Hiệu ứng mỏ neo trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin

08/12/2024 06:00

Hiệu ứng mỏ neo (anchoring bias) trong chứng khoán có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân.

Nguyễn Phương Tri

Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh

Nguyễn Minh Hoàng

Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa

(Bài viết nằm trong chuỗi bài tìm hiểu và lý giải các hiện tượng tâm lý hành vi đầu tư tài chính thông qua lăng kính lý thuyết mindsponge).

Hiệu ứng mỏ neo (anchoring bias) trong chứng khoán có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định đầu tư của nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư thường bị ảnh hưởng bởi thông tin ban đầu, chẳng hạn như giá mua cổ phiếu hoặc các chỉ số tài chính ban đầu, và từ đó họ dựa vào "mỏ neo" này để đưa ra các quyết định mua, bán hoặc giữ cổ phiếu [1].

Một nghiên cứu bán thực nghiệm đối với các nhà đầu tư cá nhân tại Ấn Độ của Arora Rajendran [2] cho thấy nhà đầu tư có xu hướng dựa vào giá mua ban đầu hoặc các mức giá tham chiếu trước đó như "mỏ neo" để đánh giá và ra quyết định về danh mục đầu tư của họ. Khi giá cổ phiếu thay đổi, thay vì dựa vào các thông tin hiện tại và khách quan, nhà đầu tư thường bị chi phối bởi các thông tin trước đó, khiến họ không điều chỉnh đúng mức các quyết định đầu tư của mình. Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư giữ cổ phiếu không sinh lợi, vì họ mong muốn giá sẽ quay lại mức mỏ neo ban đầu. Kết quả nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng bởi các thông tin mỏ neo có thể dẫn đến các quyết định đầu tư kém hiệu quả, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường có biến động.

Dưới đây là một số ví dụ về cách hiệu ứng mỏ neo tác động đến đầu tư cá nhân:

Giá cổ phiếu ban đầu: Nhà đầu tư có thể mắc kẹt trong việc so sánh giá cổ phiếu hiện tại với giá mà họ đã mua ban đầu. Ví dụ, nếu một nhà đầu tư mua cổ phiếu ở mức giá 100 USD, họ có thể tiếp tục giữ cổ phiếu mặc dù giá đã giảm xuống 70 USD, chỉ vì kỳ vọng rằng giá sẽ quay lại mức 100 USD, ngay cả khi các yếu tố cơ bản của công ty đã thay đổi. Dự báo thị trường: Các báo cáo phân tích, dự báo của chuyên gia hoặc thông tin ban đầu về xu hướng thị trường có thể tạo thành "mỏ neo" trong tâm trí nhà đầu tư. Chẳng hạn, nếu một chuyên gia dự đoán thị trường sẽ tăng 10%, nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi dự đoán này và đưa ra quyết định dựa trên kỳ vọng tăng trưởng đó, ngay cả khi các dữ liệu mới có thể không ủng hộ dự đoán ban đầu. Sự kiện quá khứ: Nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi các sự kiện quá khứ, chẳng hạn như mức giá cao nhất mà cổ phiếu đã từng đạt được. Họ có thể kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ quay lại mức cao đó, dù cho các điều kiện hiện tại không cho thấy điều đó là khả thi. Thông tin truyền thông: Nhà đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực hoặc tích cực từ các kênh truyền thông hoặc các diễn đàn tài chính. Nếu giá cổ phiếu bị "mỏ neo" bởi thông tin ban đầu từ truyền thông, họ có thể bỏ qua các yếu tố quan trọng hơn khi đánh giá cổ phiếu.

Hiệu ứng mỏ neo trong đầu tư chứng khoán qua lăng kính lý của lý thuyết mindsponge

Lý thuyết mindsponge, được phát triển bởi GS. Vương Quân Hoàng, cung cấp một khung lý thuyết để giải thích cách con người tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý xã hội. Theo lý thuyết này, con người như một "miếng bọt biển", hấp thụ thông tin từ môi trường xung quanh nhưng đồng thời có cơ chế lọc để chỉ giữ lại những thông tin có giá trị hoặc phù hợp với hệ thống niềm tin và kiến thức sẵn có của mình. Thông tin từ bên ngoài phải "thương lượng" với hệ thống giá trị bên trong để được chấp nhận hoặc từ chối.

Quá trình hấp thụ thông tin ban đầu (Mỏ neo)

Theo lý thuyết mindsponge, nhà đầu tư như một "miếng bọt biển" hấp thụ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như: báo cáo tài chính, phân tích chuyên gia, tin tức truyền thông hoặc thậm chí là các dự đoán từ bạn bè và đồng nghiệp. Tuy nhiên, thông tin ban đầu (như giá cổ phiếu ban đầu hoặc dự báo tăng trưởng) có thể trở thành một "mỏ neo" quan trọng, có sức ảnh hưởng mạnh đến quyết định của nhà đầu tư. Điều này xảy ra vì thông tin ban đầu dễ dàng thâm nhập vào hệ thống tư duy và tạo thành điểm mốc, từ đó gây ảnh hưởng đến các đánh giá và quyết định tiếp theo.

Cơ chế đánh giá và lọc thông tin

Sau khi đã tồn tại các thông tin ban đầu, các thông tin mới không còn được hấp thụ vào tư duy của con người một cách dễ dàng nữa, mà phải trải qua quá trình lọc và đánh giá dựa trên hệ thống niềm tin, giá trị và kiến thức sẵn có của tâm trí (mind). Khi một nhà đầu tư tiếp nhận thông tin mới về cổ phiếu, thông tin này sẽ được so sánh và tương tác với các thông tin mỏ neo ban đầu mà họ đã tiếp nhận trước đó. Một cách trực quan, quá trình có thể hiểu như quá trình “thương lượng” giữa thông tin cũ và thông tin mới để quyết định xem liệu thông tin mới có được chấp nhận để đi vào tư duy hay không. Do hiệu ứng mỏ neo, thông tin ban đầu thường có ảnh hưởng mạnh và khiến nhà đầu tư khó chấp nhận hoặc xử lý khách quan các thông tin mới, đặc biệt nếu chúng mâu thuẫn với niềm tin ban đầu.

Ví dụ, nếu nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào một mức giá cao của cổ phiếu và coi đó là mức giá hợp lý, họ có thể bỏ qua các tín hiệu cảnh báo rằng giá cổ phiếu thực tế đang giảm vì thông tin mới không thể "đàm phán" thành công với niềm tin đã được "cắm mỏ neo" sẵn.

Tác động đến quyết định đầu tư

Hệ thống đánh giá và lọc thông tin được cấu trúc từ niềm tin và kinh nghiệm trước đó nên chúng sẽ tạo tác động lên quá trình tư duy và đưa ra quyết định tiếp theo [4]. Vì thế, các thông tin mỏ neo ban đầu đóng vai trò quyết định lớn trong việc hình thành chiến lược đầu tư. Nhà đầu tư có thể không muốn bán cổ phiếu khi giá giảm mạnh vì niềm tin mỏ neo vào giá ban đầu vẫn tồn tại, hoặc họ có thể mua thêm cổ phiếu khi giá giảm với hy vọng giá sẽ quay lại mức mỏ neo ban đầu. Tâm lý này có thể dẫn đến các quyết định đầu tư không hợp lý và gây thua lỗ.

Ngoài ra, hiện tượng mở neo thông tin cũng có thể xuất hiện ngay cả khi nhà đầu tư đã đạt được lợi nhuận. Từ góc nhìn logic, ta có thể đưa ra một thảo luận ứng dụng nhỏ khác cho thấy sự mâu thuẫn thực tế sinh ra từ logic nội tại tiếp cận xử lý, chứ không phải do sự biến thiên của giá như sau:

Giả sử nhà đầu tư A đầu tư cổ phiếu X với giá 10.000 đồng, tại thời điểm t. Tính toán hợp lý cực đại cho biết, nắm giữ sau 3 tháng, các thông tin được xác nhận sẽ cho biết lợi tức tăng 20%, và giá có khả năng điều chỉnh lên 20%.

Tới t+1, tức sau 3 tháng, các thông tin được xác nhận, và giá điều chỉnh lên 12.000 đồng. Các thông tin tại thời điểm cho kỳ vọng lợi tức của X ở mức trung bình thị trường, cho chu kỳ tiếp theo.

Tuy nhiên, với mức giá đầu tư 10.000 đồng, A có khả năng cảm thấy việc mua gia tăng nắm giữ X ở mức giá 12.000 đồng là không chấp nhận được, vì bị mua “đắt”. Phi logic xuất hiện ở chỗ, khi đầu tư X với giá 10.000 đồng, A kỳ vọng cổ phiếu cho thấy dấu hiệu tăng trưởng lợi nhuận trong t+1. Tuy nhiên, khi kỳ vọng được xác nhận, X chứng minh được giá trị và trở nên mạnh hơn trên thực tế, mang lại lợi nhuận, thì tâm lý A lại bị neo về trạng thái yếu hơn của X, vốn là xuất phát điểm để A tin rằng mình đầu tư là hợp lý.

Giải pháp đề xuất

Để khắc phục hiệu ứng mỏ neo, lý thuyết mindsponge khuyến nghị nhà đầu tư cần thực hiện các biện pháp như:

Cập nhật hệ thống giá trị và thông tin: Hình thành một văn hóa tiếp nhận và đánh giá thông tin một cách cởi mở, tránh tạo ra các thiên kiến đối với các thông tin mới trái với các nhận định ban đầu của bản thân. Ngoài ra, nhà đầu tư cần có sự sẵn sàng cập nhật lại cách đánh giá về một cổ phiếu sau khi đã tiếp nhận được số lượng thông tin mới đáng tin cậy và đã được xác thực. Tăng cường cơ chế "lọc" thông tin: Nhà đầu tư cần phát triển các tiêu chí phân tích độc lập và dựa trên cơ sở dữ liệu thực tế, thay vì để cảm xúc và thông tin ban đầu (mỏ neo) chi phối. Đánh giá lại hệ thống niềm tin cá nhân: Thường xuyên đánh giá lại niềm tin và hệ thống thông tin mà mình đang dựa vào, từ đó điều chỉnh các quyết định đầu tư một cách linh hoạt hơn.

Nếu nhìn theo góc nhìn xử lý thông tin động của lý thuyết mindsponge, ta có thể giải thích rõ ràng cách hiệu ứng mỏ neo trong chứng khoán xảy ra do cơ chế tiếp nhận và lọc thông tin của nhà đầu tư. Việc thông tin ban đầu đóng vai trò quan trọng và chi phối quá trình ra quyết định là hệ quả tất yếu của quá trình hấp thụ, đánh giá, và lọc thông tin trong tâm trí của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc nhận thức và điều chỉnh quá trình này thông qua quá trình xử lý thông tin của tâm trí có thể giúp nhà đầu tư tránh được các quyết định sai lầm do bị chi phối bởi mỏ neo thông tin ban đầu.

Tài liệu tham khảo

[1] Kahneman D, Tversky A. (1979). Prospect Theory: An analysis of decision under risk. Econometrica, 47(2), 263-292. https://doi.org/10.2307/1914185

[2] Arora R, Rajendran M. (2023). Moored minds: An experimental insight into the impact of the anchoring and disposition effect on portfolio performance. Journal of Risk and Financial Management, 16(8), 349. https://doi.org/10.3390/jrfm16080349

[3] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3

[4] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461

Bạn đang đọc bài viết "Hiệu ứng mỏ neo trong đầu tư chứng khoán qua góc nhìn xử lý thông tin" tại chuyên mục Thông tin khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.