức tổ chức công nghiệp mới dựa trên cộng sinh công nghiệp và nền KTTH, đó là KCNST. Loại hình khu công nghiệp này đã thu hút sự chú ý rộng rãi trên toàn thế giới.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (US EPA), KCNST là một cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường, thông qua hợp tác quản lý các vấn đề tài nguyên và môi trường như năng lượng, nước và vật liệu (Chertow, 2000). Khu công nghiệp có thể được gọi là KCNST nếu cộng đồng các doanh nghiệp hợp tác với nhau, chia sẻ nguồn lực (Valenzuela-Venegas và cộng sự, 2016). Cũng có thể phát triển cơ sở hạ tầng xanh hoặc thúc đẩy các công ty thu gom rác trong khu công nghiệp, vì vậy, cộng sinh công nghiệp là một trong những khía cạnh có thể có của KCNST.

Định nghĩa được chấp nhận nhiều nhất về KCNST là đề xuất một cộng đồng các doanh nghiệp cùng hoạt động trên cơ sở sản xuất, kinh doanh (Valenzuela-Venegas và cộng sự, 2016). Các doanh nghiệp này tìm kiếm hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội được nâng cao thông qua hợp tác quản lý các vấn đề tài nguyên và môi trường. Trên thực tế, KCNST là một loại hình khu công nghiệp mới được thiết kế và xây dựng theo các yêu cầu sản xuất sạch hơn. Do đó, KCNST cũng tuân theo nguyên tắc 3R của KTTH (Paper và Chunyou, 2009).

Tại Việt Nam, khái niệm KCNST lần đầu được đưa ra tại Điều 2, Nghị định 82/2018/NĐ-CP, ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, KCNST là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.

Mục tiêu phát triển KCNST nằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, xây dựng các mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong cùng khu công nghiệp nhằm giảm thiểu các nguồn gây ô nghiễm, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp.

Với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam trong thời gian qua, việc tạo ra mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa kinh tế và môi trường trong quá trình đô thị hóa ở đô thị công nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết hơn. KCNST có thể cải thiện hiệu quả kinh tế của các công ty tham gia và giảm thiểu tác động đến môi trường của họ (F. Yu, Han và Cui, 2015).

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KTTH TẠI CÁC KCNST CỦA VIỆT NAM

Một số kết quả đạt được trong phát triển KTTH tại các KCNST của Việt Nam cụ thể như sau:

(i) Hoàn thiện chính sách về phát triển KTTH tại các KCNST với cách tiếp cận dựa vào thị trường. Việc ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam đã góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế, hệ thống pháp luật về phát triển KTTH tại các KCNST. Các giải pháp tại Đề án này với cách tiếp cận dựa vào thị trường, tôn trọng các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường ngày càng được nhất quán và đồng bộ, qua đó góp phần cụ thể hóa các chủ trương, định hướng về phát triển KTTH tại các KCNST.

(ii) Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về lợi ích của KTTH cũng như yêu cầu, áp lực và động lực đổi mới cho KCNST để thực hiện sản xuất sạch hơn, sản xuất và cung ứng các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường và hướng đến mô hình KTTH.

iii) Ra đời và phát triển của của nhiều sáng kiến và nhiều mô hình KTTH trên thực tiễn tại các KCNST, như:

- Mô hình tái sử dụng, tái chế chất thải, không để lãng phí chất thải có thể tái sử dụng, tái chế mang lại hiệu quả kinh tế. Thực tế đã xuất hiện các mô hình liên kết sản xuất khi đầu ra chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào sản xuất của doanh nghiệp khác… Các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các liên minh: Chống rác thải nhựa, Tái chế bao bì Việt Nam với 40 doanh nghiệp lớn, như: TH Group, Coca-Cola, LaVie, Nestle, Nutifood… với cam kết tái chế toàn bộ bao bì tại Việt Nam vào năm 2030. Thỏa thuận thiết lập hợp tác công – tư về xây dựng KTTH trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được nhiều đơn vị tham gia thực hiện.

- Các mô hình sản xuất sạch hơn đã được triển khai trong các doanh nghiệp và đem lại hiệu quả nhất định đối với các doanh nghiệp có công nghệ cũ sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng và xả thải trực tiếp ra môi trường. Mô hình này được tiếp cận dựa trên cơ sở sinh lời của doanh nghiệp nhờ cải tiến các công đoạn sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và thu hồi chất thải, chính vì vậy đã huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện;

- Hình thành các KCNST, ứng dụng KTTH; đồng thời, định hướng xây dựng khu công nghiệp xanh, sinh thái được hầu hết các tỉnh đưa vào nội dung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2040. Thực tế, mô hình KCNST tại Việt Nam bắt đầu triển khai từ năm 2014. Cụ thể, từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) đã thực hiện Dự án "Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam". Dự án kéo dài trong giai đoạn 2014-2019, thực hiện thí điểm tại 72 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp Khánh Phú và Gián Khẩu (tại Ninh Bình); khu công nghiệp Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng) và khu công nghiệp Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ). Dự án đã tư vấn hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch cho các doanh nghiệp. Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp đã tiết kiệm tổng thể được hơn 76 tỷ đồng/năm, tương đương hơn 3 triệu USD/năm do cắt giảm lượng tiêu thụ tài nguyên và vật liệu. Cụ thể là giảm tiêu thụ hơn 22.000 Mwh điện, giảm 600.000 m3 nước sạch, giảm hơn 140TJ (Têrerun) nhiên liệu hóa thạch và giảm gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Về mặt môi trường, các cắt giảm này giúp giảm được 32kt (ki-lô-tấn) khí CO2 hằng năm (Phương Anh, 2024). Trên cơ sở những kết quả đó, giai đoạn 2020-2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO triển khai thực hiện Dự án “Triển khai KCNST tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu (GEIPP)”. Kết quả là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các KCN hiện có sang KCNST với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên (RECP), trong đó 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm. Việc chuyển đổi sang mô hình KCNST bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường, đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2024).

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc phát triển KTTH tại các KCNST vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như:

Một là, dù có sự cải thiện, nhưng nhận thức của một số doanh nghiệp, chính quyền địa phương về KTTH chưa đầy đủ. Còn thiếu nhận thức và hiểu biết về KTTH ở cấp quản lý, sản xuất và tiêu dùng. Sản xuất sạch, sản xuất có trách nhiệm, tiêu dùng sạch, tiêu dùng bền vững vẫn là khái niệm được nêu trong các định hướng chính sách, văn bản pháp luật mà chưa phổ biến áp dụng trên thực tế. Ý thức, trách nhiệm về khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải trong các hoạt động kinh tế, dân sinh vẫn còn hạn chế, hành vi xả thải bừa bãi vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.

Hai là, tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Tiếp cận hệ thống là chìa khóa của KTTH, KTTH đòi hỏi từ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chủ dự án đầu tư, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải tư duy lại về cách thức phát triển, phương thức phối hợp, điều hành đến thiết kế sản phẩm, quy trình phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc chưa đồng bộ trong hệ thống chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các cấp, các ngành còn hạn chế; tư duy liên ngành, liên vùng trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển; quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn chưa đồng bộ, hiệu quả.

Ba là, nguồn lực tài chính cho thực hiện việc chuyển đổi sang KTTH đối với các KCNST đòi hỏi rất lớn, nhưng thực tiễn cho thấy nguồn lực này chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác huy động các nguồn lực từ xã hội chưa hiệu quả. Cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư trong xử lý chất thải rắn đã được thể chế hóa nhưng thực tiễn triển khai áp dụng còn nhiều khó khăn do việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn quá nhiều hạn chế, chưa thực sự khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.

Bốn là, cơ sở hạ tầng hiện có chưa đáp ứng yêu cầu thực tế để phát triển KTTH tại các KCNST. Công nghệ thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải còn thiếu đồng bộ, chủ yếu vẫn là chôn lấp. Vị trí của Việt Nam về mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn khá hạn chế. Đầu tư cho hoạt động R&D, khoa học công nghệ cho phát triển KTTH còn hạn chế, nhất là đối với khối doanh nghiệp; chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu (viện, trường) với doanh nghiệp trong chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ về KTTH; ứng dụng các công nghệ mới chỉ dừng lại ở một số mô hình điển hình và các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính.

Năm là, sự gắn kết giữa các tác nhân trong các mô hình KTTH còn yếu; tổ chức sản xuất yếu, đặc biệt là vấn đề hình thành thị trường, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, áp dụng công nghệ, quy trình tiên tiến vào sản xuất và chế biến.

Ngoài ra, các khó khăn, thách thức còn đến từ nhu cầu về các sản phẩm tuần hoàn và các sản phẩm thay thế vẫn còn nhỏ. Thị trường các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ để vận hành đồng bộ với xu hướng của thế giới. Một trong những nguyên nhân là chưa có đầy đủ bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, hàng hóa và chất thải để làm căn cứ áp dụng các biện pháp của KTTH, xem chất thải là tài nguyên dẫn đến chưa hình thành được thị trường nguyên liệu, nhiên liệu thứ cấp.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KTTH TẠI CÁC KCNST TẠI VIỆT NAM

Để phát triển KTTH tại các KCNST tại Việt Nam, cần khắc phục các hạn chế đã được phân tích ở trên. Theo đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng nội dung về phát triển KTTH ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, và các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên, định hướng, nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý đủ rộng, ổn định trong trung và dài hạn, có phạm vi gắn kết ở nhiều lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi, cơ sở pháp lý vững chắc, niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện, tham gia các dự án KTTH.

Thứ ba, hoàn thiện các chính sách về phân loại xanh làm căn cứ cho việc xác định các dự án kinh tế xanh, KTTH. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng; phối hợp với các tổ chức, ban, ngành để xác định được các tiêu chí, định mức cho các dự án xanh.

Thứ tư, xây dựng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm tuần hoàn, tạo lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận cho các doanh nghiệp, cũng như các lợi ích dài hạn khác cho các bên liên quan, làm động lực thúc đẩy phát triển mô hình KTTH trong các KCNST.

Thứ năm, Việt Nam có dân số đông và trẻ tiếp cận CMCN 4.0 nhanh, cơ cấu dân số vàng để có thể tăng trưởng nhanh và chất lượng, trong đó có KTTH. Do đó, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng vận hành mô hình KTTH gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao, thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong KTTH, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm trong các KCNST. Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ phục vụ cho mô hình KTTH trong các KCNST; đồng thời khuyến khích sự hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên giữa các bên liên quan.

Thứ bảy, tiếp tục thúc đẩy hội nhập quốc tế, tận dụng xu thế toàn cầu hóa với việc tham gia các FTA thế hệ mới, các liên minh/khuôn khổ hợp tác mới về hợp tác kinh tế số xuất hiện (trong đó có cả các liên minh đối tác kinh tế số như: DEPA, DEFA, IPEF…). Qua đó, mang lại cơ hội để chuyển giao, lan tỏa để tiếp tục tăng trưởng và phát trển KTTH trong các KCNST./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024), Báo cáo tổng kết Dự án “Triển khai KCNST tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCNST toàn cầu” từ nguồn viện trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

2. Chertow, M. R. (2000), Industrial symbiosis, Literature and Taxonomy, Annual Review of Energy and the Environment, 25(1), 313-337.

3. Paper, W., Chunyou, W. U. (2009), Sustainable Development of Industrial Parks, Germany: University of Leipzig.

4. Phương Anh (2024), Phát triển KCNST và những kết quả đầu tiên trong “hành trình vạn dặm” hướng tới phát triển bền vững - Kỳ 2: Những trái ngọt đầu tiên trên “Hành trình vạn dặm”, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/bai-2-nhung-trai-ngot-dau-tien-tren-hanh-trinh-van-dam-29588.html.

5. Valenzuela-Venegas, G. Salgado. J. c., Diaz Alvarado, Felipe Andres, (2016), Sustainability indicators for the assessment of eco-industrial parks: classification and criteria for selection, Journal of Cleaner Production, 133, 99-116.

6. Vũ Khuê (2024), KCNST: Nền tảng quan trọng để thực hành KTTH, truy cập từ https://vneconomy.vn/techconnect//khu-cong-nghiep-sinh-thai-nen-tang-quan-trong-de-thuc-hanh-kinh-te-tuan-hoan.htm.

7. Yong, R. (2007), The Circular Economy in China, Journal of Material Cycles and Waste Management, 9, 121-129.

8. Yuan, Z., Bi, J., and Moriguichi, Y. (2008), The Circular Economy: A New Development Strategy in China, Journal of Industrial Ecology, 10(1‐2), 4-8.

Đặng Hoàng Anh, Chu Việt Cường

Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01, tháng 01/2025)

Bạn đang đọc bài viết "Một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn tại các khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.