Nỗ lực thực hiện cam kết chấm dứt xung đột Ukraine của ông Trump

02/04/2025 16:03

() - Tổng thống Donald Trump cam kết chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức nhưng đến nay, các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Nga và Ukraine vẫn chưa mang lại bước đột phá.

Nỗ lực thực hiện cam kết chấm dứt xung đột Ukraine của ông Trump - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp căng thẳng tại Nhà Trắng hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters).

Trong 2 tháng qua, Mỹ đã có các cuộc đàm phán riêng với cả Ukraine và Nga nhằm thực hiện một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump: chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ kết thúc giao tranh trong vòng 24 giờ kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy một bước đột phá thực sự.

Lãnh đạo Nhà Trắng đã rút lại cam kết của mình, đầu tiên là kéo dài thời hạn tự đặt ra từ 24 giờ lên 6 tháng, sau đó nói rằng ông chỉ "nói đùa" về khung thời gian 24 giờ.

Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Newsmax, Tổng thống Trump cho biết Moscow có thể đang "kéo dài" việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Ông Trump nói rõ rằng Ukraine sẽ phải nhượng bộ theo cách tiếp cận cứng rắn của ông nếu muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ.

Nga tuyên bố đồng ý về nguyên tắc với các đề xuất ngừng bắn của Mỹ. Tuy nhiên, họ luôn đưa ra những điều kiện "nhưng" và "chỉ nếu" khiến các thỏa thuận bị suy yếu.

Dưới đây là diễn biến các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn cho đến thời điểm hiện tại:

Ngày 20/1: Ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã hứa sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine trong một ngày.

Ngày 12/2: Ông Trump thông báo ông đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn khả thi giữa Ukraine và Nga. Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai tổng thống kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1. Cuộc điện đàm này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và khiến các đồng minh châu Âu ngỡ ngàng.

Sau đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky để thông báo về cuộc trò chuyện với ông Putin và kế hoạch nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine.

Ngày 15/2: Nhà Trắng cho biết các quan chức cấp cao sẽ tới Ả rập Xê út để gặp gỡ các quan chức Nga, bắt đầu những cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

Ngày 17/2: Kiev và các đồng minh châu Âu bày tỏ thất vọng về việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán, nhấn mạnh rằng không một thỏa thuận nào có thể đạt được nếu không có sự tham gia của Ukraine. Một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp được tổ chức tại Paris với sự tham gia của các nhà lãnh đạo châu Âu và NATO.

Ngày 18/2: Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Riyadh, Ả rập Xê út. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz và đặc phái viên đối ngoại của ông Trump là ông Steve Witkoff cũng tham gia vòng đàm phán đầu tiên, với sự tham gia của Giám đốc Quỹ đầu tư Quốc gia Nga Kirill Dmitriev cùng các quan chức Nga.

Phát biểu sau các cuộc đàm phán, ông Rubio cho biết sẽ phải có sự nhượng bộ từ "tất cả các bên" để kết thúc xung đột. Trong khi đó, ông Trump chỉ trích ông Zelensky, người tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận thỏa thuận nếu không có sự tham gia của Ukraine.

Ngày 28/2: Nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky thăm Mỹ, nơi ông dự kiến ký kết một thỏa thuận khoáng sản. Tuy nhiên, cuộc gặp chuyển thành một cuộc tranh cãi "nảy lửa" giữa ông Zelensky và ông Trump sau khi Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích ông Zelensky và đề nghị Ukraine sử dụng ngoại giao để chấm dứt xung đột, cáo buộc ông không muốn hòa bình. Cuộc gặp kết thúc với việc ông Zelensky bị yêu cầu rời đi sớm, không có dấu hiệu nào về một thỏa thuận đạt được.

Ngày 1/3: Cuộc gặp diễn ra không như mong đợi khiến các nhà lãnh đạo châu Âu hoang mang. Các nước châu Âu đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại London để thảo luận về cách duy trì trang bị vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Ngày 2/3: Ông Zelensky nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại Anh, nơi ông được Vua Charles III đón tiếp.

Ngày 3/3: Ông Trump tuyên bố ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Các quan chức cho biết, việc tạm dừng áp dụng với tất cả viện trợ chưa đến được Ukraine.

Trong khi đó, các quan chức tại châu Âu và Ukraine nhanh chóng đánh giá tác động của việc tạm dừng này và lập kế hoạch để duy trì trang bị vũ khí cho Ukraine.

Ngày 4/3: Ông Zelensky phát biểu công khai, cho biết cuộc gặp tại Nhà Trắng đã không diễn ra như dự tính và nhấn mạnh rằng Ukraine sẵn sàng ký kết thỏa thuận khoáng sản. Tuy nhiên, ông không xin lỗi.

Ngày 5/3: Mỹ thông báo ngừng chia sẻ các thông tin tình báo quan trọng với Ukraine. Đến cuối ngày, các quan chức Ukraine và Mỹ cho biết họ đã đồng ý gặp gỡ "trong tương lai gần".

Ngày 11/3: Ukraine đồng ý về nguyên tắc với đề xuất ngừng bắn của Mỹ sau các cuộc đàm phán giữa hai nước tại Ả rập Xê út. Trong khi đó, Mỹ đồng ý khôi phục chia sẻ thông tin tình báo và viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ngày 13/3: Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tới Moscow để thông báo cho các quan chức Điện Kremlin về kế hoạch mà Mỹ đề xuất. Tổng thống Nga Putin nói rằng ông đồng ý về nguyên tắc nhưng sau đó đưa ra một loạt yêu cầu khiến kế hoạch này không thể thực hiện.

Những yêu cầu bao gồm đề xuất Ukraine ngừng huy động quân đội và huấn luyện binh sĩ, đồng thời yêu cầu các quốc gia khác ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev trong thời gian ngừng bắn.

Ngày 18/3: Ông Trump điện đàm với ông Putin nhưng không thuyết phục được nhà lãnh đạo Nga ký vào thỏa thuận ngừng bắn. Nhà Trắng cho biết Nga đã đồng ý tạm thời ngừng các cuộc tấn công vào các mục tiêu năng lượng và cơ sở hạ tầng ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga tuyên bố chỉ đồng ý ngừng tấn công vào "cơ sở hạ tầng năng lượng".

Ngày 19/3: Ông Trump và ông Zelensky có cuộc điện đàm. Lãnh đạo Nhà Trắng cho biết cuộc gọi "rất tốt" và kéo dài khoảng một giờ, phần lớn cuộc trò chuyện tập trung vào nội dung cuộc thảo luận giữa ông và ông Putin ngày hôm trước.

Ngày 21/3: Thành phố cảng Odessa ở miền nam Ukraine bị tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái của Nga.

Nỗ lực thực hiện cam kết chấm dứt xung đột Ukraine của ông Trump - 2

Các quan chức Nga và Mỹ gặp nhau tại Ả rập Xê út (Ảnh: Getty).

Ngày 23/3: Các quan chức Mỹ và Ukraine gặp gỡ tại Ả rập Xê út. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov mô tả các cuộc đàm phán là "hiệu quả và tập trung".

Ngày 24/3: Các quan chức Mỹ và Nga gặp gỡ tại Ả rập Xê út.

Ngày 25/3: Các quan chức Nga và Mỹ gặp nhau tại cùng một khách sạn ở Riyadh, Ả rập Xê út. Đến buổi chiều, Nhà Trắng thông báo Ukraine và Nga đã đồng ý "đảm bảo an toàn hàng hải, loại bỏ việc sử dụng vũ lực và ngừng sử dụng các tàu thương mại cho mục đích quân sự ở Biển Đen".

Ông Zelensky tổ chức họp báo và cho biết Kiev đã đồng ý ngừng sử dụng vũ lực ở Biển Đen. Tuy nhiên, ngay sau đó, Điện Kremlin tuyên bố chỉ đồng ý nếu các lệnh trừng phạt tài chính đối với các tổ chức chủ chốt của Nga được dỡ bỏ, khiến thỏa thuận trở nên vô hiệu.

Chia sẻ với kênh Newsmax, ông Trump cho rằng ông tin Nga muốn chấm dứt xung đột với Ukraine, nhưng Moscow có thể đang trì hoãn thỏa thuận.

"Tôi nghĩ rằng Nga muốn thấy một kết thúc, nhưng có thể họ đang kéo dài thời gian", Tổng thống Trump nói.

Đến chiều, ông Trump nói với các phóng viên rằng chính quyền của ông đang xem xét các điều kiện của Nga. "Chúng tôi đang nghĩ về tất cả những điều đó ngay bây giờ", ông nói từ Nhà Trắng.

Ngày 26/3: Trước cuộc họp của "liên minh tự nguyện" tại Paris, ông Zelensky cho biết ông hy vọng Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận về Biển Đen mà không nhượng bộ các yêu cầu của Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow không tin ông Zelensky đã hiểu đầy đủ về bản chất thay đổi của mối quan hệ Mỹ - Nga.

Ngày 27/3: Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thư ký NATO Mark Rutte, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz tham gia cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp thứ ba của "liên minh tự nguyện" tại Paris. Liên minh này cho biết đây không phải là thời điểm để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Ông Zelensky sau đó nói rằng các điều kiện của thỏa thuận khoáng sản đang được đàm phán giữa Ukraine và Mỹ "liên tục thay đổi", nhưng ông cảm thấy tích cực về một thỏa thuận trong tương lai.

Ngày 28/3: Các nhà chức trách thông tin, 4 dân thường đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Nga vào thành phố Dnipro, Ukraine. Nga và Ukraine cáo buộc nhau tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng, một tuần sau khi cả hai nước đồng ý tạm thời ngừng tấn công các mục tiêu như vậy.

Ông Zelensky cũng loại trừ khả năng đàm phán hòa bình trực tiếp với ông Putin, nói rằng ông muốn đàm phán với các doanh nhân Nga hoặc phe đối lập.

Ngày 30/3: Ông Trump cho biết ông "rất tức giận" với ông Putin, nói với hãng tin NBC rằng ông có thể áp đặt thêm thuế quan đối với dầu mỏ của Nga nếu ông Putin không hợp tác trong các cuộc đàm phán đang diễn ra để chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

Bạn đang đọc bài viết "Nỗ lực thực hiện cam kết chấm dứt xung đột Ukraine của ông Trump" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.