Chiều 28/3, tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình giới thiệu điểm đến và kết nối doanh nghiệp lữ hành đưa khách từ Hà Nội đến Lai Châu năm 2025.
Lai Châu nằm ở khu vực Tây Bắc. Hiện, tỉnh có 20 điểm du lịch cấp tỉnh, một điểm du lịch cộng đồng ASEAN - Sin Suối Hồ.
Những điểm du lịch đã tạo dấu ấn trong lòng du khách ở Lai Châu phải kể đến như: Điểm du lịch mạo hiểm dù lượn gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao ở bản Sì Thâu Chải, khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ, khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, hang động Pusamcap được mệnh danh là "Tây Bắc Đệ nhất động"... Tỉnh có 2 khu du lịch có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều phân khúc thị trường kể cả phân khúc khách cao cấp.

Hình ảnh vịnh Pá Khôm - Pha Mu được ví như "viên ngọc xanh" giữa lòng Tây Bắc (Ảnh: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lai Châu).
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 130 cơ sở lưu trú, trong đó có một khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 35 khách sạn từ 1 đến 3 sao với 1.500 phòng ở, 150 nhà hàng có thể phục vụ nhiều món ăn ẩm thực mang đậm dấu ấn văn hóa của bà con dân tộc.
Để tăng cường thu hút du khách, ngoài đa dạng hóa các điểm đến, sản phẩm mới, Lai Châu cũng đang tập trung thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng.
Ông Trần Quang Kháng - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, cho biết nhiều dự án nhằm phát triển du lịch đang được quan tâm như: Đường nối cao tốc Lai Châu - Lào Cai với Hà Nội dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Dự án hầm đường bộ trên quốc lộ 4D nối xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) với phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa tỉnh Lào Cai) dự kiến hoàn thành năm 2028 giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách khi đến với Lai Châu.

Tại chương trình, các điểm đến ở Lai Châu đã được giới thiệu (Ảnh: Trần Thành Công).
Ông Hoàng Quốc Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lai Châu, đánh giá dù sở hữu tiềm năng du lịch, bản sắc văn hóa độc đáo nhưng thông tin du lịch Lai Châu vẫn chưa tiếp cận được với các đại lý lữ hành (inbound) trong cả nước.
Theo ông Việt, để tăng cường thu hút du khách, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn đã chú trọng khai thác, xây dựng sản phẩm mang tính đặc trưng như chinh phục 6/10 đỉnh núi cao nhất của Việt Nam, trải nghiệm văn hóa tại các bản Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải, đặc biệt là dân tộc Lự - sinh sống thành cộng đồng - chỉ có ở Lai Châu...
Chia sẻ tại chương trình, nhiều đại biểu cho rằng, Lai Châu cần thực hiện các video sáng tạo, sinh động để có thể đẩy mạnh truyền thông về hình ảnh của tỉnh cũng như tiềm năng du lịch trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí... nhằm thu hút khách quốc tế và trong nước.
Ngoài ra, tỉnh cũng cần chú trọng chia sẻ thông tin qua các nhóm kết nối, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng phục vụ tại cơ sở lưu trú, các đơn vị kinh doanh dịch vụ và cần có giải pháp cho phương án khách tăng cao.
Dịp này, đoàn công tác của tỉnh Lai Châu cũng đã có cuộc làm việc với các đại lý, doanh nghiệp lữ hành ở khu vực Phố Cổ Hà Nội nhằm kết nối, quảng bá, giới thiệu các điểm đến của Lai Châu. Các doanh nghiệp lữ hành cam kết sẽ giới thiệu sản phẩm, tour và điểm đến của Lai Châu với khách quốc tế.