'Rau sạch' trong siêu thị: Đến người bán cũng không biết sạch thật hay không

28/12/2024 12:13

Thực phẩm gắn mác "sạch", "hữu cơ"...được bán tràn lan với giá đắt hơn ngoài chợ, nhưng để kiểm chứng chất lượng thì không chỉ người mua mà người bán cũng bó tay.

Quảng cáo rau sạch nhưng bán loại hết date

Vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất độc hại bị phát hiện tại cửa hàng Bách Hóa Xanh Đăk Lăk đang gây bất bình trong dư luận. Mỗi ngày, chuỗi cửa hàng này nhập 350kg - 400kg giá đỗ gắn nhãn mác "Vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản" mà không biết đó là hàng "bẩn" đội lốt lừa dối người tiêu dùng. Đến lúc công an phanh phui sự thật, cửa hàng mới biết, vội vã thu hồi toàn bộ sản phẩm và kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp trên toàn hệ thống.

Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu có tin được các sản phẩm gắn mác vì sức khoẻ người tiêu dùng và sản phẩm organic đang bán tại những siêu thị tiếng tăm? Quy trình nhập và kiểm tra chất lượng thực phẩm sạch của các siêu thị thế nào để thực sự không đưa sản phẩm bẩn đội lốt hàng sạch đến tay người tiêu dùng?

'Rau sạch' trong siêu thị: Đến người bán cũng không biết sạch thật hay không- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất độc hại cung cấp cho cửa hàng thực phẩm sạch. (Ảnh: CACC)

PV Báo điện tử VTC News đặt câu hỏi này với đại diện nhiều hệ thống siêu thị lớn nhưng tất cả đều từ chối trả lời và chỉ khẳng định chung chung: “ Thực phẩm sạch chúng tôi nhập về đều có giấy chứng nhận về chất lượng” . Tuy nhiên, giấy chứng nhận ấy ở đâu, có được công khai với khách hàng không thì không ai biết.

Sáng 27/12, khảo sát các cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên phố Lạc Trung, Minh Khai, Dương Văn Bé, Lê Thanh Nghị...(quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), PV ghi nhận loạt thực phẩm được gắn mác "hữu cơ", rau sạch" đồng nghĩa với việc không hóa chất, không chất bảo quản…được bày bán trên các kệ hàng.

Tuy nhiên, khi PV thắc mắc làm sao để biết đó là sản phẩm sạch và cửa hàng sau khi nhập sản phẩm về có cách nào để kiểm tra lại trước khi bán cho người tiêu dùng hay không, nhiều nhân viên cho biết: “Bên công ty sẽ phụ trách khâu nhập và kiểm tra chất lượng hàng hóa, còn các cửa hàng chỉ có nhiệm vụ bán và không quan tâm nhiều đến vấn đề này".

Bạn này cũng thừa nhận toàn bộ đội ngũ nhân viên của cửa hàng chỉ biết "có gì bán nấy" và không thể giải đáp hay chứng minh bất cứ điều gì về chất lượng, độ an toàn của những thực phẩm được bày bán.

"Theo thông tin từ trước đến nay chúng em được biết và truyền tai nhau là các sản phẩm đã được đơn vị cung cấp cam kết về chất lượng, độ sạch và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn”, nhân viên lúng túng chống chế.

Nhưng khi quan sát kỹ, phóng viên thấy 1 hộp sản phẩm "salad baby" được dán mác giảm giá 15% so với các sản phẩm cùng loại khác. Thắc mắc nguyên nhân thì được nhân viên bán hàng giải thích do sản phẩm này đã héo nên cửa hàng có chính sách giảm giá 15% so với các hộp còn tươi mới.

Đáng nói là không chỉ héo úa, kém tươi ngon, sản phẩm này còn quá hạn sử dụng. Thông tin được ghi rõ ngày đóng gói 20/12/2024, hạn sử dụng là 5 ngày. Như vậy, tính đến thời điểm khảo sát, sản phẩm trên đã quá 2 ngày so với khuyến cáo. Thế nhưng cửa hàng không hủy bỏ sản phẩm này mà tiếp tục bán với chính sách giảm giá, nhằm thu hút những khách hàng chuộng sản phẩm "ngon, bổ, rẻ".

'Rau sạch' trong siêu thị: Đến người bán cũng không biết sạch thật hay không- Ảnh 2.

Sản phẩm quá hạn sử dụng vẫn được bán và giảm giá 15%. (Ảnh: Thành Lâm)

PV tiếp tục khảo sát một cửa hàng khác, bên trong giới thiệu 100% là sản phẩm nhập khẩu với chất lượng sạch. Tuy nhiên, khi hỏi làm sao để chứng minh được điều đó, nhân viên chỉ cho biết, khách hàng có thể tự kiểm tra mã tem được dán trên sản phẩm để kiểm tra nguồn gốc. Còn những giấy tờ chứng minh chất lượng thì họ không nắm giữ và cũng không có thông tin.

Như vậy, có thể thấy khâu kiểm chứng chất lượng thực phẩm, lọc những sản phẩm sạch để phân bố đến những điểm bán trên thị trường phần lớn chỉ đang thực hiện nội bộ, không công khai cho người tiêu dùng được biết. Ngay cả nhiều cửa hàng khi được chuyển hàng đến cũng đang mù tịt, không kiểm soát được chất lượng sản phẩm có thực sự “sạch" không.

Đặc biệt, khi người tiêu dùng có nhu cầu kiểm chứng chất lượng thì cũng "khó như lên trời" vì không ai đáp ứng được. Hầu hết người mua chỉ biết chọn lựa theo cảm tính và không có cơ sở, tiêu chí nào để đối chiếu.

'Rau sạch' trong siêu thị: Đến người bán cũng không biết sạch thật hay không- Ảnh 3.

Nhiều người bán cũng không dám khẳng định về độ "sạch" của thực phẩm ở cửa hàng mình. (Ảnh minh họa)

Phó mặc người mua là thiếu trách nhiệm

Nhận định về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, đây là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, phó mặc người mua tự xoay xở với việc kiểm chứng chất lượng sản phẩm vốn được cửa hàng, siêu thị gắn sẵn mác "sạch", "organic"...

"Với lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng thì rất cần những bộ lọc làm việc trơn tru, hiệu quả. Chính vì tin vào các bộ lọc là siêu thị, chuỗi cửa hàng uy tín nên người tiêu dùng mới bỏ qua chợ truyền thống vốn lộn xộn, bát nháo, chấp nhận trả nhiều tiền hơn để được mua hàng sạch. Nhưng bây giờ ngay cả người bán cũng không dám khẳng định sản phẩm "sạch" hay "bẩn" thì chính là không tận tâm với người tiêu dùng, thậm chí có thể gọi là thiếu trách nhiệm" , chuyên gia Bùi Trinh nhận định.

Dẫn chứng về vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất ở Đăk Lăk, ông Trinh nói: " Ngoài sự gian dối của cơ sở cung cấp thì còn do Bách Hóa Xanh chủ quan, không tường tận, kiểm soát kỹ chất lượng sản phẩm mà chỉ tin vào giấy tờ doanh nghiệp cung cấp để chấp nhận đó là hàng sạch.

Theo tôi, các cửa hàng, siêu thị phải làm việc với đơn vị cung cấp, yêu cầu báo cáo quy trình sản xuất chi tiết, đồng thời thường xuyên kiểm tra trực tiếp tại nơi sản xuất sản phẩm để đảm bảo sạch, chất lượng đúng như cam kết.

Đó mới đúng vai trò của những nơi được coi là bộ lọc quan trọng trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Không thể tin tưởng hoàn toàn các cam kết của đơn vị sản xuất và cũng không thể phó mặc người tiêu dùng tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn hàng hóa của mình được”.

'Rau sạch' trong siêu thị: Đến người bán cũng không biết sạch thật hay không- Ảnh 4.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các cửa hàng, siêu thị phải thường xuyên kiểm tra trực tiếp tại nơi sản xuất sản phẩm để đảm bảo sạch, chất lượng đúng như cam kết. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, theo một chuyên gia khác, việc các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch khoán trắng chất lượng hàng hóa cho các đơn vị cung cấp, khi bị phát hiện sự cố mới dừng nhập hàng, kiểm tra lại sản phẩm là điều không thể thông cảm.

“Anh là người kinh doanh thực phẩm sạch, đưa thực phẩm đến tay người mua, anh quảng cáo và cam kết với người dân. Người dân vì thế tin tưởng anh, chỉ biết anh là người bán, là người đã thẩm định chất lượng sản phẩm và không quan tâm ai là nhà cung cấp. Vì thế, việc sản phẩm độc hại vẫn đội lốt “sạch” và bán trong siêu thị hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của đơn vị kinh doanh. Họ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của những người đã mua sản phẩm bẩn chỉ vì tin tưởng uy tín của họ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng tình với những quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói: “ Cái này thuộc về đạo đức kinh doanh. Người kinh doanh phải luôn ý thức đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Nhất là bán thực phẩm sạch thì phải luôn khẳng định, kiểm chứng được là nó sạch”.

Theo ông Thành, hiện nay cơ chế quản lý của chúng ta chưa thực sự chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh mới này, dù nó đang rất phát triển. Do đó, cần có những cơ chế thưởng phạt thật rõ ràng để quản lý các cơ sở này.

“Những hành vi này phải phạt thật nặng tay, khi đó, vì quyền lợi trực tiếp họ sẽ phải chú trọng vào các bước kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm bán cho khách hàng”, chuyên gia Võ Trí Thành khuyến cáo.

Trong khi đó, Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, bản thân ông và cộng đồng người tiêu dùng cả nước đều kinh hoàng trước việc một cơ sở sản xuất hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm chất hoá học cực độc để cung cấp ra thị trường, trong đó hàng trăm tấn cho cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch Bách hoá Xanh tại TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

“ Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kịch liệt lên án việc làm vô nhân tính này của cơ sở sản xuất và việc thiếu trách nhiệm của cơ sở kinh doanh” , ông Trung nhấn mạnh.

Lãnh đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng thẳng thắn cho rằng, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch khi “khoán trắng” cho cơ sở sản xuất là việc làm vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành quy định rằng doanh nghiệp kinh doanh cũng phải chịu chất lượng hàng bán ra của mình, đặc biệt là hàng thực phẩm. Không thể chỉ tin vào giấy tờ cam kết của cơ sở sản xuất mà không qua kiểm nghiệm thực tế.

“ Rõ ràng để sự việc xảy ra, bị phát hiện kinh doanh hàng hoá không đảm bảo, cơ sở mới tá hỏa dừng cung cấp và đem vật mẫu đi kiểm tra, cho thấy sự thiếu trách nhiệm của cơ sở kinh doanh đối với mặt hàng thực phẩm này ”, ông Trung nhận định.

Theo ông Trung, người tiêu dùng phải mạnh dạn lên tiếng để bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi chính đáng của chính mình.

Đồng thời, cơ quan y tế cần sớm có cơ chế mạnh tay hơn để siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm gắn mác sạch. Có như vậy, thị trường thực phẩm sạch mới trở lên thực sự sạch, bảo vệ tốt hơn sức khỏe người tiêu dùng.

Bạn đang đọc bài viết "'Rau sạch' trong siêu thị: Đến người bán cũng không biết sạch thật hay không" tại chuyên mục Thị trường. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.