Châu Âu chia rẽ về ý tưởng đưa quân tới Ukraine

28/03/2025 12:18

() - Pháp và Anh tiếp tục thúc đẩy kế hoạch triển khai quân đội tại Ukraine nhằm bảo vệ một thỏa thuận hòa bình tương lai với Nga, trong khi một số quốc gia châu Âu không đồng thuận với điều này.

Châu Âu chia rẽ về ý tưởng đưa quân tới Ukraine - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi ông đến dự cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu về hòa bình và an ninh cho Ukraine tại Cung điện Elysee ở Paris, Pháp ngày 27/3 (Ảnh: Reuters).

Pháp và Anh đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch triển khai quân đội tại Ukraine nhằm bảo vệ một thỏa thuận hòa bình trong tương lai với Nga, tuy nhiên chỉ một số quốc gia khác sẵn sàng tham gia. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xác nhận hôm 27/3, sau hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia đang cân nhắc đề xuất này.

Nhà lãnh đạo Pháp cho biết "một số" quốc gia ngoài Pháp và Anh muốn tham gia lực lượng vũ trang này, nhưng nhấn mạnh rằng "đây không phải là sự đồng thuận tuyệt đối". Paris và London cho rằng lực lượng này sẽ có nhiệm vụ đảm bảo thỏa thuận hòa bình, ngăn chặn Nga hành động quân sự với Ukraine một lần nữa.

"Chúng ta không cần sự nhất trí tuyệt đối để thực hiện điều này", ông Macron khẳng định. Ông cũng cho biết các quan chức quân sự Pháp và Anh sẽ phối hợp với Ukraine để xác định vị trí triển khai và quy mô quân số cần thiết nhằm tạo ra một lực lượng răn đe đáng tin cậy.

 "Sẽ có một lực lượng bảo đảm với sự tham gia của một số quốc gia châu Âu", Tổng thống Pháp nhấn mạnh thêm.

Hội nghị thượng đỉnh quy tụ lãnh đạo của gần 30 quốc gia cùng các quan chức NATO và Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm tại Ukraine đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, với những nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ngày càng tăng dưới sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn.

Trước khi hội nghị diễn ra tại Điện Elysee, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga trong đêm đã khiến hơn 20 người bị thương. Chiều 27/3, các cuộc pháo kích dữ dội đã khiến một người thiệt mạng và làm mất điện trên nhiều khu vực ở Kherson, theo các quan chức Ukraine.

Tổng thống Pháp Macron cùng các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh cáo buộc Nga không thực sự muốn một giải pháp đàm phán.

"Họ đang chơi trò câu giờ. Chúng ta không thể để họ kéo dài tình trạng này trong khi vẫn tiếp tục cuộc tấn công phi pháp", Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố.

Các thỏa thuận do Mỹ làm trung gian trong tuần này nhằm bảo vệ hoạt động vận tải ở Biển Đen, cũng như lệnh ngừng tấn công bằng vũ khí tầm xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng tuần trước, được xem là những bước đầu tiên hướng đến hòa bình. Tuy nhiên, Ukraine và Nga vẫn bất đồng về các điều khoản và cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận, báo hiệu một quá trình đàm phán dài hơi và đầy tranh cãi phía trước.

Châu Âu chia rẽ về ý tưởng đưa quân tới Ukraine - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer tham dự Hội nghị về Hòa bình và An ninh cho Ukraine tại Cung điện Elysee ở Paris, Pháp (Ảnh: Reuters).

Châu Âu hoài nghi sự hỗ trợ của Mỹ

Một trong những lý do khiến một số quốc gia châu Âu do dự trước kế hoạch triển khai quân đội tại Ukraine là do chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có hỗ trợ lực lượng này bằng không quân và các viện trợ quân sự khác hay không.

"Điều này đòi hỏi sự tham gia và hỗ trợ từ Mỹ. Chúng tôi đã nhiều lần thảo luận về vấn đề này với Tổng thống Mỹ", ông Starmer nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Macron cho rằng châu Âu cần chuẩn bị cho khả năng không có sự hậu thuẫn từ Washington.

"Chúng ta phải hy vọng điều tốt nhất, nhưng cũng cần sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Tôi hy vọng Mỹ sẽ đứng về phía chúng ta, thậm chí đóng vai trò chủ động. Nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị cho kịch bản họ có thể không tham gia", ông Macron nói.

Việc thành lập một lực lượng đủ lớn để trở thành rào cản đáng tin cậy đối với Nga, với quy mô từ 10.000 đến 30.000 binh sĩ, theo các quan chức Anh sẽ là nỗ lực đáng kể đối với các quốc gia châu Âu, vốn đã thu hẹp quân đội sau Chiến tranh Lạnh nhưng đang tái vũ trang.

Văn phòng Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết các nhà hoạch định quân sự từ châu Âu và các khu vực khác đang nghiên cứu chi tiết, xem xét "toàn bộ năng lực quân sự của châu Âu, bao gồm không quân, xe tăng, binh sĩ, tình báo và hậu cần".

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng tham gia. Hy Lạp đã công khai từ chối việc gửi quân. Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho rằng các cuộc thảo luận về lực lượng này "gây chia rẽ" và làm xao lãng mục tiêu chính là chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng tái khẳng định rằng Rome sẽ không đóng góp binh sĩ cho lực lượng này. Nhà lãnh đạo Italy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp với Mỹ trong nỗ lực kết thúc xung đột và kêu gọi Washington tham gia cuộc họp điều phối tiếp theo.

Trước sức ép từ Tổng thống Donald Trump, yêu cầu châu Âu gia tăng chi tiêu quốc phòng và giảm phụ thuộc vào quân đội Mỹ, kế hoạch triển khai quân tại Ukraine đang trở thành phép thử đối với khả năng tự vệ và bảo vệ lợi ích của châu Âu.

Mặc dù Mỹ là bên đi đầu trong các cuộc đàm phán ngừng bắn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định châu Âu phải có mặt tại bàn đàm phán, với đại diện là Tổng thống Macron và Thủ tướng Starmer.

"Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ lựa chọn thay thế nào. Châu Âu rộng lớn, và lục địa này cần có tiếng nói rõ ràng trong các cuộc đàm phán", ông Zelensky nhấn mạnh.

Thỏa thuận về lệnh trừng phạt Nga

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh bày tỏ sự nhất trí cao hơn về việc duy trì, thậm chí siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm gây sức ép buộc Moscow phải đàm phán một cách thiện chí.

"Dỡ bỏ trừng phạt Nga vào lúc này sẽ là một thảm họa đối với tiến trình ngoại giao. Trừng phạt là một trong số ít công cụ thực sự mà thế giới có thể dùng để ép Nga bước vào các cuộc đàm phán nghiêm túc", ông Zelensky cho biết.

Nga đã yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt như một điều kiện để thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở Biển Đen. Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố sẽ hỗ trợ khôi phục quyền tiếp cận thị trường toàn cầu cho xuất khẩu phân bón và nông sản của Nga, nhưng không xác nhận điều kiện của Moscow. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết các yêu cầu của Nga sẽ được đánh giá và trình lên Tổng thống Trump xem xét.

Ông Zelensky cảnh báo về chiến thuật kéo dài thời gian của Moscow.

"Họ đang trì hoãn đàm phán và cố gắng lôi Mỹ vào những cuộc tranh luận vô tận, vô nghĩa về các điều kiện giả tạo, chỉ để câu giờ và sau đó tìm cách giành thêm lãnh thổ", nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố.

Bạn đang đọc bài viết "Châu Âu chia rẽ về ý tưởng đưa quân tới Ukraine" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.