
Nhà máy dầu ở Nizhnekamsk, Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga (Ảnh: Reuters).
Cuối tuần qua, ông Trump cho biết ông "rất tức giận" về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có phát ngôn mà Tổng thống Mỹ cho rằng "có thể làm trì hoãn" tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Cụ thể, ông Putin ngày 27/3 cho rằng Ukraine cần lập chính quyền lâm thời, do Liên hợp quốc kiểm soát, để ký thỏa thuận hòa bình vì Moscow cho rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hết nhiệm kỳ từ năm ngoái.
"Chắc chắn tôi sẽ không vui nếu họ đang chỉ làm chúng tôi chậm lại. Ông Putin lẽ ra phải ký một thỏa thuận với ông Zelensky, dù ông ấy có thích Tổng thống Ukraine hay không. Vì vậy, tôi không vui với điều đó", ông Trump nói.
Ông đã cảnh báo sẽ áp thuế 25% đối với dầu mỏ của Nga nếu Kremlin không tuân thủ các điều khoản đã được thảo luận trong các cuộc đàm phán hòa bình gần đây tại Ả rập Xê út.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế và địa chính trị hoài nghi về tính hiệu quả của những lời cảnh báo như vậy.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, sau khi chơi golf với ông Trump vào cuối tuần, đã nói: "Tôi nghĩ rằng Tổng thống Mỹ là một nhà đàm phán rất tài năng, và ông ấy đang cố gắng tìm ra sự cân bằng đúng đắn.
Thông điệp của tôi là, ông ấy là người duy nhất có thể làm được điều này, và bây giờ chúng ta cần một thời hạn cho lệnh ngừng bắn. Và đối với tôi, thời hạn sẽ là ngày 20/4, khi ông ấy đã nắm quyền được ba tháng, và cũng là khi chúng ta có lễ Phục Sinh".
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: "Đây là lĩnh vực mà ông Putin mạnh nhất. Và tôi nghĩ, khi ông ấy họp mặt hay điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người Nga rất giỏi trong việc điều chỉnh ngôn ngữ và chạm vào các vấn đề nhạy cảm, khiến mọi chuyện trông như thể mọi thứ sẽ ổn".
Các nhà phân tích cho rằng tác động của bất kỳ hình phạt nào của Mỹ đối với việc mua dầu mỏ Nga sẽ bị hạn chế.
Các mức thuế này có thể làm tăng giá dầu trong ngắn hạn nếu các quốc gia chuyển sang các nguồn dầu khác. Tuy nhiên, hiệu quả của các mức thuế và sự biến động thị trường là không rõ ràng ở thời điểm này, do thiếu các chi tiết, đặc biệt là về cách thức áp dụng thuế, vì Mỹ không nhập khẩu sản phẩm dầu khí nào trực tiếp từ Nga.
Hầu hết các nhà kinh tế đã hiểu khái niệm "thuế" mà ông Trump cảnh báo có thể là các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên khách hàng mua dầu của Nga.
Khi được phỏng vấn trên MSNBC vào ngày 31/3, Richard Haas, chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã nói: "Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, 3 quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất từ Nga. Vì vậy, chúng ta sẽ tạo ra các vấn đề song phương với tất cả họ mà không thực sự gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga".
Ấn Độ, một trong những thành viên sáng lập của nhóm BRICS, bao gồm Nga và Trung Quốc, là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu mỏ Nga.
Là quốc gia có dân số lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã tích cực tiêu thụ dầu mỏ Nga với mức giá được chiết khấu, đồng thời cố gắng duy trì quan hệ chặt chẽ với Washington.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ, đồng thời vẫn tiêu thụ một lượng dầu thô Nga kỷ lục. Vào năm 2024, tỷ lệ dầu Nga nhập khẩu vào Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục 2,07 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 7, vượt qua số thùng dầu Trung Quốc nhập từ Nga.
Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý rằng lá bài thuế quan của ông Trump, mặc dù có thể không hiệu quả lắm, nhưng có thể đủ để làm ảnh hưởng đến Kremlin, vốn hơn bao giờ hết yêu cầu phương Tây nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga để đổi lấy hòa bình.
"Nếu ông Putin tin rằng ông Trump sẽ thực hiện việc tăng mạnh các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, ông ấy có thể sẽ lùi bước ít nhất là đủ để ông Trump có thể xuất hiện như là người chiến thắng trong các cuộc đàm phán", nhà phân tích hàng hóa Clyde Russell cho biết.
Nga vẫn đang chọn cách tiếp cận mềm mỏng trước cảnh báo của ông Trump khi quan hệ giữa 2 nước đã có bước tiến trong thời gian qua.
Khi được hỏi về bình luận của ông Trump, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow vẫn tiếp tục hợp tác với Washington liên quan tới tình hình Ukraine và ông Putin vẫn để ngỏ khả năng liên lạc với ông Trump.
Giới quan sát cho rằng, Nga vẫn chọn cách tiếp cận này nhằm tranh thủ thời điểm đàm phán để đạt được lợi thế lớn hơn trên chiến trường, để tạo ra vị thế tốt hơn trong các cuộc thương lượng trong tương lai.