Ngày 11-12, tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm về triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng tiêu chí
Góp ý xây dựng chuẩn mực người Hà Nội ‘hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh’
12/12/2024 00:17
Xây dựng chuẩn mực người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh cần những tiêu chí cụ thể nào và có cần lượng hóa cụ thể không là câu chuyện được các chuyên gia, những người làm văn hóa ở Hà Nội bàn bạc.
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nói xây dựng hệ giá trị người Hà Nội là yêu cầu cấp thiết - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Theo bà Vân Anh, việc xây dựng các chuẩn mực và tiêu chí người Hà Nội không chỉ nhằm nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân mà còn góp phần gia tăng sức cạnh tranh và khả năng hội nhập quốc tế của thủ đô.
Đồng thời đây cũng là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận xã hội, và phát triển bền vững.
Bà mong muốn hội nghị sẽ nhận được các thảo luận và thống nhất các chuẩn mực, tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh mang tính thực tiễn cao, có thể đo lường, đánh giá được, và phù hợp với vị thế của thủ đô.
Đồng thời có những đề xuất cơ chế và giải pháp để triển khai các chuẩn mực và tiêu chí một cách hiệu quả từ cấp thành phố đến cơ sở, đảm bảo tính thống nhất và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư thủ đô.
Tại hội nghị, ban tổ chức đưa ra hai phương án chuẩn mực người Hà Nội "hào hoa - thanh lịch - nghĩa tình - văn minh" để các đại biểu cho ý kiến.
90% người dân Hà Nội giao tiếp lịch sự, là hình mẫu về giao tiếp
Phương án 1: Chuẩn mực người Hà Nội "hào hoa - thanh lịch - nghĩa tình - văn minh" trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế gồm các tiêu chí được đo lường cụ thể bằng các chỉ số, hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá và triển khai các giá trị văn hóa của người Hà Nội trong bối cảnh mới.
Một số tiêu chí được lượng hóa cụ thể như:
- 90% người dân thực hiện giao tiếp lịch sự, sử dụng lời nói nhã nhặn, phù hợp với hoàn cảnh.
- 100% công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền có thái độ phục vụ tận tâm, chuyên nghiệp.
- 80% người dân tại các không gian công cộng (đường phố, công viên, trung tâm thương mại) tự giác giữ vệ sinh và không gây ồn ào.
- 90% người tham gia giao thông chấp hành luật lệ giao thông.
- 50% người dân Hà Nội có khả năng giao tiếp bằng ít nhất một ngoại ngữ phổ biến.
- 70% người dân tham gia các hoạt động thiện nguyện hoặc các chương trình xã hội do chính quyền hoặc tổ chức phi chính phủ khởi xướng.
- Hà Nội được ghi nhận là "Thành phố thân thiện" bởi các tổ chức quốc tế và du khách…
Hà Nội muốn được ghi nhận là "Thành phố thân thiện" bởi các tổ chức quốc tế và du khách - Ảnh: DANH KHANG
Chú ý tính đa dạng của văn hóa Hà NộiGóp ý tại hội nghị, một số ý kiến bày tỏ ủng hộ phương án 2 bởi lượng hóa các tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh không dễ triển khai trong thực tế.
Ngoài ra, nhiều ý kiến góp ý bộ tiêu chuẩn cần chú ý đến tính đa dạng văn hóa của người Hà Nội hiện nay, khi phần lớn người Hà Nội là người từ các địa phương tụ về. Ngoài ra văn hóa Hà Nội cũng rất phong phú sau khi sáp nhập Hà Tây vào thủ đô.
Nhiều đại biểu, trong đó có ông Lương Đức Thắng - phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - góp ý bộ tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh cần có những tiêu chí riêng biệt, đặc thù, thể hiện được những phẩm cách riêng của người Hà Nội.
Có huyện tỉ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 99%
Bà Trần Thị Vân Anh cho biết Hà Nội đặt mục tiêu tỉ lệ gia đình văn hóa là 86 - 88%, nhưng hiện nay có những quận huyện tỉ lệ gia đình văn hóa đạt 99,3% như huyện Hoài Đức. Thấp nhất là quận Ba Đình cũng đạt 90%.