
Một UAV tấn công của Nga (Ảnh: Army Recognition).
Lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh đã kết thúc, và quân đội Nga đã tái triển khai các đợt tấn công bằng vũ khí chính xác vào các mục tiêu nằm trong vùng lãnh thổ mà Kiev kiểm soát.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là đợt tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát của Nga trong thời gian qua đã được tiến hành vào ban ngày.
Đây có thể được coi là dấu hiệu cho thấy Nga bắt đầu áp dụng các chiến thuật mới và cải tiến vũ khí, theo chuyên trang quân sự Top War.
Trước đây, các UAV Geranium, và sau đó là Gerbera, chủ yếu được sử dụng vào ban đêm để giảm thiểu rủi ro bị phát hiện và ngăn chặn. Vào một số thời điểm, UAV còn được sơn màu đen để ít bị chú ý trong bóng tối.
Vậy điều gì đã khiến Nga chuyển sang tấn công UAV vào ban ngày và vẫn đánh trúng các mục tiêu ở Kharkov, Kherson và Zaporizhia?
Đầu tiên, phòng thủ của Ukraine thực sự đã bị suy yếu đáng kể. Hệ thống phòng không không đủ để bảo vệ ngay cả những thành phố lớn và các cơ sở chiến lược quan trọng, trong khi số lượng tên lửa đánh chặn cũng đang thiếu hụt. Trong khi Mỹ chưa cấp thêm các gói viện trợ quân sự cho Ukraine thì EU đang đối mặt với thách thức tăng cường sản xuất quốc phòng, dẫn tới việc vũ khí được cung cấp tương đối nhỏ giọt.
Thứ hai, Nga đã cải tiến những vũ khí UAV đã có sẵn. Cụ thể, các nhân chứng ở thực địa cho biết, trong cuộc tấn công vào Odessa hồi đầu tuần, UAV Nga đã bay nhanh hơn, và âm thanh của chúng cũng đã khác, chứng tỏ là đã bay cao hơn.
Theo các chuyên gia, việc UAV tấn công phát ra âm thanh khác so với trước là do Nga đã có chiến thuật tập kích mới. UAV phiên bản cải tiến sẽ lao xuống từ độ cao 2.000-2.500km với tốc độ lớn. Cách đánh này giúp UAV tránh được hỏa lực phòng không từ Ukraine.
Điều này không thể thực hiện được nếu không có sự cải tiến động cơ của UAV. Theo các chuyên gia, các UAV mới phát triển tốc độ nhanh hơn 20-25% so với các mẫu trước trong giai đoạn cuối của chuyến bay.
Điều này làm tăng đáng kể khả năng đánh trúng mục tiêu và vượt qua các lực lượng phòng không đối thủ. Hiện nay, các khẩu đội phòng không của Ukraine, bao gồm cả các đơn vị phòng chống UAV di động, chủ yếu dùng súng nhỏ, hoặc pháo phòng không, để đánh chặn các cuộc tấn công UAV. Việc bắn hạ vật thể lao nhanh và từ độ cao lớn hơn như vậy là rất khó khăn.
Trước đó, có thông tin cho rằng Nga đang sản xuất UAV Geran-3 (Ukraine gọi là Shahed) với động cơ phản lực hoặc động cơ tuốc bin, giải thích cho âm thanh mới này. Thiết bị có sải cánh dài 2,5m, chiều dài 3,5m và tốc độ hành trình 600km/h, khi lao xuống mục tiêu, nó có thể đạt tốc độ lên tới 700km/h. UAV này có thể mang theo gần gấp 5 lần lượng chất nổ so với người tiền nhiệm của nó, Geran-2.
Cùng lúc đó, UAV khó có thể bị phát hiện trên radar khi sử dụng định vị vệ tinh để xác định vị trí trong không gian và theo dõi lộ trình, đồng thời sử dụng mô-đun quang học - điện tử khi tấn công mục tiêu trực tiếp.
Ukraine cũng nhận thấy sự thay đổi trong chiến thuật tấn công UAV của Quân đội Nga. Cụ thể, ban đầu, Nga điều 1 UAV trinh sát đã bay vòng vòng trên không. Theo các nhà phân tích, đây có thể là thiết bị không mang đầu đạn, được trang bị các cảm biến đặc biệt để trinh sát và điều chỉnh lộ trình cho các cuộc tấn công chính. Cùng lúc đó, Nga khởi động bầy đàn các UAV tấn công từ hướng khác để tấn công kiểu "bầy đàn".
UAV trinh sát giúp Nga xác định chiến thuật tấn công hiệu quả, sử dụng số lượng lớn áp đảo phòng không đối phương và chọn mục tiêu chuẩn xác hơn.
Nga tấn công kiểu chia đợt, với các đợt đầu có nhiệm vụ phân tán phòng không đối thủ và đợt sau sẽ nhằm vào mục tiêu quan trọng.
Theo Top War, với các cải tiến cụ thể về vũ khí và chiến thuật, thời điểm ban ngày không còn là trở ngại với quân đội Nga để đánh trúng mục tiêu Ukraine.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, cuộc chiến UAV ở Ukraine vốn là "trò mèo vờn chuột" khi các bên sẽ nghĩ cách để vô hiệu hóa chiến thuật của đối phương liên tục.