Thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang EU sau khi gia nhập EVFTA

31/12/2024 04:11

Chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn. Thực tiễn triển khai 3 năm qua cho thấy, EVFTA đã có tác động tích cực với thương mại hai chiều, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Bài viết khái quát thực trạng x...

Từ khóa: xuất khẩu, EVFTA, EU, quy tắc xuất xứ

Summary

Officially taking effect from August 1, 2020, the Vietnam - EU Free Trade Agreement (EVFTA) marks an important milestone on the 30-year journey of cooperation and development between Vietnam and the European Union (EU), opening a new and promising period for the comprehensive partnership to become more in-depth, practical, and effective. Practical implementation over the past 3 years shows that EVFTA has had a positive impact on two-way trade, especially Vietnam's exports to the EU. The article summarizes the current situation of Vietnam's exports to the EU after the EVFTA taking effect, thereby proposing some solutions to promote exports and increase efficiency in taking advantages from EVFTA.

Keywords: export, EVFTA, EU, rules of origin

GIỚI THIỆU

EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, do vậy, lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay. Thực tế cho thấy, sau hơn 3 năm thực thi EVFTA (từ ngày 01/8/2020 đến nay), Việt Nam đã xuất khẩu sang EU khoảng trên 120 tỷ USD hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp cũng gặp phải một số thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, nguy cơ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, có thể khiến họ khó hưởng lợi từ EVFTA.

THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU VIỆT NAM SANG EU SAU KHI VIỆT NAM GIA NHẬP EVFTA

Kết quả đạt được

Báo cáo “Việt Nam sau hai năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Viện FNF dựa trên kết quả khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên cả nước và nghiên cứu rà soát đánh giá các văn bản pháp luật thực thi EVFTA trong các năm 2020-2022 cho thấy, về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU 2 năm đầu thực thi (từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Còn nếu tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU khoảng trên 120 tỷ USD hàng hóa (An Châu, 2023).

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, các năm 2021-2022, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, song xuất khẩu sang EU vẫn bứt phá so với giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập EVFTA (2016-2019) với mức tăng trưởng lần lượt là 14,1% và 16,7% (Bảng).

Báo cáo “Việt Nam sau hai năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” cũng cho biết, tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022. Lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất - nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.

Bảng: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU giai đoạn 2016-2021

Năm

Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU(27)

Trị giá xuất khẩu (tỷ USD)

Tăng trưởng (%)

2016

29,11

10,73

2017

32,92

13,09

2018

36,01

9,39

2019

35,79

-0,61

2020

35,14

-1,82

2021

40,12

14,1

2022

46,83

16,7

Nguồn: Các Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016-2021 của Bộ Công Thương

Nhìn chung, sau khi EVFTA đi vào thực thi, đến năm 2023, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào Liên minh này. Đồng thời, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (An Trần, 2023). Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa. Một số mặt hàng tăng trưởng cao, như: cà phê tăng 54%, thủy sản tăng gần 42%, dệt may tăng 41%, giày dép tăng 36%, máy móc và thiết bị tăng 35%, hồ tiêu tăng 25%, gạo tăng 22%, rau quả tăng 18%… (An Hòa, 2023). Ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vào EU là thủy sản, gạo, các sản phẩm trồng trọt, rau quả đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Các lợi ích từ xuất xứ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp cho các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EU có cơ hội gia tăng thương hiệu và giá trị sản phẩm. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông sản của các nước ở châu Á (vì có nhiều mặt hàng tương đồng), đặc biệt với hai thị trường nông sản lớn là Thái Lan và Trung Quốc, do chưa có FTA với EU.

Một số khó khăn, thách thức

Bên cạnh những thuận lợi nói trên, hàng hóa Việt Nam khi thâm nhập thị trường EU cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra các lực cản có thể khiến họ khó hưởng lợi từ EVFTA và các FTA. Đáng kể nhất là các biến động và bất định của thị trường (47% doanh nghiệp đề cập), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức tận dụng (40%) (VCCI, 2022). Cụ thể, một số khó khăn, thách thức khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU như sau:

Thứ nhất, EU là một thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý sản phẩm của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn…

Thực tế, EVFTA không có nhiều cam kết mới về các biện pháp phi thuế, như: các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT). Trong khi đó, những biện pháp này mới được coi là rào cản khó khăn nhất đối với nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường. Hầu hết các cam kết về SPS và TBT trong EVFTA đều chỉ khẳng định lại các nghĩa vụ theo Hiệp định SPS và TBT của WTO. Do đó, EVFTA không giúp hạn chế các rào cản phi thuế của EU với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Thứ hai, so với các FTA mà Việt Nam đang thực thi, quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA được đánh giá là chặt chẽ hơn khi tiêu chí xuất xứ hàng hóa áp dụng chủ yếu là xuất xứ thuần tuý.

Thứ ba, khó khăn từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tiếp cận thị trường EU. Nguyên nhân của thực trạng này là do năng lực nội tại về vốn, con người… của các doanh nghiệp xuất khẩu còn hạn chế. Các nhà sản xuất, xuất khẩu thường thiếu thông tin và hướng dẫn về những quy định của EU, trong khi các quy định này thường xuyên được thay đổi. Từ đó, thời gian các doanh nghiệp có được để đáp ứng các yêu cầu về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đã bị giảm đáng kể, dẫn đến tăng chi phí hoặc có thể hạn chế khả năng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường EU cũng chưa triển khai được tại tất cả các nước thành viên và phần nào chưa đi sâu vào đối tượng thụ hưởng.

Thứ tư, vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức, trong khi đó, đây là nội dung được EU đặt lên hàng đầu. Tương tự như vậy, một số doanh nghiệp mới chỉ chú trọng tới số lượng xuất khẩu, chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam còn gặp khó khăn do chi phí logictics trong xuất khẩu còn cao và chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực, như: Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Brazil...

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để khai thác tối đa lợi ích từ EVFTA trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU, tác giả đưa ra một số khuyến nghị sau:

Về phía Nhà nước

Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán các cam kết, trong đó có cân nhắc thực hiện một số điều chỉnh chính sách cao hơn cam kết nếu thực sự cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Đồng thời, rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác.

Thứ ba, Chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể để đưa ra những định hướng, kế hoạch, lộ trình cho các bộ, ngành và địa phương nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời các cam kết của EVFTA; xây dựng những cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ những ngành hàng chịu sức ép cạnh tranh lớn khi thực thi Hiệp định; xây dựng những chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam.

Thứ tư, cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các kênh hệ thống thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia, hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu.

Thứ năm, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa về thông tin thương mại EU thông qua phát triển hệ thống thông tin thị trường; tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp, hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng nông sản khu vực EU. Tăng cường công tác cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với xuất khẩu.

Thứ sáu, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tập trung triển xử lý vấn đề kết nối cho doanh nghiệp thông qua cập nhật và nâng cấp Cổng thông tin FTA (FTAP). Đồng thời, triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố thông qua Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các FTA hàng năm của các địa phương (FTA Index), bộ chỉ số này dự kiến sẽ được công bố vào đầu năm 2024. Bên cạnh đó, đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội, xây dựng các video ngắn, tập trung sâu hơn vào các khóa tập huấn, hội thảo ngắn chuyên đề thiết thực với doanh nghiệp, đặc biệt có các chương trình tập huấn dành cho các CEO, chủ doanh nghiệp; thúc đẩy các giải pháp cụ thể, như: triển khai tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

Về phía doanh nghiệp

Để vượt qua những khó khăn đó và phát huy tối đa lợi ích từ EVFTA, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về hướng dẫn của Hiệp định, các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU; nghiên cứu kỹ thị trường EU, thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân để cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm; tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh/nhà phân phối hàng hóa tại EU, đặc biệt là các kênh thương mại điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trên trường quốc tế về các yếu tố: nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ và minh bạch thông tin.

Các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững...

Đặc biệt, cần chú trọng "xanh hóa doanh nghiệp" để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững của EU là một xu thế chung tất yếu. Nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, bền vững mà EU áp đặt sẽ có nhiều cơ hội tận dụng những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA./.

Tài liệu tham khảo

1. An Châu (2023), Việt Nam được lợi gì sau 3 năm thực thi EVFTA, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/3-nam-thuc-thi-evfta-con-nhieu-du-dia-de-hang-viet-tham-nhap-thi-truong-eu.html.

2. An Hòa (2023), Muốn tiếp cận thị trường EU, doanh nghiệp phải theo xu hướng "xanh và bền vững", truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta/muon-tiep-can-thi-truong-eu-doanh-nghiep-phai-theo-xu-huong-xanh-va-ben-vung-.html.

3. An Trần (2023), Thương mại Việt Nam - EU 9 tháng đạt 44 tỷ USD, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/hiep-dinh-evfta/thuong-mai-viet-nam-eu-9-thang-dat-44-ty-usd.html.

4. Bộ Công Thương (2016-2021), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam các năm, từ năm 2016 đến năm 2021.

5. Trung tâm WTO và Hội nhập- VCCI (2022), Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp”.

Đỗ Thị Ngân

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)

Bạn đang đọc bài viết "Thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang EU sau khi gia nhập EVFTA" tại chuyên mục Bài báo khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.