Hãng tin Ba Lan Rzeczpospolita dẫn lời nghị sĩ đối lập Đức Roderich Kiesewetter nói rằng, Berlin sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc triển khai quân đội của nước này tới Ukraine với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Nhà lập pháp của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU) lập luận rằng với tư cách là một nền kinh tế lớn, Đức nên đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn đối với an ninh của châu Âu.
Theo ông Kiesewetter, Berlin có nghĩa vụ can thiệp "vào đúng thời điểm với quân đội được trang bị tốt".
Người phát ngôn quốc phòng của CDU lập luận rằng việc loại trừ một kịch bản như vậy là liều lĩnh và ủng hộ lực lượng gìn giữ hòa bình của Đức hoạt động trong khuôn khổ chung EU - NATO.
Vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố "nếu có lệnh ngừng bắn, cộng đồng phương Tây, các đối tác NATO, có thể là Liên hợp quốc và EU, sẽ phải thảo luận về cách thức làm thế nào để một nền hòa bình, lệnh ngừng bắn như vậy được đảm bảo".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào đầu tháng 12 năm ngoái đã có chuyến thăm không báo trước đến Kiev trên một chuyến tàu đặc biệt. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Scholz tới thủ đô Ukraine sau hai năm rưỡi.
Thông tin chi tiết về chương trình chuyến thăm không được tiết lộ, nhưng các nguồn tin trong chính phủ Đức cho hay chuyến đi liên quan đến thảo luận về viện trợ và hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine ở bước ngoặt mới.
Nhà lãnh đạo Đức cũng công bố gói viện trợ vũ khí trị giá 650 triệu euro (680 triệu USD) cho Ukraine.
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Scholz, Đức đã trở thành nước viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, ông thường bị chỉ trích vì cách tiếp cận thận trọng trong một số vấn đề quan trọng, như từ chối cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Kiev.
Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Đức diễn ra không lâu sau cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chính phủ Đức cho biết cuộc trao đổi là một phần trong nỗ lực của Berlin nhằm thúc đẩy tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột và khẳng định sự ủng hộ của Đức dành cho Ukraine. Tuy nhiên, Kiev chỉ trích cuộc điện đàm của Thủ tướng Scholz làm suy yếu nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga.
Trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần 3 năm qua, hầu hết các nước phương Tây đều bác bỏ kịch bản triển khai quân đội đến Ukraine để hỗ trợ đẩy lùi lực lượng Nga do lo ngại một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Moscow.
Tuy vậy, phương Tây không ít lần vượt qua các "lằn ranh đỏ" do Nga đặt ra, ban đầu là cung cấp vũ khí sát thương cỡ nhỏ cho Ukraine, tiếp đến là xe tăng, máy bay chiến đấu và gần đây nhất là cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa do Mỹ và đồng minh viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.