
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Trump cho biết vào tối 30/3 rằng có một "hạn chót mang tính tâm lý" để Nga đồng ý ngừng bắn tại Ukraine, ngay sau khi ông bày tỏ sự thất vọng với Tổng thống Vladimir Putin.
"Đó là một hạn chót mang tính tâm lý", ông Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không Lực Một khi được hỏi liệu có thời hạn nào để Nga đồng ý ký kết một thỏa thuận hòa bình hay không.
"Nếu tôi cảm thấy họ đang kéo dài thời gian với chúng ta, tôi sẽ không hài lòng về điều đó", ông Trump giải thích.
Ông cho rằng Nga không cố tình trì hoãn Mỹ, nhấn mạnh ông có niềm tin rằng ông Putin "muốn đạt được một thỏa thuận". Ông tiếp tục chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng ông Zelensky đang do dự về một thỏa thuận cấp quyền tiếp cận nguồn khoáng sản của Ukraine cho Mỹ. Nhiều hãng tin cho biết chính quyền ông Trump đã đưa ra một đề xuất mới vào tuần trước.
"Nếu ông ấy làm vậy thì sẽ có rắc rối rất lớn. Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về đất hiếm, và bây giờ ông ấy lại nói muốn đàm phán lại thỏa thuận. Ông ấy muốn trở thành thành viên NATO. Nhưng Ukraine chưa bao giờ có cơ hội vào NATO cả. Ông ấy hiểu điều đó. Vì vậy, nếu ông ấy muốn đàm phán lại thỏa thuận, thì ông ấy sẽ gặp rắc rối lớn", ông Trump nói.
Trước đó, ông Trump nói với NBC rằng ông không hài lòng với ông Putin vì Tổng thống Nga đã gợi ý rằng Ukraine cần một chính quyền mới. Ông cũng cảnh báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga nếu Moscow không chịu đàm phán để chấm dứt chiến sự tại Ukraine.
Lực lượng Nga đã mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Khi vận động tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ giúp chấm dứt chiến sự, và chính quyền của ông đã gặp gỡ các quan chức từ cả Nga và Ukraine để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn.
Những ý kiến cho rằng ông Putin không thực sự quan tâm đến một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine, với một số thành viên Đảng Dân chủ nhận định chính quyền Trump đang để Moscow kéo dài thời gian trong khi Nga tiếp tục giành lợi thế trên chiến trường.
Ngoài ra, ông Trump cho biết muốn tránh tình huống Washington áp đặt thuế trừng phạt thứ cấp lên Nga.
"Tôi chắc chắn không muốn áp thuế thứ cấp lên Nga, nhưng nếu điều đó xảy ra, thì sẽ không tốt cho họ chút nào", ông cho biết.
Mặt khác, ông Kirill Logvinov, Giám đốc Vụ Các tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Liên minh châu Âu có thể tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt đối với Nga ngay cả khi Mỹ quyết định nới lỏng chúng.
"Nếu người Mỹ chọn nới lỏng các lệnh trừng phạt, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu châu Âu vẫn giữ nguyên quan điểm trước đó. Việc từ bỏ các lệnh trừng phạt này chỉ có thể xảy ra nếu EU ngừng coi các biện pháp trừng phạt phi pháp là công cụ của chính sách đối ngoại, chứ chưa nói đến việc hoàn toàn từ bỏ đối đầu với Nga", ông bổ sung.
Ông Logvinov tiếp tục chỉ trích cách tiếp cận của EU, viện dẫn quyết định năm ngoái về việc mở cửa thị trường châu Âu cho các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, điều mà ông cho rằng đã gây tổn hại đến các nhà sản xuất châu Âu.
Ông cũng đề cập đến lập trường của Brussels về vụ phá hoại đường ống Nord Stream, mà theo ông, phản ánh cùng một kiểu tư duy. "Nói cách khác, giới tinh hoa chính trị EU hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, cân nhắc đến lợi ích của người dân châu Âu bình thường", ông Logvinov cáo buộc.