
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Getty).
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/3 cho biết ông "rất tức giận" với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và sẽ áp đặt thêm các hình phạt tài chính đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga nếu ông Putin không đồng ý ngừng bắn ở Ukraine.
Bình luận trên đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong lập trường của Tổng thống Trump, người đã cởi mở với các cuộc đàm phán hòa bình với Nga kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng vào tháng 1.
Tuyên bố của Tổng thống Trump
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin NBC News, Tổng thống Trump nói rằng ông rất "tức giận" khi Tổng thống Putin chỉ trích tính chính danh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, "bởi điều đó khiến mọi thứ không đi đúng hướng".
Ông Trump cho rằng bất kỳ động thái nào nhằm thay thế ông Zelensky với tư cách là tổng thống Ukraine chắc chắn sẽ làm chậm triển vọng ngừng bắn.
Tổng thống Trump được cho là phản đối ý tưởng của Tổng thống Putin về việc lập một chính phủ lâm thời ở Ukraine với lý do ông Zelensky "không còn là tổng thống hợp pháp" của Ukraine.
"Nếu tôi nghĩ rằng họ đang lợi dụng chúng ta, tôi sẽ không vui với điều đó", ông Trump nói với các phóng viên trên Không lực Một vào ngày 30/3, ám chỉ đến ông Putin.
Mặc dù vậy, Tổng thống Trump cũng nhắc lại rằng ông có "mối quan hệ rất tốt" với Tổng thống Putin và "cơn giận sẽ nhanh chóng tan biến nếu ông ấy làm điều đúng đắn".
Tổng thống Trump xác nhận ông có kế hoạch tiếp tục trao đổi với người đồng cấp Nga trong tương lai gần. Cuộc điện đàm trước đó giữa hai nhà lãnh đạo được tổ chức vào ngày 18/3.
Sau khi chơi golf với Tổng thống Trump vào ngày 29/3, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nói rằng ông Trump có thể đang mất kiên nhẫn với chiến thuật trì hoãn của Tổng thống Putin về lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
"Tôi nghĩ rằng tổng thống Mỹ là một nhà đàm phán rất khéo léo và ông ấy đang cố gắng tìm ra sự cân bằng phù hợp", ông Stubb nói.
Tổng thống Phần Lan cũng đề xuất Mỹ đưa ra hạn chót cho lệnh ngừng bắn và trừng phạt Nga nếu không tuân thủ lệnh này.
"Thông điệp của tôi trong các cuộc trò chuyện với tổng thống Mỹ là chúng ta cần ngừng bắn. Chúng ta cần một thời hạn cho lệnh ngừng bắn, sau đó phải trả giá cho việc phá vỡ lệnh ngừng bắn", ông Stubb nói.
"Chúng ta cần một ngày ngừng bắn và tôi muốn đó là lễ Phục sinh, chẳng hạn, ngày 20/4, khi Tổng thống Trump đã tại nhiệm được 3 tháng. Nếu đến lúc đó, lệnh ngừng bắn không được chấp nhận hoặc bị Nga phá vỡ, cần phải có hậu quả", nhà lãnh đạo Phần Lan nói thêm.
Tuyên bố của Tổng thống Putin
Tổng thống Putin cho rằng Tổng thống Zelensky thiếu tính chính danh để ký một thỏa thuận hòa bình. Nhà lãnh đạo Nga thường xuyên tuyên bố chính quyền hiện tại của Ukraine là bất hợp pháp.
Theo quy định của hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5/2024.
Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3/2024 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.
Ukraine bắt đầu thiết lập tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Kể từ đó đến nay, quốc hội nước này đã nhiều lần gia hạn thiết quân luật.
Khi được hỏi liệu Moscow có thực sự đàm phán với Tổng thống Zelensky hay không nếu nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ mong muốn như vậy, Tổng thống Putin hồi tháng 1 cho biết ông Zelensky không có thẩm quyền để thực sự đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Nga.
"Có thể đàm phán với bất kỳ ai. Tuy nhiên, do không còn tính hợp pháp, ông Zelensky không có quyền ký bất kỳ điều gì. Nếu ông ấy muốn tham gia đàm phán, tôi sẽ bố trí người tham gia các cuộc đàm phán như vậy", ông Putin cho biết thêm.
Tổng thống Putin tuần trước đề xuất đưa Ukraine vào một hình thức quản lý tạm thời để tổ chức các cuộc bầu cử mới và ký các hiệp định quan trọng nhằm đạt được giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay.
"Về nguyên tắc, tất nhiên, một chính quyền lâm thời có thể được thành lập tại Ukraine dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Mỹ, các nước châu Âu và các đối tác của chúng tôi", Tổng thống Putin phát biểu ngày 27/3.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm: "Điều này nhằm tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ và đưa một chính phủ có năng lực, được người dân tin tưởng lên nắm quyền, sau đó bắt đầu đàm phán với họ về một hiệp ước hòa bình".
Ông Putin cho biết một thỏa thuận hòa bình được ký kết với một nhà lãnh đạo mới đắc cử "sẽ được công nhận trên toàn thế giới" và không thể bị lật ngược sau này.
Lời đe dọa của Tổng thống Trump
Trong cuộc phỏng vấn với NBC, Tổng thống Trump cũng cảnh báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga nếu Moscow không đàm phán để chấm dứt chiến sự tại Ukraine.
"Nếu Nga và tôi không thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt đổ máu ở Ukraine, và nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga - điều này có thể không đúng - nhưng nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga, tôi sẽ áp thuế quan thứ cấp đối với dầu khí, đối với toàn bộ dầu khí xuất khẩu từ Nga", ông Trump nói.
"Điều đó có nghĩa là nếu bạn mua dầu từ Nga, bạn sẽ không thể làm ăn kinh doanh tại Mỹ", ông Trump cảnh báo, đồng thời tiết lộ mức thuế có thể dao động ở mức 25-50%.
Keir Giles, chuyên gia tư vấn cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London, nói với trang tin Al Jazeera rằng, hiện không rõ liệu những lời đe dọa này của Tổng thống Trump có gây áp lực lên Nga hay không.
"Chúng ta từng thấy những lời đe dọa của ông Trump về việc áp đặt một số hình thức áp lực kinh tế lên Nga, nhưng chúng không bao giờ kéo dài lâu", chuyên gia Giles nói.
Chuyên gia nhận định đây sẽ là một "sự thay đổi triệt để" so với cách tiếp cận trước đây của Tổng thống Trump đối với cuộc xung đột Ukraine nếu ông gây áp lực lên Moscow, thay vì lên Kiev.
"Chúng tôi không biết liệu lời đe dọa này có phải là lời đe dọa suông hay không, nhưng những lời đe dọa trước đây đều là lời đe dọa suông, và Tổng thống Putin biết điều đó", chuyên gia Giles cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng tác động của bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ đối với việc mua dầu của Nga sẽ bị hạn chế.
Thuế quan có thể sẽ làm tăng giá dầu trong ngắn hạn nếu các quốc gia lựa chọn nguồn dầu khác, nhưng hiệu quả của thuế quan và những biến động của thị trường do thuế quan gây ra vẫn chưa rõ ràng ở giai đoạn này, do thiếu thông tin chi tiết, đặc biệt là về cách áp đặt thuế quan.
"Về cơ bản, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ trừng phạt Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, 3 nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga. Vì vậy, chúng ta sẽ tạo ra các vấn đề song phương với tất cả các nước này mà không thực sự có tác động đáng kể đến nền kinh tế của Nga", Richard Haas, Chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), cho biết.
Thuế quan thứ cấp
Khi nói đến "thuế quan thứ cấp", Tổng thống Trump dường như muốn ám chỉ đến thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu của Nga.
Mỹ từ lâu đã dẫn đầu các chiến dịch được gọi là lệnh trừng phạt thứ cấp, trong đó các quốc gia giao dịch với một quốc gia bị trừng phạt cũng phải đối mặt với lệnh trừng phạt. Ví dụ, các lệnh trừng phạt thứ cấp được áp dụng đối với việc mua dầu của Iran hoặc thiết bị quân sự hạng nặng từ Nga: các quốc gia, công ty và cá nhân tham gia vào hoạt động giao dịch này có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.
Mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ cũng là lý do hầu hết các ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu không còn tham gia vào hoạt động thương mại với Nga hoặc Iran nữa. Họ không muốn mạo hiểm mất đi cơ hội kinh doanh tại Mỹ.
Nếu ông Trump áp thuế quan thứ cấp đối với dầu của Nga, thì Ấn Độ và Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước mua dầu thô giá rẻ của Nga nhiều nhất, theo Al Jazeera.
Dầu của Nga chiếm 35% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ vào năm 2024, trong khi chiếm 19% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nước nhập khẩu dầu của Nga, vào năm 2023, có tới 58% lượng dầu tinh chế nhập khẩu của nước này đến từ Nga.