Tranh cãi gay gắt trong nội bộ nước Mỹ về đòn thuế mới của ông Trump

04/04/2025 12:14

() - Thông báo của Tổng thống Donald Trump về thuế đối ứng đã nhận được phản ứng trái chiều từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng và chuyên gia Mỹ.

Tranh cãi gay gắt trong nội bộ nước Mỹ về đòn thuế mới của ông Trump - 1

Tàu chở hàng tại cảng Southampton, Anh (Ảnh minh họa: Reuters).

Hôm 2/4, Tổng thống Donald  Trump đã công bố chính sách thuế quan mới của Mỹ. Theo đó, Mỹ áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại. Khoảng một nửa trong số này chịu mức thuế chung 10% từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn khác chịu thuế dao động từ 15% đến gần 50% từ ngày 9/4.

Ông Trump gọi ngày 2/4 là "Ngày Giải phóng" và rằng chính sách thuế quan mới nhằm giúp "Đưa nước Mỹ giàu có trở lại".

Ông thừa nhận chương trình thuế quan có thể gây ra cú sốc ban đầu, nhưng sẽ dần giúp kinh tế Mỹ mạnh mẽ hơn nhiều.

Làn sóng chỉ trích

Thông báo của Tổng thống Donald Trump về việc áp dụng thuế quan toàn diện và thuế quan đối ứng đối với các quốc gia trên khắp thế giới đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm doanh nghiệp, chuyên gia thương mại, nghị sĩ Dân chủ và nhiều nhà kinh tế. Họ cảnh báo đòn thuế này sẽ làm tăng giá hàng tiêu dùng Mỹ và khiến tăng trưởng kinh tế bị chững lại.

"Đây là thảm họa đối với các hộ gia đình Mỹ. Chúng tôi từng hy vọng tổng thống sẽ có cách tiếp cận có mục tiêu cụ thể hơn, nhưng mức thuế quan diện rộng này sẽ chỉ làm tăng giá cả, giảm chất lượng sản phẩm và làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng", Matt Priest, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ cho biết.

Tổng thống Trump nhấn mạnh các chuyên gia đã sai lầm ngay từ đầu về chính sách thuế quan của ông và sự lo lắng đã bị đặt nhầm chỗ.

Tuy nhiên, những người sẽ bị buộc phải trả thuế đã nhanh chóng nêu lên mối lo ngại về động thái này. Quyết định của Tổng thống Trump sẽ làm tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm từ một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ bao gồm Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Ấn Độ.

Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết chính sách thuế quan của Tổng thống Trump sẽ "gây thêm lo lắng và bất ổn cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Mỹ". Họ cho rằng thuế quan không phải do các quốc gia hoặc nhà cung cấp nước ngoài chi trả mà do chính các nhà nhập khẩu của Mỹ chi trả.

Theo Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ, "việc thực hiện ngay lập tức các mức thuế quan này là nỗ lực lớn, đòi hỏi phải thông báo trước và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ hàng triệu doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp".

Hiệp hội Các nhà sản xuất Quốc gia Mỹ cho biết họ vẫn đang phân tích các chi tiết và tác động cụ thể của mức thuế quan do Tổng thống Trump công bố. Chủ tịch của hội, Jay Timmons, cho biết chi phí cao từ các mức thuế mới có thể đe dọa đến đầu tư, việc làm, chuỗi cung ứng, làm suy yếu khả năng cạnh tranh vượt trội của Mỹ với các quốc gia khác cũng như vị thế dẫn đầu của Mỹ với tư cách là cường quốc sản xuất hàng đầu".

Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia nêu rõ mối lo ngại của các chủ doanh nghiệp rằng thuế quan sẽ "làm tăng chi phí thực phẩm và bao bì, đồng thời gây bất ổn cho việc quản lý nguồn cung và đẩy giá lên cao đối với người tiêu dùng".

"Nhiều chủ nhà hàng cần tìm nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước nhiều nhất có thể, nhưng nông dân và chủ trang trại Mỹ không thể sản xuất đủ khối lượng cần thiết để hỗ trợ nhu cầu của người tiêu dùng", Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Michelle Korsmo cho biết trong một tuyên bố.

Các chuyên gia thương mại tại Viện Cato cho biết lý do biện minh cho đòn thuế quan của ông Trump là "mong manh" và mâu thuẫn, đồng thời cảnh báo chúng có thể thúc đẩy lạm phát và làm trì hoãn tăng trưởng kinh tế.

"Với thông báo hôm nay, thuế quan của Mỹ sẽ đạt đến mức chưa từng thấy kể từ Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, đạo luật đã kích động một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu và làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái", chuyên gia Scott Lincicome và Colin Grabow tại Viện Cato nhận định.

Các thành viên cấp cao của đảng Dân chủ cũng chỉ trích biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ Ron Wyden của bang Oregon cho biết mức thuế mới sẽ làm tăng giá cả và làm tăng thêm sự bất ổn cho các doanh nghiệp.

"Kế hoạch thuế quan thiển cận của ông Trump sẽ không giúp khôi phục ngành sản xuất của Mỹ hoặc giúp cải thiện cuộc sống cho các gia đình lao động. Đây thực chất là thuế đánh vào hầu hết mọi thứ mà các gia đình mua sắm, để ông Trump có thể giảm thuế cho những người bạn tỷ phú của mình", ông Wyden cho biết thêm.

Nhiều nhà kinh tế đã đưa ra dự báo theo hướng giảm tăng trưởng và tăng lạm phát sau tuyên bố thuế quan của ông Trump.

Nancy Lazar, chuyên gia kinh tế toàn cầu tại ngân hàng đầu tư Piper Sandler, ước tính tăng trưởng trong quý 2 có thể giảm 1% vì giá cả sẽ tăng mạnh hơn. Theo chuyên gia, "điều này sẽ tác động tiêu cực đến không gian tiêu dùng nhiều hơn chúng ta dự đoán".

"Đây là một đòn giáng ngay lập tức vào nền kinh tế", chuyên gia Lazar cảnh báo.

James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế tại tập đoàn tài chính ING, cảnh báo mức thuế quan lớn và khả năng trả đũa rất cao từ các quốc gia khác sẽ "làm giảm sức mua" cũng như làm giảm lợi nhuận của công ty.

"Đó là lý do tất cả chúng ta đều phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng", ông Knightley nói về sự thay đổi lớn hơn trên Phố Wall.

Exiger, công ty lập bản đồ chuỗi cung ứng, mô tả thông báo của ông Trump về thuế đối ứng là "sự thay đổi chính sách to lớn định hình lại nguồn cung ứng, giá cả và chiến lược địa chính trị".

Nhóm doanh nghiệp ủng hộ

Bất chấp phản ứng dữ dội, một số nhóm doanh nghiệp đã ca ngợi các biện pháp thuế quan mới của Tổng thống Trump.

"Đây có thể được coi là hành động chính sách thương mại và kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, củng cố di sản của Tổng thống Trump khi ông đang tìm cách mở ra một thời đại hoàng kim mới về sản xuất kinh tế và thịnh vượng", Nick Iacovella, phó chủ tịch điều hành Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng, một nhóm ủng hộ thuế quan, tuyên bố.

Ông Iacovella cho biết thuế quan sẽ góp phần vào "việc tái công nghiệp hóa rộng rãi và tạo ra việc làm cho tầng lớp lao động tại Mỹ".

Kevin Dempsey, chủ tịch Viện Sắt Thép Mỹ, cảm ơn Tổng thống Trump đã "đứng lên vì người lao động Mỹ".

"Các nhà sản xuất thép của Mỹ đều quá quen thuộc với những tác động tiêu cực của các hành động thương mại không công bằng từ nước ngoài đối với các ngành công nghiệp và người lao động trong nước", ông Kevin nói.

John Williams, giám đốc điều hành của Liên minh Tôm miền Nam, cho rằng ngành của ông đã "chứng kiến các doanh nghiệp gia đình nhiều thế hệ không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài khi họ chơi theo một bộ quy tắc hoàn toàn khác".

"Chúng tôi biết ơn các hành động của chính quyền Trump hôm nay, giúp bảo vệ việc làm của người Mỹ, an ninh lương thực và cam kết của chúng tôi đối với sản xuất có đạo đức", ông nói thêm.

Chủ tịch Ủy ban Thuế vụ Hạ viện Jason Smith bày tỏ sự lạc quan rằng chính sách thuế quan của Tổng thống Trump sẽ là công cụ hiệu quả để hạn chế các hành vi lạm dụng thương mại từ các đối tác thương mại của Mỹ.

"Những mức thuế quan này tận dụng sức mạnh của thị trường lớn nhất thế giới để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho nông dân, nhà sản xuất và công nhân Mỹ", ông Smith nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Tranh cãi gay gắt trong nội bộ nước Mỹ về đòn thuế mới của ông Trump" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.