"Chúng tôi nhẹ nhõm khi Tổng thống Yoon đã đảo ngược quyết định về lệnh thiết quân luật đáng lo ngại của mình và tôn trọng cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Hàn Quốc nhằm chấm dứt lệnh thiết quân luật", người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố hôm 3/12.
"Dân chủ là nền tảng của liên minh Mỹ - Hàn Quốc và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình", quan chức Mỹ cho biết thêm.
Trước khi thiết quân luật được dỡ bỏ, người phát ngôn cho biết Mỹ "rất lo ngại", đồng thời lưu ý rằng Washington không được thông báo trước về tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu khả năng các nước phương Tây có thể sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Hàn Quốc để đáp trả các báo cáo về việc trấn áp các cuộc biểu tình chính trị ở nước này.
Trước đó, vào đêm 3/12, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Hàn quốc Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật. Lý do ông Yoon đưa ra là "để bảo vệ một Hàn Quốc tự do khỏi các mối đe dọa từ lực lượng Triều Tiên và để loại bỏ các thành phần chống nhà nước".
Sắc lệnh thiết quân luật cấm mọi hoạt động chính trị, bao gồm cả các cuộc biểu tình và hoạt động của các đảng phái chính trị. Ngoài ra, sắc lệnh yêu cầu đặt tất cả các phương tiện truyền thông và nhà xuất bản dưới sự kiểm soát của quân đội.
Sắc lệnh yêu cầu các bác sĩ thực tập sinh đình công phải ngay lập tức quay lại làm việc trong vòng 48 giờ. Theo sắc lệnh, người vi phạm thiết quân luật có thể bị bắt hoặc bị khám xét.
Quốc hội Hàn Quốc đã triệu tập khẩn cấp ngay trong đêm để bỏ phiếu chặn lệnh thiết quân luật của tổng thống. Nội các Hàn Quốc sau đó đã bỏ phiếu dỡ bỏ lệnh thiết quân luật gây tranh cãi kéo dài khoảng 6 giờ đồng hồ.
Chủ tịch quốc hội Hàn Quốc Woo Won-sik tuyên bố lệnh thiết quân luật là "vô hiệu" sau khi các nhà lập pháp bỏ phiếu bãi bỏ sắc lệnh. Vào sáng 4/12, Tổng thống Yoon thông báo sẽ dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc ban bố lệnh thiết quân luật trong vòng 44 năm qua. Sắc lệnh khiến đồng won mất giá mạnh. Ở thủ đô Seoul, nhiều người dân đã biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội để phản đối thiết quân luật.
Động thái của Tổng thống Yoon cũng vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các đảng đối lập. Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung gọi quyết định của Tổng thống là "vi hiến" và kêu gọi điều tra người đứng đầu chính phủ.