
Toàn cảnh Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại TP Bà Rịa được đưa vào sử dụng từ tháng 5-2012. Trung tâm rộng lớn này có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, cần được khai thác hợp lý và hiệu quả sau sắp xếp - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Số tài sản dôi dư này cần phải được điều chuyển, sắp xếp sử dụng, kể cả chuyển đổi công năng thành nguồn lực phát triển đất nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một bài toán phức tạp cần được tính toán, quy hoạch, đưa ra giải pháp ngay từ bây giờ để tránh lãng phí nguồn lực.

Nguồn: T.CHUNG tổng hợp - Đồ họa: TUẤN ANH
Trụ sở dôi dư sẽ còn tăng lên
Chưa có con số thống kê về số tài sản công "khổng lồ" phát sinh sau sáp nhập tỉnh thành và bỏ cấp huyện nhưng Bộ Tài chính cho biết, trong các đợt sắp xếp trước đây, tính tới cuối năm 2024 cả nước có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả.
Trong đó mới chỉ có 3.780 cơ sở nhà đất có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, còn lại 7.249 cơ sở nhà đất chưa có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng xử lý tài sản công là câu chuyện phức tạp, có nhiều bên tham gia quản lý, giá trị khối tài sản công dôi dư sau sáp nhập rất lớn, đặc biệt là các cơ sở đất vàng đô thị như Hà Nội, TP.HCM.
Trụ sở Huyện ủy Lộc Hà (cũ) bỏ hoang sau khi huyện Lộc Hà sáp nhập vào huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) từ ngày 1-1-2025 - Ảnh: LÊ MINH
Đất trụ sở xây nhà trẻ, trường học, nhà thu nhập thấp...
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sau sắp xếp, các cơ sở nhà đất công dôi dư nên được xử lý theo 3 phương án tùy theo từng vị trí cơ sở nhà đất: Một là quy hoạch phát triển các công trình công cộng như công viên, cây xanh, bãi gửi xe góp phần chỉnh trang đô thị.
Thứ hai là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ hợp tác với doanh nghiệp tư nhân để khai thác các cơ sở nhà đất dôi dư hiệu quả. Thứ ba là chuyển dịch tài sản công thành tài sản tư thông qua đấu giá, đấu thầu, tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên, tất cả các phương án này đều phải chờ quá trình chuyển dịch từ chính quyền tỉnh cũ sang chính quyền tỉnh mới, sau khi sắp xếp xong chính quyền thì mới đưa ra được giải pháp thích hợp để xử lý tài sản công dôi dư.
TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá, cho rằng để sử dụng tài sản công dôi dư sau sáp nhập trước hết cần kiểm kê, đánh giá và công khai minh bạch quỹ nhà đất công.
Tổng rà soát, cập nhật dữ liệu về tình trạng sử dụng nhà đất công, nhất là các tài sản dôi dư do sắp xếp lại bộ máy; xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa để theo dõi và quản lý tài sản công minh bạch. Một việc cũng cần thiết là công khai danh mục nhà đất công để xã hội giám sát nhằm tránh thất thoát, lợi ích nhóm.
Hơn nữa cần điều chuyển, tái sử dụng hiệu quả ngay trong hệ thống nhà nước, chuyển giao trụ sở dôi dư cho các cơ quan nhà nước khác có nhu cầu thay vì thuê mới hoặc xây mới. Điều chỉnh công năng để phục vụ các mục tiêu công như bệnh viện, trường học, trung tâm hành chính, làm nhà ở công vụ, ký túc xá, trung tâm đào tạo công chức.
Đối với cơ sở nhà đất cơ quan nhà nước không có nhu cầu sử dụng, theo ông Long, nên sớm tổ chức đấu giá công khai để lấy vốn cho đầu tư phát triển.
Cũng có thể cho doanh nghiệp thuê lại các tòa nhà công không sử dụng làm văn phòng, start-up, không gian sáng tạo. Đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bỏ hoang, sử dụng sai mục đích.
Quy định trách nhiệm cụ thể với lãnh đạo đơn vị có nhà đất công bỏ hoang, sử dụng lãng phí. Xây dựng cơ chế thu hồi tài sản công bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích.

Quang cảnh tòa nhà của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan đoàn thể huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) dừng hoạt động sau khi huyện này bị sáp nhập - Ảnh: LÊ MINH
Đấu giá trụ sở, tăng quỹ đất, tạo nguồn vốn khổng lồ
Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đối với tài sản nhà đất công dôi dư, trước hết cần ưu tiên quy hoạch trụ sở các cơ quan nhà nước sau sáp nhập. Tiếp đó, sử dụng đất công dôi dư cho mục đích công cộng, chỉnh trang đô thị.
Chẳng hạn tại TP.HCM có thể sử dụng quỹ đất công dôi dư phục vụ cho việc xây dựng nhà tái định cư trong quá trình cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ven kênh rạch, xây dựng nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội. Đối với những cơ sở đất công dôi dư còn lại cần tổ chức đấu giá, đấu thầu để tăng thu ngân sách, tạo nguồn lực cho phát triển địa phương.
Ông Đinh Minh Tuấn, giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, nhận định việc đưa hàng ngàn cơ sở nhà đất công ra đấu giá, đấu thầu sẽ làm tăng quỹ đất phát triển nhà ở, tăng cung nhà ở trên thị trường.
Nguồn lực đất đai đưa vào thị trường rất lớn nhưng quá trình này không nhanh được, cần thời gian một vài năm để đưa đất công vào thị trường nên trong ngắn hạn sẽ chưa tác động ngay đến giá nhà trên thị trường.
Với quỹ đất công dôi dư cần quy hoạch phù hợp với từng khu vực. Chẳng hạn đất công dôi dư ở khu vực trung tâm đô thị nên ưu tiên đấu thầu, đấu giá đất để phát triển trung tâm thương mại, nhà ở thương mại; còn với khu đất công dôi dư ở các quận huyện vùng ven Hà Nội, TP.HCM nên ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội để lo chỗ ở cho người dân.
Với nguồn tiền thu được từ đấu giá tài sản công nên ưu tiên sử dụng cho mục đích sắp xếp, tinh gọn bộ máy; hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức,
Trụ sở UBND quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) thuộc nhóm công trình nhà đất công dôi dư sau khi không tổ chức chính quyền cấp huyện - Ảnh: Nam Trần
Ông Nguyễn Tân Thịnh - cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính - cho hay sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, để đảm bảo tài sản công được sử dụng hiệu quả, Bộ Tài chính đã hướng dẫn rất chi tiết việc sắp xếp tài sản công khi tinh gọn, sắp xếp bộ máy trong công văn gửi các bộ ngành và địa phương vào cuối tháng 2 vừa rồi. Cụ thể như sau:
Đối với trường hợp sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, đơn vị, các cơ quan đơn vị nhận sáp nhập sau khi hợp nhất được kế thừa quản lý, sử dụng tài sản của đơn vị bị sáp nhập. Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất thì đơn vị nhận sáp nhập có trách nhiệm bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công.
Đồng thời việc quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không để tình trạng bỏ trống, không sử dụng, sử dụng sai mục đích, sử dụng kém hiệu quả gây lãng phí, thất thoát.
Đối với trường hợp kết thúc hoạt động chuyển chức năng, nhiệm vụ sang cho cơ quan, đơn vị khác thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ được kế thừa quyền quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, đơn vị kết thúc hoạt động.
Trường hợp cơ quan, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ không có nhu cầu tiếp nhận tài sản thì bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu còn) hoặc cơ quan, đơn vị được bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý tài sản theo quy định của pháp luật khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Ông Thịnh đơn cử chi cục thuế hay chi cục dự trữ khu vực được sáp nhập của một số cục thuế, cục dự trữ trước đây nay có trách nhiệm kế thừa tài sản công của đơn vị trước đây để sử dụng hiệu quả. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản khi thực hiện sắp xếp.
"Trên thực tế có thể phát sinh tình trạng một số đơn vị hợp nhất thiếu cơ sở vật chất, trụ sở khi vừa sáp nhập. Cơ cấu tổ chức mới thì về mặt tài sản sẽ thiếu. Chính vì vậy cần bố trí, điều chuyển, sắp xếp trụ sở của các cơ quan nhà nước trên địa bàn để tài sản công được sử dụng hiệu quả" - ông Thịnh cho hay.
Kiểm kê tài sản công vào nước rút
Theo ông Thịnh, quy định hiện hành rất đầy đủ để khai thác tài sản sau sắp xếp như điều chuyển, thu hồi, chuyển về địa phương để giao cho đơn vị có chức năng kinh doanh nhà đất quản lý, khai thác quỹ nhà đất đó.
Cũng có thể bố trí các trụ sở này làm trường học, cơ sở y tế, thư viện... Trụ sở nào phù hợp với quy hoạch thương mại, dịch vụ, đất ở thì Nhà nước sẽ thu hồi và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất theo quy định.
Liên quan đến tài sản công, ông Thịnh cho hay việc thực hiện tổng kiểm kê tài sản công trên toàn quốc lần này đang vào giai đoạn nước rút. Đến ngày 31-3 là hạn cuối cùng thực hiện kiểm kê tài sản công và gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Nhưng tính đến 8h ngày 21-3, có 38 bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc gửi báo cáo kết quả kiểm kê này.
Trong danh sách 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích đến năm 2024 đã nêu, ông Thịnh cho hay các cơ sở nhà đất này có nhiều trụ sở sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành địa phương ban hành kế hoạch xử lý cụ thể.