Các nhân tố ảnh hưởng tới việc giải quyết mối quan hệ Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại

04/12/2024 05:00

Trong mô hình kinh tế thị trường (KTTT) hiện đại, mối quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội có tầm quan trọng trong việc xác lập một mô hình KTTT hiệu quả, để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo sự công bằng xã hội. Nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội với vai trò là 3 trụ của nền kinh tế, có tác dụng củng cố và giám sát lẫn nhau, cho thấy, các nhân tố gồm: (i) Nhận thức về mối quan hệ giữa 3 trụ cột; (ii) Mục tiêu quốc gia trong từng thời kỳ; (iii) Các áp lực từ...

Từ khóa: mối quan hệ, kinh tế thị trường hiện đại, 3 trụ cột của nền kinh tế, nhân tố ảnh hưởng

Summary

In the modern market economy model, the state - market - society relationship is important in establishing an effective market economy model, to both develop the economy and ensure social fairness. This study examines the relationship between the state - market - society as three pillars of the economy, with the effect of reinforcing and supervising each other, and concludes that the factors influencing the relationship between these three pillars in the modern market economy include: (i) Awareness of the relationship between the three pillars; (ii) National goals in each period; (iii) Pressures from new social and world landscape.

Keywords: relationships, modern market economy, 3 pillars of the economy, influencing factors

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cuộc tranh luận về mô hình phát triển quốc gia giữa chủ nghĩa can thiệp và chủ nghĩa tự do kinh doanh không phải vấn đề mới, mà đã diễn ra từ thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa tự do kinh doanh được dựa trên lý thuyết thị trường tự do về sản xuất, xuất khẩu, thực hiện các chính sách tư nhân hóa, mở cửa kinh tế và giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước. Theo đó, đến cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa tự do kinh doanh thực sự phát triển bởi một loạt các khuyến nghị được đưa ra dưới tên gọi “Đồng thuận Washington” và được ủng hộ trên toàn thế giới bởi các tổ chức quốc tế gồm: Ngân hàng Thế giới (WB); Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hầu hết các khuyến nghị này đều nhằm giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, hướng đến tự do hóa thị trường, với một số khuyến nghị, như: tự do hóa thương mại, mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo quyền sở hữu.

Tuy nhiên, thực tiễn của một thập kỷ sau đó đã cho thấy, “Đồng thuận Washington” với khẩu hiệu “Ổn định hóa, tư nhân hóa và tự do hóa” đã không mang lại những kết quả như kỳ vọng cho những quốc gia đang phát triển (Rodrik, 2006). Nhiều quốc gia tuân tuyệt đối theo các khuyến nghị, lại gặp các vấn đề về phát triển, như: tốc độ tăng trưởng trì trệ, bất bình đẳng xã hội gia tăng, rơi vào khủng hoảng nợ nần (một số nước Châu Mỹ Latin). Ngược lại, những quốc gia Đông Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, không tuân thủ hoàn toàn, mà đã vận dụng một mô hình phát triển dựa trên các chiến lược kinh tế quốc gia, với sự can thiệp và điều tiết của nhà nước vào thị trường, nên đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng và nhanh chóng giảm tỷ lệ người nghèo. Như vậy, có thể thấy, nền KTTT hiện đại hiệu quả cần gắn liền với sự can thiệp của nhà nước vào thị trường. Theo đó, mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội khi hài hòa sẽ thúc đẩy sự phát triển, còn ngược lại nếu trục trặc, sẽ kìm hãm sự phát triển. Do vậy, nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội, có ý nghĩa quan trọng giúp quốc gia trong việc xác lập một mô hình KTTT hiệu quả, để vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo sự công bằng xã hội.

MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC - THỊ TRƯỜNG - XÃ HỘI TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Nhà nước được định nghĩa là chủ thể quyền lực đại diện cho một cộng đồng người có quyền lực độc quyền về việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong một phạm vi lãnh thổ nhất định (Leicht và Jenkins, 2010). Nhà nước là sự lãnh thổ hóa quyền lực chính trị, trên cơ sở giao thoa của 3 thực thể là: (i) Bộ máy chính trị mang tính đại diện; (ii) Lãnh thổ được phân định rõ ràng; (iii) Cộng đồng dân số có tính ràng buộc tập thể. Nhà nước vừa là chủ thể quản lý xã hội, vừa thay mặt xã hội quản lý tài sản công, đồng thời là một bộ phận của nền kinh tế.

Thị trường được hiểu là nơi diễn ra các hoạt động mua - bán, mà trong đó người mua và người bán tương tác để xác định giá cả và sản lượng hàng hóa, dịch vụ (Samuelson và Nordhaus, 2010). Thị trường không nhất thiết là một địa điểm cụ thể, mà có thể là một hệ thống các quy định, chế tài để người mua và người bán thỏa thuận với nhau trong quá trình mua bán. Theo đó, có thể thấy, 3 chủ thể là nhà nước, thị trường và xã hội trong mối quan hệ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, nó được biểu hiện ra thành các quan hệ đơn đa tuyến theo vai trò và chức năng của nó, cụ thể:

(i) Nhà nước và thị trường có mối quan hệ mật thiết trong phát triển quốc gia. Thị trường với vai trò là nơi trao đổi giữa người bán và người mua, đã tạo ra tính hiệu quả của sản xuất, tạo động lực cho các chủ thể kinh tế để kích thích tăng trưởng. Trong khi nhà nước với chức năng quản lý đã đảm bảo các điều kiện để thị trường vận hành trơn tru, thông qua việc khắc phục các thất bại của thị trường, cung cấp hàng hóa công cộng và đảm bảo thông tin cân xứng. Như vậy, nền KTTT được vận hành với sự can thiệp của nhà nước để đảm bảo công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, giảm thất nghiệp, tăng phúc lợi xã hội nhằm phục vụ nhân dân lao động được hưởng thành quả của phát triển kinh tế.

(ii) Thị trường và xã hội có mối quan hệ trong thực hiện mục tiêu “công bằng”. Đối với trường phái “thị trường tự do”, công bằng được hiểu là những người tham gia thị trường có quyền tự do lựa chọn để tối đa hóa lợi ích của mình, mà không bị hạn chế theo bất kỳ tác động nào. Theo trường phái này, công bằng là đều nhận được sự đồng ý khi tiến hành các giao dịch, bất chấp việc phân chia lợi ích giao dịch có ra sao của các bên tham gia. Tuy nhiên, điều kiện thực hiện cần đặt trong một nền kinh tế vận hành ổn định, không suy thoái, lợi ích của xã hội và thị trường về cơ bản là thống nhất với nhau. Điều kiện này, trong thực tiễn khó có thể tối ưu được và như vậy, nếu có biến cố lớn trong nền kinh tế, thì sẽ khiến xã hội gặp nhiều thách thức (Raghuram Rajan, 2019). Đơn cử, khi một công nghệ mang tính đột phá ra đời, người lao động sẽ cần sự giúp đỡ để giảm thiểu tác động đến việc làm hiện tại và thích ứng với yêu cầu mới của việc làm tương lai. Nhưng, “thị trường tự do” sẽ không thể cung cấp sự giúp đỡ này, nên làm dấy lên nỗi sợ hãi và sự tuyệt vọng lan rộng trong xã hội. Đứng ở góc độ quan điểm xã hội, thị trường lúc này không được coi là công bằng nữa, vì nó đã loại trừ nhiều người muốn tham gia hoặc người không thể tham gia vào thị trường. Trong khi đó, ở cách tiếp cận có sự can thiệp của nhà nước, thì nhu cầu của xã hội sẽ được đáp ứng thông qua sự giúp đỡ từ nhà nước, thông qua các hệ thống an sinh xã hội để kiềm chế sự khắc nghiệt của cạnh tranh và duy trì một mức độ ổn định xã hội nhất định.

Như vậy, để tạo được sự đồng thuận của cộng đồng quốc gia vì mục tiêu phát triển, cần có sự phối hợp của nhà nước - thị trường - xã hội. Một nhà nước hiệu quả cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ công cộng và hệ thống an sinh xã hội được quản lý tốt để tạo được sự đồng thuận của người dân vào các hoạt động chính trị. Việc đẩy mạnh phân cấp quyền hạn và hoạt động cho các cộng đồng sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia vào thực thể chính trị. Do đó, xã hội đóng vai trò chủ yếu đối với sự ủng hộ hay phản đối cho mỗi chính sách của nhà nước. Một xã hội gắn kết có thể hoạt động như một cơ quan giám sát, đặt ra những áp lực chính trị để giảm thiểu chủ nghĩa thân hữu và duy trì sự cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, thị trường cạnh tranh tạo nên một khu vực kinh tế hiệu quả, tồn tại độc lập với nhà nước và có thể kiểm soát trở lại khi nhà nước có xu hướng trở nên độc đoán. Mối quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội theo phân tích này, trở thành 3 trụ cột của nền kinh tế, có tác dụng củng cố và giám sát lẫn nhau.

CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC XÁC LẬP MỐI QUAN HỆ NHÀ NƯỚC - THỊ TRƯỜNG - XÃ HỘI TRONG NỀN KTTT HIỆN ĐẠI

Xem xét ở góc độ mức độ quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội trong vai trò là 3 trụ của nền kinh tế, có tác dụng củng cố và giám sát lẫn nhau, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cho thấy, 3 nhân tố ảnh hưởng chính như sau:

Một là, nhận thức về mối quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội. Tùy theo lý thuyết dẫn dắt phát triển của mỗi quốc gia, mà mô hình KTTT có thể có sự can thiệp mạnh hoặc yếu của nhà nước và cơ chế vận hành của thị trường. Các lý thuyết, trường phái khác nhau cũng sẽ có những mức độ quan hệ khác nhau giữa nhà nước - thị trường - xã hội, cụ thể:

Theo trường phái cổ điển hay Tân cổ điển, thị trường sẽ hoạt động hiệu quả nhất khi sự can thiệp của nhà nước vào thị trường là ở mức tối thiểu. Chức năng cơ bản của nhà nước là: Bảo vệ quyền sở hữu tư bản; Thông qua luật pháp để bảo đảm hoạt động cho các nhà sản xuất - kinh doanh; Đấu tranh chống kẻ thù bên ngoài; Đảm bảo môi trường ổn định cho nền kinh tế phát triển (Leicht và Jenkins, 2010). Như vậy, các quan điểm theo trường phái này đều chỉ ra, 4 chức năng cơ bản của nhà nước, gồm: Thiết lập khuôn khổ pháp luật cho nền kinh tế hoạt động; Sửa chữa những thất bại của thị trường; Đảm bảo sự bình đẳng cho các chủ thể trong nền kinh tế; Đảm bảo chức năng ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo trường phái dân chủ xã hội, KTTT tự do biểu hiện ra vừa thống nhất vừa dân chủ là điều kiện đưa đến sự hình thành và phát triển ổn định của nền dân chủ. Nhưng đồng thời, nó cũng vừa mâu thuẫn với dân chủ, bởi có xu hướng dẫn đến bất bình đẳng, ảnh hưởng tới khả năng tham gia xã hội của người dân. Theo lý thuyết của Thomas Meyer, nền dân chủ và KTTT phụ thuộc lẫn nhau, nên sự mâu thuẫn giữa chúng không thể bị xóa bỏ, mà chỉ có thể được điều tiết. Do đó, trường phái dân chủ xã hội tin tưởng vào sự cân bằng giữa quyền lực nhà nước và quyền tự do. Vai trò của nhà nước theo lý thuyết này là xây dựng các luật và các quy định được thể chế hóa nhằm đảm bảo các quyền của công dân và duy trì phát triển kinh tế.

Theo các mô hình tổ chức nhà nước khác nhau, thì vai trò nhà nước trong điều tiết nền KTTT cũng có sự khác biệt (David Coen và cộng sự, 2010), có thể khái quát: (i) Mô hình nhà nước kiến tạo ở Mỹ - hướng đến khắc phục các thất bại của thị trường và ngăn ngừa khủng hoảng, trong đó nhà nước có vai trò tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, thông qua luật chống độc quyền. Việc can thiệp của nhà nước vào hoạt động thị trường không phải bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải thông qua “điều tiết mềm”, tức là bằng các công cụ thị trường, như: thuế quan hay các chính sách khuyến khích, hỗ trợ. (ii) Mô hình nhà nước kiến tạo ở Châu Âu, với mục tiêu hình thành một môi trường kinh doanh thân thiện với cho các doanh nghiệp - hướng đến phi chính trị hóa các chính sách kinh tế và phi tập trung hóa quyền lực (tức là loại bỏ lợi ích các đảng phái ra khỏi hoạch định chính sách và trao nhiều quyền hơn cho các chủ thể kinh tế), bằng cách giao một số chức năng quản lý nhà nước cho các tổ chức tự giám sát. (iii) Mô hình nhà nước phát triển ở Đông Á, trong đó có mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà nước và các chủ thể kinh doanh, đặc biệt là các tổ chức, tập đoàn lớn. Mô hình này được hình thành xuất phát từ yêu cầu dân chủ hóa trong các xã hội châu Á vốn có tính tập trung quyền lực cao cùng với áp lực tự do hóa thị trường do xu thế toàn cầu hóa.

Hai là, mục tiêu quốc gia trong từng thời kỳ. Mục tiêu quốc gia trong các thời kỳ khác nhau cũng định hình nên mức độ quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội. Từ giữa thế kỷ XX, mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều là khôi phục kinh tế, nên đều lựa chọn các loại hình nhà nước phúc lợi khác nhau, với mức độ can thiệp khác nhau của nhà nước vào thị trường. Theo tiến trình của sự phát triển ở mỗi quốc gia trong từng thời kỳ, đến nay trên thế giới đã tồn tại 3 mô hình nhà nước phúc lợi (Bảng). Đặc trưng của các mô hình nhà nước phúc lợi được biểu hiện ra như sau:

Bảng: 3 loại hình nhà nước phúc lợi

Tiêu chí

Tái phân phối

Phúc lợi thặng dư

Hiệu quả công nghiệp

Định mức

Như nhau

Chỉ phần thặng dư

Ngành nghề

Đối tượng chính

Mọi công dân

Người nghèo

Người lao động

Phân cấp

Thấp/Không có

Cao (địa phương)

Cao (có việc làm)

Độ bao phủ

Rộng

Hẹp

Trung bình

Yêu cầu để được nhận

Quốc tịch/lưu trú

Giới hạn thu nhập

Bảo hiểm xã hội

Nguồn tài chính

Ngân sách

Ngân sách

Từ nguồn đóng góp

Mức chi tiêu

Cao

Thấp

Trung bình

Thành tố chính

Tiêu dùng công cộng

Các chương trình theo điều kiện thu nhập

Các khoản chuyển giao

Nguồn: Carlo Trigilia (2008)

- Nhà nước tái phân phối, trong đó mở rộng các chương trình công cộng, đảm bảo phúc lợi cơ bản cho xã hội với mục đích giảm thiểu những rủi ro chung cho toàn bộ công dân của quốc gia. Nhà nước tái phân phối coi trọng cung ứng hàng hóa dịch vụ công ích nhiều hơn là các khoản thanh toán chuyển giao. Nguồn tài chính cho các chương trình công cộng cũng đến chủ yếu từ ngân sách chứ không phải từ các khoản đóng góp gắn với thu nhập của cá nhân.

- Nhà nước phúc lợi thặng dư, với trọng tâm của các chương trình phúc lợi chỉ hướng vào những nhóm xã hội yếu thế nhất. Các chương trình công có tính loại trừ cao và ngân sách phục vụ cho các chương trình cũng khá hạn hẹp.

- Nhà nước phúc lợi hiệu quả công nghiệp, đề cao việc đảm bảo phúc lợi không dựa trên quyền công dân, mà dựa trên đóng góp theo ngành nghề khác nhau. Hệ thống phúc lợi không thực hiện một cách phổ quát, mà nhà nước thực hiện chức năng hỗ trợ các chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc theo ngành nghề và theo mức độ đóng góp của cá nhân.

Trong xu thế ngày nay, loại hình nhà nước tái phân phối và nhà nước hiệu quả công nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm vận dụng thực hành của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, cho đến nay chưa có lý thuyết hay mô hình nào thể hiện được tính ưu việt tuyệt đối của mình. Thay vào đó, mỗi mô hình đều có những mặt ưu điểm và hạn chế của mình, vì vậy việc lựa chọn mô hình chủ yếu phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi quốc gia trong những hoàn cảnh cụ thể.

Ba là, áp lực từ các phong trào xã hội. Hệ thống phúc lợi bảo vệ cá nhân khỏi những rủi ro bệnh tật, tuổi già, thất nghiệp và nhu cầu được tiếp cận giáo dục đang dần trở thành những quyền xã hội cơ bản, được định danh là “quyền công dân” - chính là nhu cầu xã hội. Do đó, theo tác giả, những quốc gia nào có hệ thống chính trị cởi mở và đáp ứng tốt các nhu cầu xã hội, thì sự phát triển của quốc gia diễn ra một cách ổn định. Ngược lại, ở những quốc gia từ chối đáp ứng những nhu cầu xã hội, thì sự phát triển thường đi kèm với các cuộc khủng hoảng, thậm chí có thể phá vỡ thể chế dân chủ. Vì vậy, một trong những nhân tố ảnh hưởng đến việc xác lập quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội, chính là áp lực từ các phong trào đòi quyền xã hội cơ bản.

Ở khía cạnh áp lực của sự phát triển mở rộng, từ góc nhìn chủ nghĩa Mác, áp lực xã hội được hình thành từ chính “nhu cầu tái sản xuất của chủ nghĩa tư bản”, điều này thúc đẩy nhà nước mở rộng vai trò kinh tế và xã hội của mình. Việc mở rộng các chương trình an sinh xã hội là đảm bảo sự ổn định của hàng hóa sức lao động và duy trì sự đồng thuận xã hội. Cụ thể là nhà nước phải đảm nhận vai trò “đầu tư xã hội” (đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nghiên cứu, làm tăng tỷ suất sinh lời của tư bản) và “tiêu dùng xã hội” (chi tiêu cho y tế, giáo dục và nhà ở, giúp giảm chi phí tái sản xuất của hàng hóa sức lao động).

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày càng phát triển, những vấn đề từ biến đổi khí hậu đến đại dịch, từ bất ổn chính trị đến khủng hoảng kinh tế... không chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia hay một khu vực mà có tác động to lớn tới toàn bộ cộng đồng quốc tế. Đây, chính là áp lực từ những vấn đề mang tính toàn cầu, mà các quốc gia đều phải nỗ lực để giải quyết. Biểu hiện mạnh mẽ có thể thấy rõ là sự trỗi dậy của xã hội dân sự quốc tế (tổ chức phi chính phủ quốc tế - NGO) để đối phó với hậu quả của các chính sách tân tự do kinh tế, bằng việc vận động chống: tham nhũng, khủng hoảng nợ, nghèo đói, bất bình đẳng, thương mại không công bằng và thất bại của thị trường trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Cùng với đó, bối cảnh quốc tế từ đầu thế kỷ XX cũng đặt ra những áp lực buộc phải xác lập mối quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội. Bởi, sự kết nối toàn cầu ngày càng lớn, thì các mối nguy hiểm phát sinh ở một nơi trên thế giới có ảnh hưởng rất lớn đến những người ở nơi khác, tạo nên sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Những rủi ro và nguy cơ mới này buộc trụ cột nhà nước và xã hội phải có vai trò quan trọng hơn để giảm thiểu các tác động đến nền kinh tế. Vấn đề quản lý nhà nước lúc này sẽ trở nên khó khăn hơn, khi gặp phải sự đối trọng quyền lực từ các chủ thể, như: các tập đoàn xuyên quốc gia, các tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương và thậm chí là các cá nhân./.

Tài liệu tham khảo

1. Carlo Trigilia (2008), Economic sociology: state, market, and society in modern capitalism: John Wiley & Sons.

2. David Coen, Wyn Grant, and Graham Wilson (2010), The Oxford handbook of business and government, New York: Oxford University Press.

3. Leicht, Kevin T, and Jenkins, J Craig (2010), Handbook of politics: State and society in global perspective, London: Springer.

4. Paul Samuelson and William Nordhaus (2010), Economics:19th Edition, McGraw-Hill Higher Education.

5. Raghuram Rajan (2019), The third pillar: How markets and the state leave the community behind, New York: Penguin Press.

6. Rodrik, D. (2006), What’s So Special about China’s Exports, China and World Economy, 14, 1-19.

TS. Nguyễn Thanh Sơn

Viện Kinh tế chính trị học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)

Bạn đang đọc bài viết "Các nhân tố ảnh hưởng tới việc giải quyết mối quan hệ Nhà nước - Thị trường - Xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện đại" tại chuyên mục Bài báo khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.