Hai địa phương từng có hơn 20 năm sáp nhập là 1 sẽ tái hợp thành vùng đất "Quảng Đà" trong năm nay?

30/03/2025 12:17

Cả 2 địa phương sau khi chia tách tỉnh năm 1997, đã có những bước phát triển đột phá, nâng cao đời sống người dân.

Ngày 26/3, Bộ Nội vụ cho biết đã hoàn tất dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cùng tờ trình kèm theo để chuyển Bộ Tư pháp thẩm định. Theo tờ trình của Bộ Nội vụ có 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp, 11 đơn vị giữ nguyên.

Trong đó, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là 2 địa phương trong số 52 đơn vị thuộc diện sáp nhập tỉnh, thành. 

Chiều ngày 29/3, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam. Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề xuất, kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương triển khai một số nội dung nhằm tạo cơ chế, động lực tiếp tục phát triển thành phố Đà Nẵng thời gian tới.

Về việc sáp nhập, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị cho phép thành phố Đà Nẵng (sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam thành đơn vị hành chính mới) được tiếp tục kế thừa toàn bộ định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/202 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Các quy hoạch được phê duyệt giữa hai địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.

Hai địa phương từng có hơn 20 năm sáp nhập là 1 sẽ tái hợp thành vùng đất "Quảng Đà" trong năm nay?- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nêu những đề xuất, kiến nghị khi sáp nhập 2 địa phương - Ảnh: VGP/Minh Trang

Liên quan đến vấn đề phát triển không gian đô thị sau khi sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Trung ương thống nhất chủ trương cho đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện tích khoảng 15.000 ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, là đô thị trọng điểm của khu vực. Thống nhất chủ trương cho đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ thành phố Đà Nẵng vào Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía nam của tỉnh Quảng Nam.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tỉnh hiện có 6 huyện miền núi cao, 71 xã nghèo (trong đó có 14 xã biên giới giáp với huyện Sekong, Lào), đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ phức tạp, thường xuyên. Vì vậy, để giảm khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bằng và miền núi sau sáp nhập, đề nghị Trung ương cho chủ trương xây dựng Đề án áp dụng các cơ chế đặc thù để phát triển khu vực miền núi.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu một số gợi ý, định hướng xây dựng Đà Nẵng-Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

“Có thể nói rằng việc sáp nhập 2 địa phương là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, mang trong mình sức mạnh quốc gia trong thời đại mới. Chúng ta cần phát huy thế mạnh 2 bên, cùng quy hoạch, phát triển với tầm nhìn mới, để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

2 địa phương từng có những lần sáp nhập, chia tách trong lịch sử

Trước khi có thông tin sáp nhập TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, 2 địa phương này trong lịch sử đã từng "là một". Cụ thể, theo Cổng TTĐT TP Đà Nẵng, có nêu, giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền.

Đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng.

Sau khi xâm chiếm toàn bộ đất nước ta vào năm 1889, thực dân Pháp đã tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.

Đến năm 1975, khi hòa bình lập lại, Đà Nẵng lúc này là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau 1986.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ngày 6/11/1996 đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

Hai địa phương từng có hơn 20 năm sáp nhập là 1 sẽ tái hợp thành vùng đất "Quảng Đà" trong năm nay?- Ảnh 2.

Khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao - Ảnh: Báo Đà Nẵng

Cả Đà Nẵng và Quảng Nam, sau khi chia tách tỉnh năm 1997, đã có những bước phát triển đột phá, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt Đà Nẵng đã nổi bật trên bản đồ Việt Nam về sự thay đổi hạ tầng, trở thành đô thị kiểu mẫu của cả nước và khu vực.

Chia sẻ về vấn đề sáp nhập 2 địa phương này trên báo Lao Động hôm 21/2/2025, ông Nguyễn Sự (nguyên lãnh đạo Hội An) cho rằng Quảng Nam và Đà Nẵng "là một", đó là sự đồng nhất về văn hóa, lịch sử, cùng điều kiện kinh tế xã hội như nhau. Ở mỗi thời điểm lịch sử, do các điều kiện kinh tế xã hội mà nhận thức khác nhau, nên có những ứng xử không giống nhau. Theo ông, thời điểm năm 1997, chia tách tỉnh là hợp lý và bây giờ, sáp nhập là cần thiết.

Cụ thể hơn, ông Sự cho rằng Đà Nẵng hiện còn quá ít dư địa để phát triển bởi mới xấp xỉ 1 triệu dân, muốn trở thành siêu đô thị, đô thị này cần có 4 - 5 triệu dân. Sinh đẻ tự nhiên sẽ rất lâu, còn tăng cơ học gây bế tắc về công ăn việc làm, nhà cửa cư trú và hạ tầng đô thị, dịch vụ xã hội.

Địa phương này đã kẹt xe, thiếu nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, quá tải bãi rác nếu tăng dân số đột ngột, không chỉ quá tải trường học, bệnh viện, hạ tầng đô thị mà rừng, biển tiếp tục bị xâm hại, ruộng vườn, sông suối sẽ bị san lấp, xây nhà.

Trong khi đó, Quảng Nam muốn vươn lên thành một đô thị mới, ngang tầm Đà Nẵng cũng không thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn mở rộng sân bay, bến cảng, lấp ruộng làm đường, xây khu đô thị mới. Nhưng nếu sáp nhập 2 địa phương lại như xưa, những bế tắc này sẽ có thể được giải quyết, bổ sung cho nhau.

Bạn đang đọc bài viết "Hai địa phương từng có hơn 20 năm sáp nhập là 1 sẽ tái hợp thành vùng đất "Quảng Đà" trong năm nay?" tại chuyên mục Tin tức. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.