Cơ chế đảm bảo lợi ích cho người lao động trong các khu công nghiệp ở Việt Nam

31/12/2024 04:30

Đảm bảo lợi ích kinh tế cho người lao động (NLĐ) là chủ đề được quan tâm nhiều nhất trong hoạt động đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ trong các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù trong những năm vừa qua, hoạt động xây dựng và hoàn thiện cơ chế đảm bảo lợi ích kinh tế của NLĐ ở các KCN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần giải pháp tháo gỡ.

Từ khóa: cơ chế, đảm bảo lợi ích, người lao động, khu công nghiệp

Summary

Ensuring economic benefits for workers is the matter of most concern in the activities to ensure legitimate rights and benefits for workers in industrial parks in Vietnam today. Although many achievements in building and perfecting the mechanism to ensure economic benefits for workers have been achieved in recent years, there remain many limitations that need to be solved.

Keywords: mechanism, ensuring benefits, workers, industrial parks

GIỚI THIỆU

Ở nước ta, sự phát triển các KCN đã thu hút được một lượng lớn NLĐ vào làm việc. Các KCN đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, thông qua việc thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội; gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến NLĐ ở các KCN, trong đó có vấn đề đảm bảo lợi ích kinh tế, như: thu nhập, tiền lương, phúc lợi, điều kiện nhà ở, nơi làm việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, điều kiện sinh hoạt… cần được quan tâm giải quyết.

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của lợi ích kinh tế đối với NLĐ nói riêng, với các DN và xã hội nói chung, những năm qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã luôn chú trọng quan tâm tới việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế bảo đảm lợi ích kinh tế của NLĐ tại các KCN. Những cơ chế này được coi là hành lang pháp lý, ràng buộc các chủ thể trong quan hệ lao động phải thực thi nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế cho NLĐ.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN CƠ CHẾ ĐẢM BẢO LỢI ÍCH KINH TẾ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết năm 2023, cả nước đã có 416 KCN đã thành lập, trong đó, có 296 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha.

Còn theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn cả nước (Lê Văn Lân, 2023).

Nhằm giải quyết lợi ích kinh tế của NLĐ trong các DN nói chung, trong các DN ở KCN nói riêng, thực chất là giải quyết mối quan hệ lợi ích kinh tế giữa NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Đề cập đến cơ chế bảo đảm lợi ích kinh tế của NLĐ trong các DN là đề cập đến những quy định, quy trình, thủ tục tác động, ràng buộc đến các chủ thể để lợi ích kinh tế của NLĐ được thực hiện. Trong quá trình hoạt động của DN, những yếu tố có tính chất tác động, ràng buộc NSDLĐ thực hiện đảm bảo lợi ích kinh tế của NLĐ bao gồm: pháp luật của Nhà nước, quy định của DN, và hoạt động của tổ chức công đoàn. Trong đó, pháp luật của Nhà nước đóng vai trò hành lang pháp lý và là cơ sở điều chỉnh hành vi của các chủ thể; các quy định, chính sách của DN về tiền lương, phúc lợi là căn cứ, cơ sở trực tiếp đảm bảo lợi ích kinh tế cho NLĐ; công đoàn với vai trò là cơ quan giám sát, đại diện cho tiếng nói của NLĐ, yêu cầu NSDLĐ tôn trọng và thực hiện đúng quy định pháp luật lao động về đảm bảo lợi ích kinh tế cho NLĐ.

Trong những năm qua, cơ chế chính sách của Nhà nước về đảm bảo lợi ích kinh tế cho NLĐ đã đạt được những kết quả chủ yếu như sau:

Thứ nhất, đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành hệ thống chính sách, pháp luật về lao động. Bộ luật Lao động năm 2019 đánh dấu bước phát triển quan trọng của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực lao động, trong đó đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về lao động. Ngoài ra, quá trình thực hiện lợi ích kinh tế của NLĐ còn bị ràng buộc bởi các luật, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật An toàn vệ sinh lao động; Luật Việc làm, Luật Công đoàn. Hiện nay, Quốc hội đang hướng tới xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu, Luật Quan hệ lao động để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.

Thứ hai, công tác quản lý nhà nước về lao động nói chung và đảm bảo lợi ích kinh tế cho NLĐ nói riêng tiếp tục được tăng cường bằng việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi luật pháp và các chính sách có liên quan đến lợi ích kinh tế của NLĐ trong các DN tại các KCN.

Thứ ba, hệ thống chính sách về tiền lương được ban hành và áp dụng trong thực tiễn đã góp phần tăng thêm thu nhập. Sự điều chỉnh mặt bằng lương tối thiểu của Nhà nước, mức tăng tiền lương trên thị trường lao động cũng như việc cạnh tranh nguồn nhân lực giữa các DN ngành, nghề đã dẫn đến việc các DN phải điều chỉnh mức tiền lương thỏa thuận với NLĐ. Cùng với việc điều chỉnh tiền lương, nhiều DN còn hỗ trợ tiền đi lại, nhà ở, gửi trẻ... cho NLĐ, nhiều DN xây dựng nhà ở cho NLĐ.

Thứ tư, quy định của Nhà nước về phúc lợi DN tạo ràng buộc các DN trong việc xây dựng quy chế, quy định nội bộ điều tiết việc phân bổ phúc lợi DN. Việc trích lập quỹ phúc lợi DN và chế độ ưu đãi thuế trong việc trích lập quỹ phúc lợi được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (năm 2008) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (năm 2013). Ngoài ra, còn được quy định tại một số văn bản, như: Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí; Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập…

Đa số các DN trong các KCN hiện nay đã xây dựng và ban hành hệ thống quy chế, quy định điều tiết phân bổ phúc lợi cũng như các hoạt động khác liên quan đến quyền lợi của NLĐ như nội quy lao động, quy chế tuyển dụng, sử dụng lao động, quy chế trả lương, trả thưởng, nâng lương, phúc lợi tập thể, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ, thi đua, khen thưởng, kỷ luật và các quy chế, quy định nội bộ khác liên quan đến NLĐ.

Thứ năm, vai trò của tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong việc đại diện kiến nghị yêu cầu NSDLĐ tôn trọng và thực hiện đúng quy định pháp luật lao động ở nhiều nơi được khẳng định góp phần đảm bảo lợi ích kinh tế của NLĐ. Các hoạt động của công đoàn đảm bảo lợi ích kinh tế của NLĐ trong các KCN tập trung vào các hoạt động cụ thể, như: lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai hướng dẫn chế độ chính sách đối với NLĐ; hỗ trợ hoàn thiện về chính sách tiền lương và thưởng của DN; tổ chức cho công nhân lao động về quê đón Tết; trao hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động...

MỘT SỐ TỒN TẠI TRONG CƠ CHẾ ĐẢM BẢO LỢI ÍCH KINH TẾ CHO NLĐ

Thể chế quản lý phúc lợi DN ở nước ta còn đơn giản, chủ yếu là các quy định mang tính tùy nghi, khuyến nghị, ít chế tài. Chưa có những quy định khung về sử dụng phúc lợi DN. Còn có những quy định mâu thuẫn, bất hợp lý về trích lập phúc lợi DN đối với các loại hình DN. Chưa cập nhật những nội dung phổ biến về phúc lợi DN theo thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng (ngành Lao động, Thương binh và Xã hội) chưa có nhiều tác động điều chỉnh các vi phạm của doanh nghiệp trong bảo đảm phúc lợi cho NLĐ.

Trong khi đó, hiện nay, các DN thực hiện phúc lợi khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một số DN chưa cung cấp các phúc lợi cơ bản và tối thiểu, thậm chí còn trì hoãn trả lương cho NLĐ và trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, nhiều DN triển khai hệ thống phúc lợi thường xuyên, không chỉ đảm bảo các quyền lợi cơ bản cho nhân viên mà còn cung cấp một số phúc lợi nâng cao. Mức chi phúc lợi của mỗi DN cũng phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. DN càng phát triển và hoạt động hiệu quả, thì hệ thống phúc lợi xã hội càng an toàn, chuẩn mực; ngược lại, DN sản xuất, kinh doanh không ổn định, lợi nhuận thấp hoặc không có sẽ không có nguồn vốn để lập quỹ và thực hiện hợp pháp hóa DN.

Đặc biệt, cơ sở phúc lợi xã hội trong KCN còn rất hạn chế. Các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá công nhân còn thiếu, nên hầu hết công nhân lao động phải thuê nhà tại các khu nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng gần các KCN[1]. Mô hình nhà trọ này rất đa dạng, song pháp luật chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, nên chất lượng thường không đồng đều, chật hẹp, thiếu nước sạch, môi trường ô nhiễm, giá thuê trọ cao, không có hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật kèm theo, dẫn đến không đảm bảo chất lượng sống của NLĐ.

Một nhân tố có vai trò quan trọng trong thực hiện phúc lợi cho NLĐ là NSDLĐ. Nếu NSDLĐ là người có tinh thần trách nhiệm, có tầm nhìn xa, hiểu biết pháp luật, hiểu đúng vai trò của NLĐ đối với sự phát triển của DN, thường có ý thức chấp hành phúc lợi DN như một công cụ thúc đẩy, động viên, khuyến khích NLĐ làm việc vì sự phát triển bền vững của DN. Ngoài ra, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng về lao động, tiền lương, nhằm chấn chỉnh, uốn nắn những sai phạm, đưa việc thực hiện phúc lợi ở mỗi DN vào nền nếp, theo quy định pháp luật cũng tác động không nhỏ đến thực thi phúc lợi DN.

Xét theo loại hình DN, các DN nhà nước thực hiện khá tốt và thường xuyên chế độ phúc lợi; bảo đảm cho NLĐ những phúc lợi cơ bản, tối thiểu. Các DN FDI đa số cũng thực hiện được những phúc lợi cơ bản, tối thiểu. Một số DN có uy tín, thương hiệu có chế độ phúc lợi đa dạng, phong phú, bao gồm cả những phúc lợi nâng cao, thông qua đó, động viên, khuyến khích và giữ chân lao động, nhất là lao động lãnh đạo, quản lý, lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có những DN mà ngay cả những quyền lợi cơ bản, tối thiểu của NLĐ cũng không thực hiện, chưa nói đến những phúc lợi cho NLĐ (Nguyễn Phúc Kha, 2021).

Công đoàn - tổ chức đại diện của NLĐ trong DN cũng có vai trò quan trọng. Nơi nào công đoàn cơ sở hoạt động tích cực, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong đàm phán, thương thảo, thuyết phục lãnh đạo, quản lý DN ký kết thỏa ước lao động với các điều khoản cụ thể, nơi đó, phúc lợi DN được thực hiện nền nếp. Tuy nhiên, hoạt động công đoàn cơ sở trong nhiều DN còn hạn chế, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: thiếu cán bộ công đoàn chuyên trách, năng lực cán bộ công đoàn còn hạn chế, phụ thuộc vào lãnh đạo DN… làm giảm khả năng bảo vệ lợi ích kinh tế cho NLĐ.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm hoàn thiện cơ chế đảm bảo lợi ích kinh tế cho NLĐ tại các KCN, theo tác giả, cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ thể chế quản lý phúc lợi DN. Do đó, cần xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý phúc lợi DN theo hướng: (i) Quy định việc bắt buộc trích lập và thực hiện phúc lợi tối thiểu đối với các DN thuộc các thành phần kinh tế và ban hành hướng dẫn chung về sử dụng quỹ phúc lợi tối thiểu bắt buộc này đối với các DN; (ii) Bên cạnh quỹ phúc lợi tối thiểu bắt buộc, khuyến khích các DN trích lập và thực hiện các phúc lợi nâng cao. Nhà nước không can thiệp vào việc sử dụng phúc lợi nâng cao, các DN được quyền sử dụng theo định hướng, tầm nhìn và ưu tiên của DN. Tuy nhiên, cần xác lập ngưỡng tối đa trích lập quỹ phúc lợi để phòng ngừa việc lợi dụng trích lập quỹ phúc lợi để trốn thuế thu nhập DN.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý DN trong thực hiện phúc lợi DN. Chế độ phúc lợi DN phụ thuộc nhiều vào nhận thức, ý chí, thái độ của người lãnh đạo, quản lý, sử dụng lao động. Để tăng khả năng cạnh tranh bền vững trên thị trường hiện nay, các DN phải quan tâm đến chính sách phúc lợi trong DN của mình. Đưa ra được những phúc lợi hiệu quả sẽ tác động không nhỏ đến thành công của cả DN. Chăm lo cho NLĐ là một biện pháp mà các nhà quản lý hướng tới để xây dựng DN phát triển bền vững. DN thực hiện tốt phúc lợi cho NLĐ sẽ tạo ra nền tảng phát huy nội lực cho sự phát triển, như thái độ, tinh thần trách nhiệm, sáng kiến và sự tận tâm của NLĐ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DN. Để nâng cao nhận thức, thái độ đúng đắn của người lãnh đạo, quản lý, sử dụng lao động về thực hiện phúc lợi ở DN, cần tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của phúc lợi DN đối với sự hình thành văn hóa DN, động viên, khuyến khích NLĐ tích cực đóng góp cho sự phát triển DN. Tuyên truyền, vận động để người lãnh đạo, quản lý, sử dụng lao động thấy rõ mối quan hệ giữa phúc lợi ở DN với trách nhiệm xã hội của DN. Ngày càng làm tốt trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng cũng là một tiêu chí đánh giá uy tín, thương hiệu của DN.

Ba là, phát huy vai trò tổ chức đại diện NLĐ trong DN. Để người lãnh đạo quản lý, sử dụng lao động thực hiện tốt chế độ phúc lợi cho NLĐ, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, còn cần phải có những “sức ép” cần thiết. Đó là dư luận xã hội, truyền thông, sự quản lý từ các cơ quan quản lý nhà nước thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và đặc biệt là phát huy vai trò của tổ chức công đoàn. Trong nền kinh tế thị trường, công đoàn phải thể hiện vai trò của mình, tập trung nỗ lực thương lượng, thuyết phục, bảo đảm phúc lợi, lợi ích cho NLĐ. Đối thoại, thương lượng, thuyết phục để cùng với NSDLĐ phân phối lại hợp lý lợi ích - thành quả mà cả hai bên cùng đóng góp mang lại; xác định được điểm cân bằng về lợi ích, bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa NLĐ và NSDLĐ. NLĐ có việc làm, thu nhập và các quyền lợi liên quan, NSDLĐ có lợi nhuận và sự phát triển của DN. Những nội dung thương lượng và đạt thỏa thuận phải được ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể mà công đoàn, đại diện cho tập thể NLĐ, ký kết với NSDLĐ và cả hai bên có trách nhiệm chấp hành./.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Văn Lân (2023), Nâng cao đời sống người lao động tại các khu công nghiệp, truy cập từ https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/nang-cao-doi-song-nguoi-lao-dong-tai-cac-khu-cong-nghiep-19950.

2. Nguyễn Hằng (2024), Năm 2023 các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/nam-2023-cac-khu-cong-nghiep-khu-kinh-te-viet-nam-phat-trien-manh-me-28005.html.

3. Nguyễn Đức Kha (2021), Phúc lợi đối với người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/821541/phuc-loi-doi-voi-nguoi-lao-dong-trong-cac-doanh-nghiep-o-viet-nam--thuc-trang-va-giai-phap.aspx.

4. Quốc hội (2019), Bộ luật Lao động, số 45/2019/QH14, ngày 20/11/2019.

5. Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo tại Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XIX, ngày 9/12/12/2023 tại tỉnh Bắc Giang.

Trần Thị Lý - Trường Đại học Dân lập Phương Đông

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)


[1] https://laodongcongdoan.vn/cham-lo-phuc-loi-xa-hoi-ve-nha-o-cho-cong-nhan-nguoi-lao-dong-71859.html

Bạn đang đọc bài viết "Cơ chế đảm bảo lợi ích cho người lao động trong các khu công nghiệp ở Việt Nam" tại chuyên mục Bài báo khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.