Một thỏa thuận quan trọng cho dòng chip chiến lược đầu tiên của Viettel được ký kết

30/03/2025 12:17

Đây cũng là bước đi quan trọng giúp Viettel tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Ngày 26/3 tại Vương quốc Bỉ, Viettel đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với IMEC – một trong những tổ chức nghiên cứu công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới.

IMEC được biết đến là trung tâm nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực bán dẫn, sở hữu công nghệ tiên tiến và hệ sinh thái hợp tác toàn cầu.

Việc hợp tác với IMEC thể hiện chiến lược của Viettel trong việc mở rộng hợp tác quốc tế với những tổ chức có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành bán dẫn. Đây cũng là bước đi quan trọng giúp Viettel tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Một thỏa thuận quan trọng cho dòng chip chiến lược đầu tiên của Viettel được ký kết- Ảnh 1.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác MoU. Ảnh: Viettel

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ phối hợp trên nhiều lĩnh vực trọng tâm:

Phát triển hệ sinh thái công nghệ bán dẫn: IMEC, với thế mạnh nghiên cứu và mạng lưới chuyên gia toàn cầu, sẽ hỗ trợ Viettel xây dựng chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn.

Hợp tác nghiên cứu và thiết kế chip: 2 bên sẽ triển khai các hợp đồng nghiên cứu thiết kế chip tận dụng thế mạnh của mỗi bên, trong đó Viettel có năng lực thiết kế các dòng chip RF/mmWave.

Dịch vụ MPW (Multi-Project Wafer): IMEC sẽ cung cấp dịch vụ MPW trực tiếp cho Viettel, giúp rút ngắn đáng kể thời gian chế tạo chip bán dẫn so với mô hình làm việc thông qua các đơn vị trung gian khác.

Nghiên cứu công nghệ chế tạo và đào tạo nhân lực: Viettel và IMEC sẽ cùng hợp tác trong các dự án nghiên cứu công nghệ sản xuất chip cũng như nâng cao năng lực chuyên môn trong lĩnh vực bán dẫn.

Việc ký kết thỏa thuận này không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ bán dẫn của Viettel mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với sự hỗ trợ của IMEC, Viettel kỳ vọng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các dòng chip chiến lược, thúc đẩy Việt Nam vươn lên trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn toàn cầu.

Viettel sẵn sàng bước vào sân chơi lớn của ngành công nghiệp bán dẫn

Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tính đến đầu tháng 12/2024, Việt Nam đã thu hút được 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỉ USD.

Với vai trò tiên phong trong công nghệ, Viettel được giao nhiệm vụ phát triển các công nghệ lõi, trong đó trọng tâm là xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Đây là một trong những dự án chiến lược thuộc định hướng phát triển khoa học - công nghệ quốc gia, nhằm đảm bảo năng lực tự chủ trong lĩnh vực bán dẫn – một yếu tố then chốt trong chuyển đổi số và công nghiệp quốc phòng.

Doanh nghiệp xác định đến 2030 có nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.

Một thỏa thuận quan trọng cho dòng chip chiến lược đầu tiên của Viettel được ký kết- Ảnh 2.

Chip 5G DFE của Viettel.

Trước đó, Viettel đã công bố chip 5G DFE do chính doanh nghiệp làm chủ hoàn toàn thiết kế, có năng lực tính toán 1.000 tỉ phép tính trên giây, đáp ứng tiêu chuẩn chung về 5G của 3GPP – hiệp hội các tổ chức phát triển giao thức cho viễn thông di động, tương đương chip 5G của top 10 công ty bán dẫn trên thế giới.

Theo đại diện Viettel, việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thị trường thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm chip 5G thương mại.

Đây là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết "Một thỏa thuận quan trọng cho dòng chip chiến lược đầu tiên của Viettel được ký kết" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.