“Kinh tế học vì môi trường”: Hướng tới tương lai bền vững

05/01/2025 05:00

Cuốn sách “Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories” (tạm dịch: Kinh tế học tốt hơn cho trái đất: Bài học từ lý thuyết lượng tử và thông tin”) là một đóng góp nhỏ của tác giả Vương Quân Hoàng và Nguyễn Minh Hoàng (Trường Đại học Phenikaa) cho nghị sự về bền vững môi sinh toàn cầu. Quyển sách kết hợp lý thuyết lượng tử và thông tin để đề xuất các ý tưởng kinh tế đột phá, nhằm ứng phó với khủng hoảng môi trường và biến đổi khí hậu, hướng tới xây dựng một tr...

“Kinh tế học vì môi trường”: Hướng tới tương lai bền vững

Quyển sách “Better Economics for the Earth” trên Amazon US

Vừa qua, quyển sách giữ vị trí #7 trong hạng mục Science Essays & Commentary (tạm dịch: Tiểu luận và Bình luận Khoa học) trên Amazon, với điểm đánh giá 4.8/5 từ hơn 100 nhận xét của độc giả, phần lớn đều đến từ Hoa Kỳ. Những con số này phản ánh mối quan tâm ngày càng gia tăng của độc giả toàn cầu đối với vấn đề suy thoái môi trường và khủng hoảng khí hậu, đặc biệt sau kỳ bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ.

“Kinh tế học vì môi trường”: Hướng tới tương lai bền vững

Xếp hạng của quyển sách ngày 5/12/2024

Trong hai tháng gần đây, quyển sách đã đạt được gần 10,000 KENP từ Amazon, không tính số sách đã tiêu thụ. Khoảng 80% số đọc và tiêu thụ đến từ thị trường Hoa Kỳ. KENP là số trang có trả tiền đọc bởi khách hàng mượn sách từ Kindle Unlimited của Amazon.

Để đánh giá tác động của sách, các tác giả nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt đến số KENP, bởi con số này phản ánh trung thực và chính xác số lượng trang sách đã được đọc. 10,000 KENP là tương đương với việc 100 quyển đã được đọc toàn bộ. KENP cũng giúp khắc phục hạn chế của việc chỉ dựa vào số lượng sách tiêu thụ, bởi thực tế cho thấy nhiều sách được mua nhưng chưa chắc đã được đọc, hoặc chỉ một phần nhỏ nội dung được tiếp cận so với tổng thể cuốn sách. Khi nội dung sách chưa được đọc, tri thức không thể được xem là đã thực sự lan tỏa.

Chính vì vậy, số KENP có thể được hiểu như một thước đo cho sự lan tỏa thực sự của tri thức, sự trân trọng của người đọc dành cho nội dung quyển sách, và sâu xa hơn, là ý nghĩa lịch sử của tri thức, bên cạnh giá trị thương mại của việc bán và xuất khẩu tri thức.

Mặc dù chỉ vừa được ra mắt vào tháng 7/2024, quyển sách đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả nhờ cách tiếp cận độc đáo và các lập luận kích thích tư duy thuyết phục. Độc giả Jeff Kikel, giám đốc điều hành của T-Werx Coworking và chủ tịch của BKA Wealth Consulting, Inc., đã bày tỏ sau khi đọc quyển sách [2]:

"Nếu bạn đang tìm kiếm một góc nhìn mới mẻ để giải quyết các vấn đề môi trường của hành tinh chúng ta, Better Economics for the Earth của Vuong và Nguyen là một cuốn sách không thể bỏ qua. Đây không phải là một tác phẩm kinh tế học khô khan; mà là một hành trình cuốn hút vào cách vật lý lượng tử và lý thuyết thông tin có thể hoàn toàn thay đổi cách tiếp cận kinh tế, giúp nó phù hợp hơn để đối phó với các cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay.

[…]

Better Economics for the Earth là một tác phẩm có tính khai sáng, thách thức bạn suy nghĩ lại về kinh tế học và vai trò của nó trong tương lai môi trường của chúng ta. Cuốn sách được viết với lối trình bày lôi cuốn và dễ hiểu, ngay cả khi bạn không phải là một nhà kinh tế. Đối với bất kỳ ai tò mò về các giải pháp sáng tạo cho những thách thức lớn nhất mà thế giới đang đối mặt, đây là một tác phẩm mở mang tầm mắt và mang đến hy vọng.”

Trong khi đó, độc giả Zoey Codrington, Chuyên gia Thực hành Thiên nhiên liệu pháp, đã bày tỏ [3]:

“Cảm xúc và lý trí hòa quyện một cách mượt mà trong cuốn sách, tạo nên sự đồng điệu với nhiều đối tượng độc giả. Bằng cách đan xen lý thuyết với chiều sâu cảm xúc, các tác giả không chỉ mang đến kiến thức, mà còn khiến câu chuyện trở nên vô cùng lôi cuốn. Mỗi chương sách là một ngọn đèn soi sáng, khuyến khích độc giả nhìn lại mối quan hệ của mình với môi trường và nền kinh tế toàn cầu. Đây là một trải nghiệm hấp dẫn, mang lại sự thỏa mãn qua từng lần đọc, cuốn hút trí óc vào một vòng xoáy kỳ diệu không ngừng.

Cuối cùng, Better Economics for the Earth xứng đáng với điểm số 5/5 nhờ cách tiếp cận táo bạo trong việc mở rộng tư duy kinh tế, khả năng kết hợp cảm xúc và trí tuệ một cách xuất sắc. Vuong và Nguyen đã tạo ra một câu chuyện không chỉ phù hợp với thời đại, mà còn vượt thời gian, mời gọi độc giả tham gia vào một cuộc đối thoại có thể thay đổi thế giới. Đây là cuốn sách cần thiết cho bất kỳ ai mong muốn khám phá sự giao thoa giữa khoa học và kinh tế, vượt qua mọi giới hạn nhưng vẫn giữ được sự hấp dẫn và tính nhân văn.”

Qua các đánh giá và nhận xét, có thể thấy độc giả khắp nơi hoan nghênh tư tưởng kinh tế được trình bày, bởi các đề xuất mới mang đậm văn hóa tiến bộ, hướng đến bảo vệ môi trường sống, chống khủng hoảng khí hậu và góp phần dịch chuyển khỏi quỹ đạo tăng trưởng thâm dụng tài nguyên, gây tổn hại môi sinh. Đây cũng là những trọng tâm trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, được các lãnh đạo như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều tâm huyết và nỗ lực vun đắp [4-6].

Với những phân tích sâu sắc và cách tiếp cận mới mẻ, hy vọng rằng, tác phẩm “Better Economics for the Earth” tiếp tục nhận được sự quan tâm và thảo luận rộng rãi, đặc biệt trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức điều hành. Đây là thời điểm quan trọng để những ý tưởng trong cuốn sách góp phần định hình các chiến lược kinh tế bền vững và nhân văn, hướng tới bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng bền vững trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

[1] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. https://www.amazon.com/dp/B0D98L5K44

[2] Kikel J. (2024, October 21). Really Interesting Take on Economics. https://www.amazon.com/gp/customer-reviews/R3PR6JWBQ46UQJ/

[3] Codrington Z. (2024, Nov. 9). Unveiling the Mysteries of Economics through Quantum Lenses. https://www.amazon.com/gp/customer-reviews/R22SOCNKST2UE6/

[4] Hoàng VQ, Sơn NH, Hoàng NM. (2024). Mối quan hệ biện chứng giữa tiết kiệm, chống lãng phí và phát triển trong mục tiêu kỷ nguyên mới của đất nước. https://dangcongsan.org.vn/hoidonglyluan/lists/xaydungdang/view_detail.aspx?itemid=411

[5] Hoàng VQ, Sơn NH, Hoàng NM. (2024). Từ luận đề văn hóa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến xây dựng văn hóa thặng dư sinh thái trong thời đại mới. In: Nguyễn Phú Trọng. (Ed.). Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (pp. 876-880). NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, Việt Nam.

[6] Chính PM, Hoàng VQ. (2009). Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá. NXB Chính trị Quốc gia.

Bạn đang đọc bài viết "“Kinh tế học vì môi trường”: Hướng tới tương lai bền vững" tại chuyên mục Diễn đàn khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.