"Tôi đã leo núi Thái Sơn (cao 1.545m) nhiều lần nên không sợ bất cứ điều kiện thời tiết nào", dòng trạng thái đăng lên mạng xã hội của một chàng trai ở Trung Quốc để quảng cáo về dịch vụ "bạn cùng leo núi".
Trong tiếng Trung Quốc, dịch vụ này có tên là "pei pa", nhằm cung cấp cho khách sự hỗ trợ để hoàn thành được các cung đường thử thách.
Những người làm công việc "bạn cùng leo núi" thường là sinh viên đại học, người đam mê thể dục có thể lực tốt, mức phí 200-600 nhân dân tệ/ngày (700.000 đồng - 2 triệu đồng/ngày).
Cách đây không lâu, Wendy Chen (sống ở Trung Quốc) quyết định chinh phục đỉnh núi Thái Sơn, nhưng cô không tìm được bạn đồng hành trong chuyến đi kéo dài 5 giờ.
Thay vì bỏ cuộc, cô gái này chọn dịch vụ "bạn cùng leo núi". Sau khi lên lộ trình và đánh giá tình trạng sức khỏe của Chen, chàng trai được thuê đảm nhận việc xách túi cho khách.
Chuyến leo núi bắt đầu từ 20h, hai người lên đến đỉnh đúng thời điểm bình minh. Chàng trai chuẩn bị quốc kỳ Trung Quốc và một số đồ dùng để chụp cho Chen những bức ảnh đẹp.
Mặc dù kỹ năng chụp ảnh của chàng trai chưa thật sự hoàn hảo nhưng Chen đánh giá chất lượng dịch vụ "đạt yêu cầu" và thanh toán chi phí 355 nhân dân tệ (1,2 triệu đồng).
Cô cho biết, sẵn sàng trả mức chi phí cao hơn cho những anh chàng đẹp trai làm dịch vụ này. "Mức độ đẹp trai cũng là một phần trong sức cuốn hút của họ", Chen nói.
Kiếm tiền nhiều hơn đi làm văn phòng
Chris Zhang (20 tuổi, sinh viên ở Trung Quốc) cho biết, anh đã làm công việc này từ hồi mùa hè. Trong vòng 3 tháng, chàng sinh viên kiếm được 20.000 nhân dân tệ (hơn 70 triệu đồng).
Trở thành người leo núi cùng khách không chỉ giúp Chris Zhang thêm thu nhập mà còn giúp anh được vận động nhiều hơn.
Trong khi đó, chàng trai Chen Wudi coi công việc leo núi cùng khách là nghề chính. Trước đây, anh làm nhân viên kinh doanh, sau đó quyết định nghỉ việc.
Hiện, mỗi tháng, anh kiếm được hơn 20.000 nhân dân tệ (hơn 70 triệu đồng), gấp đôi mức lương trung bình ở Trung Quốc. Nhờ tiền kiếm được, Chen Wudi chuyển về sống dưới chân núi Thái Sơn để tiện cho công việc.
Trong suốt hành trình, người được thuê sẽ kể những câu chuyện cười, ca hát, động viên, kéo tay và mang vác đồ đạc cho người leo núi... giúp họ có động lực và thêm trải nghiệm đáng nhớ. Hàng năm, thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 là lúc dịch vụ này hút khách nhất.
Dịch vụ thuê bạn cùng leo núi là một phần trong "kinh tế đồng hành" đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Lĩnh vực này được dự báo đạt giá trị 7 tỷ USD trong năm 2025 nhằm phục vụ những người muốn có bạn đồng hành để chơi trò chơi điện tử, đi mua sắm cùng...
Dịch vụ thuê bạn đồng hành ngày càng hút khách do tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm. Nửa đầu năm 2023, chỉ có 3,43 triệu cặp đôi kết hôn, mức thấp nhất từ năm 2013.
Theo hãng tin Tân Hoa Xã, ưu điểm của "kinh tế đồng hành" góp phần tạo thêm việc làm và đáp ứng nhu cầu của khách. Tuy nhiên, dịch vụ này cần sự giám sát chặt chẽ để tránh lừa đảo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.