Quản trị rủi ro chuỗi cung ứng măng tây và tỏi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

04/12/2024 04:30

Măng tây và tỏi là hai trong 12 nông sản chủ lực của tỉnh Ninh Thuận và không nằm ngoài quy luật chung của lĩnh vực nông nghiệp “được mùa mất giá”. Sự thay đổi trong giá cả và sản lượng nông sản kéo theo những rủi ro nhất định trong chuỗi cung ứng măng tây và tỏi. Trên cơ sở nhận diện những rủi ro trong chuỗi cung ứng măng tây và tỏi Ninh Thuận, nghiên cứu nhằm xem xét từ các yếu tố nằm ngoài chuỗi cung ứng, như: thị trường, hạ tầng, điều kiện tự nhiên, nguồn lực tài chính tổ chức liên...

Từ khóa: chuỗi cung ứng, măng tây, tỏi, tỉnh Ninh Thuận

Summary

Asparagus and garlic are two of the 12 key agricultural products of Ninh Thuan province and are not exempted to the general rule of the agricultural sector of "good harvests losing value". Changes in prices and yields of agricultural products lead to certain risks in the asparagus and garlic supply chain. Based on identifying risks in the Ninh Thuan asparagus and garlic supply chain, the study aims to consider factors outside the supply chain, such as: market, infrastructure, natural conditions, financial resources for production linkage organization, and policy conditions and internal factors in the chain, such as: food safety and production scale. On that basis, the authors propose appropriate solutions to better manage risks of the asparagus and garlic supply chain in Ninh Thuan province.

Keywords: supply chain, asparagus, garlic, Ninh Thuan province

GIỚI THIỆU

Chuỗi cung ứng là hệ thống không chỉ bao gồm các doanh nghiệp, nhà cung cấp, nhà phân phối sản phẩm, mà còn bao gồm hệ thống kho vận, hệ thống bán lẻ và khách hàng. Trong quá trình vận hành của chuỗi, đòi hỏi các nhà phân phối phải gia tăng chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, như vậy các nhà phân phối đóng vai trò là nhân vật chủ chốt có đặc quyền trong việc làm chủ dòng thực tế và dòng thông tin trong chuỗi cung ứng. Như vậy, một cách trực tiếp hay gián tiếp, các “mắt xích” của chuỗi cung ứng tham gia vào hệ thống sản xuất, phân phối sản phẩm, dịch vụ và chịu sự tác động của nhiều nhân tố. Khái niệm quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng được hiểu là việc huy động các nguồn lực để giảm thiểu rủi ro, cập nhật thông tin và kiến thức một cách đồng bộ thông qua mạng lưới mối quan hệ. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào quản trị những yếu tố rủi ro có tác động đến chuỗi cung ứng măng tây và tỏi trên địa bàn Ninh Thuận hiện nay. Để trả lời được vấn đề này, điều tiên quyết cần nắm bắt được các rủi ro mà chuỗi cung ứng măng tây và tỏi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phải đối diện.

NHẬN DIỆN NHỮNG RỦI RO TRONG CHUỖI CUNG ỨNG MĂNG TÂY VÀ TỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Rủi ro nằm ngoài chuỗi cung ứng

Rủi ro về thị trường

Ngay những năm đầu tiên, khi măng tây được trồng phổ biến ở Ninh Thuận, giá bán thị trường không dưới 100.000 đồng/kg (Trần Toản, 2023), sản phẩm tỏi Ninh Thuận cũng tương tự khi có thời kỳ, giá đã từng đạt mức 150-200.000 đồng/kg khô (A Sơn và Văn Cảnh, 2017). Nhưng khi quy mô diện tích bắt đầu được phát triển, đặc biệt măng tây có sự nhân rộng ở các địa phương khác trong cả nước, giá thành có xu hướng giảm. Tỏi chịu sự cạnh tranh lớn từ các địa phương khác, như: tỏi Hải Dương, tỏi Lý Sơn và các loại tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ; điều này tạo nên một rủi ro lớn về thị trường khi nguồn cung ngày càng lớn và khả năng cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Sự đa dạng trong các nguồn cung là một trong những thách thức lớn để định hình về chuỗi cung ứng măng tây và tỏi Ninh Thuận trong tương lai bởi sự đa dạng càng nhiều, sức hút của sản phẩm địa phường càng ít đi, điều này tạo ra tâm lý không mặn mà của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng. Trước mắt, sự sụt giảm giá cả làm xói mòn động lực sản xuất của nông dân, làm mất đi ý định đầu tư, cải tiến khoa học và công nghệ ở các công đoạn còn lại. Do đó, một thị trường ngày càng rộng mở không chỉ trong nước, mà còn lan rộng ra quốc tế cùng với khả năng nâng cao chuỗi giá trị sẽ là cách thức bền vững nhất hạn chế những rủi ro từ sự biến động từ thị trường cũ.

Rủi ro về hạ tầng

Thực tế cho thấy, việc xuất khẩu hàng hóa ở Ninh Thuận phải tốn một khoảng thời gian nhất định để chở hàng ra cảng hàng hóa Ba Ngòi (một trong 10 cảng biển lớn của cả nước) thuộc tỉnh Khánh Hòa cách Ninh Thuận 60 km – điều này tạo ra áp lực khá lớn đối với sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi nghiêm ngặt về độ tươi như măng tây. 3 cảng biển ở Ninh Thuận hiện nay (cảng Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ) với quy mô khá khiêm tốn, chỉ mới có cảng Trung Nam Cà Ná bắt đầu khai thác từ tháng 9/2023 với lô hàng xuất khẩu đầu tiên (nguyên liệu ngành xuất dựng). Điều này cho thấy, nền tảng hạ tầng để hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản ở Ninh Thuận vẫn còn khá xa. Bản thân tỉnh Ninh Thuận không có sân bay, phải nhờ vào sân bay Cam Ranh của Khánh Hòa – cách Ninh Thuận 50 km, do đó, khó để vận chuyển đối với nông sản có đặc thù giữ độ tươi trong thời gian ngắn nhất.

Rủi ro từ điều kiện tự nhiên

Ninh Thuận là một địa phương hứng chịu khá nhiều những thách thức lớn từ khí hậu khô hạn. Trên địa bàn Tỉnh có tổng lượng mưa năm thấp nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, Ninh Thuận có nền nhiệt độ cao quanh năm (UBND tỉnh Ninh Thuận, 2011). Mặc dù để thích ứng với thời tiết khí hậu này, Ninh Thuận đã trồng các loại cây phù hợp, nhưng kết quả đôi khi không được như mong đợi. Kết quả khảo sát và phỏng vấn 155 hộ nông dân trồng măng tây và tỏi vào tháng 10-11/2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cho thấy, vào những tháng cuối năm 2023, bà con trồng tỏi đang bước vào cao điểm của mùa thu hoạch, nhưng sản lượng không như mong muốn, trung bình giảm hơn 50%-60% so với mọi năm. Nguyên nhân là do, thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều vào đầu vụ khiến tỏi nhiễm bệnh nấm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ tỏi. Hay trong năm 2022, với những cơn mưa trái mùa liên tục đã gây ra sự biến động sản lượng măng tây khá mạnh khi tình trạng nấm ngọn măng tây diễn ra trên diện rộng. Do đó, những biến động về điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và số lượng măng tây và tỏi.

Hạn chế nguồn lực tài chính tổ chức liên kết sản xuất và hỗ trợ chuỗi cung ứng

Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn và thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác. Tình hình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế, do lĩnh vực này vốn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hạn chế khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc... còn yếu. Ngoài ra, Ninh Thuận vẫn còn thiếu hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn. Chưa có kênh truyền dẫn chính thống từ các nhà làm chính sách, cơ quan quản lý đến người nông dân trong việc tiếp cận thị trường thế giới và hạn chế những rủi ro trong quá trình thích ứng với các thay đổi ngoại vi đến hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và cây măng tây, tỏi nói riêng.

Rủi ro trong hoạch định chính sách

Nông nghiệp Ninh Thuận đang ở bước ngoặt mà một số động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu (như: tài nguyên, đất đai), trong khi các động lực mới chưa được hình thành đầy đủ (khoa học và công nghệ). Trong khi đó, làm chủ khoa học và công nghệ chính mới chính là điểm mấu chốt giúp măng tây và tỏi Ninh Thuận bứt phá và tiệm cận với các giá trị mới. Hiện nay, công tác phối hợp trong khoa học và công nghệ ở Ninh Thuận còn nhiều hạn chế. Hầu hết, các viện nghiên cứu và trường đại học không làm việc cùng các đơn vị thụ hưởng (doanh nghiệp và người nông dân), những người cần và sử dụng các phát minh/cải tiến. Hệ quả là phần lớn các sản phẩm của các cơ quan nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng/người mua sản phẩm. Hơn nữa, sự thiếu phối hợp trong kỹ thuật và chia sẻ dữ liệu cũng làm giảm hiệu quả của quá trình hoạch định chính sách.

Rủi ro từ trong chuỗi cung ứng

Rủi ro an toàn thực phẩm

Đây là một trong những điểm yếu của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và các sản phẩm măng tây, tỏi ở tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Chất lượng quản lý của toàn bộ chuỗi giá trị được chia làm 3 phân khúc riêng biệt: đầu vào nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp và phân phối sản phẩm ra thị trường. Hiện có quá nhiều cơ quan chuyên trách để đánh giá và giám sát đối với từng phân khúc, nhưng sự phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan này là rất hạn chế. Cuối cùng là việc thiếu một hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các thực hành thân thiện với môi trường, như: VietGAP và các tiêu chuẩn tự nguyện khác đã làm hạn chế năng lực của các cơ quan chức năng trong việc giám sát chất lượng của các hóa chất nông nghiệp và chất lượng thực phẩm. Một khi chưa định hình và thống nhất được cách thức quản lý tiêu chí này, rất khó để măng tây và tỏi Ninh Thuận có cơ hội “vươn mình” ra thế giới và các thị trường tiềm năng khác.

Quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ

Để chuỗi cung ứng măng tây và tỏi bền vững phải dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn, các hình thức sản xuất khép kín, tập trung để tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, ở Ninh Thuận hiện nay, diện tích canh tác măng tây và tỏi vẫn ở quy mô khá nhỏ lẻ. Thực trạng manh mún đất đai là cản trở đáng kể đối với quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tiến tới nông nghiệp xanh trong tương lai ở Ninh Thuận. Đây là một thách thức vô cùng lớn khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung.

Chưa có sự phân định chưa rõ ràng trách nhiệm và quyền lợi đối với các thành viên tham gia chuỗi cung ứng măng tây và tỏi

Chuỗi cung ứng cần có sự liên kết chặt chẽ và bền vững của các thành viên. Tính gắn kết trong chuỗi phải được thể hiện bằng các hợp đồng, thay vì các thỏa thuận/cam kết miệng/hợp đồng ngắn hạn. Điều này sẽ giúp các thành viên thực hiện tốt các chức năng của mình trong chuỗi, phối hợp và cùng sẻ chia hài hòa nhất giá trị gia tăng trong toàn chuỗi. Tuy nhiên, các hoạt động từ cung ứng giống, trồng măng, tỏi; thu mua, phân phối số lượng nhiều hay ít đều thông qua thỏa thuận miệng. Do đó, không có cơ sở để được bảo vệ về mặt pháp lý nếu có tranh chấp hoặc vấn đề phát sinh đối với các bên liên quan trong giao dịch.

Phát triển chuỗi phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất từ thành thị tới nông thôn, tránh tình trạng thiên lệch trong xây dựng và triển khai chính sách cho từng khu vực. Tuy nhiên, ở các địa phương sản xuất nông sản nói chung, tỉnh Ninh Thuận nói riêng có một nghịch lý là, người nông dân sản xuất rau quả, sản phẩm tươi ngon, thì mang ra thành thị tiêu thụ, trong khi số đông người dân nông thôn với thu nhập thấp, thì phải tiêu dùng những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Điều này lý giải còn nhiều vướng mắc trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển chuỗi măng tây và tỏi.

Ngoài ra, các thành viên tham gia chuỗi còn chưa tuyệt đối tuân thủ việc tạo ra và duy trì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thương hiệu, chủng loại, bao gói... đối với sản phẩm của mình.

Hơn nữa, vai trò của Nhà nước trong việc kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ và quản lý giám sát chuỗi còn mờ nhạt, dẫn đến tình trạng nhà bán lẻ còn chi phối, kiểm soát người sản xuất vô điều kiện, dẫn tới người nông dân trồng măng tây và tỏi bị thiệt thòi.

ĐỀ XUẤT CÁC CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ RỦI RO CHUỖI CUNG ỨNG MĂNG TÂY VÀ TỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Thứ nhất, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng, chiến lược và kế hoạch hành động đối sản xuất măng tây và tỏi phải được lồng ghép trong một chiến lược rộng lớn hơn về ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận để chuyển đổi sang hệ thống nông sản xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và toàn diện.

Ngành nông nghiệp Ninh Thuận cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Đẩy mạnh tích hợp các giá trị xanh, đa dạng sinh học sẽ là những bước đột phá đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm của miền Trung và cả nước, thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, làm gia công với giá trị gia tăng thấp, dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội.

Thứ hai, hình thành hệ thống giám sát chuỗi cung ứng. Hệ thống này vô cùng quan trọng để đảm bảo măng tây và tỏi có chất lượng tốt và đạt ATVSTP, bao gồm một loạt các hàng rào sau đây:

(i) Hệ thống giám sát nội bộ: Mỗi hộ sản xuất đều phải tự giác tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng, ATVSTP. Mỗi tiêu chuẩn trong sản xuất đều được hướng dẫn trong các bộ quy trình sản xuất, chẳng hạn VietGap hay GlobalGap. Bên cạnh đó, người trồng măng và tỏi cũng nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật từ phía các ban ngành, các cấp chính quyền địa phương. Việc thực hiện tự giám sát là yêu cầu tối thiểu khi tham gia vào các chuỗi chất lượng.

(ii) Hệ thống giám sát chéo trong liên hiệp hợp tác xã (HTX), liên minh HTX măng tây, tỏi trên địa bàn Ninh Thuận: Hệ thống này phải được vận hành đều đặn hàng ngày, hàng giờ; tức là các tổ, nhóm, HTX, tổ hợp tác sẽ tổ chức giám sát chéo nhau. Bất kỳ sai phạm nào bị phát hiện sẽ được xử lý nghiêm bằng cách khai trừ ra khỏi tổ, nhóm, HTX đó. Kết quả là nông hộ nào vi phạm sẽ không được đảm bảo đầu ra, không được tham gia bất kỳ hoạt động liên kết nào khác trong tương lai.

Liên hiệp HTX ngoài chức năng giám sát còn tích cực hỗ trợ các hộ nông dân/tổ/ nhóm thực thi các giải pháp chất lượng từ cung ứng vật tư, sản xuất, thu hái, bảo quản, vận chuyển và bao tiêu sản phẩm.

(iii) Hệ thống giám sát của các tổ chức, ban ngành ở địa phương: Hội nông dân xã, liên hiệp HTX, trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật ở địa phương có trách nhiệm thực thi các chính sách nông nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng thực hiện nhiệm vụ giám sát các hoạt động sản xuất của các hộ nông dân trên địa bàn. Vì thế, nhà sản xuất cũng thêm năng lực thực hành chất lượng của mình. Các tổ chức này thực hiện giám sát thông qua các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ và không định kỳ khiến các hộ sản xuất phải tuân thủ nghiêm chỉnh các yêu cầu về chất lượng và ATVSTP.

(iv) Hệ thống giám sát độc lập của nhà bán lẻ: Các nhà bán lẻ cử nhân viên chuyên trách thường xuyên có mặt trên các cánh đồng của nông dân mà họ đặt hàng để đảm bảo rằng hoạt động sản xuất được tiến hành theo đúng quy trình và chất lượng, ATTP được kiểm soát tốt nhất.

Thứ ba, liên kết giữa các thành viên trong chuỗi.

Về liên kết dọc

(1) Thực hiện liên kết dọc giữa nông hộ/HTX – nhà bán lẻ - khách hàng cơ quan, tổ chức trong chuỗi cung ứng bằng các hợp đồng thay vì hình thức giao ngay hay thỏa thuận miệng như trước đây. Chính hợp đồng là chìa khóa giúp đảm bảo lợi ích cho các bên an toàn và bền vững nhất.

(2) Cần khuyến khích và động viên các nhà bán lẻ hợp tác, đầu tư từ khâu sản xuất. Có như vậy, nguồn cung cho nhà bán lẻ mới được ổn định và đảm bảo chất lượng lâu dài.

(3) Nhà bán lẻ - doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nhà sản xuất nhằm phát triển thương hiệu, ứng dụng truy xuất nguồn gốc ở tất cả các sản phẩm rau quả cung ứng ra thị trường. Thậm chí, đôi bên thiết lập các quan hệ đối tác thương mại lâu dài, nhà bán lẻ có thể trở thành trung gian kết nối nhà sản xuất với nhiều nhà bán lẻ khác trong và ngoài nước.

(4) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh, các chi cục trực thuộc, Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cần khẳng định được vai trò kết nối, tham gia quản lý, giám sát chặt chẽ việc các thành viên thực hiện nhiệm vụ trong chuỗi, giảm thiểu tình trạng nhà bán lẻ có thể gây lũng đoạn chuỗi, cuối cùng thiệt hại nhất vẫn là người nông dân và người tiêu dùng.

Về liên kết ngang

(1) Người sản xuất măng tây và tỏi cần nâng cao vị thế bằng cách tham gia các tổ, nhóm, HTX. Điều này giúp tăng khả năng cạnh tranh, vai trò, tạo tương quan cân bằng cho người sản xuất với chính nhà bán lẻ.

(2) Tăng cường hợp tác giữa người sản xuất với các cơ quan ban ngành (chi cục bảo vệ thực vật, chi cục phát triển nông thôn, chi cục quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản) nhằm phát triển năng lực khoa học, kỹ thuật, tài chính, thương hiệu... Có như vậy, nhà sản xuất mới thu hút được các nhà đầu tư lâu dài và ổn định.

(3) Tăng cường ứng dụng QR Code nhằm giám sát chặt chẽ măng tây và tỏi từ khâu sản xuất, phân phối và tiêu thụ. Điều này sẽ giúp lấy lại niềm tin nơi người tiêu dùng, gia tăng giá trị thương hiệu cho măng tây và tỏi Ninh Thuận./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A Sơn và Văn Cảnh (2017), Cần thiết xây dựng thương hiệu tỏi Phan Rang, truy cập từ https://kinhtenongthon.vn/can-thiet-xay-dung-thuong-hieu-toi-phan-rang-post3727.html.

2. Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận (2022), Niên giám Thống kê tỉnh Ninh Thuận năm 2022.

3. Harland, C. M., Knight, L.A,. (2001), Supply Network Strategy: Roleand Competence Requirement, International Journal of Operations and Production Management, 24, 476-489.

4. Phạm Văn Kiệm (2013), Quản trị rủi ro chuỗi cung ứng – Hướng tiếp cận mới cho doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh, 29(1), 41-48.

5. Trần Toản (2023), Đưa măng tây xanh đánh thức đồng hoang, Báo Nông nghiệp Việt Nam, link truy cập https://nongnghiep.vn/dua-mang-tay-xanh-danh-thuc-dong-hoang-d348104.html

6. UBND tỉnh Ninh Thuận (2023), Thông tin về cơ sở hạ tầng tỉnh Ninh Thuận, truy cập từ https://ninhthuan.gov.vn/portal/Pages/Co-so-ha-tang-.aspx.

7. UBND tỉnh Ninh Thuận (2011), Báo cáo tóm tắt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, truy cập từ https://www.ninhthuan.gov.vn/Pages/Dieu-kien-tu-nhien1.aspx.

ThS. Nguyễn Thanh Phương

Trường Đại học Tây Nguyên

ThS. Trương Thị Thu Hương, ThS. Nguyễn Thị Thuỳ Hiếu

Học viện Chính trị Khu vực II

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)

Bạn đang đọc bài viết "Quản trị rủi ro chuỗi cung ứng măng tây và tỏi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận" tại chuyên mục Bài báo khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.