Ác cảm mất mát (loss aversion)
Ác cảm mất mát là một hiện tượng tâm lý phổ biến trong kinh tế học hành vi, trong đó con người thường cảm thấy mất mát đau đớn hơn nhiều so với niềm vui khi đạt được lợi nhuận tương đương. Điều này có nghĩa là nỗi đau từ việc mất mát thường mạnh mẽ hơn so với cảm giác vui mừng từ một khoản lợi nhuận có cùng giá trị [1]. Ví dụ, nếu bạn mất 100 đô la, bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn nhiều so với việc bạn cảm thấy vui vẻ khi kiếm được 100 đô la. Tâm lý này ảnh hưởng lớn đến cách con người ra quyết định, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Các nhà đầu tư có thể chọn không bán một khoản đầu tư đang thua lỗ, hy vọng giá sẽ phục hồi, hoặc có thể ngần ngại chấp nhận rủi ro ngay cả khi có cơ hội lớn hơn để kiếm lời. Ngoài ra, các nhà đầu tư sợ thua lỗ có xu hướng phản ứng quá mức trước những biến động ngắn hạn của thị trường, đưa ra các quyết định mang tính cảm xúc như bán tháo trong thời kỳ thị trường suy thoái. Hành vi này có thể giảm khả năng nắm bắt thời điểm hành động và lợi nhuận dài hạn.
Đồ thị biễu diễn hàm số giá trị cho trạng thái thua lỗ và lợi nhuận [1] |
Đồ thị trên cho thấy, khi người ta đạt được lợi nhuận cùng mức với thua lỗ thì giá trị hữu dụng của họ thu được thấp hơn (thể hiện bằng hình chiếu lên trục tung của đồ thị). Trong bối cảnh đầu tư chứng khoán, tâm lý ác cảm mất mát có thể khiến nhà đầu tư giữ các cổ phiếu đang lỗ quá lâu. Theo nghiên cứu của Vuong và Phuc [2], số nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam có tâm lý ác cảm mất mát chiếm 47.7% trong mẫu khảo sát.
Góc nhìn xử lý thông tin về tâm lý ác cảm mất mát
Lý thuyết mindsponge cung cấp một khung lý thuyết giúp giải thích quá trình con người tiếp nhận và xử lý
“Anh thì mải gồng chống đỡ gió, anh lại gồng giữ bông, hay bận che chắn bọn chim chóc chỉ chờ vặt hạt chín. Anh nào cũng lưng còng, mặt úp. Mãi mà vẫn chưa được câu nào ra đầu ra đũa”. Trích “Nhẹ gánh, thảnh thơi”; Hoang dã, Khôn ngoan, Kỳ lạ (2024) |
thông tin. Lý thuyết này có thể được sử dụng để giải thích tâm lý ác cảm mất mát trong đầu tư chứng khoán và đưa ra các khuyến nghị phù hợp [3].
Theo lý thuyết mindsponge, thông tin và niềm tin của mỗi cá nhân được lọc qua một cơ chế kiểm soát gọi là hệ giá trị cốt lõi. Khi một cá nhân đối mặt với sự thua lỗ tiềm ẩn, tâm trí của họ sẽ tự động phản ứng dựa trên những giá trị, niềm tin và kinh nghiệm trước đây. Thông tin về thua lỗ được hệ giá trị này xử lý mạnh mẽ vì:
Niềm tin cốt lõi về an toàn tài chính: Một cách sinh học, tâm lý con người thường ưu tiên sự an toàn và bảo toàn nguồn lực vì chúng ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn và phát triển của bản thân, và xa hơn nữa là gia đình. Việc thua lỗ tiền bạc có thể được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn và ổn định này, nên họ phản ứng mạnh mẽ và cố gắng tránh rủi ro.
Lọc thông tin một cách thiên lệch: Thông tin về thua lỗ thường được xử lý với tần suất cao hơn so với thông tin về lợi nhuận tiềm năng. Một phần lý do của việc này là vì khoản tiền được dùng để đầu tư thường là khoản dư ra sau khi nhà đầu tư đã chi trả cho các chi phí để đảm bảo sự ổn định của cuộc sống (ví dụ: chi phí sinh hoạt, nhà cửa, giáo dục con cái, v.v.). Như thế, giá trị mong chờ từ lợi nhuận đầu tư thường sẽ tập trung vào việc tích lũy tài sản, cải thiện cuộc sống, cũng như là tăng sự bền vững về tài chính (đề phòng cho các khủng hoảng tài chính trong tương lai). Ngược lại, việc thua lỗ không chỉ khiến cho nhà đầu tư không đạt được các giá trị như kỳ vọng, mà nó còn làm tăng nhận thức về rủi ro gây mất ổn định đối với cuộc sống hiện tại của bản thân, và xa hơn nữa là gia đình. Điều này dẫn đến việc nhận thức về mất mát rõ ràng và mạnh mẽ hơn, từ đó gây ra hiện tượng ác cảm mất mát [4].
Nói cách khác, thông tin về khả năng thua lỗ vượt qua "bộ lọc" của hệ niềm tin một cách mạnh mẽ hơn thông tin về khả năng lợi nhuận, vì hệ thống giá trị lõi của nhà đầu tư thường ưu tiên sự an toàn và bảo toàn nguồn lực, và việc đầu tư thua lỗ có rủi ro tác động trực tiếp đến sự ổn định hiện tại của nhà đầu tư.
Nếu nhìn theo góc độ xử lý thông tin này thì có thể nhận thấy được hai dạng nhà đầu tư sẽ ít bị ảnh hưởng bởi ác cảm thua lỗ. Một là các nhà đầu tư không có quá nhiều sự lo lắng cho sự an toàn và ổn định tài chính của bản nhân, cũng như các trách nhiệm tài chính (ví dụ: đối với gia đình). Hai là các nhà đầu tư có được kế hoạch dài hạn rõ ràng, rất tự tin vào các phân tích và quyết định đầu tư của bản thân, và biết được sẽ sử dụng lợi nhuận mong đợi cho mục đích gì tiếp theo.
Giải pháp từ lý thuyết mindsponge
Để giảm tâm lý ác cảm mất mát, lý thuyết mindsponge đề xuất việc thay đổi cách xử lý và tiếp nhận thông tin bằng cách tái cấu trúc hệ giá trị và niềm tin, nhằm thay đổi cách mà thông tin được "lọc" qua tư duy (mindset). Một số phương pháp có thể áp dụng là:
Mở rộng hệ giá trị và niềm tin: Bằng cách tiếp nhận những thông tin mới và đa chiều hơn về rủi ro và lợi nhuận, con người có thể tái cấu trúc niềm tin cốt lõi về rủi ro tài chính. Điều này giúp giảm bớt nỗi sợ thua lỗ và tăng cường khả năng chấp nhận rủi ro. Ví dụ: Tìm hiểu về lợi ích dài hạn của việc đầu tư và nhận ra rằng những biến động ngắn hạn có thể không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
Tái đánh giá giá trị cốt lõi: Thay vì coi việc mất mát như một mối đe dọa, có thể điều chỉnh cách nhìn nhận để thấy rằng mất mát đôi khi là một phần của quá trình học hỏi và cải thiện. Điều này giúp giảm thiểu tác động của tâm lý ác cảm mất mát. Ví dụ: Chấp nhận rằng thất bại là không thể tránh khỏi và quan trọng là cách phản ứng sau khi thua lỗ, thay vì tránh thua lỗ bằng mọi giá.
Tập trung vào các mục tiêu dài hạn: Lý thuyết mindsponge gợi ý rằng nếu nhà đầu tư có một cái nhìn dài hạn và đặt lợi ích tổng thể lên hàng đầu, họ sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những khoản mất mát ngắn hạn. Sự kiên định với mục tiêu dài hạn giúp nhà đầu tư bớt bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ thua lỗ trước mắt. Ví dụ: Tạo ra một kế hoạch tài chính dài hạn và tuân theo nó thay vì bị ảnh hưởng bởi các biến động ngắn hạn của thị trường. Kiểm soát rủi ro bằng các phân tích định lượng và tuân theo nó cũng sẽ giúp làm giảm ác cảm mất mát (ví dụ: có thể thực hiện quản trị rủi ro danh mục cổ phiếu bằng cách đánh giá rủi ro qua thước đo beta của danh mục theo mô hình CAPM…). Ngoài ra, việc phân tán tài sản bằng cách đầu tư vào nhiều cổ phiếu cũng giúp nhà đầu tư tập trung vào mục tiêu dài hạn hơn là sự biến động ngắn hạn của thị trường.
Lý thuyết mindsponge giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế tâm lý đằng sau tâm lý ác cảm mất mát bằng cách phân tích cách mà hệ giá trị cốt lõi của con người xử lý thông tin về thua lỗ. Để khắc phục tâm lý này, việc mở rộng và tái cấu trúc hệ giá trị, tập trung vào mục tiêu dài hạn, và học cách nhìn nhận mất mát một cách tích cực hơn sẽ giúp con người vượt qua nỗi sợ thua lỗ và ra quyết định kinh tế hợp lý hơn.
Tài liệu tham khảo
[1] Kahneman Daniel, Knetsch JL, Thaler RH. (1999). Anomalies the endowment effect, loss aversion, and status quo bias. Journal of Economic Perspectives, 5(1), 193–206. https://doi.org/10.1257/jep.5.1.193
[2] Vuong DHQ, Phuc DQ. (2012). An empirical study of individual investors’ behavioral biases in the Vietnamese stock market. Science and Technology Development Journal, 15, 5-13. https://vjol.info.vn/index.php/JSTD/article/view/8675
[3] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3
[4] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461
[5] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6
Nguyễn Phương Tri
Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Minh Hoàng
Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa