“Tham gia Shark Tank vì ở nhà con trai lớn thường hỏi: Vì sao mẹ làm Chủ tịch nhưng bố chỉ làm Phó chủ tịch”
“Hai vợ chồng Shark luôn thống nhất ngân sách chi trong chương trình. Nếu vượt quá, tôi phải hỏi ý kiến vợ”
“Mọi người lo cá mập hứa thì hay, nhưng làm không đến nơi đến chốn. Nói thật, tôi mới hứa ít thôi, nhưng gì tôi đã nói, chắc chắn sẽ làm”.
…
Trong văn phòng của Tập đoàn Thái Hương tại Hà Nội, Shark Thái nói nhiều về câu chuyện “được” và “mất” khi ngồi ghế nóng show truyền hình thực tế về khởi nghiệp hot nhất nhì ở thời điểm hiện tại.
Hơn một tiếng trò chuyện, vị cá mập kín tiếng nhiều lần nhắc đến bà xã - người cộng sự trong kinh doanh. Ông cũng không né tránh các câu hỏi về bản hợp đồng ký với nhà sản xuất, số tiền thực sự đã chi, thậm chí các drama thường gắn với truyền hình thực tế.
* Nhiều người gọi ông là “cá mập kín tiếng” khi hầu như hình ảnh của Tập đoàn Thái Hương đều gắn liền với vợ ông. Lý do nào khiến ông quyết định ngồi ghế nóng Shark Tank - chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp trên truyền hình?
- Trước đây, tôi chưa bao giờ có ý định xuất hiện trước truyền thông dù sở hữu một công ty làm trong lĩnh vực này. Tôi biết giá trị của sự bình yên, thoải mái khi sống kín tiếng. Nhiều doanh nhân có cuộc sống cá nhân mệt mỏi và bị ảnh hưởng nhiều khi xuất hiện quá thường xuyên trước công chúng.
Truyền thông là con dao hai lưỡi, nên khi xuất hiện, tôi phải chấp nhận cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, cả “được” và “mất”. Do đó, tôi cũng cân nhắc rất nhiều khi ngồi ghế nóng Shark Tank.
Nói về “được”. Tôi khởi nghiệp đã khá lâu, từng giúp đỡ cho nhiều công ty khởi nghiệp, đồng thời, cũng tham gia đào tạo. Tuy nhiên, khi hỏi về tôi, mọi người không biết quá nhiều thông tin. Tôi nghĩ đã đến lúc mình phải trở thành một ai đó để trao đi những giá trị và làm những công việc này chính danh hơn.
Điều quan trọng, tôi cũng là nhà đầu tư - tuy khá kín tiếng hay gọi nôm na là "cá mập ngoài bể" nhưng tôi luôn phát hiện và tìm kiếm các ý tưởng ra tiền. Do đó, thấy chương trình khá phù hợp với lĩnh vực mình đang làm, yêu thích. Nếu tham gia được, tôi sẽ có cơ hội đầu tư nhiều hơn, giúp các bạn trẻ khởi nghiệp bài bản hơn.
Một lý do khác hơi cá nhân, xuất phát từ gia đình. Tôi có ba đứa con, đặc biệt là có con trai lớn. Trong công ty, bạn nhỏ nhiều khi hỏi: Tại sao mẹ lại làm Chủ tịch mà bố chỉ là Phó Chủ tịch? Con thấy mẹ xuất hiện trên tivi, báo chí, nhưng lại không thấy bố xuất hiện?
Ở nhà, con không biết cụ thể tôi làm gì, dù thấy bố đi sớm về khuya. Tôi luôn tin tưởng rằng người bố sẽ là hình tượng cho những đứa con trai của mình. Tham gia chương trình, tôi cũng muốn tạo động lực và nguồn cảm hứng cho các con. Đó là ba lý do chính khiến tôi quyết định tham gia Shark Tank.
* Ông nhắc đến chuyện “được và mất” khi ngồi ghế nóng truyền hình thực tế. Trước khi tham gia chương trình, ông cân nhắc ra sao về những điều mình có thể mất?
Tất nhiên là có. Trước khi tham gia chương trình, tôi được tư vấn và cũng tham vấn ý kiến của nhiều người. Bản thân tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện về chương trình Shark Tank, có cả hiệu ứng tích cực và tiêu cực. Thậm chí, khi vừa có thông tin công bố sự xuất hiện của tôi trong dàn, bạn bè đối tác gọi điện cho tôi rất nhiều.
Trái lại với lo lắng của mọi người, bản thân tôi thấy khá thoải mái khi ngồi ghế nóng do không có mục tiêu vụ lợi cá nhân.
Mọi người thường lo sợ về khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra. Nhưng kinh doanh đã nhiều năm, tôi nghĩ mình có thể xây dựng được một số kịch bản lường trước rủi ro.
Thứ duy nhất tôi lo ngại là cuộc sống riêng tư có thể bị ảnh hưởng, bởi bình thường phong cách của tôi khá thoải mái. Song, tham gia chương trình cũng là cách để tôi thay đổi bản thân theo hướng hoàn thiện hơn. Thật may, tại Shark Tank, mọi người đặt cho tôi tên gọi thân thương là Shark nông dân, nên cuối cùng, tôi cũng không quá áp lực.
* Nhiều doanh nhân ngại tham gia truyền hình thực tế vì sợ drama hay “vạ miệng” trên sóng truyền hình. Khi trở thành “cá mập” của Shark Tank, ông có lo ngại điều này không?
Khi lên chương trình, tôi không sợ drama hay việc mình sẽ vạ miệng trên sóng truyền hình. Quan điểm của tôi là nếu không biết tôi sẽ im lặng. Còn đã nói, tôi sẽ nói thật lòng mình, chia sẻ những điều bản thân cho là đúng và hợp tình hợp lý.
Từ lâu tôi đã rèn luyện được điều này rồi nên khi vào chương trình tôi không bị “khớp”. Khi quay chương trình, trong đầu tôi không bao giờ có ý nghĩ mình phải nói gì đó quá lố để đề cao bản thân. Tôi sẽ không nói những gì mình không chắc chắn và làm đúng những gì mình cam kết thôi.
Đó là lý do tôi không vạ miệng trên sóng truyền hình. Đặt trong trường hợp phát ngôn của tôi có vấp phải các ý kiến trái chiều, tôi sẽ đón nhận theo cách cầu thị hơn, vì mình đã sống thật với những suy nghĩ ngay tại lúc đó.
Có một lo ngại khác, các startup sợ cá mập hứa thì hay, nhưng làm không đến nơi đến chốn. Nhưng tại chương trình, tôi mới hứa ít thôi. (Cười). Và những điều đã hứa, chắc chắn tôi sẽ thực hiện. Chỉ sợ các bạn startup có muốn nhận lời hứa đó hay không. Tính đến bây giờ, tôi rất tự tin với những điều mình nói trong quá trình ngồi ghế nóng.
* Có “điều khoản” gì đặc biệt giữa ông và nhà sản xuất Shark Tank để hạn chế các rủi ro cho cá mập khi ngồi ghế nóng không?
Khi tham gia chương trình, mọi cam kết đều được thể hiện bằng hợp đồng nên khá rõ ràng. Về cơ bản, có nhiều thông tin nằm trong các cam kết bảo mật nên tôi không thể tiết lộ được.
Tuy nhiên, có một số thắc mắc tôi nghĩ mình có thể bật mí. Người Việt thường quan tâm khi ngồi ghế nóng, cá mập có đủ tiền và sẵn sàng giải ngân không. Trở thành cá mập trong Shark Tank, tôi phải cam kết mình sẽ đầu tư tối thiểu bao nhiêu. Tất nhiên, con số tối thiểu tôi không thể nói.
Bên cạnh đó, chương trình cũng cần các Shark phải chứng minh được dòng tiền hiện có, số tiền có thể giải ngân nếu thương vụ thành công. Chẳng hạn như tôi nói mình có thể giải ngân 100 tỷ đồng. Với con số này, tôi phải chứng minh mình giải ngân như thế nào, bằng cách nào, nguồn vốn ở đâu.
* Quá kín tiếng trước truyền thông, ông đã từng gặp tình huống các startup “ngó lơ” mình khi thương thảo chưa?
Trong những buổi ghi hình đầu tiên, không ai quan tâm đến tôi cả. Ánh mắt của các startup thường hướng về các Shark khác mà đôi khi không tập trung vào câu hỏi của tôi quá nhiều. Thậm chí, một số startup còn không biết tên tôi. Điều này cũng khiến cảm hứng của tôi ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, để giải quyết tình huống này, tôi nghĩ mình cần tập trung vào công việc khi lầm cá mập. Tôi đưa thêm các câu hỏi và lời khuyên cho các startup dựa trên kinh nghiệm thực chiến của mình. Từ những thương vụ đầu tiên không được chú ý, lâu dần, startup cũng có cảm tình với tôi hơn khi chứng kiến Shark Thái ra deal hay thể hiện.
Đến lần ghi hình thứ hai, thứ ba mọi thứ khác hoàn toàn. Các bạn startup và bản thân tôi cũng có sự nhập cuộc tốt hơn.
* Là một ẩn số trong dàn cá mập năm nay, ông đánh giá bản thân mình có lợi thế gì?
Tôi không muốn nói quá nhiều về bản thân, nhưng đây là điều các Shark khác đánh giá.
Đầu tiên, tôi làm sản xuất - lĩnh vực mà hiếm các Shark đi sâu vào. Khi làm sản xuất, bạn buộc phải làm thương mại trước bởi đây là lĩnh vực rộng đòi hỏi doanh nhân phải hiểu sâu sản phẩm, thị trường và sở hữu năng lực nghiên cứu sản phẩm. Do đó, việc vận hành một doanh nghiệp cũng khó và phức tạp hơn.
Lợi thế thứ hai tôi nghĩ mình có tốc độ khởi nghiệp nhanh hơn. Tôi đã tìm hiểu về các cá mập khác, đa phần họ khởi nghiệp khi lớn tuổi và thời gian khởi nghiệp cũng lâu hơn tôi. Khi khởi nghiệp, tôi chỉ mất khoảng 4-5 năm để biến một công ty startup trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm thành công ty lớn trong ngành về sản xuất.
Thứ ba, tôi là người đến sau nên với các cá mập khác ít nhiều tôi đã tìm hiểu về họ. Thậm chí, tôi đã biết trước Shark Bình sẽ hỏi câu gì, Shark Minh hay nói điều gì và đâu là vấn đề họ quan tâm. Ngược lại, các cá mập khác không có quá nhiều thông tin về tôi. Thế nên, một số deal trong chương trình tôi nghĩ mình có nhiều cơ hội hơn để chiến thắng.
* Ông đang đề cập đến việc mình chỉ nhất 3-4 năm để thành công, tốc độ nhanh nhất trong dàn cá mập năm nay. Đâu là điểm điểm tựa giúp ông trong thời gian ngắn có thể xây dựng Thái Hương từ một startup đến doanh nghiệp lớn trong ngành mỹ phẩm?
Từ nhỏ, tôi đã đam mê công nghệ, thích tìm tòi, khám phá nhiều thứ. Khi vào Đại học, tôi lại học xây dựng rồi làm kinh doanh. Thế nhưng, với máu công nghệ ngấm vào bản thân từ nhỏ, nên dù học hay làm gì tôi luôn muốn áp dụng các công nghệ mới và sớm nhất.
Chẳng hạn, thời Đại học của tôi, Facebook vừa mở tại Việt Nam, tôi đã bắt đầu tìm hiểu kinh doanh và bán hàng trên đó. Thời điểm tôi khởi nghiệp, thật may, trùng với thời đại công nghệ số, mọi công đoạn đều được số hóa mạnh mẽ. Tất cả khâu vận hành từ kho bãi, kế toán… tại doanh nghiệp đều được áp dụng công nghệ mới nhất. Do đó, tôi có thể tối ưu năng suất, đạt tốc độ khởi nghiệp nhanh “khủng khiếp” như vậy.
* Ngoài công nghệ, theo ông, yếu tố sản phẩm giúp ông tối ưu hóa tốc độ thành công thế nào?
Phải nói thẳng, làm sản xuất vất vả hơn thương mại nhiều, lợi nhuận cũng thấp hơn.
Song, khi có tiền thay vì hưởng thụ hay rót tiền vào bất động sản, tôi đầu tư ngay cho sản phẩm bởi suy tư cho dài hạn. Nếu cứ làm thương mại, doanh nghiệp sẽ bị lệ thuộc vào nguồn hàng, không thể kiểm soát được chất lượng của sản phẩm. Đến một lúc nào đó, khi sản phẩm sẽ thiếu tính đột phá sẽ làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngay thời điểm có dòng tiền đều đặn từ việc làm thương mại, tôi đã dành dụm toàn bộ tiền để đầu tư cho sản xuất. Tôi rót tiền vào nghiên cứu, mua công nghệ rồi đất công nghiệp để xây nhà máy. Thậm chí, khi đi mua đất công nghiệp xây nhà máy đầu tiên, tôi và vợ vẫn ở nhà thuê. Chủ mảnh đất khi ấy còn bất ngờ vì thấy hai vợ chồng trẻ lại quan tâm đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên, đến giờ tôi không hối hận. Nếu không đến bây giờ mình mới đầu tư cho sản xuất, chắc chắn, tôi mất hoàn toàn lợi thế cạnh tranh của mình.
* Ngồi ghế nóng Shark Tank, ông là “cá mập” khá hào phóng khi mạnh tay ra “deal” với số tiền 25 tỷ đồng, gấp nhiều lần một số “cá mập” kỳ cựu. Một doanh nghiệp thế nào sẽ khiến ông sẵn sàng rót tiền?
Ở bên ngoài chương trình, tôi đầu tư khác hoàn toàn khi ngồi ghế nóng. Tham gia chương trình, tôi xác định đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Đã là các startup, bao giờ rủi ro cũng rất cao. Do đó, tôi có xu hướng chọn dự án nó có tính đột phá, mang lại các giá trị về con người hay xã hội cao hơn vấn đề tiền bạc.
Chẳng hạn khi đầu tư cho các startup về nông dân, tôi nghĩ, nếu không may thất bại, ít nhất vẫn tạo ra cho họ một kế sinh nhai.
Còn những dự án quá ổn định, không có tính đột quá, tôi không thích lắm.
Tuy nhiên, ở bên ngoài, tôi không có thiên hướng đầu tư vào các dự án quá rủi ro. Nếu luôn lựa chọn các phương án rủi ro, tôi sẽ luôn đặt doanh nghiệp và nhân sự của mình trong thế không an toàn. Bản thân tôi không muốn điều này.
Ở chương trình lại hoàn toàn khác, tôi chấp nhận rủi ro bởi đã chuẩn bị cho điều này. Mình có ngân sách và xác định có thể mất. Nếu như ở ngoài mình cũng rủi ro nốt sẽ rất dở. Mình phải lấy cái chắc chắn để “nuôi” đam mê đầu tư.
* Hứa chi hơn 1 triệu USD, số tiền không nhỏ cho các startup trong chương trình, ông có phải bàn bạc trước với vợ mình - người cũng là cộng sự quan trọng gây dựng Tập đoàn Thái Hương?
Ở công ty hay trong gia đình, tôi và vợ khá rạch ròi về vấn đề tiền bạc hay quản lý doanh nghiệp. Rạch ròi ở đây không phải là tôi thích làm gì thì làm, tiêu gì thì tiêu. Điều này có nghĩa, khi đã thống nhất, tôi có một danh mục đầu tư mà mình có quyền được sử dụng trong chương trình.
Trước khi ngồi ghế nóng, tôi và vợ đã thống nhất một quỹ ngân sách. Con số 25 tỷ đồng vẫn nằm trong dự tính ban đầu của tôi. Tất nhiên, nếu trong trường hợp có quá nhiều startup tiềm năng khiến tôi buộc phải chi vượt ngân sách, tất nhiên, tôi vẫn phải xin ý kiến vợ. Đấy là nguyên tắc chung khi chúng tôi xây dựng gia đình.
Hiện tại, số tiền thực sự được giải ngân là bao nhiêu, thưa ông?
Con số cụ thể tôi xin phép không thể tiết lộ vì nhiều lý do. Một là vấn đề bảo mật thông tin. Hai là nó cũng rất nhạy cảm với nhiều người. Tuy nhiên, cũng phải chia sẻ thật, tôi không giải ngân được quá nhiều.
Nhà đầu tư nào khi tham gia chương trình cũng muốn giải ngân. Cá nhân tôi đôi khi gặp áp lực giải ngân như một bạn nhân viên ngân hàng. Họ có áp lực giải ngân vốn vay còn là nhà đầu tư tôi cũng gặp tình trạng tương tự. Bởi lẽ, khi ngồi ghế nóng, tôi muốn mình phải đầu tư được một cái gì đó và đã có ngân sách sẵn sàng để rót tiền.
Ban đầu, tôi xác định sẽ khó giải ngân 100%, nhưng ít nhất sẽ đạt 60-70%. Hiện tại, tôi chưa giải ngân được nhiều. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên, có thể do tôi và một số startup chưa thực sự phù hợp. Một số khác, họ lên chương trình có thể không vì mục tiêu gọi vốn và nhận vốn.
Không thể phủ nhận Shark Tank tạo ra cú hích truyền thông lớn cho không chỉ các startup mà còn với cả các Shark. Tận dụng sức nóng từ Shark Tank, ông vạch ra hướng đi nào, dự định gì cho Tập đoàn Thái Hương trong năm tới?
Năm nay, tôi không quá áp lực về doanh thu hay các chỉ số tăng trưởng. Mục tiêu quan trọng nhất của tôi hiện tại là đảm bảo các đối tác, khách hàng thân thiết của Thái Hương đã sử dụng dịch vụ và làm việc sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm tới.
Còn mục tiêu thứ hai, tất nhiên rồi, là cá mập tôi mong Thái Hương có nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác với các đối tác khác để doanh nghiệp tăng trưởng hơn, nhân sự cải thiện được thu nhập và mức sống. Mục tiêu của tôi chỉ đơn thuần vậy thôi. Còn các mong ước cá nhân của tôi không có gì lớn cả.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!