Sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

02/12/2024 06:06

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và triển khai hàng loạt các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tăng tốc và bứt phá. Tuy nhiên, trước tác động của bất ổn kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, tác giả đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của DN trong thời gian tới.

Từ khóa: doanh nghiệp, thực trạng, phát triển

Summary

In recent times, the Government has issued and implemented a series of solutions to improve the business environment to help businesses speed up and make breakthroughs. However, due to the impact of global economic instability, production and business activities of enterprises are facing many difficulties. Based on analyzing the current development situation and pointing out limitations and difficulties, the author proposes some solutions to promote the development of enterprises in the coming time.

Keywords: business, current situation, development

GIỚI THIỆU

Sau hơn hai năm bị xói mòn sức chống chịu bởi Covid-19, chưa kịp hồi sức, DN đã bước sang các năm 2022-2023 với sự bất định trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, vượt qua khỏi dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, liền sau đó là thách thức không nhỏ từ sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Năm 2023, đà tăng trưởng kinh tế không như kỳ vọng đã đè nặng thêm áp lực tài chính cho các DN, đồng thời khuếch đại tác động từ các khó khăn khác, như: cạnh tranh gay gắt giữa các DN cùng ngành hay nhu cầu tiêu dùng yếu, sức ép từ tỷ giá, môi trường lãi suất cao… Trong đó, tỷ lệ DN đánh giá cầu tiêu dùng yếu là khó khăn lớn trong năm ghi nhận mức tăng cao nhất so với kết quả khảo sát năm 2022 (từ 2,97 điểm lên 4,06 điểm trên thang điểm 5). Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy, 26,2% số DN sụt giảm về số lượng đơn hàng trong 3 quý đầu năm 2023 (+20,1% số DN so với kết quả khảo sát năm 2022).

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro, như: bất ổn chính trị trên thế giới, cầu tiêu dùng yếu và tình trạng giảm đơn hàng nhiều khả năng kéo dài…, trong khi bối cảnh cạnh tranh giữa các DN cùng ngành được dự báo sẽ tiếp diễn theo hướng ngày càng khốc liệt. Trong bối cảnh đó, việc nhìn lại sự phát triển DN Việt Nam thời gian qua, nhất là năm 2023 là cần thiết để có thể đưa ra các giải pháp thúc đẩy thời gian tới.

TỔNG QUAN CHUNG VỀ DN VIỆT NAM HIỆN NAY

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của DN. Đặc biệt, năm 2023, nhiều chính sách tài khóa lẫn tiền tệ nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được ban hành ở nhiều lĩnh vực, như: y tế, thị trường vốn, đất đai, bất động sản, du lịch… Một số chính sách được nhiều DN đánh giá có những tác động lớn, tích cực kể đến, như: Nghị định số 12/NĐ-CP về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí năm 2023, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng cuối năm… Đặc biệt, động thái 4 lần giảm lãi suất điều hành nhằm giảm lãi suất cho vay, góp phần tăng khả năng tiếp cận và cung cấp vốn cho nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ và Thông tư số 03/2023/TT-NHNN nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu DN của các tổ chức tín dụng đã tạo ra những tác động đáng kể đến triển vọng phục hồi của DN.

Hình 1: Tình hình hoạt động của DN giai đoạn 2018-2023

Sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh), số lượng DN đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, đạt gần 160.000 DN, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022 (Hình 1). Số lượng DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 217.706 DN, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số DN rút lui khỏi thị trường trong năm 2023. Kết quả này cho thấy, khu vực DN đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng DN vẫn được củng cố.

Hình 2: Các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ DN trong bảng xếp hạng VNR500 2023

Sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Nguồn: Thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500 2022 và 2023 (Vietnam Report)

Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ DN trong bảng xếp hạng VNR500 2023, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trở lại, lần lượt tăng 0,2% và 4,1% so với năm trước xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng. Khu vực có vốn FDI ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt so với 2 khu vực còn lại, tăng lần lượt 2,2% và 16,8%. Ngược lại, khu vực tư nhân lại ghi nhận ROA bình quân và ROE bình quân ở chiều sụt giảm so với năm trước, lần lượt giảm 0,5% và 2,9% (Hình 2).

Trái ngược với ROA, ROE, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,4% xét trên tổng thể, trong đó khu vực nhà nước và tư nhân có chung xu hướng giảm 0,5%, khu vực FDI ghi nhận tăng 0,5% so với năm trước.

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DN VIỆT NAM

Năm 2023, cộng đồng DN gặp khó khăn so với các năm trước. Số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù hoạt động của DN có khởi sắc trong nửa cuối năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường vẫn ở con số cao, đạt tới 172,6 nghìn DN, tăng 20,5% so với 2022 (143,2 nghìn DN). Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn DN, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, trong khi con số này của năm 2022 là 11,9 nghìn DN.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, do đơn hàng suy giảm khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh rất rõ khi chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tháng 12/2023 đạt 48,9 điểm, là tháng thứ tư liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Cùng với đó, năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm. Cuối năm 2022, tình trạng thiếu tiền, khó khăn về thanh khoản đã là mối lo cho sức khỏe của DN và nền kinh tế. Thế nhưng đến cuối năm 2023, lãi suất giảm kỷ lục mà hệ thống ngân hàng thương mại “thừa tiền” cho thấy sức khỏe của DN và nền kinh tế suy kiệt hơn. Điều đáng lưu ý là gói kích cầu, như giảm thuế giá trị gia tăng, đã được triển khai, nhưng tiêu dùng trong nước tăng chậm, thấp hơn nhiều so với các năm trước. Thực tế này phần nào phản ánh sự suy giảm nhu cầu đầu tư, kinh doanh; thể hiện mức độ khó khăn và sức chống chịu suy yếu của DN.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh trực tuyến vào đầu tháng 12/2023 để nắm bắt tình hình DN. Kết quả khảo sát cho thấy, mặc dù thời kỳ khó khăn của các DN vẫn đang tiếp diễn, số lượng DN giảm quy mô hoạt động dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, có 72,8% DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Trong đó: tỷ lệ DN dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 11,8%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,2%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 28,2% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,6%. Trong số các DN dự kiến tiếp tục hoạt động trong năm 2024, có 58,9% có thể giảm quy mô lao động trên 5%. Trong đó, 16,6% DN cho biết sẽ giảm trên 50% quy mô; Có 60,2% DN dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ DN giảm trên 50% doanh thu là 17,3% [4].

Cùng với xu hướng suy giảm của nền kinh tế vĩ mô, đáng chú ý lợi nhuận của các DN niêm yết suy giảm so với cùng kỳ năm trước (Hình 3).

Hình 3: Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường chứng khoán các năm 2019-2023

Sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Nguồn: Bình Khánh, 2023

Trong số các DN đã hé lộ kết quả kinh doanh cả năm 2023, cho thấy sự phân cực trong lợi nhuận của các DN. Trái ngược với bức tranh lợi nhuận của ngành tài chính, nhiều DN sản xuất kinh doanh báo cáo kết quả kinh doanh thụt lùi. Nổi bật có thể kể đến Công ty Cổ phần (CTCP) thủy sản Mekong báo cáo trong quý IV/2023 lỗ hơn 380 triệu đồng, trong khi quý IV/2022 có lãi hơn 3,7 tỷ đồng. Điều này đưa lũy kế cả năm vừa qua công ty chỉ còn lãi sau thuế hơn 703 triệu đồng, giảm gần 96% so với số lãi gần 17 tỷ đồng của năm 2022. Trước đó, chỉ sau 9 tháng năm 2023, hàng loạt công ty thủy sản báo lợi nhuận lao dốc, như: Vĩnh Hoàn giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022; CTCP đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia giảm 80%; CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang giảm 64%... Hay như các công ty thủy điện trước đây luôn báo lãi lớn nay cũng có kết quả kinh doanh ảm đạm. Có thể kể đến là CTCP Đầu tư và phát triển Điện Tây Bắc (NED) báo lãi cả năm 2023 chỉ đạt 3,45 tỷ đồng, giảm 82%; Thủy điện Sê San 4A ghi nhận lãi trước thuế 145 tỷ, giảm 22%… Không ngoại lệ, DN dệt may cũng lao dốc lợi nhuận, như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) doanh thu năm 2023 ước đạt 17.225 tỷ đồng, giảm 5% và lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỷ đồng, giảm 69% so với năm 2022 và đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính (năm 2015) [5].

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan (dịch Covid-19, thị trường biến động, chuỗi cung ứng đứt gãy do xung đột Nga - Ukraine, chiến tranh thương mại…), không thể không nói đến bản thân nội tại của khu vực DN đang có vấn đề. Đó là bất ổn từ trong nội tại DN bộc lộ qua tính bấp bênh của các DN về bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua.

NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Có thể nói năm 2023 là một năm đầy thử thách để kiểm chứng sức bền của các DN. Năm 2024 - năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Chính phủ với mục tiêu tăng trưởng GDP được Quốc hội đặt ra là 6%-6,5%, các DN đứng trước thời điểm để phục hồi và đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện. Để giúp DN giảm bớt khó khăn, đẩy mạnh phát triển, trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Một là, gỡ bỏ rào cản gây khó khăn cho DN phát triển. Cần xác định rõ rằng, việc cải cách thể chế ở thời điểm hiện tại không chỉ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà còn phải hướng đến cắt giảm chi phí cho DN. Trong đó, cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được DN phản ánh nhiều lần, như: quy định về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra chuyên ngành... Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, kiên quyết không ban hành thêm các điều kiện không cần thiết, điều kiện kinh doanh dưới hình thức các tiêu chuẩn kỹ thuật làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và DN. Đồng thời, cần khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi.

Song song với giảm thuế, hoãn thuế, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi, việc tận dụng tốt các FTA (hiệp định thương mại tự do) đã ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các hiệp định mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện cho DN “gõ cửa” các thị trường mới tiềm năng cũng không kém phần quan trọng. Đặc biệt, việc rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cũng như hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, minh bạch hóa thông tin được nhận định là cơ sở quan trọng tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, tích cực, khai thông cho các thị trường bị nghẽn trong năm qua, như: bất động sản hay trái phiếu DN, mở đường cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững.

Hai là, hỗ trợ mạnh mẽ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ cao; Có biện pháp tích cực hỗ trợ các DN phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến và công nghệ cao. Lấy chủ trương nuôi dưỡng nguồn thu, cắt giảm tất cả các loại thuế và phí để các DN Việt Nam từng bước lớn mạnh. Có chính sách miễn, giảm thuế cho các DN ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ DN nhận chuyển giao công nghệ cao từ nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ thiết thực cho các DN giải quyết vấn đề mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh, cho ứng dụng công nghệ cao cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà nước hỗ trợ nguồn lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các DN.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng và nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Tháo bỏ các rào cản gây khó khăn cho các DN tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần. Đồng thời, Nhà nước tiến hành bảo lãnh để DN có thể vay vốn của các ngân hàng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thành lập quỹ bảo lãnh và quỹ cho vay ưu đãi để hỗ trợ họ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, tạo thuận lợi để các DN hội nhập quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản…, kịp thời phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng DN. Thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư, hình thành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Tích cực hỗ trợ cộng đồng DN tận dụng các cam kết tại các FTA đã ký kết, đẩy nhanh việc ký kết các FTA đang đàm phán và nghiên cứu các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Cảnh báo và cập nhật những thông tin mới nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của các đối tác xuất khẩu. Thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, nhất là thông qua các nền tảng số và thương mại điện tử.

(2) Đối với các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng

- Các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng cần xây dựng các diễn đàn chia sẻ những bài học, kinh nghiệm về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh…

- Tăng cường tính liên kết giữa các DN hội viên, hợp tác cùng phát triển. Tổng hợp, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để hỗ trợ DN phát triển bền vững.

- Phổ biến, tuyên truyền, cập nhật kịp thời các chính sách mới của Chính phủ, chỉ đạo của chính quyền địa phương tới các DN hội viên.

Đối với DN

DN cần xây dựng các kế hoạch hoạt động mang tính chiến lược, dài hạn; hiện đại hóa hệ thống quản trị và quy trình hoạt động của DN nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất, tăng sự chủ động của DN trong trường hợp khủng hoảng và các sự cố bất khả kháng xảy ra. Nâng cao năng lực quản trị rủi ro để đạt được sức chống chịu kiên cường đối với rủi ro, khủng hoảng; nâng cao năng lực thích ứng của DN thông qua việc nâng cao năng lực hoạch định chiến lược. Người quản lý DN cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của quản trị rủi ro trong kinh doanh, từ đó biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho DN của mình, theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc DN; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu./.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (2023), Kết quả khảo sát nhanh trực tuyến về tình hình DN.

2. Bình Khánh (2023), Mức độ giảm lợi nhuận của các DN niêm yết đã chậm lại, truy cập từ https://tuoitre.vn/muc-do-giam-loi-nhuan-cua-cac-doanh-nghiep-niem-yet-da-cham-lai-20231121201004799.htm.

3. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh năm 2023.

4. Mai Phương (2024), Lợi nhuận DN niêm yết kém sắc, truy cập https://thanhnien.vn/loi-nhuan-doanh-nghiep-niem-yet-kem-sac-185240117224731702.htm.

5. Thu Minh (2024), Dự báo lợi nhuận DN niêm yết sẽ tăng mạnh trong năm 2024, truy cập từ https://vneconomy.vn/du-bao-loi-nhuan-doanh-nghiep-niem-yet-se-tang-manh-trong-nam-2024.htm.

6. Vietnam Report (2022-2023). Bảng xếp hạng VNR500 2022 và 2023.

TS. Đỗ Phương Thảo

Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)

Bạn đang đọc bài viết "Sự phát triển doanh nghiệp Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" tại chuyên mục Bài báo khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.