
Hiện trường tòa nhà đổ sập do dư chấn động đất tại Bangkok, Thái Lan (Ảnh: Getty).
Trận động đất mạnh 8,2 độ trong chiều 28/3 tấn công Myanmar, Thái Lan và các quốc gia lân cận, đã thu hút sự chú ý về Đứt gãy Sagaing, một trong những đặc điểm địa chất hoạt động phức tạp và quan trọng nhất của khu vực ASEAN.
Đây là một đứt gãy lớn hình thành khi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm với châu Á cách đây hàng chục triệu năm.
Trận động đất, gây ra sự sụp đổ của một tòa nhà đang được xây dựng tại quận Chatuchak của Bangkok, nhấn mạnh đến tình trạng dễ bị tổn thương của khu vực trước hoạt động địa chấn.
Đứt gãy Sagaing, một đường đứt gãy dài 1.200km chạy theo hướng Bắc - Nam qua miền Trung Myanmar, được coi là mối đe dọa địa chấn lớn. Các nhà địa chất tin rằng nó đánh dấu ranh giới giữa các mảng kiến tạo Sunda và Burma cổ đại, hiện là một phần của Mảng Á - Âu.
Nó chính là vết nứt trên vỏ Trái đất ngăn cách 2 mảng kiến tạo di chuyển theo hướng ngược nhau. Các mảng này di chuyển qua nhau với tốc độ 18mm mỗi năm, một chuyển động đáng kể.
Nếu người ta xây dựng một hàng rào ngang qua đường đứt gãy này, nó sẽ dịch chuyển theo các hướng khác nhau và sẽ cách nhau 17cm sau 10 năm. Chuyển động đó thể hiện ứng suất tích tụ dọc theo đứt gãy và được giải phóng sau mỗi thập kỷ trong một trận động đất lớn.
Theo Mitearth, một trang mạng địa chất, các ghi chép lịch sử chỉ ra rằng đứt gãy này đã tạo ra khoảng 70 trận động đất có cường độ 7,0 độ trở lên trong 562 năm qua. Sự kiện lớn nhất được ghi nhận là trận động đất có cường độ 8,0 độ gần Mandalay vào năm 1912.
Các chuyên gia cho rằng đứt gãy này có khả năng tạo ra các trận động đất mạnh tới 8,6 độ, đặc biệt là gần Myitkyina ở miền Bắc Myanmar.
Reuters đưa tin, quân đội Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực và tuyên bố qua Telegram rằng "chính phủ sẽ nhanh chóng điều tra tình hình, tiến hành các hoạt động cứu hộ và cung cấp hỗ trợ nhân đạo".
Các chuyên gia cảnh báo rằng Thái Lan, do nằm gần Đứt gãy Sagaing, có thể trải qua các trận động đất có cường độ lớn.
Nhà địa chấn học James Jackson, tại Đại học Cambridge nói với CNN rằng, trận động đất tại Myanmar giống như "một con dao lớn cắt vào Trái đất".
Theo ông, động đất này là do một vết nứt kéo dài, gây ra các chuyển động ngang trên mặt đất. "Hãy nghĩ đến một tờ giấy bị rách, và nó bị rách với tốc độ khoảng 2km mỗi giây. Nó đang làm di chuyển một đứt gãy, giống như một con dao lớn cắt vào Trái đất", ông nói.
Fabrice Cotton, một nhà địa chấn học tại Trung tâm GFZ, cũng đánh giá rằng trận động đất này có quy mô tương đương với trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023, với ước tính hơn 55.000 người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã thiệt mạng trong thảm họa đó.
Trận động đất lần này ở Myanmar xảy ra vào khoảng 13h20 giờ địa phương ngày 28/3 ở độ sâu 10km, sau đó là các dư chấn đáng kể, bao gồm một trận động đất có cường độ 6,4 độ. Dư chấn mạnh mẽ có thể cảm nhận được ở Thái Lan, Trung Quốc (Vân Nam), Ấn Độ và Bangladesh.
Tại Bangkok, trận động đất đã khiến một công trường xây dựng ở Chatuchak bị sập, khiến 43 người tử vong và mắc kẹt. Các cảnh quay từ Mandalay cho thấy cảnh hỗn loạn, vì thành phố này nằm gần tâm chấn của trận động đất.
Trận động đất ở Myanmar có ước tính về độ rung lắc và thiệt hại tương tự như trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó. Điều gây chú ý là Myanmar có số người phải hứng chịu trận động đất mạnh và nghiêm trọng (cấp độ 8 và 9) cao gấp đôi, gần 5 triệu người so với con số 2,7 triệu người trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Quy mô thiệt hại của thảm họa này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, Dailymail cho biết Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cảnh báo con số thương vong có thể lên tới 10.000 người, thậm chí 100.000 người.