
Nguồn: Nghị định 73/2025/NĐ-CP ngày 31-3-2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng - Dữ liệu: NGỌC AN
Một loạt mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ đã được giảm thuế về mức thấp, thậm chí bằng 0% theo nghị định của Chính phủ vừa ban hành.
Động thái này diễn ra trước thời điểm Tổng thống Donald Trump công bố việc áp thuế đối ứng với tất cả các quốc gia, và được đánh giá là tích cực trong bối cảnh xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh thời gian qua.
Chủ động giảm thuế
Theo nghị định mới, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với ô tô mã HS 8703.23.63 và 8703.23.57 giảm từ 64% xuống 50%, mã HS 8703.24.51 giảm từ 45% xuống 32%. Đây là các dòng xe có dung tích xilanh từ 2.000cc đến 2.500cc và các mẫu 4 bánh chủ động.
Nhiều mặt hàng nông sản cũng được giảm thuế: đùi gà đông lạnh từ 20% xuống 15%, hạt dẻ cười từ 15% xuống 5%, hạnh nhân từ 10% xuống 5%, táo tươi từ 8% xuống 5%, cherry từ 10% xuống 5%, nho khô từ 12% xuống 5%.
Đặc biệt, gỗ và các sản phẩm gỗ thuộc nhóm 44.21, 94.01 và 94.03 (bao gồm mắc treo quần áo, ghế ngồi và đồ nội thất bằng gỗ) giảm thuế từ 20% và 25% xuống 0% từ ngày 31-3.
Các mặt hàng khác cũng được giảm thuế: ngô hạt từ 2% xuống 0%, khô dầu đậu tương từ 1%, 2% xuống 0%, khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) từ 5% xuống 2%, ethanol từ 10% xuống 5%. Riêng ethane được bổ sung mã HS 2711.19.00 với mức thuế 0%.
Ông Vũ Tấn Công, nguyên tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đánh giá động thái giảm thuế của Chính phủ là chủ động và tích cực, đặc biệt khi chính quyền Trump đã công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ ô tô không sản xuất tại Mỹ (có hiệu lực từ 2-4) và thuế 25% đối với linh kiện xe hơi (áp dụng muộn nhất là 3-5).
Mặc dù Việt Nam không nhập khẩu nhiều dòng xe của Mỹ và mức giảm thuế không áp dụng cho những dòng xe phổ biến, việc giảm thuế này giúp đa dạng nguồn cung, tăng cạnh tranh cho thị trường và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Hiện doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất các dòng xe dung tích xilanh thấp (dưới 2.000cc), phù hợp với nhu cầu đại đa số người tiêu dùng, trong khi các xe có dung tích xilanh cao hơn chủ yếu nhập khẩu.
Kỳ vọng từ doanh nghiệp
Ngành hoa quả, trái cây được đánh giá có thể "né" được thuế đối ứng. Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hy vọng thuế đối ứng sẽ không áp dụng với trái cây, bởi cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu đang duy trì mức nhập siêu.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu trái cây sang Mỹ đạt 360,4 triệu USD nhưng nhập khẩu hoa quả từ Mỹ lên tới 543 triệu USD, chủ yếu là táo, cherry, cam.
"Với việc nhập siêu cùng giá trị kim ngạch không lớn, khả năng bị áp thuế có thể khó diễn ra", ông Nguyên nhận định. Hiện các doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ nhưng gặp khó khăn về logistics và công nghệ bảo quản.
Chỉ một số mặt hàng đi được đường biển như dừa tươi, bưởi; còn thanh long, xoài phải vận chuyển bằng đường hàng không. Vì vậy, dù Mỹ nhập tới 60 tỉ USD rau quả, sự hiện diện của hàng Việt vẫn còn khiêm tốn.
Ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết ngành gỗ đã kiến nghị cần có chính sách giảm thuế cho nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ Mỹ. Ông đánh giá việc Nhà nước nhanh chóng ban hành chính sách giảm thuế là động thái tích cực và mang đến sự kỳ vọng cho doanh nghiệp.
Đối với ngành gỗ, ông Phương nhận định mối quan hệ Việt - Mỹ không mang tính cạnh tranh trực tiếp mà bổ sung cho nhau. Tại Mỹ, chi phí sản xuất đồ gỗ rất cao do mức lương và các điều kiện khác.
Trong khi đó Mỹ có nguồn gỗ dồi dào, và Việt Nam nhập khẩu gỗ Mỹ với kim ngạch lớn, đứng thứ hai thế giới. Việc nhập khẩu nguyên liệu giúp ngành gỗ Mỹ tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp. Ngược lại, khi sản phẩm đồ gỗ được sản xuất ở Việt Nam với chi phí cạnh tranh, xuất vào thị trường Mỹ và các nước khác sẽ giúp bổ trợ cho ngành gỗ Mỹ.
Tuy vậy, ông Phương lưu ý rằng việc đánh thuế có thể áp dụng ở bình diện quốc gia. Do đó ông mong muốn Chính phủ có biện pháp giảm thuế mạnh tay hơn cho những sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, ví dụ các dòng xe hơi phổ thông.
Vì tỉ trọng và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ rất lớn, chỉ cần một động thái đánh thuế bất lợi sẽ khiến các đối tác chần chừ không mua hàng, tác động trực tiếp đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Phương cũng khuyến nghị Chính phủ xem xét các dòng nhập khẩu từ những nước không thân thiện với Mỹ, cũng như quản lý chặt chẽ việc đầu tư từ những nước này để tránh các vụ điều tra lẩn tránh thuế có thể gây hại cho cả ngành.
