Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

02/12/2024 05:32

Hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành xu hướng tất yếu, khách quan, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam muốn phát triển kinh tế phù hợp với bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, cần phải thực hiện CĐS. Trong quá trình CĐS, công nghệ được cho là phương tiện còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. Do đó, để thực hiện CĐS thành công đòi hỏi phải có nguồn nhân lực phát triển tương xứng nhằm triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành nền kinh tế số một cách hiệu qu...

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp, nguồn nhân lực, chuyển đổi số

Summary

Currently, digital transformation is becoming an inevitable and objective trend, and countries around the world, including Vietnam, need to implement the digital transformation to develop their economy in accordance with the context of the Industrial Revolution 4.0. In the process of innovation, technology is considered a means and people are the deciding factor for success. Therefore, to successfully implement digital transformation requires adequate human resources development to organize and operate the digital economy effectively. This article analyzes the current state of human resources in Vietnam, identifies the limitations that human resources are facing, and clearly comprehends the current state of human resources to have solutions to best prepare for the upcoming digital transformation period to develop the strong digital economy in Vietnam.

Keywords: Industrial Revolution, human resources, digital transformation

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cùng với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, những năm gần đây, xu hướng CĐS đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Để phục vụ cho quá trình CĐS, đòi hỏi phải có một lực lao động mới, tương xứng với sự phát triển của công nghệ, cho phép con người làm chủ và sử dụng công nghệ để tổ chức và vận hành nền kinh tế, lực lượng này được gọi là nhân lực số. Nhân lực số là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, trực tiếp thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông, an toàn thông tin (ATTT). Do đó, nhân lực số thường giữ vị trí then chốt để các quốc gia có thể thực hiện CĐS thành công, đảm nhận việc triển khai và hiện thực hóa nền kinh tế số. Để có thể thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi nhân lực số cần phải có những tiêu chí như: có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số và vận hành nó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và tiến bộ khoa học công nghệ mới; Có khả năng tư duy đột phá hay sáng tạo trong công việc; Có tác phong kỷ luật và đạo đức trong công việc

Đối với Việt Nam, CĐS đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm cho phát kinh tế đất nước trong những năm gần đây. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư. Hiện thực hóa chủ trương của Đảng ta, trên quy mô quốc gia, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, nhanh chóng triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và các bộ, ngành trung ương đã ban hành các chương trình/kế hoạch/đề án riêng về CĐS trong giai đoạn 2021-2025.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng và Nhà nước ta đã xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ đại hội XIII: “Thực hiện CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển kinh tế số, trong đó có mục tiêu hướng tới tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và đạt 30% GDP vào năm 2030.

Trong quá trình thực hiện CĐS, Đảng và Nhà nước cũng đã nhấn mạnh đến việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS, Chính phủ đã có một loạt các văn bản nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhân lực đáp ứng chuyển đối số, như: Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị xác định việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phải gắn với phát triển NNL chất lượng cao; Quyết định số 99/QĐ-TTg, ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 (Đề án 99); Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định nhiệm vụ “Lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ chuyên gia về CĐS cho ngành, lĩnh vực, địa phương. Tiếp nối sau khi Đề án 99 kết thúc, ngày 06/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 21/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động thúc đẩy thực hiện CĐS; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng xây dựng Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Như vậy, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới việc phát triển nguồn nhân lực thông qua một loại các văn bản với các mục tiêu và giải pháp phát triển nguồn nhân lực được đặt ra. Tuy nhiên, nguồn nhân lực phục vụ cho CĐS của Việt Nam đến nay được đánh giá là vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu do thiếu về số lượng và yếu về mặt chất lượng.

NHÂN LỰC PHỤC VỤ CHO CĐS CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU

Quy mô nhân lực số chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng nhân lực phục vụ CĐS

Mặc dù được đánh giá là quốc gia có quy mô dân số lớn, với số dân số trung bình năm 2023 đạt 100,3 triệu người, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines), thứ 8 châu Á và đứng thứ 15 trên thế giới trong đó tỷ lệ dân số nam và nữ khá cân bằng (nam giới chiếm 49,9%, nữ giới 50,1%). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 là 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm 2022 tương ứng tăng 1,26%. Tất cả những điều đó được kỳ vọng sẽ cung cấp lực lượng lao động lớn cho thị trường nói chung và thị trường số nói riêng.

Tuy nhiên, nguồn lực công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay vẫn được đánh giá là còn khá khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày tăng. Theo Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2023 của TopDev, lực lượng lao động đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin năm 2023 ước tính đạt 530.000 lao động trong khi cầu về nhân lực này được xác định là cần khoảng 550.000, tỷ lệ lao động trong ngành này chỉ chiếm 1% trong tổng lực lượng lao động trên 15 tuổi của toàn nền kinh tế, đây là tỷ lệ khá thấp so với các nước định hướng công nghệ, như: Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%) hay Ấn Độ (1,78%). Mặc dù, đứng top 10 các quốc gia đào tạo ra nhiều kỹ sư nhất sau: Nga, Mỹ, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Ukraine, Mexico và Pháp và đang đặt mục tiêu trong thời gian tới nhân lực công nghệ thông tin sẽ chiếm 2%-3% dân số, tức là nhân lực số sẽ vào khoảng 2-3 triệu người, thì mục tiêu này của Việt Nam cũng khó thực hiện được do số lượng sinh viên được đào tạo hàng năm hiện nay chỉ đạt khoảng 50-57 người/năm. Do đó, Việt Nam được xác định là vẫn sẽ thiếu hụt khoảng gần 200 nghìn lập trình viên/kỹ sư.

Cơ cấu dân số có xu hướng già hóa nhanh, ảnh hưởng tới quy mô và năng suất lao động của nguồn nhân lực

Mặc dù được đánh giá là có quy mô nguồn nhân lực lớn và đang trong thời kỳ dân số vàng, năm 2023 nhóm với dân số trong độ tuổi từ 15-59 chiếm 62,2%, tuy nhiên, dân số của Việt Nam đang trong tình trạng già hóa nhanh. Từ năm 2017, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa và thuộc nhóm các nước có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới (khoảng 17-20 năm), cơ cấu lao động đang có xu hướng thay đổi theo hướng bất lợi, tỷ lệ người cao tuổi từ 45-60 tuổi có xu hướng tăng lên trong khi tỷ lệ lao động trẻ mới gia nhập thị trường lao động lại có xu hướng giảm nhanh. Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung lao động số trong tương lai. Với đặc thù là công nghệ phát triển liên tục, đòi hỏi nhân lực trẻ, năng động, thường xuyên cập nhập công nghệ dẫn đến lao động số thường có tuổi đời ngắn, chỉ đến 30-35 tuổi sẽ bị đào thải. Ở độ tuổi càng cao, tư duy, học tập càng kém dẫn đến năng suất lao động giảm, không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ. Vì vậy, cần nhanh chóng tận dụng trong giai đoạn đầu của quá trình già hóa dân số để xây dựng được lực lượng lao động giúp hoàn thành mục tiêu CĐS.

Chất lượng nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được nhu cầu

So với lao động trong nền kinh tế, lao động số được đánh giá là có trình độ chuyên môn cao. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn nền kinh tế vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ - chỉ chiếm 28,5 % trong tổng số lao động, 71,5% chưa qua đào tạo; tỷ trọng lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 11,7%; cao đẳng chiếm 3,6%; trung cấp chiếm 4,1% và sơ cấp chiếm 6,8% trong tổng số lao động hiện có. Trong khi, lao động số đã qua đào tạo ở trình độ đại học chiếm 48%, 26% đào tạo ở trình độ cao đẳng, còn lại là được đào tạo thông qua các hình thức học tập khác, như: giáo dục hướng nghiệp, khóa học online ngày càng phổ biến. Lao động số cũng đang có xu hướng gia tăng tỷ lệ đào tạo ở trình độ cao, như: đại học, cao đẳng, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân tài công nghệ trên thị trường ngày càng cao. Tuy nhiên, Theo “Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2023”, trong số hơn 57.000 sinh viên IT tốt nghiệp mỗi năm chỉ có khoảng 30% lực lượng nhân sự đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn yêu cầu thực tế mà doanh nghiệp đặt ra, 70% còn lại cần được bố trí đào tạo thêm tại doanh nghiệp trong 3-6 tháng để đạt hiệu quả công việc tương ứng. Như vậy, sự thiếu hụt lao động số không chỉ xuất phát từ việc đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ số lượng mà còn xuất phát từ chênh lệch giữa chất lượng của lao động với nhu cầu của thị trường. Chất lượng nhân lực số còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường được thể hiện thông quan một số mặt như sau:

(i) Thiếu kinh nghiệm thực tiễn

Thiếu nhân lực có kinh nghiệm là tình trạng của lao động công nghệ số. Để làm việc trong các lĩnh vực CNTT, cần phải có những người có chuyên môn và kỹ năng tốt, phải trải qua quá trình đào tạo và làm việc tích lũy lâu dài. Do vậy, có rất nhiều lao động mặc dù sở hữu kiến thức chuyên môn tốt nhưng lại thiếu đi kinh nghiệm thực tế. Việt Nam hiện này có hơn 45% lập trình viên là từ Fresher đến Junior (là lao động có kinh nghiệm làm việc dưới 3 năm - đây chủ yếu là lao động vừa tốt nghiệp nên thường không có nhiều kinh nghiệm trong ngành), 28% lập trình viên ở cấp Middle (có kinh nghiệm làm việc từ 3-4 năm). Các lập trình viên Senior (kinh nghiệm làm việc từ 5-7 năm) chỉ chiếm gần 20% tổng số nhân sự CNTT trong khi đó, cấp Leader (có kinh nghiệm trên 7 năm) trở lên chỉ 7%. Như vậy, phần lớn lao động số của Việt Nam đều có rất ít kinh nghiệm làm việc, trong khi nhu cầu chủ yếu là lao động có kinh nghiệm lâu năm; cầu về lao động dưới 3 năm trong năm 2023 tăng chưa đến 1% so với 2022, tức chỉ cần 20%; cầu về lao động có kinh nghiệm từ 5-7 năm có xu hướng tăng từ 20,1% năm 2022 lên 29,6% và cầu lao động có kinh nghiệm trên 7 năm tăng gấp đôi giữa hai năm (2023 và 2033); ngược lại, cầu về lao động có kinh nghiệm 3-4 năm giảm mạnh xuống từ 52,1% còn 38,1% năm 2023.

Bên cạnh đó, lao động số chủ yếu là lao động có tuổi đời còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Số lượng lập trình viên ở Việt Nam ở độ tuổi trẻ ở độ tuổi 20-29 tuổi chiếm đa số, với 56%; trong đó, lao động trẻ có độ tuổi từ 20-24 chiếm tỷ trọng cao nhất 29,8%, lao động có độ tuổi từ 25-29 tuổi là 26,2%. Như vậy, lao động số của Việt Nam hiện nay vừa thừa, lại vừa thiếu; thiếu lao động số có kinh nghiệm lâu năm, trong khi lại thừa lao động có ít năm kinh nghiệm

(ii) Thiếu kỹ năng mềm

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn vững vàng, kinh nghiệm thực tiễn, những kỹ năng mềm, như: trình độ ngoại ngữ, khả năng tư duy logic, tự học hỏi, kỹ giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và chịu áp lực cao… là những kỹ cần thiết đối với lao động số. Bởi các nguyên nhân:

- Có kỹ năng ngoại ngữ tốt sẽ mở ra cơ hội việc làm rộng lớn cho người lao động, người lao động sẽ có cơ hội để tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Ngoài ra, kỹ năng ngoại ngữ còn có ảnh hưởng lớn đến thu nhập của lao đọng CNTT. Mức lương trung bình trong ngành này đặc biệt là cho các vị trí công việc yêu cầu sử dụng tiếng Anh ở trình độ làm việc chuyên nghiệp cao hơn 27% so với mức trung bình của tất cả các vị trí không yêu cầu cao về ngoài ngữ. Hiện nay, kỹ năng ngoại ngữ yếu là nguyên nhân chính khiến cho nguồn nhân lực Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu nguồn lao động có chất lượng, tạo ra những khó khăn trong việc tuyển dụng. Tiếng Anh là rất cần thiết và gần như bắt buộc đối với lao động trong ngành CNTT bởi lẽ hầu hết các ngôn ngữ Lập trình, các công nghệ, thuật toán mới hoàn toàn bằng tiếng Anh, nếu yếu kỹ năng dịch thuật thì sẽ khó mở mang được kiến thức mới và tiến xa trong ngành nghề của mình. Ngoài ra, phần lớn các nhà tuyển dụng luôn mong đợi các lập trình viên ít nhất phải có trình độ ngoại ngữ thành thạo ở mức cơ bản trong giao tiếp và giới hạn trong vai trò kỹ thuật. Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường CNTT Việt Nam 2023, trình độ tay nghề IT Việt Nam hiện xếp cuối khu vực và đứng thứ 47/60 toàn cầu, chỉ 5% lực lượng lao động ngành này thành thạo tiếng Anh, lao động tay nghề cao chiếm hơn 11%, gần như không thay đổi so với 3 năm trước. Tỷ lệ này khá thấp so với các nước không nói tiếng Anh khác trong khu vực, như: Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%). Ngoài tiếng Anh, một số ngoại ngữ khác, như: tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn cũng được đặt ra với người tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc thường tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng ngoại ngữ ở trình độ làm việc chuyên nghiệp và ít khi chấp nhận những ứng viên chỉ có trình độ ngoại ngữ cơ bản hoặc hạn chế do sự khác biệt về văn hóa và giao tiếp. Yêu cầu tương tự cũng được áp dụng với các ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga.

- Sự biến động và thay đổi nhanh của công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật cũng như sự đổi mới liên tục của công nghệ đòi hỏi ở các lập trình viên phải có khả năng thích ứng nhanh và nhạy bén với mọi sự biến đổi. Nếu trước đây CNTT chỉ liên quan phần cứng, phần mềm và mạng máy tính thì nay nhóm ngành này đã xuất hiện thêm nhiều ngành mới, như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, tự động hóa, blockchain, an ninh mạng… đòi hỏi các lập trình viên cần chủ động nâng cao kỹ năng làm chủ công nghệ của bản thân với sự hiểu biết về các công nghệ mới và đột phá, như: Cybersecurity, DevOps, AI và Machine Learning, Cloud Computing… nếu không “bắt kịp” công nghệ mới, nhân lực ngành này có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Ngoài ra, việc chỉ chuyên chú trong vào chuyên môn là chưa đủ đối với người làm CNTT, bởi yếu tố công nghệ chỉ là phương tiên hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác. Do đó, người làm CNTT khi làm trong những ngành nghề khác cần phải tiếp cận cần đào sâu kiến thức từng ngành ngành nghề mà mình đảm nhận.

- Hầu hết các dự án CNTT, nhất là liên quan đến phần mềm, ứng dụng, đều cần sự hợp tác chặt chẽ của nhiều kỹ sư. Điều này đòi hỏi người lao động vừa phải có kỹ năng làm việc độc lập, lại vừa phải có kỹ năng làm việc nhóm, biết lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp và cũng có trách nhiệm với công việc được giao.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay lao động công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn chưa trang bị được đầy đủ những kỹ năng mềm trên, nguyên nhân là do phần lớn sinh viên CNTT thường thiếu chủ động cập nhật, nâng cấp kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực chiến, không có cơ hội được cọ xát nhiều với các dự án thực tế và định hướng của doanh nghiệp. Nhiều sinh viên, người làm việc trong lĩnh vực CNTT thiếu sự kiên trì, khả năng tự nghiên cứu, ngại suy nghĩ, tư duy, tập trung đào sâu giải quyết gốc rễ vấn đề. Nguyên nhân nữa là do chương trình giảng dạy trong các trường đào tạo CNTT thường không cập nhật theo nhu cầu của doanh nghiệp mà chủ yếu tập trung vào mặt hàn lâm và chỉ định hướng về mặt công nghệ cho sinh viên.

NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Với những phân tích ở trên cho thấy, hiện nay Việt Nam còn thiếu hụt rất nhiều về cả số lượng lẫn chất lượng nhân lực số. Để phát triển nhân lực số - yếu tố then chốt trong CĐS, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Trong đó, cần có sự dẫn dắt của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách giữ vai trò then chốt; hoạt động giáo dục - đào tạo giữ vị trí quan trọng trong việc thực hiện các chính sách, chiến lược; doanh nghiệp là nhân tố trung tâm trong đầu tư, chuyển đổi và thích ứng với công nghệ số, cụ thể:

- Chính phủ cần rà soát và hoàn thiện các chiến lược về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu CĐS. Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành tương đối nhiều các văn bản liên quan đến việc phát triển giáo dục, đào tạo cũng như phát triển nguồn nhân lực số, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, cần phải thường xuyên rà soát lại các văn bản đã có, kịp thời điều chỉnh các chính sách phù hợp với thực tế để tạo ra những bước đột phá về giáo dục, đào tạo, từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực số hiện nay.

- Chính phủ cần đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghệ số. Cần đẩy mạnh các chương trình, chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT để tạo nên những bước đột phá về chất lượng. Đây là lực lượng nhân lực đầu tàu, có khả năng dẫn dắt, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn cho lực lượng lao động có trình độ thấp hơn có khả năng tiếp cận được máy móc, khoa học - công nghệ và trình độ quản lý hiện đại, tiên tiến. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình cấp quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài để bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc. Chú trọng đến các chính sách phân bổ nguồn lực chất lượng cao cho các vùng, miền, địa phương có điều kiện khó khăn để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.

- Các doanh nghiệp cần nâng cao công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nội bộ, đây được xem là yếu tố góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể và dài hạn về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân sự gắn với chiến lược phát triển của doanh. Tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các buổi tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn liên quan đến việc cập nhật và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề cho người lao động.

Các cơ sở giáo dục đào tạo công nghệ thông tin cần cập nhật những kiến thức mới vào trong chương trình đào tạo để phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ. Chương trình đào tạo cần cập nhật xu thế công nghệ mới như vạn vật IoT, AI, Robot, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận sớm; Đồng thời, bổ sung vào chương trình đào đạo các hoạt động đào tạo kỹ năng số, kỹ năng mềm và đào tạo ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế cho nhân lực trong CĐS, như: kỹ năng sử dụng các công cụ trên nền điện toán đám mây và dữ liệu nâng cao, kỹ năng an ninh mạng, kỹ năng tự học tập linh hoạt, kỹ năng về sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, ngoại ngữ chuyên ngành. Xây dựng hệ sinh thái với sự liên kết, chuyển giao 3 bên giữa doanh nghiệp, nhà trường và người học. Doanh nghiệp có thể tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo với nhà trường, hay trực tiếp giảng dạy kỹ năng cho học viên, đặt hàng cụ thể cho các cơ sở đào tạo. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn nhân lực được đào tạo ra có thể đáp ứng được ngay yêu cầu của doanh nghiệp, mà sự phối kết hợp giữa cơ sở đào tạo mang tính hàn lâm với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp cũng sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo và đổi mới các công nghệ hiện có.

- Các cơ sở đào tạo đại học và đào tạo nghề nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo trong khu vực và quốc tế để vừa có thể thu hút được các nguồn lực nước ngoài, như: vốn, công nghệ, phương pháp giảng dạy… hỗ trợ cho sự phát triển nguồn nhân lực trong nước, vừa từng bước tham gia vào sự phân công lao động quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Bộ Chính trị (2014), Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phải gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

3. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

4. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/03/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

5. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 99/QĐ-TTg, ngày 14/01/2014 phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 (Đề án 99).

6. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

7. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 21/QĐ-TTg, ngày 06/01/2021 phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025”.

8. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

9. TopDev (2023), Báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam.

Nguyễn Thị Mai - Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)

Bạn đang đọc bài viết "Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" tại chuyên mục Bài báo khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.