Từ khóa: Big Data, Big Data trong kế toán, đề xuất nhân tố ảnh hưởng đến Big Data trong kế toán
Summary
Big Data is a term that refers to large and complex data sets that are difficult to process using traditional methods. Businesses use this huge amount of data to analyze and convert it into important information to solve related problems. The purpose of the study is to propose factors affecting big data collection in listed companies in Vietnam. Based on an overview of previous studies, the author proposes a research model including the following factors: IT infrastructure supporting Big Data; Characteristics of accounting information data; Accounting professional ethics; Users of accounting information; Information collection capacity of accountants; and Institutions of each country.
Keywords: Big Data, Big Data in accounting, propose factors affecting Big Data in accounting
GIỚI THIỆU
Big Data là thuật ngữ thông dụng để mô tả về các tập dữ liệu khổng lồ, không thể quản trị, xử lý theo cách truyền thống mà cần đến sự ứng dụng của các hệ thống công nghệ tinh vi để khai thác tối đa những thông tin “ẩn sâu” sau lớp thông tin. Big Data không chỉ là “kho dữ liệu” mà còn là cách phân loại, cấu trúc, tổ chức thông tin dựa trên mối tương quan để dễ dàng chuyển hóa dữ liệu thành giải pháp giải quyết vấn đề không thể giải quyết bằng sức người.
Trong thời kỳ bùng nổ về dữ liệu, công nghệ thông tin và những thay đổi trong nền kinh tế 4.0, thì kế toán phải thu thập dữ liệu lớn mới có thể thu thập, xử lý, ghi nhận, phân tích và cung cấp thông tin kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả cho nhà quản lý và những người có nhu cầu sử dụng thông tin kế toán. Sự phát triển nhanh và rộng các ngành kinh doanh trong nền kinh tế kéo theo sự thay đổi trong thu thập dữ liệu của kế toán để có thể cung cấp thông tin chuẩn xác, kịp thời, nhanh chóng. Do đó, việc nghiên cứu thang đo lường trong việc thu thập dữ liệu lớn trong kế toán, tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến thu thập dữ liệu lớn trong kế toán là hết sức cần thiết cả về mặt học thuật và thực tiễn hiện nay. Tìm hiểu vấn đề này là quan trọng bởi kết quả nghiên cứu là một tài liệu tham chiếu giúp kế toán xây dựng cách thức thu thập dữ liệu lớn một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 20, Big Data là một thuật ngữ dùng để chỉ lượng dữ liệu khổng lồ và phức tạp. Big Data được tạo ra bởi các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau, các cá nhân và thiết bị điện tử, mà công cụ xử lý dữ liệu truyền thống không còn đáp ứng được nữa.
Theo Gartner Research (2014), Big Data là tài sản thông tin, mà những thông tin này có khối lượng dữ liệu lớn, tốc độ cao và dữ liệu đa dạng, đòi hỏi phải có công nghệ mới để xử lý hiệu quả nhằm đưa ra được các quyết định hiệu quả, khám phá được các yếu tố ẩn sâu trong dữ liệu và tối ưu hóa được quá trình xử lý dữ liệu.
Ngô Kim Thanh (2020) đã phân tích ứng dụng của Big Data trong nền kinh tế số và đưa ra một số hạn chế trong việc ứng dụng Big Data tại Việt Nam, trong đó có hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin. Như vậy, các ngành trong nền kinh tế nói chung và trong lĩnh vực kế toán nói riêng, thì hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố cần thiết để có thể ứng dụng Big Data trong thu thập dữ liệu.
Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 “Chuẩn mực chung” đã quy định một số nội dung cơ bản như: các nguyên tắc kế toán cơ bản, các yêu cầu cơ bản đối với kế toán, nguyên tắc ghi nhận của các đối tượng kế toán, phương pháp lập báo cáo tài chính… Trong các nội dung này thì thông tin kế toán phải đảm bảo các yêu cầu: Trung thực, Khách quan; Đầy đủ; Kịp thời; Dễ hiểu; Có thể so sánh. Như vậy, thông tin kế toán thu thập phải đảm bảo đồng thời các yêu cầu của chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01.
Thông tư số 70/2015/TT-BTC, ngày 08/5/2015 về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán đã đưa ra các nguyên tắc đạo đức cơ bản mà người hành nghề kế toán, người hành nghề kiểm toán phải có như: Tính chính trực; Tính khách quan; Năng lực chuyên môn và tính thận trọng; Tính bảo mật; Tư cách nghề nghiệp. Như vậy, người hành nghề kế toán và người hành nghề kiểm toán phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp.
Để có thể thu thập thông tin kế toán thì kế toán viên phải thường xuyên tìm hiểu, vận dụng các chế độ, chuẩn mực kế toán. Bất cứ sự sai lệch nào về số liệu kế toán cũng ảnh hưởng đến thông tin kinh tế, tài chính; quá trình ra quyết định của nhà quản lý và hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, việc học hỏi, nâng cao trình độ, nắm vững và vận dụng các văn bản pháp lí, chế độ kế toán là hết sức cần thiết đối với mỗi kế toán viên (D. Zeghal, K. Mhedhbi, 2006; Trần Đình Khôi Nguyên, 2010; Đặng Ngọc Hùng, 2016; Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Nguyễn Quốc Thịnh, Nguyễn Huy Hoàng, 2020). Trong các bài viết này nhóm tác giả đã sử dụng nhân tố Trình độ của kế toán ảnh hưởng đến thông tin kế toán cung cấp.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 về phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thì thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Chính phủ kiến tạo thể chế, chính sách nhằm sẵn sàng chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng; thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo. Chính phủ đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu. Lĩnh vực kế toán không nằm ngoài quá trình chuyển đổi số của quốc gia.
ĐỀ XUẤT GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Đề xuất giả thuyết nghiên cứu
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ Big Data
Nghiên cứu của Ngô Kim Thanh (2020) đã phân tích ứng dụng của dữ liệu lớn trong nền kinh tế số và đưa ra một số hạn chế trong việc ứng dụng Big Data tại Việt Nam trong đó có hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin. Theo nghiên cứ này, hạ tầng công nghệ thông tin là yếu tố cần thiết để có thể ứng dụng Big Data. Để có thể ứng dụng Big Data trong thu thập dữ liệu kế toán, tác giả đề xuất nhân tố Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ thu thập dữ liệu kế toán là nhân tố ảnh hưởng đến Thu thập dữ liệu lớn trong lĩnh vực kế toán.
Giả thuyết H1: Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ Big Data có tác động cùng chiều (+) với Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Đặc điểm chất lượng thông tin kế toán
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 “Chuẩn mực chung” thông tin kế toán phải đảm bảo các yêu cầu: Trung thực; Khách quan; Đầy đủ; Kịp thời; Dễ hiểu; Có thể so sánh. Như vậy, theo chuẩn mực này thông tin kế toán có chất lượng phải đồng thời thỏa mãn các yêu cầu trên.
Nghiên cứu của Đào Thị Nhung (2020), xác định các tiêu chí đo lường chất lượng thông tin kế toán - áp dụng cho các doanh nghiệp xây lắp niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam cũng đưa ra chất lượng thông tin kế toán là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong hệ thống thông tin kế toán. Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán không thể không đảm bảo chất lượng thông tin kế toán. Chính vì vậy, tác giả đề xuất nhân tố Đặc điểm chất lượng thông tin kế toán là nhân tố tiếp theo ảnh hưởng đến Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Giả thuyết H2: Đặc điểm chất lượng thông tin kế toán có tác động cùng chiều (+) với Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Đạo đức nghề nghiệp kế toán
Theo Thông tư số 70/2015/TT-BTC về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, thì người làm kế toán phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp cơ bản. Do đó, tác giả đề xuất nhân tố Đạo đức nghề nghiệp kế toán ảnh hưởng đến Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Giả thuyết H3: Đạo đức nghề nghiệp kế toán có tác động cùng chiều (+) với Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Đối tượng sử dụng thông tin kế toán
Các đối tượng cần sử dụng thông tin kế toán có thể là các nhà quản trị trong nội bộ doanh nghiệp, như: hội đồng quản trị, ban giám đốc, các bộ phận quản lý… của doanh nghiệp; các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước, như: cơ quan thuế, cơ quan tài chính, thống kê, cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh… và các đối tượng khác có lợi ích liên quan trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp như: chủ nợ, người bán, người mua, các nhà đầu tư, người lao động… Với mỗi đối tượng sử dụng thông tin kế toán khác nhau đều có mục đích cụ thể khác nhau, nên yêu cầu về cung cấp thông tin kế toán cũng khác nhau. Khối lượng thông tin kế toán cung cấp ngày càng lớn, thời gian lưu trữ ngày càng dài lại đòi hỏi thông tin cung cấp phải nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Do đó, việc thu thập dữ liệu lớn trong kế toán là cần thiết và chịu sự tác động của các đối tượng sử dụng thông tin. Vì vậy, tác giả lựa chọn Đối tượng sử dụng thông tin kế toán là nhân tố ảnh hưởng đến Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Giả thuyết H4: Đối tượng sử dụng thông tin kế toán có tác động cùng chiều (+) với Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Trình độ thu thập thông tin của kế toán
Kế toán phải luôn luôn học hỏi, nâng cao trình độ, nắm vững và vận dụng các văn bản pháp lí, chế độ kế toán để có thể thu thập và cung cấp thông tin hữu ích cho những đối tượng có nhu cầu sử dung thông tin (D. Zeghal, K. Mhedhbi, 2006; Trần Đình Khôi Nguyên, 2010; Đặng Ngọc Hùng, 2016; Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Nguyễn Quốc Thịnh, Nguyễn Huy Hoàng, 2020). Trình độ của kế toán rất quan trọng trong quá trình thu thập thông tin kế toán. Do đó, tác giả đề xuất nhân tố Trình độ thu thập thông của kế toán ảnh hưởng đến Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Giả thuyết H5: Trình độ thu thập thông tin của kế toán có tác động cùng chiều (+) với Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Thể chế của mỗi quốc gia
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 về phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thì thể chế rất cần thiết trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong kế toán không ngoại lệ. Để thu thập dữ liệu lớn trong kế toán thì Thể chế của mỗi quốc gia là nhân tố ảnh hưởng quan trọng. Chính vì vậy, tác giả đề xuất nhân tố Thể chế của mỗi quốc gia ảnh hưởng đến Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
Giả thuyết H6: Thể chế của mỗi quốc gia có tác động cùng chiều (+) với Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán.
ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Từ những giả thuyết nghiên cứu trên, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thu thập dữ liệu lớn trong lĩnh vực kế toán như sau:
TTDLL = ꞵ0 + ꞵ1CN + ꞵ2CL + ꞵ3BM + ꞵ4SD + ꞵ5TĐ + ꞵ6TC + ɛ
Trong đó:
Biến phụ thuộc: Thu thập dữ liệu lớn trong kế toán (TTDLL) phải đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Biến độc lập bao gồm 6 biến: CN - Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hỗ trợ Big Data; CL - Đặc điểm chất lượng thông tin kế toán; ĐĐ - Đạo đức nghề nghiệp kế toán; ĐT - Đối tượng sử dụng thông tin kế toán; TĐ - Trình độ thu thập thông tin của kế toán; TC - Thể chế của mỗi quốc gia.
ꞵ0, ꞵ1, …, ꞵ6: Hệ số hồi quy của mô hình.
ɛ: Hệ số nhiễu.
Mô hình nghiên cứu được đồ thị hóa như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất các nhân tố ảnh hưởng đến thu thập dữ liệu lớn trong lĩnh vực kế toán
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp |
KẾT LUẬN
Thu thập dữ liệu lớn trong các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng là rất cần thiết hiện nay. Sự phát triển nhanh và rộng các ngành kinh doanh trong nền kinh tế kéo theo sự thay đổi của kế toán trong thu thập dữ liệu lớn để thu thập, xử lý, ghi nhận, phân tích, cung cấp, lưu trữ số liệu kế toán. Việc nghiên cứu và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thu thập Big Data trong lĩnh vực kế toán giúp cho kế toán có thể thu thập, xử lý, ghi nhận, phân tích, cung cấp, lưu trữ dữ liệu kế toán nhanh chóng, thuận tiện, kịp thời, hiệu quả. Xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất các nhân tố ảnh hưởng đến thu thập Big Data trong lĩnh vực kế toán là quan trọng và cấp thiết. Mô hình nghiên cứu do tác giả đề xuất là cơ hội tốt cho các nghiên cứu tiếp theo, nhằm đảm bảo tính phù hợp và khả năng áp dụng của nghiên cứu vào thực tiễn./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài chính (2002), Chuẩn mực kế toán số 01 “Chuẩn mực chung” ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC, ngày 31/12/2002.
2. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 70/2015/TT-BTC, ngày 08/5/2015 về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
3. Đào Thị Nhung (2020), Xác định các tiêu chí đo lường chất lượng thông tin kế toán - áp dụng cho các doanh nghiệp xây lắp niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xac-dinh-cac-tieu-chi-do-luong-chat-luong-thong-tin-ke-toan-ap-dung-cho-cac-doanh-nghiep-xay-lap-niem-yet-tren-thi-truong-chung-khoan-o-viet-nam-71335.htm.
4. Đặng Ngọc Hùng (2017), Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin kế toán của các DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 224 (II), 71-79.
5. F. Buytendijk (2014), Hype Cycle for Big Data, Gartner Research.
6. Gartner Inc. Press Release (2014), http://www.gartner.com/newsroom/id/2905717.
7. Ngô Kim Thanh (2020), Ứng dụng dữ liệu lớn trong nền kinh tế số, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/ung-dung-du-lieu-lon-trong-nen-kinh-te-so-72702.htm.
8. Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Nguyễn Quốc Thịnh, Nguyễn Huy Hoàng (2020), Các nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-nhan-to-anh-huong-den-ap-dung-chuan-muc-ke-toan-viet-nam-cua-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-72197.htm
9. Thủ tướng chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
10. Trần Đình Khôi Nguyên (2013), Bàn về thang đo các nhân tố phi tài chính ảnh hưởng vận dụng CMKT trong các DNNVV ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 190, 54-60.
11. Zeghal, D., and Mhedhbi, K. (2006), An analysis of the factors affecting the adoption of international accounting standards by developing countries, The International Journal of Accounting, 41(4), 373-386.
ThS. Nguyễn Thị Hường
Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)