
Thi thể được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Aye Yate Nyein ở Kyar Ni Kan, ngoại ô Mandalay vào ngày 31/3 sau trận động đất (Ảnh: AFP).
Nhiều ngày sau trận động đất mạnh 7,7 độ tàn phá miền trung Myanmar, khiến hàng loạt nhà cửa, chùa chiền sụp đổ và hàng nghìn người thiệt mạng, hậu quả thảm khốc của thảm họa đang dần hiện ra.
Tại một nghĩa trang ở Sagaing, một thành phố ở miền trung Myanmar và nằm ở tâm chấn của trận động đất, các thi thể bắt đầu chất thành đống.
"Các thi thể đã bốc mùi từ hôm qua. Hôm nay, mùi tử khí không thể diễn tả được. Các thi thể vẫn chưa được đưa ra khỏi thành phố và các đội cứu hộ vẫn chưa đến", Aye Moe, 20 tuổi, một cư dân Sagaing, cho biết.
Theo số liệu thống kê chính thức, số người chết vì trận động đất ở Myanmar tính đến nay đã lên tới hơn 2.700 người, ngoài ra còn có hơn 4.500 bị thương và 441 người mất tích.
Các số liệu trên dự kiến tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm thi thể. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính số người chết có thể lên tới hơn 10.000 người.
"Họ phải chôn 10 thi thể trong một ngôi mộ. Khi không có đủ chỗ, họ phải đưa thi thể đến thành phố Mandalay để hỏa táng, nhưng cũng không có đủ lò hỏa táng ở đó", Aye Moe nói về tình hình ở Sagaing.
Aye Moe cho biết các đội cứu hộ vẫn chưa tới Sagaing, dù động đất đã xảy ra từ vài ngày trước.
"Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác số lượng thi thể. Tại bệnh viện chính, có cả bệnh nhân và thi thể, tình hình đang trở nên mất kiểm soát. Không có nhân lực và hầu như không có người trẻ nào", Aye Moe nói thêm.
Aung Gyi, 25 tuổi, một người dân khác ở Sagaing, thừa nhận: "Mọi người đều đang phải đối mặt với khó khăn".
Gyi nói rằng thành phố Sagaing đã trở thành "tàn tích" khi người dân sống trong cảnh tuyệt vọng vì thiếu thốn nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước và nhang muỗi.
"Vấn đề chính là các tòa nhà 2 và 3 tầng đã sụp đổ, và không thể giải cứu những người bị mắc kẹt bên dưới", Gyi cho biết.
Gyi xác nhận một trong những cây cầu chính của Sagaing đã bị hư hại, khiến các phương tiện hạng nặng cần thiết cho hoạt động cứu hộ không thể đi qua.

Các thành viên Đội ứng phó khẩn cấp quốc tế của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc làm việc tại một tòa nhà bị sập sau trận động đất ở Mandalay, Myanmar (Ảnh: Reuters).
Kể từ khi trận động đất xảy ra vào ngày 28/3, xe cứu thương đã đưa các thi thể đến lò hỏa táng ở khu phố Kyar Ni Kan, ngoại ô Mandalay. Tổng cộng có khoảng 300 thi thể được chuyển đến, riêng trong ngày 31/3 đã có hơn 100 thi thể, buộc các nhân viên tại lò hỏa táng phải làm việc thêm 6 giờ so với giờ đóng cửa thông thường.
Nay Htet Lin, người đứng đầu một nhóm gồm 4 người đã đưa khoảng 80 thi thể vào lò hỏa táng kể từ sau trận động đất, cho biết: "Vào ngày đầu tiên của trận động đất, chúng tôi còn giúp những người bị thương đến bệnh viện. Nhưng đến ngày thứ hai, chúng tôi chỉ đưa thi thể đến lò hỏa táng".
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, những video được công bố cho thấy nhiều khu vực bị san phẳng thành đống đổ nát. Người dân phải ngủ ngoài đường vì sợ dư chấn động đất sẽ khiến nhiều tòa nhà bị sập.
Viện trợ khẩn cấp và đội cứu hộ từ các nước đang bắt đầu đổ về Myanmar, chủ yếu thông qua thủ đô Naypyitaw. Tuy nhiên, việc chuyển hàng cứu trợ gặp khó khăn do nhiều khu vực bị tàn phá sau thảm họa, cũng như vấn đề về hậu cần.
"Mọi người đang cố gắng giúp đỡ lẫn nhau. Hệ thống cứu trợ ngay từ đầu đã không được thiết lập, không có kế hoạch ứng phó thảm họa", tiến sĩ Nang Win, bác sĩ y khoa người Myanmar sống tại Australia, người đã cố gắng hỗ trợ người thân, đồng nghiệp và bạn bè ở Mandalay sau trận động đất, cho biết.
Theo Nang, một số hàng viện trợ đã bắt đầu đến thành phố và các đồng nghiệp của cô cũng đang thiết lập các phòng khám tạm thời. Tuy nhiên, cô cho rằng, sự chậm trễ trong việc hỗ trợ khẩn cấp đã gây ra mất mát không đáng có về sinh mạng.