Trong suốt gần 3 năm chiến sự, dòng khí đốt vẫn được duy trì. Tuy nhiên, tập đoàn khí đốt của Nga, Gazprom, thông báo hôm 1/1 đã ngừng cung cấp sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển.
Việc chấm dứt này, được dự báo trước, sẽ không ảnh hưởng về giá năng lượng tại Liên minh châu Âu (EU). Đây là sự khác biệt so với năm 2022, khi nguồn cung giảm mạnh từ Nga đã đẩy giá khí đốt lên mức kỷ lục, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và gây áp lực lên năng lực cạnh tranh của châu Âu.
Nhiều quốc gia EU vẫn sử dụng khí đốt Nga qua Ukraine đã chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế. Trong khi đó, Hungary sẽ tiếp tục nhận khí đốt từ Nga qua đường ống TurkStream đi qua Biển Đen.
Nhưng Transdniestria, khu vực ly khai thân Nga thuộc Moldova, nước láng giềng của Ukraine, đang phải chịu tác động trực tiếp từ việc ngừng trung chuyển này. Khu vực đã phải cắt nguồn cung cấp sưởi ấm và nước nóng cho các hộ gia đình vào sáng sớm ngày 1/1. Công ty năng lượng địa phương Tirasteploenergo kêu gọi người dân giữ ấm bằng cách mặc thêm quần áo, treo chăn hoặc rèm dày lên cửa sổ, và tận dụng các thiết bị sưởi ấm điện.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trên Telegram rằng việc chấm dứt vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua Ukraine là "một trong những thất bại lớn nhất của Moscow" và kêu gọi Mỹ cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu.
"Càng có nhiều đối tác thực sự của châu Âu trên thị trường, chúng ta sẽ càng nhanh chóng vượt qua những hậu quả tiêu cực cuối cùng của sự phụ thuộc năng lượng vào Nga", ông Zelensky cho hay.
Theo ông, nhiệm vụ chung của châu Âu hiện nay là hỗ trợ Moldova, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, trong giai đoạn chuyển đổi năng lượng này.
Ủy ban Châu Âu cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị cho việc cắt giảm này.
"Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt mà không cần Nga. Cơ sở hạ tầng này đã được tăng cường đáng kể với năng lực nhập khẩu LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) mới từ năm 2022, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho hay.
Nga và Liên Xô cũ đã dành nửa thế kỷ để xây dựng thị phần lớn trên thị trường khí đốt châu Âu, với đỉnh điểm là chiếm khoảng 35%. Tuy nhiên, EU đã cắt giảm mạnh sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga kể từ khi chiến sự ở Ukraine bắt đầu, bằng cách mua thêm khí đốt qua đường ống từ Na Uy và LNG từ Qatar và Mỹ.
Ukraine, quốc gia từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển, cho biết châu Âu đã đưa ra quyết định từ bỏ khí đốt của Nga.
"Chúng tôi đã dừng trung chuyển khí đốt Nga. Đây là một sự kiện mang tính lịch sử. Nga đang mất đi thị trường của mình và sẽ phải chịu tổn thất tài chính", Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko tuyên bố trong một thông báo.
Nguồn cung cấp thay thế
Ukraine sẽ mất tới 1 tỷ USD mỗi năm từ phí trung chuyển khí đốt của Nga. Để giúp bù đắp tác động, nước này sẽ tăng gấp 4 lần giá cước vận chuyển khí đốt đối với người tiêu dùng trong nước từ 1/1, điều này có thể khiến ngành công nghiệp của Ukraine thiệt hại hơn 1,6 tỷ hryvnias (tương đương triệu 38,2 USD) một năm.
Tập đoàn Nga Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD từ doanh thu bán khí đốt. Tập đoàn đã ngừng cung cấp cho công ty năng lượng OMV của Áo vào giữa tháng 11 do tranh chấp hợp đồng. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, khí đốt của Nga vẫn tiếp tục đến Áo qua Slovakia với khoảng 200 GWh mỗi ngày. Đối với ngày 1/1, chỉ khoảng 7 GWh/ngày chảy từ Slovakia sang Áo, theo cơ quan điều tiết năng lượng E-Control của Áo.
Công ty mua khí đốt chính của Slovakia, SPP, cho biết họ sẽ cung cấp cho khách hàng của mình chủ yếu thông qua đường ống từ Đức và Hungary, nhưng sẽ phải đối mặt với chi phí trung chuyển bổ sung.
Các tuyến đường ống kết hợp từ Nga đã cung cấp lượng khí đốt kỷ lục 201 tỷ m3 (bcm) cho châu Âu vào năm 2018.
Tuyến đường Nord Stream qua Biển Baltic đến Đức đã bị phá hủy vào năm 2022, và đường ống Yamal-Europe qua Belarus cũng đã ngừng hoạt động.
Nga đã vận chuyển khoảng 15 bcm khí đốt qua Ukraine vào năm 2023, giảm mạnh so với mức 65 bcm khi hợp đồng 5 năm cuối cùng bắt đầu vào năm 2020.