
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).
"ICC đã đạt đến đỉnh cao thực sự của sự lố bịch và vô nghĩa khi ban hành lệnh bắt giữ đối với các nguyên thủ của các quốc gia có chủ quyền, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố hôm 24/4.
"Khi đưa ra những quyết định như vậy, các thẩm phán của tòa án hiểu rõ rằng những quyết định đó sẽ không được thực thi mà chỉ để lại hậu quả, chắc chắn nhằm mục đích có lợi cho phương Tây", ông Medvedev nêu rõ trong một bài xã luận được công bố trên tạp chí Khoa học Luật của Đại học St. Petersburg State trên số đầu tiên của năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Medvedev, các thẩm phán ICC "không nên bị coi là những người ngốc nghếch hoặc thiếu hiểu biết".
"Họ là những luật sư giàu kinh nghiệm, những người rất hiểu rõ nội dung của các thỏa thuận quốc tế và nhận ra nhiệm vụ của họ kết thúc ở đâu. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ từ chối "một mệnh lệnh mang tính ý thức hệ", đặc biệt là nhằm vào nguyên thủ của các quốc gia có chủ quyền", quan chức Nga nói thêm.
Tháng 3 năm ngoái, Tòa Hình sự Quốc tế ICC phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên phụ trách vấn đề quyền trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không phải một bên tham gia Quy chế Rome về thành lập ICC, nên Moscow không công nhận lệnh bắt giữ của ICC.
Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.
Điện Kremlin đã coi những lệnh trên là thái quá vào thời điểm đó và bác bỏ lệnh của ICC. Moscow coi lệnh này như một phần trong chiến dịch của phương Tây nhằm làm mất uy tín của Nga.
Ủy ban Điều tra Nga thông báo sẽ mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên của ICC.
"Việc thi hành một quyết định bất hợp pháp và không hợp lệ về việc bắt giữ các quan chức của một quốc gia cụ thể có thể coi là một lời tuyên chiến", cựu Tổng thống Nga Medvedev cảnh báo hồi tháng 6 năm ngoái.
Ông Medvedev nói rằng việc không công nhận các quốc gia và các quan chức của quốc gia đó có quyền miễn trừ đôi khi có thể là một bước tiến tới chiến tranh.
"Việc không công nhận quyền miễn trừ của một quốc gia, bao gồm quyền miễn trừ tài sản, quyền miễn trừ của quan chức, là bước đi mang tính quyết định nhất đối với việc bắt đầu một cuộc chiến, và trong một số trường hợp thậm chí là chiến tranh thế giới", ông Medvedev cảnh báo.