
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Trong những ngày gần đây, các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thảo luận về khả năng Mỹ sẽ không thể đảm bảo một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine trong vài tháng tới và đang vạch ra các kế hoạch mới để gây sức ép với cả Kiev lẫn Moscow, theo hai quan chức Mỹ am hiểu về vấn đề này.
Khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump và các cố vấn hàng đầu của ông đã đặt mục tiêu đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn vào tháng 4 hoặc tháng 5. Mỹ hy vọng sẽ làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình lâu dài trong những tháng tiếp theo.
Nhưng các quan chức Mỹ cho biết không có thỏa thuận nào có vẻ sắp đạt được, làm dấy lên khả năng cuộc chiến 3 năm qua ở Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài và Kiev sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn của phương Tây cho các hoạt động quân sự.
Một kết quả như vậy sẽ khiến Tổng thống Trump không hài lòng. Ông chủ Nhà Trắng luôn tự nhận mình là một nhà đàm phán và nhiều lần hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột vốn cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và có nguy cơ kéo NATO vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga, quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Nỗ lực của chính quyền Trump
Trong nhiều tuần qua, các quan chức cấp cao của Mỹ đã phàn nàn về cách Ukraine tiến hành các cuộc đàm phán và phản đối thỏa thuận khoáng sản với Washington. Nhưng trong những ngày gần đây, các nguồn tin cho biết, phía Mỹ ngày càng thất vọng với Nga.
Trong một loạt cuộc họp và cuộc điện đàm vào cuối tuần, các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tích cực phản đối các nỗ lực của Washington nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài, đồng thời thảo luận về việc liệu có bất kỳ hình phạt kinh tế hoặc ngoại giao nào có thể đẩy Nga đến gần hơn với một thỏa thuận hay không, các nguồn tin cho biết.
Cơn giận dữ ngày càng tăng đối với Moscow, bao gồm từ chính Tổng thống Trump, đánh dấu sự thay đổi trong các cuộc thảo luận nội bộ của chính quyền Mỹ về thiện chí đàm phán của Moscow.
Tổng thống Trump đã nói trong nhiều tuần rằng ông tin tưởng Tổng thống Putin và tin rằng nhà lãnh đạo Nga cam kết vì hòa bình. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết Nhà Trắng đã trở nên cảnh giác hơn với ý định của Tổng thống Putin trong những ngày gần đây, mặc dù ông Trump vẫn tiếp tục công khai bày tỏ sự tin tưởng rằng ông Putin muốn chấm dứt chiến tranh.
Hiện chưa rõ chính quyền Mỹ có thể đưa ra những kế hoạch cụ thể nào để gây sức ép với Moscow, nhưng một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Nhà Trắng đang tiếp tục xem xét các biện pháp trừng phạt và thuế quan bổ sung mà họ có thể áp đặt đối với Nga.
Ludovic Hood, chánh văn phòng và cố vấn cho đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga Keith Kellogg, hồi tháng 2 khẳng định ông Trump sẽ "xác định những củ cà rốt và cây gậy nào, những công cụ nào, những động lực nào, những điểm gây áp lực nào để đảm bảo rằng ông sẽ sớm đi đến hồi kết cho cuộc chiến mà ông muốn thấy".
"Tổng thống Trump kiên quyết rằng chúng ta cần đưa các bên vào bàn đàm phán, và chúng ta có thể làm điều đó bằng cả cây gậy và củ cà rốt", Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Kevin Hassett nói với các phóng viên hôm 7/3.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump nói rằng Mỹ đang cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt và thuế đối với Nga, cho đến khi lệnh ngừng bắn được đảm bảo và đạt được thỏa thuận để giải quyết xung đột ở Ukraine.
Vào ngày 30/3, ông Trump nói với NBC News rằng ông "tức giận" sau khi ông Putin chỉ trích tính chính danh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể áp thuế quan thứ cấp 25-50% đối với các nước mua dầu của Nga.
Trong cuộc họp với ngoại trưởng các nước Baltic tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nói với những người đồng cấp rằng hòa bình ở Ukraine chưa được đảm bảo và Washington vẫn còn lâu nữa mới đạt được thỏa thuận.
"Có một sự thất vọng sâu sắc với chính phủ Nga về các cuộc đàm phán", người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ James Hewitt cho biết.
"Tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông sẽ cân nhắc áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với tất cả dầu mỏ xuất khẩu từ Nga nếu họ không nghiêm túc trong việc đưa cuộc xung đột này đến một giải pháp hòa bình", người phát ngôn nói thêm.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 1/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow không thể chấp nhận các đề xuất của Washington về việc chấm dứt chiến tranh theo hình thức hiện tại vì chúng không giải quyết được các vấn đề mà Điện Kremlin tin rằng đã dẫn đến cuộc chiến.

Trạm khí đốt ở tỉnh Kursk của Nga bị Ukraine tấn công sau khi các bên nhất trí ngừng bắn vào hạ tầng năng lượng (Ảnh: Reuters).
Yêu cầu cứng rắn của Nga
Các quan chức tình báo và các nhà phân tích châu Âu và Mỹ từ lâu cảnh báo rằng Tổng thống Putin khó có thể đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine một cách thiện chí nếu ông tin rằng Nga đang giành chiến thắng trên chiến trường.
Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng 1, các cố vấn cấp cao của ông vẫn hy vọng 3 năm trừng phạt đối với Nga - và triển vọng nới lỏng hoặc thắt chặt áp lực kinh tế - sẽ đủ để đưa Moscow tiến gần hơn đến một thỏa thuận.
Hiện tại, một số quan chức Mỹ trong số họ bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên của chính quyền Trump về Ukraine, đang đặt ra câu hỏi về mức độ mà Tổng thống Putin có thể được thuyết phục để đạt được thỏa thuận mà không đổi lại những nhượng bộ đáng kể từ Mỹ và châu Âu.
Trong những tháng qua, Washington đã gây sức ép với Kiev và tiến gần hơn đến nhiều lập trường chính sách đối ngoại của Moscow. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ông Putin đã đưa ra những yêu cầu "tối thượng" mà Mỹ, Ukraine hoặc châu Âu khó có thể đáp ứng.
Những yêu cầu đó bao gồm Mỹ và NATO phải dừng hoạt động quân sự ở châu Âu, đặc biệt là ở các quốc gia giáp biên giới với Nga, và không triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nào tới Ukraine theo một thỏa thuận.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết trong khi Nhà Trắng vẫn đang xem xét các mức thuế quan và lệnh trừng phạt, Nga khó có thể bị lay chuyển bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế như vậy.
Hồi tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Putin đã nêu ra các điều khoản cụ thể nhằm chấm dứt xung đột bao gồm: Ukraine sẽ phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, rút toàn bộ quân đội khỏi toàn bộ lãnh thổ của các khu vực mà Nga tuyên bố chủ quyền.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng việc dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Moscow và đảm bảo tình trạng trung lập và phi hạt nhân của Ukraine là điều cần thiết.
Ông Trump gần đây cũng bày tỏ sự thất vọng với Ukraine, chỉ trích ông Zelensky cố gắng rút khỏi thỏa thuận khoáng sản.
"Ông ấy đang cố gắng rút khỏi thỏa thuận đất hiếm và nếu ông ấy làm vậy, ông ấy sẽ gặp phải một số vấn đề rất lớn", ông Trump nói với các phóng viên hôm 30/3.
Tổng thống Trump coi thỏa thuận khoáng sản là "một phần quan trọng trong việc mang lại hòa bình cho Ukraine".
Một quan chức khác của Mỹ cho biết các quan chức trong chính quyền Trump đang cân nhắc sửa đổi một số phần của thỏa thuận được đề xuất để làm cho thỏa thuận này dễ chấp nhận hơn với các lợi ích kinh tế của Kiev.
Trong những ngày gần đây, các quan chức Mỹ đã cố gắng làm trung gian cho cả lệnh ngừng bắn về cơ sở hạ tầng năng lượng và Biển Đen. Các thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện.
Mặc dù ban đầu đã đồng ý ngừng bắn vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, Ukraine và Nga vẫn tiếp tục tấn công lẫn nhau. Trong khi Kiev tuyên bố sẵn sàng đồng ý với một thỏa thuận Biển Đen, các quan chức Nga nói rằng trước tiên Moscow cần khôi phục quyền tiếp cận một số thị trường thương mại và hệ thống thanh toán.