Từ khóa: CPTPP, hiệp định thương mại, gỗ và sản phẩm gỗ, Nhật Bản, xuất khẩu
Summary
In recent years, wood and wood products have been gaining a foothold in the international arena, and are products that contribute significantly to the country's overall export turnover. In 2022, wood and wood products account for 4.31% of export turnover, with a value of 16.01 billion USD (General Department of Vietnam Customs, 2023). Among them, Japan is one of the large and potential markets for Vietnam's wood industry. This resarch overviews of a number of related studies, evaluates the impact of the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP) on Vietnam's wood export situation, the current status of wood and wood product exports from Vietnam to Japan. On that basis, proposing some solutions to promote Vietnam's export of wood and wood products to this market.
Keywords: CPTPP, trade agreement, wood and wood products, Japan, export
GIỚI THIỆU
Trong mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản, hiện đang có 3 hiệp định thương mại: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và CPTPP. Trong đó, CPTPP được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích hai chiều to lớn cho cả Việt Nam và Nhật Bản. CPTPP sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng và thương mại chung của Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, ngành gỗ của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi so sánh với các đối thủ lớn. Việt Nam khó có thể cạnh tranh về chất lượng của hàng hóa nội thất của Canada hay Mỹ về giá cả, sản phẩm so với Trung Quốc. Trong quá trình thương mại, Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại về các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa khi XK sang Nhật Bản. Ngoài ra, Việt Nam còn gặp phải một số thách thức khác, như: khác biệt về văn hóa, sự tác động tiêu cực của tình hình chính trị - xã hội của thế giới, cản trở thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản…
MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT
Ảnh hưởng của CPTPP với XK gỗ và sản phẩm gỗ tại Việt Nam
Nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (2019) đánh giá ảnh hưởng của CPTPP lên phát triển kinh tế và thương mại của Việt Nam. Kết quả cho thấy CPTPP có tiềm năng để gia tăng XK và thu hút FDI vào Việt Nam, đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Nghiên cứu này cũng xem xét ảnh hưởng của CPTPP đối với XK gỗ của Việt Nam vào Nhật Bản. Đánh giá này nhấn mạnh những lợi ích và thách thức mà CPTPP mang lại trong ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam. Điểm mới của nghiên cứu là xây dựng và bổ sung thêm những yếu tố ảnh hưởng đến XK gỗ Việt Nam, các yếu tố ảnh hưởng đến việc XK gỗ sang Nhật Bản từ việc nghiên cứu CPTPP, các yếu tố tác động đến thương mại trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, xây dựng những giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy việc XK gỗ của Việt Nam.
Nhật Bản và Việt Nam trong CPTPP
Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương nhất với Việt Nam, như: VJEPA vào năm 2009; AJCEP vào năm 2008; CPTPP vào năm 2019 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020. Ngoài ra, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ chế hợp tác chính thức để giải quyết các vấn đề kinh tế, thương mại, bao gồm: Ủy ban Hỗn hợp Hợp tác Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Việt Nam - Nhật Bản; Ủy ban Hợp tác Việt Nhật; Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Đặc biệt, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ trợ rõ ràng, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Các mặt hàng Việt Nam chủ yếu sản xuất và XK sang Nhật Bản là thủy sản, dệt may, dầu thô, dây, cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại.
Ảnh hưởng của CPTPP đến tình hình XK gỗ của Việt Nam
Báo cáo của Bộ Công Thương (2022b) đã chỉ ra những tác động tích cực của CPTPP đến việc XK gỗ của Việt Nam từ nhiều khía cạnh. Việt Nam hiện thuộc top 5 nước XK gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới. Với nhóm nước CPTPP, Việt Nam hiện đang xuất siêu gỗ và các sản phẩm gỗ với tỷ trọng khoảng hơn 20% tổng XK gỗ và các sản phẩm gỗ của thế giới. Trong nhóm CPTPP, Nhật Bản là thị trường XK gỗ và các sản phẩm gỗ có kim ngạch cao nhất của Việt Nam, kế đến là Canada, Úc và Malaysia (Bảng).
Bảng: Giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các thị trường chính năm 2020-2021
Đơn vị: USD
Thị trường | Năm 2020 | Năm 2021 | So sánh 2021/2020 (%) |
Mỹ | 6.976.392.746 | 8.408.733.836 | 20,5 |
Nhật Bản | 1.266.559.407 | 1.389.888.175 | 9,7 |
Trung Quốc | 1.208.432.768 | 1.488.781.383 | 23,2 |
EU | 536.690.436 | 597.762.643 | 11,4 |
Hàn Quốc | 816.741.385 | 869.360.487 | 6,4 |
Úc | 159.085.119 | 154.425.110 | -2,9 |
Canada | 215.684.625 | 226.381.576 | 5,0 |
Hong Kong | 9.566.202 | 3.946.677 | -58,7 |
Ấn Độ | 25.000.154 | 19.519.508 | -21,9 |
Đài Loan | 69.692.192 | 73.314.420 | 5,2 |
Malaysia | 75.492.233 | 123.398.179 | 63,5 |
Anh | 222.245.370 | 254.440.533 | 14,5 |
Thái Lan | 50.838.597 | 62.384.897 | 22,7 |
Indonesia | 13.080.928 | 20.114.649 | 53,8 |
Philippines | 10.659.367 | 16.818.434 | 57,8 |
Thị trường khác | 357.696.631 | 416.127.424 | 16,3 |
Tổng kim ngạch XK | 12.013.858.161 | 14.125.397.932 | 17,6 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Mức thuế nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Nhật Bản
Trong CPTPP, Nhật Bản cam kết về thuế quan đối với gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam theo 2 nhóm:
(1) Xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với đa số dòng thuế gỗ và các sản phẩm gỗ (197/241 dòng thuế), bao gồm toàn bộ dòng thuế về nội thất bằng gỗ thuộc Chương 94, cùng một số dòng thuế Chương 44.
(2) Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 9-16 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế, cụ thể:
- Lộ trình 9 năm: 1/241 dòng thuế mã HS 441890.229 (sản phẩm công nghệ CLT (Cross Laminated Timber) có chiều dày không nhỏ hơn 36 mm, chiều rộng không nhỏ hơn 300 mm và chiều dài không nhỏ hơn 900 mm…).
- Lộ trình 11 năm: 33/241 dòng thuế như: gỗ đã cưa hoặc xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc…; gỗ từ cây lá kim đã bào và đánh giáp; ván dăm dạng tấm chưa gia công hoặc mới chỉ đánh bóng; gỗ dán từ tre…
- Lộ trình 16 năm: 10/241 dòng thuế đối với một số sản phẩm gỗ dán (các mã HS 441231.939, 441232.110, 441232.190, 441232.911...).
THỰC TRẠNG XK GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM SANG NHẬT BẢN
Kết quả đạt được
Nhật Bản là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam trong XK gỗ và sản phẩm gỗ, chiếm 12,08% tổng thị phần (năm 2022). Kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản không ngừng tăng trong những năm gần đây. Năm 2022, trị giá tăng mạnh đạt 1.887 tỷ USD, tăng 31,41% so với năm 2021 (Hình).
Hình: Kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Nhật Bản giai đoạn 2017-2022
Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Nhóm mặt hàng chủ yếu xuất sang Nhật Bản thuộc nhóm gỗ và bán thành phẩm (HS 44). Các sản phẩm chính XK sang Nhật Bản gồm có: dăm gỗ, viên nén, ghế ngồi, gỗ dán, nội thất bằng gỗ. Trong đó, dăm gỗ và viên nén chiếm hơn 50% giá trị trong cơ cấu XK của ngành tại Nhật Bản. Dăm gỗ và viên nén lần lượt có giá trị XK đạt 724 triệu USD và 384 triệu USD, tăng 44,8% và 92% về giá trị so với năm 2021 (Tô và cộng sự, 2023a, 2023b).
Một số thách thức đặt ra
Một là, lao động Việt Nam được đánh giá là tương đối lành nghề, tuy nhiên năng suất lao động chưa cao. Số liệu thống kê từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, chỉ có 30% lao động được đào tạo bài bản, còn lại đều là lao động phổ thông chưa được tiếp nhận đào tạo (Huy, 2020).
Hai là, các nhà thiết kế chuyên sâu trong ngành gỗ hiện nay chỉ chiếm 1%-2% nguồn nhân lực (Huy, 2020). Ngoài ra, việc xử phạt các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn chưa thực sự chặt chẽ, hàng hóa sao chép, hàng lậu được bán ở khắp nơi, khiến các doanh nghiệp không chú trọng đầu tư vào thiết kế, mà chủ yếu là nhận gia công theo đơn hàng đã có sẵn (Nguyễn Hạnh, 2022). Các sản phẩm như nội thất bằng gỗ XK sang Nhật Bản chủ yếu chỉ phục vụ người Việt sống tại Nhật (JapanBiz, 2023).
Ba là, khi so sánh về giá bán và thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn như Trung Quốc - vốn có kinh nghiệm trong sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ (JapanBiz, 2023).
Bốn là, sự gia tăng cạnh tranh của các nước sản xuất chủ lực trên thế giới về giá cả, mẫu mã, chất lượng… cũng như việc các nước ASEAN tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến cho chế biến gỗ XK. Các nước trồng rừng và cung cấp gỗ nguyên liệu lớn trong khu vực đã và đang có chính sách hạn chế, quản lý chặt chẽ việc khai thác và XK gỗ nguyên liệu. Để bảo vệ môi trường, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Năm là, đối với doanh nghiệp ngành gỗ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến và XK gỗ Việt Nam hầu hết chưa thực sự mạnh và thiếu bền vững (đầu tư dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng vốn vay, ít khả năng đầu tư công nghệ tiên tiến và quy trình quản lý chuỗi, chủ yếu gia công, phụ thuộc cao theo đơn đặt hàng, kiểu dáng, mẫu mã của khách hàng…) Các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (nhiều công nhân, giá nhân công rẻ…) không còn chiếm ưu thế như trước. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc hợp pháp của gỗ nhập khẩu chưa được chặt chẽ.
Sáu là, lạm phát gia tăng ở một số quốc gia vốn là những thị trường nhập khẩu gỗ và đồ gỗ lớn của Việt Nam, khiến nhu cầu đối với sản phẩm này chững lại.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Nhằm tận dụng hiệu quả các lợi thế từ CPTPP đem lại, để thúc đẩy XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Nhật Bản, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá rộng rãi các lợi ích mà các FTA thế hệ mới mang lại cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp khai thác thị trường một cách tốt hơn. Nhà nước triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường mới, tiềm năng.
Thứ hai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu gỗ cho sản xuất, XK, ban hành những chính sách, kế hoạch đảm bảo có nguồn nguyên liệu.
Thứ ba, Nhà nước cần chú ý kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại trong ngành gỗ. Đặc biệt, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật (VPA/FLEGT), một bộ phận của EVFTA, sẽ có tác độnglớn đến ngành gỗ Việt Nam, do đó cần triển khai đưa Hiệp định VPA/FLEGT vào thực tế, kiểm soát việc nhập khẩu gỗ thuộc danh mục CITES theo quy định.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Đầu tư kinh phí để nâng cao chất lượng các chương trình đạo nguồn nhân lực ngành gỗ, triển khai các hoạt động thương mại, ưu tiên các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề cho nhân công, đảm bảo nguồn cung nguồn nhân lực ngành gỗ, hỗ trợ kinh phí cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Thứ năm, nâng cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, nhằm tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác lợi thế hiện có của công nghiệp chế biến gỗ.
Thứ sáu, thúc đẩy hợp tác giữa các bộ, ngành nhằm tăng cường tận dụng cơ hội từ các FTA thông qua đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về FTA ưu đãi, cách thức tận dụng và cách thức tận dụng các ưu đãi FTA, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp hiểu và nắm bắt các quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu; tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ theo hướng hiện đại, điện tử hóa và tăng cường thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Thứ bảy, các địa phương cần tận dụng cơ hội từ các FTA dựa vào điều kiện tự nhiên, lao động, sản xuất của địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực và đầu tư vào chế biến, sản xuất các sản phẩm này.
Thứ tám, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu, đa dạng hoá sản phẩm, hạ giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh. Tăng cường hợp tác, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến XK, nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu cho XK. Tích cực triển khai các hoạt động liên kết hình thành vùng chế biến gỗ tập trung./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Công Thương (2022a), Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 700 tỷ USD, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/ngay-15-12-2022-xuat-nhap-khau-hang-hoa-cua-viet-nam-dat-moc-700-ty usd.html#:~:text=.
2. BộCôngThương(2022b),Nhận diện đối thủ cạnh tranh đối mặt hàng gỗ trong CPTPP, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-
3. Cao, T. C., Lương, K. A., Tô, X. P., Trần, L. H. (2023), Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 và xu hương năm 2023, truy cập từ
4. HiệphộiGỗvàLâmsảnViệtNam(2019), Hiệp định CPTPP và VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức đối với ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam, truy cập từ
5. Huy, Q. (2020), Nhân lực ngành gỗ: Đột phá trong năm 2020, truy cập từ
6. JapanBiz(2023), Nhu cầu & cơ hội XK gỗ sang Nhật của Việt Nam năm 2022 – 2023. JapanBiz, truy cập từ https://japanbiz.vn/nhu-cau-co-hoi-xuat-khau-go-sang-nhat-cua-viet-
7. Nguyễn Hạnh (2022), XK gỗ và sản phẩm gỗ đến thị trường Nhật Bản: Tận dụng cơ hội từ các FTA, truy cập từhttps://congthuong.vn/xuat-khau-go-va-san-pham-
8. Rios,M.,Toh,M.(2023),UK joins trans-Pacific trade bloc in a deal likely to boost GDP by less than 0.1%, truy cập từ https://edition.cnn.com/2023/03/31/business/uk-joins-cptpp-
9. Takahashi,Y.,Yamashita,A.(2021), Japanese Wood Culture and Promotional Activity for Education of Wood], retrieved from https://woodnews.in/japan/pdf/Japanese-Wood-Culture.pdf.
10. Tô, X. P., Lương, K. A., Cao, T. C., Trần, L. H. (2023a), Việt Nam XK dăm gỗ năm 2022 (Cập nhật hết tháng 12), truy cập từ
11. Tô, X. P., Lương, K. A., Cao, T. C., Trần, L. H. (2023b), Việt Nam XK viên nén năm 2022 (Cập nhật hết 12 tháng), truy cập từ
12. Tổng cục Hải quan (2023), Tình hình XK, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng/2022, truy cập từ https://www.customs.gov.vn/index.jsp?pageId=442&tkId=6083.
13. Uyên Hương (2019), Hiệp định CPTPP: Gia tăng cơ hội XK sang thị trường Nhật Bản, truy cập từ https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet tin?dDocName=MOFUCM156608.
TS. Hoàng Cửu Long
Giảng viên Khoa Kinh doanh quốc tế và Marketing
Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)