
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Trong cuộc phỏng vấn với NBC News được công bố hôm 30/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông rất "giận" khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích tính chính danh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Trump cho biết đề xuất mới nhất của ông Putin về một chính phủ chuyển tiếp ở Ukraine thay thế chính quyền của Tổng thống Zelensky cho thấy các cuộc đàm phán hòa bình "không diễn ra đúng hướng".
Tổng thống Trump dọa sẽ áp thuế đối với dầu của Nga nếu nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Moscow đang ngăn cản các cuộc đàm phán hòa bình tiến triển.
"Nếu Nga và tôi không thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt đổ máu ở Ukraine, và nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga - điều này có thể không đúng - nhưng nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp thuế quan thứ cấp đối với dầu khí, đối với toàn bộ dầu khí xuất khẩu từ Nga", ông Trump nói với NBC News.
"Điều đó có nghĩa là nếu bạn mua dầu từ Nga, bạn sẽ không thể làm ăn kinh doanh tại Mỹ", ông Trump cảnh báo, đồng thời tiết lộ mức thuế có thể dao động ở mức 25-50%.
Ông Trump tuyên bố mức thuế với Nga sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng nếu không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng nhắc lại rằng ông có "mối quan hệ rất tốt" với Tổng thống Putin và "cơn giận sẽ nhanh chóng tan biến nếu ông ấy làm điều đúng đắn".
Tổng thống Trump xác nhận ông có kế hoạch tiếp tục trao đổi với người đồng cấp Nga trong tương lai gần. Cuộc điện đàm trước đó giữa hai nhà lãnh đạo được tổ chức vào ngày 18/3.
Nga nhiều lần tuyên bố không thể ký một thỏa thuận hòa bình với Ukraine vì lãnh đạo Ukraine hiện tại thiếu tính chính danh. Nhiệm kỳ tổng thống Ukraine của ông Volodymyr Zelensky đã kết thúc từ tháng 5/2024, mặc dù ông vẫn tại nhiệm nhưng không tổ chức bầu cử do thiết quân luật.
Tổng thống Putin tuần trước đề xuất đưa Ukraine vào một hình thức quản lý tạm thời để tổ chức các cuộc bầu cử mới và ký các hiệp định quan trọng nhằm đạt được giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay.
Theo nhà lãnh đạo Nga, về nguyên tắc, một chính quyền lâm thời có thể được thành lập tại Ukraine dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Mỹ, các nước châu Âu và các đối tác của Nga.
"Điều này nhằm tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ và đưa một chính phủ có năng lực, được người dân tin tưởng lên nắm quyền, sau đó bắt đầu đàm phán với họ về một hiệp ước hòa bình", ông Putin nói.
Ông Putin cho biết một thỏa thuận hòa bình được ký kết với một nhà lãnh đạo mới đắc cử của Ukraine "sẽ được công nhận trên toàn thế giới" và không thể bị lật ngược sau này.
Các quan chức ở Kiev đã bác bỏ ý tưởng này. Andrey Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch của Ukraine, tuyên bố kế hoạch này là nỗ lực của Moscow nhằm trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bác bỏ đề xuất này, nhấn mạnh rằng "Ukraine có một chính phủ hợp pháp, và rõ ràng là điều đó phải được tôn trọng".