* Ông Khuất Quang Hưng (giám đốc đối ngoại và truyền thông Nestlé Việt Nam):
Chậm chuyển đổi sẽ khó gia nhập thị trường quốc tế
Với các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, việc đáp ứng các quy định ngày càng khắt khe về môi trường, xã hội, quản trị (ESG) là yêu cầu bắt buộc.
Thời gian gần đây, chúng ta nhắc nhiều đến Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) áp cho sản phẩm của một số ngành sản xuất công nghiệp có phát thải cao như: sắt, thép, nhôm, phân bón, điện, hay vào tháng 6-2023 EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR)...
Nếu doanh nghiệp không chủ động chuyển đổi để đáp ứng những quy định khắt khe này sẽ khó có thể tham gia vào thị trường quốc tế.
* Ông Phạm Phú Ngọc Trai (chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì VN-PRO Việt Nam):
Chủ động sản xuất xanh
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp thành viên của PRO Việt Nam đã chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh với các sáng kiến cụ thể như đổi mới trong thiết kế bao bì cho dễ thu gom tái chế, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hay tăng cường tỉ lệ vật liệu tái chế trong sản phẩm.
Nhiều thành viên của PRO Việt Nam cũng tiên phong đưa chai nhựa tái chế (rPET) vào sản phẩm, góp phần giảm thiểu việc sử dụng nhựa nguyên sinh...
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm phát thải, tiết kiệm nước và năng lượng, góp phần xây dựng mô hình sản xuất bền vững, phát triển bao bì có thể tái chế 100%...
Những nỗ lực này cho thấy doanh nghiệp không chỉ thích ứng với các yêu cầu môi trường ngày càng khắt khe mà còn chủ động tạo ra sự thay đổi từ sớm, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
* Ông Phạm Hồng Hải (tổng giám đốc OCB):
Cần hoàn thiện khung pháp lý cho ESG
Việc hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến ESG (môi trường, xã hội và quản trị) hết sức quan trọng vì doanh nghiệp biết được các chuẩn mực nào cần tuân thủ, tránh tốn nhiều nguồn lực để xây dựng chuẩn mực nhưng lại không đáp ứng, tuân thủ chuẩn mực của quốc gia.
Dù doanh nghiệp phải tốn chi phí đầu tư thêm nhưng xét ở trung và dài hạn, việc theo đuổi chiến lược ESG sẽ giúp tiết giảm chi phí do toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp sẽ nhắm đến việc phát triển bền vững, giảm thiểu các tác động xấu lên môi trường dẫn đến các sáng kiến tiết kiệm năng lượng, tài nguyên...
Việc áp dụng ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng các đối tác, tạo ra cơ hội kinh doanh mới...