Vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng hàng không Jeju Air tại sân bay quốc tế Muan vào ngày 29/12 đã đặt ra nhiều nghi vấn về các lỗi thiết kế cũng như thiếu sót trong quá trình vận hành sân bay.
Với 179 người thiệt mạng, đây là thảm họa hàng không dân dụng trong nước chết chóc nhất của Hàn Quốc và đánh dấu sự cố thương vong lớn đầu tiên liên quan đến một hãng hàng không giá rẻ trong lịch sử đất nước, theo JoongAng Ilbo.
Các chuyên gia chỉ ra một số yếu tố được cho là góp phần dẫn đến thảm kịch hàng không khiến 179 người thiệt mạng, bao gồm đường băng ngắn, thiếu biện pháp giảm thiểu rủi ro va chạm với chim và kinh nghiệm hạn chế khi vận hành sân bay.
Mở cửa vào năm 2007, sân bay quốc tế Muan được kỳ vọng trở thành một trung tâm vận tải cho khu vực phía tây nam Hàn Quốc. Việc xây dựng sân bay bắt đầu vào năm 1999 như một phần của "cam kết chính trị" dưới thời chính quyền Tổng thống Kim Dae-jung.
Ban đầu, sân bay đặt mục tiêu đón 9,92 triệu hành khách mỗi năm, nhưng vào năm ngoái con số này chỉ đạt 246.000 hành khách.
Đường băng ngắn
Một hạn chế đáng chú ý là đường cất hạ cánh dài 2,8km của sân bay Muan, ngắn hơn hầu hết các sân bay quốc tế. Để so sánh, đường băng tại sân bay quốc tế Incheon dài 3,75km, trong khi tại các sân bay Gimpo, Gimhae và Jeju dài hơn 3km.
Các sân bay lớn quy mô toàn cầu như JFK ở New York và Charles de Gaulle ở Paris thường có đường cất hạ cánh dài hơn 4km. Đường băng ngắn hơn tại Muan cũng hạn chế hoạt động của máy bay có trọng tải vượt quá 400 tấn.
"Chiều dài đường băng hiện tại ở sân bay Muan nhìn chung đủ cho các hoạt động bay thông thường, nhưng lại gây ra rủi ro trong các tình huống khẩn cấp như hạ cánh bằng bụng", Kim Kyu-hwan, giám đốc Trung tâm đào tạo hàng không của Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc (KAC) cho biết.
Kim In-kyu, giám đốc Trung tâm đào tạo bay của Đại học hàng không vũ trụ Hàn Quốc, nhận định, "mặc dù chiều dài đường băng không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tai nạn, nhưng một đường cất hạ cánh dài hơn có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn".
Tuy nhiên, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông đã hạ thấp vai trò của đường băng, lưu ý rằng máy bay gặp nạn có khả năng hạ cánh trên đường băng ngắn tới 1,5km.
Thiếu biện pháp giảm thiểu rủi ro
Theo các chuyên gia, một cú va chạm với chim cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tai nạn máy bay ở sân bay Muan. Các chuyên gia cho rằng va chạm với chim có thể khiến càng đáp của máy bay bị hỏng.
Những lo ngại về nguy cơ va chạm với chim đã được đề cập đến kể từ khi xây dựng sân bay Muan. Hơn 12.000 loài chim di cư bay qua khu vực này mỗi năm.
Các nhà chức trách đã tiến hành đánh giá tác động môi trường ngay từ khi lên kế hoạch xây dựng sân bay. Các biện pháp như phát loa, chiếu tia laser và đèn cảnh báo đã được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ máy bay va chạm với chim. Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp này đã bị trì hoãn, được cho là do hoạt động mở rộng đường cất hạ cánh đang diễn ra tại sân bay.
Sân bay Muan ghi nhận tỷ lệ máy bay va chạm với chim cao nhất trong số các sân bay của Hàn Quốc, với 10 sự cố được báo cáo từ năm 2019 đến tháng 8/2024. Trong thời gian đó, 11.004 chuyến bay đã hoạt động tại sân bay, tương ứng với tỷ lệ va chạm với chim là 0,09%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 0,013% tại Jeju và 0,018% tại Gimpo.
Khả năng sẵn sàng hoạt động của máy bay cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Cho đến tháng 12, Muan chưa từng vận hành các chuyến bay quốc tế trong 17 năm qua. Chuyến bay gặp nạn của Jeju Air là một phần của tuyến bay Muan - Bangkok mới được đưa vào khai thác từ ngày 8/12.
KAC, đơn vị quản lý sân bay Muan, cũng không có giám đốc điều hành trong 8 tháng sau khi người lãnh đạo trước đó từ chức vào tháng 4.
Một cựu phi công đã lưu ý đến những sai sót về quy trình trong việc ứng phó với tình huống khẩn cấp khi máy bay của Jeju Air gặp nạn.
"Sau cảnh báo va chạm với chim và tuyên bố khẩn cấp, tình hình xấu đi nhanh chóng. Các nhà điều tra cần xác định xem bộ phận kiểm soát không lưu có xử lý tình huống khẩn cấp hiệu quả hay không và liệu có cân nhắc đến các phương án thay thế cho việc hạ cánh bằng bụng hay không", cựu phi công cho biết.
Sân bay có các Đội Cảnh báo Chim (BAT). Các đơn vị này thường sử dụng một số công cụ để xua đuổi chim khỏi khu vực sân bay. Họ liên lạc trực tiếp với tháp điều khiển khi phát hiện thấy đàn chim.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của trang Hankook Ilbo, chỉ có một thành viên BAT làm nhiệm vụ vào thời điểm máy bay Jeju Air gặp nạn.
Khối bê tông cuối đường băng
Các chuyên gia hàng không cho biết, giới chức trách sân bay ở Hàn Quốc cần phải giải trình về bức tường bê tông mà máy bay Jeju Air đã đâm vào khiến 179 người thiệt mạng hôm 29/12.
Chuyên gia an toàn hàng không hàng đầu David Learmount nói với Sky News, việc máy bay va chạm với bức tường hỗ trợ hệ thống dẫn đường ở cuối đường băng chính là "yếu tố mang tính quyết định" gây ra thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Ông nói: "Không có lý do chính đáng cho việc xây dựng bức tường ở đó. Tôi nghĩ việc bố trí bức tường ở vị trí đó gần như một hành động phạm tội".
Theo ông Learmount, hành khách trên máy bay vẫn có cơ hội sống sót cao sau khi phi công đưa máy bay đáp xuống đất mặc dù đang trượt về phía trước với tốc độ cao. Tuy nhiên, khi máy bay đến cuối sân bay và đâm vào tường hỗ trợ dẫn đường, máy bay gần như bị phá hủy ngay lập tức.
"Loại cấu trúc này không nên tồn tại ở đó", ông nhấn mạnh.
Bản đồ vệ tinh cho thấy cấu trúc bê tông này đã được xây dựng nhiều năm trước. Nó có hệ thống hỗ trợ hạ cánh, giúp phi công đáp máy bay vào ban đêm hoặc khi tầm nhìn kém. Tại hầu hết sân bay, hệ thống này được đặt trên các cấu trúc có thể thu gọn hoặc tháo lắp.
Ông Learmount nói: "Xây dựng một vật cứng cách khoảng 200m hoặc ngắn hơn ở gần đầu mút đường băng là điều tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ đâu trước đây".
Nếu máy bay không đâm vào bức tường này, ông cho rằng nó sẽ đâm xuyên qua hàng rào, trượt qua đường và có thể dừng lại ở cánh đồng bên cạnh. Vị chuyên gia khẳng định, có đủ không gian để máy bay giảm tốc độ và dừng hẳn, và hành khách sẽ sống sót.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc Joo Jong-wan khẳng định, chiều dài 2.800m của đường băng không phải là yếu tố gây nên vụ tai nạn, và các bức tường ở hai đầu được xây dựng theo tiêu chuẩn của ngành.