Tiếp tục thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2024 và một số dự báo cho năm 2025

05/02/2025 08:12

Năm 2024, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát kiểm soát ở mức phù hợp, với mức tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra tăng 4%-4,5%. Đây chính là nền tảng để Chính phủ tiếp tục kiểm soát lạm phát mục tiêu khoảng 4,5% vào năm 2025. Để thực hiện thành công, đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện đồng bộ từ phía Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Từ khóa: CPI năm 2024, dự báo lạm phát năm 2025, thị trường hàng hóa và dịch vụ

Summary

In 2024, Vietnam's inflation was controlled at an appropriate level, with an increase of 3.63% compared to 2023, achieving the National Assembly's target of 4%- 4.5%. This is the foundation for the Government to continue controlling the target inflation of about 4.5% in 2025. To successfully control inflation, solutions must be implemented synchronously by the Government, ministries, branches, localities, and enterprises.

Keywords: CPI 2024, inflation forecast 2025, goods and services market

KINH TẾ THẾ GIỚI 2024: ƯU TIÊN KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ĐƯA DẦN VỀ MỨC MỤC TIÊU, CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ NỚI LỎNG THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Kinh tế Việt Nam năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều rủi ro, bất định. Bất ổn địa chính trị và xung đột quân sự gây ra biến động phức tạp, khó lường về giá xăng dầu, giá cước vận tải, giá nguyên vật liệu, kéo dài thời gian vận chuyển và giao hàng, tạo áp lực lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, bảo hộ và rào cản thương mại có xu hướng gia tăng trong khi cầu tiêu dùng thế giới chưa được cải thiện đáng kể, sức mua yếu tại một số nền kinh tế lớn và khối đồng tiền chung châu Âu ảnh hưởng đến xuất - nhập khẩu, cung cầu và giá cả hàng hóa. Do đó, kinh tế nhiều quốc gia mặc dù có kết quả tăng trưởng tích cực hơn khi áp lực lạm phát giảm dần, nguồn cung lao động gia tăng nhưng nhìn chung vẫn theo xu hướng phục hồi chậm và không đồng đều. Các tổ chức quốc tế ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt mức 3,2% (Tổng cục Thống kê, 2025).

Ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng. Thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất được đánh giá cẩn thận và dựa vào dữ liệu để bảo đảm áp lực lạm phát tiềm ẩn được kiểm soát lâu dài nên nhìn chung lãi suất cơ bản vẫn ở mức cao.

Theo Tổng cục Thống kê (2024), thông tin về chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), tăng trưởng kinh tế, việc làm và lạm phát là căn cứ để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã 3 lần cắt giảm lãi suất đưa lãi suất cơ bản xuống mức 4,25%- 4,5%. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục thận trọng trước các chính sách kinh tế tiềm năng của Tổng thống đắc cử Donald Trump và rất có thể sẽ chỉ có hai lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu yếu hơn so với dự báo, lạm phát trên đà giảm mạnh, khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bốn lần cắt giảm lãi suất, đưa lãi suất cơ bản xuống còn 3%. Cơ quan này đánh giá lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ ổn định quanh mục tiêu 2%, nhưng không cam kết với lộ trình chính sách cụ thể trong năm 2025.

Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt ở hầu hết các quốc gia trong năm 2024, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu 2% của các quốc gia phát triển. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát tháng 11/2024 của Mỹ tăng 2,7%; Anh tăng 2,6%; khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tăng 2,2%. Tại châu Á, lạm phát tháng 11/2024 của Ấn Độ tăng 5,5%; Nhật Bản tăng 2,9%; Hàn Quốc tăng 1,5%; Thái Lan tăng 1%; Trung Quốc tăng nhẹ 0,2%. Kinh tế Trung Quốc năm 2024 đã chạm đáy và đang trên đà phục hồi, vẫn giữ được tốc độ tăng ở mức thấp, nhưng nền tảng phát triển chưa thật sự vững chắc.

NĂM 2024: VIỆT NAM TIẾP TỤC THÀNH CÔNG TRONG KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

Kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, có độ mở lớn, sản xuất, tiêu thụ và giá bán sản phẩm chịu tác động rất mạnh từ tổng cầu trong nước và thế giới, từ biến động giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu và diễn biến tỷ giá hối đoái. Theo Tổng cục Thống kê (2025), năm 2024, với sự điều hành năng động, sát sao, hiệu quả của Chính phủ và các địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,09%, thuộc nhóm nền kinh tế có tốc độ tăng cao trên thế giới, gấp 2,2 lần dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, giá hàng hóa và dịch vụ tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng bởi giá thế giới, bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước và hiệu quả của chính sách hỗ trợ, các giải pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2024 tăng 2,94% so với tháng 12/2023, lạm phát bình quân cả năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra tăng 4%-4,5%.

Lạm phát bình quân năm 2024 tăng liên tục trong 7 tháng đầu năm, từ mức 3,37% của tháng 1/2024 lên 3,77% bình quân quý I; tiếp tục tăng lên 4,08% bình quân 6 tháng đầu năm, đạt đỉnh 4,12% bình quân 7 tháng. Lạm phát bình quân 9 tháng giảm xuống mức 3,88%, tiếp tục giảm xuống 3,63% cho bình quân cả năm. Lạm phát hàng tháng của năm 2024 so với cùng kỳ năm trước gần chạm đỉnh mục tiêu vào tháng 5/2024, đạt mức 4,44%, sau đó giảm dần đến tháng 12/2024 chỉ tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân các tháng trong năm và cả năm 2024 dao động trong khoảng 2,7%-2,8%, cao nhất vào tháng 2/2024, ở mức 2,84% và thấp nhất ở mức 2,69% trong tháng 9 và tháng 10/2024.

Theo tác giả, thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2024 do các nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất khi thiếu hụt đơn hàng, chi phí đầu vào cao nhưng các doanh nghiệp đã phải giảm lợi nhuận, không tăng giá bán để duy trì sức cạnh tranh của sản phẩm trong nước, không gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, nhất là trong bối cảnh tổng cầu yếu (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng loại trừ yếu tố giá năm 2024 chỉ tăng 5,9%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với mức tăng 6,8% của năm 2023) (Tổng cục Thống kê, 2025). Cùng với đó, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia chương trình bình ổn giá giúp kiềm chế lạm phát.

Hai là, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, như: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024 (theo Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15, ngày 18/12/2023 của Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn); giảm 2% thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ ngày 01/7/2024 đến hết năm 2024 (theo Nghị định số 72/2024/NĐ-CP, ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15, ngày 29/6/2024 của Quốc hội); giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (theo Nghị định số 109/2024/NĐ-CP, ngày 29/8/2024 của Chính phủ) quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước); giảm mức thu đối với 36 khoản phí, lệ phí để hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân từ kể từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 (theo Thông tư số 43/2024/TT-BTC, ngày 28/6 của Bộ Tài chính ban hành quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh). Những chính sách này đã góp phần giảm bớt áp lực lạm phát. Đồng thời, đảm bảo lưu thông và tăng cường cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ, khôi phục sản xuất sau bão.

Ba là, Chính phủ đã điều hành thận trọng giữ ổn định giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình tiến tới giá thị trường đối với các loại dịch vụ công, hàng hóa do Nhà nước quản lý. Nếu thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng lộ trình thì năm 2021 đã phải tính đúng, tính đủ các loại chi phí theo quy định của pháp luật về giá. Tuy nhiên, trong năm 2024 giá dịch vụ y tế chỉ mới điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở.

Đối với giá dịch vụ giáo dục, ngày 31/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021, trong đó yêu cầu giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Do đó, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, mặc dù chi phí đầu vào cho sản xuất điện ở mức cao nhưng trong năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ điều chỉnh giá bán lẻ điện một lần từ ngày 11/10/2024 nên tác động không nhiều tới lạm phát.

Bốn là, chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ, theo sát những biến động lớn của kinh tế thế giới, góp phần kiểm soát thành công lạm phát. Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong triển vọng lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, giảm tần suất can thiệp, để tỷ giá diễn biến linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thị trường trong khi vẫn hấp thu nguồn cung ngoại tệ dồi dào, đảm bảo thị trường ngoại hối vận hành thông suốt, hỗ trợ thanh khoản đồng nội tệ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hợp pháp về ngoại tệ của các tổ chức kinh tế.

Năm 2024, Chính phủ điều hành sát sao, quyết liệt, hiệu quả, thực thi kịp thời các giải pháp tài chính về thuế, bình ổn giá, đảm bảo đủ nguồn cung đã phát huy hiệu quả trong hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá là những yếu tố để Việt Nam tiếp tục thành công trong kiểm soát lạm phát dưới mức mục tiêu của Quốc hội.

ÁP LỰC LẠM PHÁT NĂM 2025

Năm 2025, dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định tạo áp lực lên lạm phát toàn cầu, thậm chí có thể xảy ra các cú sốc lạm phát, tác động tới lạm phát trong nước.

Trong báo cáo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới: Chính sách xoay trục, mối đe dọa gia tăng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (2024) cảnh báo sẽ có nhiều yếu tố bất ổn và khó lường đối với kinh tế toàn cầu, bao gồm các cuộc xung đột thương mại tiềm tàng, căng thẳng địa chính trị, đồng USD mạnh lên quá mức và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc. Lãi suất đồng USD ở mức cao hơn so với các đồng tiền khác, vì vậy đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên quá mức sẽ khiến áp lực vay nợ và áp lực tỷ giá tại các quốc gia mới nổi tăng nhanh.

Hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại, gây ảnh hưởng đến giá nguyên nhiên vật liệu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng, gây mất ổn định an ninh năng lượng, lương thực. Biến động giá hàng hóa thế giới tác động tới lạm phát của Việt Nam - nền kinh tế có giá trị nhập tư liệu sản xuất chiếm trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ các quốc gia, thúc đẩy thực thi chính sách bảo hộ thương mại sẽ gia tăng căng thẳng thương mại quốc tế, gây đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu, mầm mống gây nên một đợt lạm phát mới, tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao trở lại.

Thị trường tài chính và tiền tệ thế giới vẫn tiềm ẩn rủi ro và bất ổn, tác động đến tỷ giá hối đoái. Chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước có thể tăng lên theo giá thế giới và tác động từ biến động tỷ giá, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Các chuyên gia nhìn nhận nguồn cung năng lượng chuyển từ thời kỳ khan hiếm sang thời kỳ dồi dào với nhiều nguồn cung. Chính quyền của Tổng thống Donal Trump sẽ thúc đẩy khai thác dầu mỏ, giá dầu thô dự báo giảm mạnh trong năm 2025.

Mặc dù bất ổn địa chính trị, chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia, thị trường tài chính và tiền tệ thế giới vẫn tiềm ẩn rủi ro và bất ổn, nhưng theo theo IMF, lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng giảm, từ mức trung bình 6,7% vào năm 2023 xuống 5,8% vào năm 2024 và dự báo xuống mức 4,3% vào năm 2025 (Linh Chi - Minh Trang, 2024).

Ở trong nước, các yếu tố gây áp lực gia tăng lạm phát năm 2025 bao gồm: Giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đang ở mức cao; giá điện biến động theo chiều hướng tăng khi gia tăng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng; giá gạo tăng theo giá xuất khẩu khi sản lượng lương thực ở một số quốc gia suy giảm do biến đổi khí hậu; việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công cũng tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý.

Năm 2025, nhu cầu tiêu dùng trong nước dự báo có sự phục hồi nhưng khó có thể tăng đột biến khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh. Tuy nhiên, lạm phát cầu kéo có thể sẽ phát sinh do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công làm tăng giá nhóm nguyên vật liệu xây dựng.

Bên cạnh các yếu tố làm gia tăng lạm phát, kinh tế nước ta cũng có các yếu tố kiềm chế lạm phát, bao gồm: Sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hoá chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu dùng của người dân; một số chính sách hỗ trợ về thuế, phí vẫn tiếp tục được áp dụng trong năm 2025; lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực “nhập khẩu” lạm phát; Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.

Đối với Việt Nam, cùng các yếu tố kiềm chế lạm phát, Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hoá và dịch vụ chiến lược, đồng thời tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu tăng mạnh mẽ, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025 khoảng 4,5% đã được Quốc hội thông qua (theo Nghị quyết số 158/2024/QH15, ngày 12/11/2024 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025) là hoàn toàn khả thi.

GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT LẠM PHÁT NĂM 2025

Có thể nói, năm 2025, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% theo mục tiêu Quốc hội đề ra không quá nặng nề, song không thể chủ quan. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến mau lẹ, khó lường, các biện pháp trừng phạt và trả đũa ngày càng diễn ra khốc liệt, vì vậy những chính sách và giải pháp phải nhanh, điều chỉnh ngay khi có vấn đề phát sinh. Đồng thời, các chính sách, giải pháp cần thiết thực, đảm bảo minh bạch, gắn với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế để đặt ra mục tiêu lạm phát trung hạn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì mục tiêu lạm phát từng năm.

Theo đó, để kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2025 khoảng 4,5%, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Đối với Chính phủ

- Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

- Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại. Chủ động nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá.

- Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung, cùng với đó chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin và dự báo chính xác động thái thị trường, nhất là xu hướng, mức độ và lộ trình tăng giá thế giới. Nắm bắt và đánh giá cách các “đối thủ cạnh tranh” phản ứng với tình huống, đồng thời giám sát tình hình sức khỏe và chất lượng hoạt động của các nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất.

- Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà, hiệu quả chính sách tài khoá và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý để ngăn ngừa áp lực lạm phát do cung tiền và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

- Bộ Công Thương có giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn. Mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế. Điện là mặt hàng năng lượng quan trọng, không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng. Bộ Công Thương cần dự báo nhu cầu sử dụng điện, xây dựng kế hoạch, giải pháp để cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào đối với từng quý trong năm 2025.

- Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục. Nghiên cứu thời điểm, mức độ điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ do nhà nước quản lý, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Chính phủ thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông, kịp thời thông tin rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai gây ra.

Đối với khu vực doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Dự báo các loại nguyên, nhiên vật liệu có thể thiếu hụt trong ngắn hạn để có giải pháp bổ sung kịp thời, cắt giảm chi phí sản xuất. Đối với các loại nguyên vật liệu thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế. Đa dạng và đảm bảo nguồn cung từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, tránh các tác động từ vấn đề địa chính trị toàn cầu khó đoán định, doanh nghiệp tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, cắt giảm chi phí do giá năng lượng tăng cao. Sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp vượt lên trước đối thủ và tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường./.

Tài liệu tham khảo

1. Linh Chi – Minh Trang (2024), Dự báo lạm phát toàn cầu giảm, nền kinh tế liệu có khởi sắc?, truy cập từ https://congthuong.vn/du-bao-lam-phat-toan-cau-giam-nen-kinh-te-lieu-co-khoi-sac-315247.html&link=autochanger.

2. Quốc hội (2024), Nghị quyết số 158/2024/QH15, ngày 12/11/2024 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

3. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (2024), Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới: Chính sách xoay trục, mối đe dọa gia tăng, ngày 22/10/2024.

4. Tổng cục Thống kê (2025), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2024.

5. Tổng cục Thống kê (2024), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024

TS. Nguyễn Bích Lâm

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 02, tháng 01/2025)

Bạn đang đọc bài viết "Tiếp tục thành công trong kiểm soát lạm phát năm 2024 và một số dự báo cho năm 2025" tại chuyên mục Diễn đàn khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.