"Đó là những lập luận hoàn toàn vô trách nhiệm của những người kém hiểu biết về tình hình thực tế và không cảm thấy một chút trách nhiệm nào khi đưa ra những tuyên bố như vậy. Chúng tôi cũng lưu ý rằng tất cả những tuyên bố này đều ẩn danh", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 26/11, khi được hỏi về thông tin được đăng tải trước đó trên báo New York Times (Mỹ).
Trước đó, New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết, một số quan chức phương Tây giấu tên đã gợi ý rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đặt vũ khí hạt nhân ở Ukraine, mặc dù có lo ngại rằng bước đi như vậy sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo nguồn tin, giới chức phương Tây cho rằng đây sẽ được xem là biện pháp răn đe để đảm bảo an ninh cho Ukraine.
"Một số quan chức thậm chí còn gợi ý rằng ông Biden có thể trả lại vũ khí hạt nhân đã bị đưa ra khỏi Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ. Đó sẽ là một biện pháp răn đe tức thời và mạnh mẽ. Nhưng một bước đi như vậy sẽ rất phức tạp và có những tác động nghiêm trọng", New York Times bình luận.
Ukraine tuyên bố Mỹ và các đồng minh có nghĩa vụ bảo vệ Kiev vì Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Mỹ, Anh và Nga đã đưa ra các đảm bảo an ninh để đổi lấy việc loại bỏ các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô cũ khỏi lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng phàn nàn rằng Bản ghi nhớ Budapest vừa khiến Ukraine không có vũ khí hạt nhân để răn đe đối thủ, vừa mất an ninh.
Hồi tháng 10, Tổng thống Zelensky nói rằng để bảo đảm an ninh của chính mình, Ukraine sẽ cần phải gia nhập NATO hoặc cần có vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết Kiev không có kế hoạch phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và vẫn cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Báo The Times (Anh) dẫn nguồn tin nói rằng nếu sự hỗ trợ của Mỹ chấm dứt, Ukraine có thể phát triển bom hạt nhân trong vòng vài tháng.
Theo nguồn tin, một ghi chú phân tích về việc tạo ra bom hạt nhân được cho là đã được chuẩn bị cho Bộ Quốc phòng Ukraine.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Ukraine đã bác bỏ thông tin này, nhấn mạnh rằng Ukraine không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Họ sẽ tiếp tục duy trì các điều khoản của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, tuyên bố Kiev không có ý định chế tạo bom hạt nhân vì điều này cũng khó có thể thay đổi đáng kể tình hình trên tiền tuyến.
Theo ông, những thay đổi trên mặt trận sẽ đến từ việc Ukraine có đủ vũ khí, đặc biệt là vũ khí tầm xa, cũng như được phép tấn công sâu hơn vào Nga.
Ông cho rằng, ngay cả trong kịch bản Ukraine có thể phát triển vũ khí hạt nhân thì Kiev cũng không thể ngăn chặn được "một quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai thế giới (Nga)".
Nga dọa đáp trả thích đáng nếu bị tấn công
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 26/11 tuyên bố tình hình trên chiến trường cho thấy "vẫn còn một chặng đường dài phía trước" để đạt được giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Xét theo những gì đã diễn ra trên chiến trường, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước trước khi đạt được giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này. Washington và các vệ tinh của họ vẫn bị ám ảnh bởi ý tưởng gây ra thất bại chiến lược cho Nga và sẵn sàng làm mọi cách để đạt được mục tiêu này, mặc dù nó rất xa vời và không thực tế", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Rossiiskaya Gazeta.
"Việc tiến hành các cuộc không kích sâu bên trong lãnh thổ Nga đã góp phần vào sự leo thang này, trong khi họ phớt lờ cảnh báo của chúng tôi rằng những hành động không thể chấp nhận được này sẽ phải chịu đòn đáp trả thích đáng", nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói thêm.
Ông cho biết, trong bài phát biểu ngày 21/11, Tổng thống Vladimir Putin đã nêu rõ cách Nga sẽ phản ứng với các động thái của phương Tây.
"Tôi chắc chắn rằng bất kỳ ai gây tổn hại cho Nga hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng của Nga đều sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Lavrov nói tiếp.
"Bất kể đối phương làm gì để leo thang tình hình, họ sẽ không bao giờ khiến chúng tôi từ bỏ nỗ lực đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Để diễn giải lại lời của Tổng thống Vladimir Putin, chúng tôi sẵn sàng đối mặt với bất kỳ diễn biến nào nhưng muốn giải quyết các vấn đề và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình", ông nhấn mạnh.